Hướng ra biển khơi

27/05/2014 10:54

(Baonghean) - Gần đây, mặc dù tình hình an ninh trên biển có diễn biến phức tạp nhưng ngư dân ở Nghệ An vẫn thể hiện tinh thần quyết tâm bám biển mưu sinh, qua đó góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) chuẩn bị ra khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) chuẩn bị ra khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Trải muôn đời, biển luôn là một phần máu thịt, là một phần không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Trong chiến tranh, không ít ngư dân Nghệ An vẫn kiên cường bám biển vừa nhanh tay lưới, chắc tay súng một thời góp phần cung cấp thực phẩm cho bộ đội, dân quân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thời bình, vẫn nghề chài lưới, họ lại đoàn kết cùng nhau đóng mới tàu to, thuyền lớn, thành lập các tổ hợp tác tiến ra khơi xa. Trong hoạt động sản xuất, biển đã đóng góp không nhỏ để nâng cao đời sống cho người dân. Và đổi lại, chính những người con của biển là những “cột mốc chủ quyền sống” đang ngày đêm canh giữ chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm ấy. Trước hành động Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép HD 981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, ngư dân thể hiện thái độ hết sức phẫn nộ nhưng vẫn kiên cường bám biển, hăng say lao động sản xuất, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tại các địa phương có đông tàu thuyền khai thác, đánh bắt ngoài khơi như Quỳnh Lập, Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải (Quỳnh Lưu), Diễn Bích, Diễn Ngọc (Diễn Châu), tình hình hoạt động của ngư dân vẫn diễn ra bình thường, bà con đoàn kết, quyết tâm bám biển. Ngư dân Tô Duy Linh, xóm Minh Sơn (Tiến Thủy) cho biết, anh cũng như hầu hết các ngư dân tại Quỳnh Lưu rất bức xúc trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép cùng nhiều tàu hộ vệ với vũ khí hiện đại, máy bay hộ tống trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhiều ngày qua. Đây không chỉ là hành động ngang ngược, xâm phạm chủ quyền quốc gia đối với Việt Nam, trái với luật pháp quốc tế; đồng thời xua đuổi, dùng tàu lớn tông húc vào tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đang hành nghề khai thác thủy sản tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa nhiều đời nay của ngư dân Việt. Anh Linh khẳng định: Ngư trường của mình thì mình khai thác, không việc gì phải lo sợ. Hơn nữa hiện nay ngư dân chúng tôi khi ra khơi đánh bắt luôn đi theo tổ, nhóm để đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau. Đặc biệt, sau khi ra mắt, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam luôn có mặt tại các ngư trường, phối hợp với các lực lượng khác của Việt Nam để giúp đỡ, bảo vệ ngư dân, nên bà con yên tâm bám biển.

Giữa trưa nắng như đổ lửa tại cảng cá Lạch Quèn, anh Trương Văn Tình (xóm Minh Sơn, xã Tiến Thủy) chủ tàu NA 94888TS có công suất 570 CV cùng nhiều ngư dân khác đang hối hả chuẩn bị những dụng cụ, nhu yếu phẩm cần thiết đưa lên tàu để bắt đầu một chuyến đi biển mới. Anh Tình cho biết, khi nghe tin Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, anh cùng hàng trăm ngư dân khác trong xã đều phẫn nộ. Và hành động thiết thực để khẳng định chủ quyền biển đảo của anh và ngư dân trong xã là tiếp tục bám biển.

Mặc dù mới đi biển về nhưng nhiều tàu của anh lại nhanh chóng chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm để tiến ra vùng biển đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền. Anh Tình tâm sự: Mấy hôm nay ở trong bờ nghe tin tình hình ngoài đó căng thẳng quá, anh em ngư dân chúng tôi cũng cảm thấy “sôi máu”. Mặc dù, tàu chúng tôi có truyền thống đánh cá ở ngư trường Vịnh Bắc bộ rất xa so với vùng biển Hoàng Sa mà Trung Quốc đang đặt giàn khoan trái phép nhưng đối với ngư dân, biển nơi đâu cũng là nhà. Hơn 5 năm đi biển nhưng những chuyến đi biển gần đây trong tôi luôn có một cảm xúc thật đặc biệt. Tôi ra biển với tâm thế vì nhân dân mình, vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Khi đất nước cần, anh em chúng tôi sẽ góp phần cùng với các lực lượng khác quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia”, anh Tình tâm sự.

Những đội tàu chuẩn bị ra khơi.
Những đội tàu chuẩn bị ra khơi.

Không chỉ phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc về việc hạ đặt giàn khoan trái phép và ra lệnh cấm đánh bắt cá, anh Phan Văn Hải, xóm Hợp Tiến, xã Quỳnh Lập (TX Hoàng Mai) đang rất nóng lòng muốn được căng buồm cùng với ngư dân trên nhiều tỉnh thành khác được thẳng tiến ra đến Hoàng Sa. Vốn là con làng biển, sau khi học hết cấp 3, anh Hải không đăng ký thi vào đại học mà quyết tâm đi theo nghề biển. Bởi với anh, biển là người bạn thân thiết từ thuở nhỏ, là khát vọng chinh phục trong những lần được bố cho đi phụ trong những chuyến ra khơi. Bây giờ, với chiếc tàu có công suất 640 CV, anh Hải là người đầu tiên trên địa bàn tỉnh đăng ký đi khai thác ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là 2 ngư trường mới và chỉ được nghe bạn bè ở các tỉnh khác kể lại nhưng với anh, đó là khát vọng và mơ ước cháy bỏng. Anh Hải cho biết: Đây là ngư trường rộng lớn, dồi dào tôm cá và đặc biệt là có nhiều loài cá có giá trị cao. Nhưng hơn hết, khi đánh cá ở ngư trường này chính là đang góp sức mình cùng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Dù Trung Quốc có hung hăng, ngang ngược đến mấy mình cũng không sợ vì đó là biển của mình, là cá của mình, mình có quyền khai thác. Ngư dân chúng tôi xem biển như mẹ, như cha, mà con người thì ai có thể sống xa cha mẹ được đâu”, anh Hải trải lòng.

Bên cạnh đó, xuất phát từ hiệu quả của việc vươn khơi, khai thác xa bờ, nhiều ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư cải tạo nâng công suất và đóng mới tàu có công suất lớn, trang bị nhiều máy móc hiện đại phục vụ cho việc đánh bắt như máy Icom đường dài, bộ đàm, máy dò ngang... Vào thời điểm này, một trong những động lực góp phần đưa các đội tàu hùng mạnh ở các địa phương vững vàng ra khơi vừa khai thác hiệu quả cao vừa bảo đảm an toàn, nhất thiết các nhóm tàu của ngư dân phải luôn sát cánh bên nhau trong quá trình hoạt động. Hiện toàn tỉnh đã thành lập được 224 tổ hợp tác khai thác. Các tổ hợp tác trên biển đều gắn bó và có trách nhiệm hỗ trợ nhau trong sản xuất hoặc khi có sự cố.

Bên cạnh đó, việc thành lập các tiểu đội, trung đội dân quân biển ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò góp phần động viên ngư dân địa phương vững vàng bám biển, khai thác thủy hải sản, vừa tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới hiện nay. Ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hội nghề cá xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) cho biết, trong những ngày qua ngư dân trong xã vẫn đi biển bình thường vì đang vào mùa cá vụ nam, đây được xem là mùa “ăn nên làm ra” của bà con ngư dân. Đặc biệt, hàng chục tàu đánh bắt xa bờ vẫn kiên trì và đoàn kết hơn trong lúc ra khơi bám biển trong suốt những tuần qua. Hơn thế, phần vì phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc nên ngư dân trong xã càng quyết tâm bám biển.

Khơi xa kia chưa bao giờ bình yên. Nhưng tấm lòng khảng khái, ý chí quả quyết của ngư dân và lá cờ Tổ quốc rực đỏ trên những con tàu đã nói lên tất cả về bản lĩnh và niềm tin. “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa... Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi...”.

Phạm Bằng

Mới nhất
x
Hướng ra biển khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO