Hụt thu ngân sách 63.630 tỉ đồng do... "vung tay quá trán"
Giải trình trong phiên họp Quốc hội ngày 2.11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết hụt thu ngân sách năm 2013 là 63.630 tỉ đồng so với dự toán. Như vậy, đây là năm đầu tiên VN không hoàn thành dự toán thu ngân sách, buộc phải đề nghị tăng mức bội chi từ 4,8% lên 5,3% để bù đắp.
“Vung tay quá trán”
Đó là ví von của đại biểu QH Trần Du Lịch (TP.HCM) khi nói về bội chi ngân sách. Ông đưa ra nhận xét rằng, tình trạng “vung tay quá trán” đã khiến ngân sách thu không đủ chi, luôn lâm vào cảnh "giật gấu vá vai".
Theo đại biểu Trần Du Lịch, trong 5 nguyên nhân dẫn đến bội chi ngân sách, có hai nguyên nhân tích cực. Đó là nỗ lực đầu tư đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho CNH và thực hiện chính sách xã hội, giảm phân hóa giàu, nghèo, cách biệt nông thôn, đô thị…
Còn lại, ba nguyên nhân tiêu cực gồm: Duy trì quá lâu thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin - cho; “vung tay quá trán” trong chi tiêu và sự phình to của bộ máy nhà nước; thực thi kỷ cương, kỷ luật trong ngân sách chưa nghiêm và vấn đề thất thoát trong xây dựng cơ bản.
Để dẫn đến 1 trong 3 nguyên nhân tiêu cực này - theo đại biểu Lịch - là ở cấp ngành nào cũng "vẽ ra quá nhiều ghế, không ngân sách nào chịu nổi"!
Đồng tình với nhận xét trên, ý kiến của đại biểu QH Danh Út (Kiên Giang) dẫn chứng cụ thể hơn về việc phình to bộ máy nhà nước.
Ông cho rằng, hiện nay không còn bộ nào chỉ có 4 thứ trưởng như Quyết định 36 của Chính phủ đề ra, mà trên thực tế đều có từ 5 đến 7 thứ trưởng (đặc biệt có bộ lên tới 9 thứ trưởng).
Bộ máy cồng kềnh như vậy sẽ dẫn đến làm việc kém hiệu quả, ngân sách chi trả lương sẽ ngày càng tăng. “Chính phủ cần khẩn trương thực hiện khoán lương theo vị trí công việc, vừa tiếp kiệm chi cho bộ máy, vừa có điều kiện cải cách tiền lương” - đại biểu Danh Út đề nghị.
Tăng mức bội chi lên 5,3%
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra 3 nguyên nhân hụt thu ngân sách để dẫn chứng cho sự cần thiết phải tăng trần bội chi lên 5,3%.
Theo Bộ trưởng Dũng, nguyên nhân hụt thu chủ yếu nhất là do dự toán NS năm 2013 xây dựng cao so với khả năng thực hiện. Dự toán thu nội địa từ đất và thu xuất nhập khẩu năm 2013 đều tăng xấp xỉ 20% so với thực hiện năm 2012- là mức quá cao so với khả năng kinh tế.
Nguyên nhân thứ hai là năm 2013 phải thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cũng dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước. Và nguyên nhân còn lại là tăng trưởng thấp hơn dự kiến, cùng với việc quản lý điều hành cũng có lúc chưa hiệu quả nên một số đối tượng đã lợi dụng, gian lận và trốn lậu thuế.
Về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014, đa số các đại biểu QH tán thành việc tiếp tục giữ mức bội chi ngân sách là 5,3% và nguyên tắc xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách T.Ư năm 2014.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong chi tiêu ngân sách nhà nước; cân nhắc việc ban hành chính sách mới làm phát sinh chi ngân sách trong khi không cân đối được…
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đồng tình nâng mức bội chi lên 5,3% nhưng kiến nghị Chính phủ cần thực hiện nguyên tắc dựa vào cơ cấu thu để quyết định cơ cấu chi. Đã hụt thu thì phải giảm chi, vì nếu cứ chi như hiện nay thì nợ công sẽ tăng lên, không giảm được vào năm 2015 như Chính phủ đề ra.
Đại biểu QH Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) thì cho rằng, để đảm bảo mục tiêu ổn định và phục hồi kinh tế cuối năm 2015 thì nhất định phải tăng bội chi. Theo ông Kiêm, Chính phủ đề nghị nâng bội chi năm 2013, kể cả 2014 lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ cho ba năm (2014 - 2016), thì trong vòng 4 năm sắp tới phải huy động 400.000 tỉ đồng.
“Tuy rằng rất cao, nhưng không có cách nào khác là phải chấp nhận. Vẫn biết rằng, khi chấp nhận những con số này sẽ rất khó trong việc thực hiện lộ trình giảm bội chi ngân sách cho những năm sau”- ông Cao Sĩ Kiêm nói.
Đại biểu QH Lê Nam (Thanh Hóa) thì cho rằng, trong thời gian rất ngắn tới đây, sẽ chi ra một lượng tiền rất nhiều. Phải tính toán cho kỹ để giải quyết những mục tiêu ưu tiên theo lộ trình phát hành trái phiếu, đồng thời giải quyết được ngay những bức xúc của nhân dân, của đất nước.
Theo Laodong