Huyền thoại đa làng

Trần Công Bổng 16/09/2022 09:00

(Baonghean.vn) - Có một cái gì đó thôi thúc tôi viết về “những hồn quê linh thiêng” của làng quê tôi, nơi tôi được sinh ra và lớn lên, đã từng chứng kiến, đã “sống” với “những hồn quê” đó. Bởi tôi nghĩ, nếu không ghi lại , “những hồn quê” đó sẽ ngày càng mai một , dần xa trong trí nhớ những người con của làn g…

Thế là tôi bắt đầu chuyện về cây đa làng tôi.

Ngày trước, Vĩnh Tuy quê tôi là một làng quê thanh bình, thơ mộng, được xem là làng quê mang nhiều nét đặc trưng của hồn quê Việt Nam, với “cây đa, bến nước, sân đình” mà trong ký ức tuổi thơ của tôi, mỗi chiều về tiếng chuông chùa Văn Sơn thong thả buông ngân như được cất lên từ mái đình cong cong, từ những chiếc lá của cây đa làng sừng sững nằm cách ngôi chùa không xa… Thế mà, những “vật thể hồn quê” ấy, theo thăng trầm của thời gian, lần lượt cùng nhau đi vào dĩ vãng xa xăm đã hàng thập kỉ, như chưa bao giờ đã tồn tại trên mảnh đất làng Vĩnh thân yêu của tôi.

Cây đa làng Trụ Thạch (Lý Thành, Yên Thành). Ảnh minh hoạ, tư liệu Báo Nghệ An.

Cũng như đình, chùa, miếu mạo, giếng nước…, hình bóng cây đa làng vẫn luôn gợi cho tôi những xúc cảm rất đỗi thân thương về quê hương xứ sở. Bởi, khi tôi lớn lên, biết nhận biết thì cây đa đã lừng lững ở góc Tây Nam bãi cát, cách xa phía sau làng gần chục nóc nhà. Thông thường, làng quê vùng Bắc bộ hay Bắc Trung bộ, cây đa được trồng ở nơi đắc địa, thoáng mát, trước, đầu hoặc giữa làng, hoặc nơi trú ngụ của đấng thánh thần, như cạnh đình, đền, miếu, được dân làng tôn sùng vì năng lực vô hình phù hộ độ trì cho con cháu bình an làm ăn, sinh sống. Nhưng không hiểu sao cây đa làng tôi lại nằm ở “cách xa” làng đến vậy?

Có thể chăng do trước đây (khoảng thời nhà Lý và trước đó nữa) tổ tiên làng tôi định cư ở sườn phía Bắc của hai ngọn rú Làng và rú Lẻ sau khi dời từ các hang động ở lèn xuống (lúc đó làng có tên là Vĩnh Hưng), thì cây đa ngày đó nằm ở trước và giữa làng, bên cạnh đường đi ra Chùa và ra giếng Chùa. Đến thời nhà Trần, sau khi được sự góp ý của Thượng Quốc công Trần Quốc Khang và trạng nguyên Bạch Liêu (khoảng năm 1270) thì làng mới được dời về sườn phía Nam các ngọn rú đó, làng được mang tên Kẻ Vĩnh (rồi sau này là Vĩnh Tuy) và có vị trí như ngày nay. Nhà cửa thì dời được, còn cây đa thì không, bởi có thể lúc đó nó đã khá cao lớn, xum xuê.

Cây đa cổ thụ ở xóm 10, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành. Ảnh minh hoạ: Huy Thư

Khi chúng tôi lớn lên đã thấy “Cụ Đa làng” như một lực sĩ, thân màu bạc thếch với thời gian, với 2 nhánh lớn như 2 cánh tay rắn chắc, hiên ngang giang rộng theo hướng tây - đông, nhánh thứ ba (giữa) chĩa lên trời xanh như “đầu một lực sĩ” ngẩng cao nhìn về phía bắc nơi có ngôi chùa cổ kính Văn Sơn cổ kính.

“Cụ” cao độ hai chục mét, thân chừng gần 2 người ôm, không có rễ phụ. Nhánh phía tây lớn nhất “giang cánh tay” về phía đường đi ra chùa như muốn che mát cho người đi đường. Trên mỗi nhánh có nhiều cành nhỏ. Các cụ cao niên làng tôi cho rằng: cây đa có 3 nhánh, theo phong thủy thì cây đa là biểu tượng cho Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà.

Cây đa làng tôi thuộc loại đa búp đỏ, lá to, dày, hình bầu dục thuôn, nhọn ở đỉnh lá, mặt trên màu xanh biếc, không có lông. Mặt dưới màu nhạt hơn và có một lớp lông mỏng, mịn. Theo người xưa quan niệm, đa búp đỏ không những là biểu tượng của sức sống dẻo dai, sự trường tồn; là biểu tượng tâm linh và thần quyền của con người mà còn dễ trồng, dễ sống, bóng mát tỏa rộng, có màu sắc đẹp nên nhiều làng chọn loại đa này để trồng “lấy phúc lộc” cho cháu con. Cũng như cây tùng, cây bách, đa không bị trụi lá về mùa đông. Nó chịu đựng được mọi thời tiết khắc nghiệt để xanh tốt quanh năm.

Các cụ cao niên của làng cũng không ai biết đích xác cây đa có từ bao giờ. Theo lời bà nội tôi (sinh năm 1888), thì cây đa có từ thời… các cụ. Nghĩa là đã có lâu lắm rồi, lúc sinh ra và lớn lên là bà đã thấy có cây đa cao to, vạm vỡ đứng ở đó. Cũng theo bà nội tôi, theo lời người xưa kể lại rằng: “Ngày xưa, có một đàn vẹt sống trong các cây lèn, gần khu chùa Văn Sơn, lông màu xanh biếc, mỏ đỏ, chân xám. Hàng ngày chúng đi kiếm mồi, cắp theo hạt đa chín mọng từ vùng khác, bay qua làng mình để về đậu ở lèn gần Mỏ Phượng, vô tình đánh rơi hạt xuống đất, hạt giống yêu đất, yêu quê nên bén rễ nảy mầm mọc thành cây đa cổ thụ cho đến ngày nay”. Cũng có người nói cây đa do tổ tiên người làng trồng để lấy bóng mát, tạo cảnh quan cho làng. Có người lại nói cây đa được trồng do một sư thầy trụ trì chùa Văn Sơn...

Dưới bóng đa làng. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Người xưa rất coi trọng việc trồng đa, bởi cây đa là biểu trưng của làng, không những thế còn để cho thần linh có nơi trú ngụ, mọi người có chỗ nghỉ ngơi, hóng mát, nên việc trồng đa được coi là một công việc hệ trọng, do vậy người ta chọn những người tuổi cao, có chức sắc, có uy tín.

Hầu như cây đa làng ở bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S đều linh thiêng với người Việt và xung quanh những cây đa ấy người ta có không ít huyền thoại về chúng và cho rằng cây đa là nơi thần ở. Người xưa cũng cho rằng: Cây đa cổ thụ do tích tụ được linh khí của trời đất, hồn làng, hồn nước cho nên rất linh thiêng và cũng có đời sống riêng.

Người làng tôi kể lại, một lần nhánh phía đông bị ngã xuống, chức sắc làng đã sai người đem chặt cành đa để phòng hậu họa. Lạ thay, người nào leo lên chặt cành đa cũng đều phải tụt xuống gốc vì sợ hãi. Họ đều kể câu chuyện giống nhau về ông lão râu tóc bạc phơ túm áo lôi xuống, với tiếng văng vẳng bên tai: “Kẻ chặt cành đa thì ba đời sẽ bị lụi bại”. Cuối cùng cành đa chẳng ai dám chặt, vẫn vươn ra khỏe mạnh cho đến mãi ngày bị phá.

Cây đa, giếng nước, mái đình từ bao đời đã là những hình ảnh thân thiết của những làng quê xứ Nghệ. Trong ảnh: Đình làng Trụ Pháp (Yên Thành). Ảnh tư liệu: Huy Thư

Ngày tôi mới lớn, làng Vĩnh còn nghèo xơ xác, nhà nào cũng mái tranh, vách đất. Đã thế, mùa hè năm nào cũng bị hỏa hoạn, có khi cháy một lúc mấy ngôi nhà liền nhau. Thời đó, người làng nói do “Cố Bợ” đốt. Nơi trú ngụ của “Cố Bợ” là gốc cây đa. “Cố” đi mây về gió như Tôn Ngộ Không. Không phải nhà ai cũng bị đốt, “Cố Bợ” chỉ đốt nhà nào có lý do gì đó mà chỉ có “Cố” biết được. Mà “Cố” đốt rất tinh quái, nhà bắt đầu cháy từ trên nóc cháy xuống, từ trong ra, từ những chiếc lạt buộc giữa tranh rạ với ống tre, rất khó chữa. Cũng vì thế, nếu có dịp đi một mình chúng tôi không dám ra cây đa, bởi hồi nhỏ nghe người lớn nói vậy là tin “sái cổ”. Mãi sau này lớn lên tôi mới biết “Cố Bợ” là một nhân vật huyền thoại, không có thực.

Tôi còn nhớ, những năm học cấp 3 trường huyện, hầu như sáng nào tôi cũng phải đi bộ một mình qua cây đa làng, qua bãi cát, chùa, giếng chùa, xuống làng Hào Kiệt, qua Văn Điển rồi sang Yên Nhân, qua cầu Dinh mới đến trường học. Nhiều hôm trời mưa phùn gió bấc, để kịp học, tôi phải đi sớm khi trời còn chưa rõ mặt người. Có lần, đầu đội chiếc mũ lá “Tràng Kè”, người mang tơi, vừa đến cây đa, trong tiếng gió lạnh thổi ù ù, tôi bỗng nghe tiếng “uỵch”, như có ai rớt ngay dưới gốc đa. Sống lưng tôi lạnh toát, tim đập loạn xạ. Tôi cắm đầu chạy một mạch ra tận mương tiểu câu phía sau ao chùa mới dám chạy chậm lại. Được một lúc, trong ánh sáng lờ mờ dưới làn mưa phùn giăng giăng, tôi “run run” ngoảnh lại phía sau nhưng rất may không có “con ma” nào đuổi tôi cả. Tối đó, về kể với cha, cha bảo: làm gì có ma, nếu có, cây đa là nơi thần ở, những loài ma quỷ không dám ở cây đa. Và cha tôi nói như để tôi an tâm: “Thần cây đa, ma cây gạo”.

Giờ đây, mỗi lần về quê, khi đi qua vị trí gốc cây đa xưa (hiện tại là ngôi nhà ông Hoan, con ông Bảo Cuồi) tôi lại đứng bần thần mãi, mong tìm lại hình bóng cây đa thời tuổi thơ. Rồi bao nhiêu ký ức lại ùa về như mới ngày hôm qua… Nhớ về cây đa làng, lòng tôi bỗng quặn lại, có cái gì đau nhói tận con tim…

Thế nhưng, cây đa ấy đâu còn nữa, đã mất dấu vĩnh viễn ở làng. Cây đa làng xưa chỉ còn trong hoài niệm ở lớp người xưa cũ.

Ôi, cây đa làng tôi!

Mới nhất

x
Huyền thoại đa làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO