Huy động vốn tốt, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế
Năm 2025, nền kinh tế ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, các ngân hàng trên địa bàn Nghệ An đang tăng tốc huy động vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng. Qua đó, giúp đảm bảo thanh khoản ổn định và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Huy động tăng trưởng tốt
Đầu năm, nhiều ngân hàng ở Nghệ An duy trì lãi suất huy động như trong năm, nguồn vốn huy động dồi dào.
Ngân hàng HDBank Nghệ An duy trì lãi suất ở mức 3,35- 3,45%/năm đối với kỳ hạn 3-5 tháng; 4,6%/năm đối với kỳ hạn 7-11 tháng. Nhiều ngân hàng cổ phần như Vietbank, VIB,... có lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 6,1%/năm, kỳ hạn 24 tháng lên 6,3%/năm. Trong đó, Eximbank nâng lãi suất huy động cao nhất lên 6,8%/năm với kỳ hạn 24-36 tháng, giữ vị trí dẫn đầu thị trường.
![huy động vốn tăng tạo điều kiện thuận lợi cho vay phát triển kinh tế](https://bna.1cdn.vn/2025/01/04/bna_huy-dong-von-tang-tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-vay-phat-trien-kinh-te.jpg)
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc HDBank Nghệ An cho biết, ra Xuân nhu cầu vay vốn không nhiều nhưng nguồn tiền gửi trong dân dồi dào, huy động vốn tốt, 1 tháng ngân hàng chúng tôi huy động vài trăm tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng hơn 3%.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank vẫn duy trì lãi suất thấp hơn mặt bằng chung, dao động quanh mức 4,7-5%/năm ở kỳ hạn 12 tháng.
Đại diện Ngân hàng Vietinbank Nghệ An cho biết, đầu năm huy động tăng tốt, tiền nhàn rỗi nhiều, trong khi nhu cầu vay chưa cao nên lãi suất huy động giảm nhẹ so với thời điểm trước Tết. Từ đầu năm đến nay, riêng Vietinbank Nghệ An huy động tăng 7,2% rải đều cho cả khối dân cư và tổ chức, doanh nghiệp; cho vay tăng 3%. Năm 2024, Vietbank Nghệ An đạt kết quả kinh doanh tích cực, kết quả đó tạo đà cho mục tiêu năm nay huy động tăng 19%, cho vay tăng trên 20% trong năm 2025.
![HDbank nghệ an](https://bna.1cdn.vn/2025/02/09/bna_hdbank-nghe-an.jpeg)
Ngay đầu năm, các ngân hàng cần nguồn vốn lớn để phục vụ kế hoạch tín dụng cả năm. Chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng cho thấy, nhóm ngân hàng lớn có lợi thế về uy tín Nhà nước cùng với mối quan hệ với các tập đoàn lớn nên dễ dàng huy động vốn hơn, nhờ đó, nguồn vốn ổn định, thanh khoản hệ thống. Ngược lại, nhóm các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm. Đối với nhóm này lãi suất huy động cao hơn để hút vốn, đảm bảo thanh khoản, phục vụ các kế hoạch kinh doanh.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất huy động và tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Thời gian qua, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng, tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng 0,5%/năm, tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng 4,75%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên 4%/năm… Năm 2025, tiếp tục thực hiện các văn bản quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đến ngày 31/01/2024, nguồn vốn huy động tại địa bàn ước đạt 271.112 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1.349 tỷ đồng, bằng 0,5%. Tổng dư nợ ước đạt 326.734 tỷ đồng, tăng so với tháng trước 1.496 tỷ đồng, bằng 0,46%. Nếu không tính Ngân hàng Phát triển dư nợ đạt 318.734 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1.586 tỷ đồng, bằng 0,5%. Trong đó, dư nợ trung dài hạn ước chiếm 38,7% tổng dư nợ, dư nợ bằng VNĐ ước chiếm 99% tổng dư nợ.
Dư nợ một số chương trình tín dụng ước đến ngày 31/1/2025:
+ Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và địa bàn nông thôn toàn địa bàn ước là 142.400 tỷ đồng, chiếm 43,6% dư nợ toàn địa bàn.
+ Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ước đạt 19.829 tỷ đồng, chiếm 6% tổng dư nợ toàn địa bàn.
+ Dư nợ cho vay xuất khẩu ước đạt 2.420 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 5,4%.
+ Dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ ước còn 65 tỷ đồng, giảm 2,4% so với đầu năm.
+ Dư nợ cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ước còn 76 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm.
Thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ
Trong tháng 1/2025, bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An đã tổ chức triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách, các giải pháp về quản lý Nhà nước liên quan đến tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản. Đối với chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng (đến nay gói này đã tăng lên 145.000 tỷ đồng với 9 ngân hàng đăng ký) cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã công bố danh sách 3 dự án đáp ứng điều kiện pháp lý để được tiếp cận vay vốn theo Nghị quyết 33. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã và đang tích cực tiếp cận, tiếp nhận đề nghị vay vốn của chủ đầu tư.
![giao dịch tại Agribank chi nhánh Tây Nghệ An](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/bna_giao-dich-tai-agribank-chi-nhanh-tay-nghe-an.jpg)
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong đó, đặc biệt là việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến ngày 31/12/2024, đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 207 lượt khách hàng, với tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu lại là 2.583,6 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10%, tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18-20%.
![Sản xuất tại Công ty CP may Vinatex Hoàng Mai. Ảnh: Thu Huyền](https://bna.1cdn.vn/2025/02/03/bna_cty-cp-det-may-vinatex.jpg)
Hiện nay, ngành Ngân hàng đang tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân. Triển khai các gói tín dụng đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nỗ lực tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số...
Thống đốc NHNN vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN, ngày 20/1/2025 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 158/2024/QH15 ngày 25/11/2024 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, bám sát chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng NHNN về chủ trương, định hướng nhiệm vụ trọng tâm ngành Ngân hàng năm 2025, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2025, góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.