Huy động nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ

24/08/2015 08:53

(Baonghean) - Hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua có sự gắn bó giữa sản xuất và đời sống, góp phần tạo ra năng suất, chất lượng cao hơn trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Tại cuộc tổng kết hoạt động KHCN cấp huyện vừa tổ chức tại Diễn Châu, các đại biểu đã được đi tham quan nhiều mô hình hiệu quả trên địa bàn, từ đó có thể nghiên cứu, ứng dụng tại địa bàn khác. Hội thảo là dịp để các huyện trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất. Ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu chia sẻ: Huyện phối hợp với Sở KHCN, thực hiện các đề tài, dự án đạt kết quả tốt, đúng tiến độ. 8 tháng đầu năm 2015, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN cho hiệu quả về kinh tế, như mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, mô hình nuôi vịt trời tại xã Diễn Phú, mô hình nuôi gà có sử dụng đệm lót sinh học Balasa No 1 tại xã Diễn Trung và mô hình nuôi đà điểu tại xã Diễn Thọ, dây chuyền đóng chai nước mắm tại Công ty CP thủy sản Vạn Phần, trồng lạc sen tại Diễn Hoa...

Còn kinh nghiệm của Quỳ Châu là ứng dụng KHCN nhân giống rễ hương bằng phương pháp dâm hom và hạt tại Thị trấn Tân Lạc, từ phương pháp này sẽ mở rộng diện tích trồng rễ hương trên địa bàn. Cùng đó, mô hình sản xuất hương nụ, hương vòng 600 hộp (mỗi vòng 10 hộp) công suất 5 vòng/phút đang phát huy hiệu quả tích cực. Việc ứng dụng KHCN đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm hương trầm, tạo thêm sản phẩm hương thẻ, hương vòng, hương nụ, nhân rộng các mô hình để tăng thêm thu nhập cho bà con…

Nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học ở xã Diễn Trung (Diễn Châu).
Nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học ở xã Diễn Trung (Diễn Châu).

Ngoài ra còn có một số mô hình được chia sẻ như “Ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cà chua trái vụ tại Nghệ An”, Nghiên cứu tuyển chọn bộ giống lúa chịu lạnh (japonnica) phù hợp với điều kiện khí hậu huyện Quế Phong, nghiên cứu xây dựng quy trình, sản xuất chế biến phát triển trà thảo dược tại huyện Yên Thành, hỗ trợ xây dựng mô hình chế biến sứa thương phẩm ăn liền tại Diễn Châu, “Phục tráng giống đậu tương Nam Đàn (giai đoạn 2), Ứng dụng tiến bộ KHKT xây dựng mô hình trồng đại táo 15 (Zizphus) trong điều kiện khí hậu ở huyện Con Cuông…

8 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn các huyện, thành thị đã tổ chức xây dựng được trên 150 mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Điển hình, huyện Tân Kỳ xây dựng 17 mô hình, Tương Dương 13 mô hình, Hưng Nguyên 11 mô hình, Quế Phong 7 mô hình… Các huyện, thành, thị cũng đã biên soạn được 8 quy trình kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để cấp phát tới tay bà con nông dân. Phối hợp với các đơn vị trạm, trại tổ chức 312 lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho trên 18.000 người tham gia.

Tuy nhiên hoạt động khoa học công nghệ vẫn còn những hạn chế, công tác tư vấn của Hội đồng KHCN cấp huyện còn yếu, việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào thực tế chưa được quản lý và thực hiện một cách thống nhất, dẫn đến việc đầu tư cho ứng dụng KHCN còn chồng chéo, có nơi lại phân tán. Chưa có các ứng dụng KHCN tạo thành chuỗi sản phẩm, tạo đột phá mang tính quyết định để các sản phẩm đặc sản, các cây con có giá trị ở các huyện trở thành sản phẩm hàng hóa. Trách nhiệm của lãnh đạo, kỹ năng quản lý của công chức về KHCN ở cấp huyện còn nhiều bất cập.

Thời gian qua, kinh tế hộ và kinh tế trang trại là đối tượng chính được KHCN tác động để gia tăng năng suất, hiệu quả và đã đạt được một số thành công nhất định. Song tính lan tỏa kém và chưa tạo được phong trào sâu rộng, bền vững. Cơ chế quản lý KH&CN nói chung và trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng đã có nhiều đổi mới song chưa thoát khỏi các cơ chế lạc hậu mang nặng tính hành chính, nguồn cấp nhỏ giọt và chưa huy động được xã hội hóa trong hoạt động KHCN. Thời gian tới ngành cần có những chương trình hành động để đầu tư cho sản phẩm mũi nhọn, sản phẩm đầu ngành của địa phương, tạo nguồn hàng hóa lớn, ổn định, cùng đó, thực hiện liên kết “4 nhà” một cách thực chất với sự tham gia hiệu quả hơn của nhà doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KHCN cho biết: Trong thời gian tới, ngành chú trọng hướng KHCN vào lĩnh vực tái cơ cấu, nâng cao năng suất chất lượng, phát triển thị trường, sở hữu trí tuệ. Đối với các đề tài dự án cấp tỉnh, chú ý nhân rộng các mô hình nuôi trồng có tính chọn lọc, quan tâm đến một số chính sách mới của KHCN và những lĩnh vực ưu tiên. Đề xuất một số chương trình chính sách mới như bảo tồn, khai thác quỹ gen, sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường, đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Không chọn xây dựng quá nhiều mô hình, cần nhân rộng các mô hình đã hiệu quả, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, quan tâm phát triển cây dược liệu. Tổ chức các đợt thanh kiểm tra về gian lận thương mại theo nhiệm vụ. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, phương pháp quản lý KHCN cấp huyện theo hướng: Tăng cường tính chủ động, sáng tạo của cấp huyện, tạo điều kiện để các huyện huy động nguồn lực cao hơn, đầu tư cho KHCN.

Văn Trường

Mới nhất
x
Huy động nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO