Huyền thoại một con đường

17/05/2011 18:13

Đường Trường Sơn, con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử, dấu ấn của nó với những chiến công oanh liệt mang ý nghĩa quyết định chiến thắng giặc Mỹ xâm lược mãi mãi trường tồn cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. 

(Baonghean) - Đường Trường Sơn, con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử, dấu ấn của nó với những chiến công oanh liệt mang ý nghĩa quyết định chiến thắng giặc Mỹ xâm lược mãi mãi trường tồn cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Từ chỗ khởi đầu chỉ có con đường bí mật độc tuyến với 9 cung trạm gùi thồ do Tiểu đoàn 301, Phân đội vận tải đầu tiên của Đoàn 559 (đoàn công binh và vận tải quân sự), gồm 440 cán bộ chiến sĩ đảm trách và phải hoạt động trong điều kiện bí mật ngặt nghèo (ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng).

Trải qua 16 năm chiến đấu gian khổ, kiên cường, dũng cảm cho đến mùa Xuân năm 1975 trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam tuyến đường Trường Sơn mang tên Bác đã trở thành một công trình tổng hợp vĩ đại với trên gần 20.000km đường bộ, gồm 5 trục dọc và 2 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn. Xây dựng đường ống xăng dầu dài 1.400 km nối từ hậu phương đến Bù Gia Mập miền Đông Nam bộ.

Cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn dâng hoa,
báo công với Bác tại Quảng trường Hồ Chí Minh

Bộ đội Trường Sơn đã đánh trên 2.500 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 18.740 tên địch, bắt sống 1.190 tên, thu phá trên 100 xe quân sự và hàng ngàn súng các loại, bắn rơi 2.455 máy bay các loại. Vận chuyển tổ chức hành quân hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ ra vào trên tuyến đường Trường Sơn. Vận chuyển cho các hướng chiến trường hơn 1 triệu tấn vật chất kỹ thuật các loại.

Trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trên tuyến đường Trường Sơn có gần 20.000 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hơn 32.000 người bị thương. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hiện có 10.300 liệt sĩ đã được quy tập. Địa bàn Trường Sơn diện tích hoạt động là 140.000km2. Trong 16 năm hoạt động, địch đã sử dụng tới 4 triệu tấn bom đạn trong tổng số hơn 7 triệu tấn bom đạn ném xuống chiến trường Việt Nam (cả miền Bắc và miền Nam). Cùng với bom đạn là hàng triệu lít chất độc hoá học kẻ địch đã rải xuống Trường Sơn gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ cho người lính Trường sơn mà hệ luy lâu dài cho các con cháu đến tận bây giờ vẫn là nỗi đau nhức nhối.

Đồng đội đường Trường Sơn một thời.

Bom đạn, chất độc hoá học và cả bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét rừng đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng, đặc biệt là lớp trẻ mới vào Trường Sơn. Cho đến bây giờ chưa có một thống kê đầy đủ về con em Nghệ Tĩnh nói chung và Nghệ An nói riêng đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn. Theo ý kiến ước đoán của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thì người Nghệ Tĩnh chiếm 1/3 và hầu như chỉ huy các cấp đều thích nhận lính là người Nghệ Tĩnh.

Sau 36 năm đất nước thống nhất, Nghệ An hiện còn trên 3 vạn cán bộ chiến sĩ thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến đã hoạt động trên tuyến đường 559. Nhà nước đã chọn đặt cột mốc số 0 (điểm khởi đầu đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh) ở huyện Tân Kỳ. Nghệ An có đồng chí Nguyễn Minh Thông ở Diễn Châu là liệt sĩ đầu tiên của đường Trường Sơn. Có Đại tá Chu Đăng Chữ là Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của 559, hiện đã 88 tuổi hiện đang ở khối 8 phường Trường Thi, thành phố Vinh. Có các anh hùng Nguyễn Viết Sinh, Phan Văn Tư, Phan Văn Quý, Hồ Thị Thu Hiền,… là anh hùng lực lượng vũ trang đã công tác trên tuyến đường mang tên Bác.

Các thế hệ bộ đội Trường Sơn hôm nay giữa Quảng trường lộng gió.
Ảnh: Trần Hải

Vinh dự và tự hào, những người lính Trường Sơn năm xưa trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng anh chị em cựu chiến binh Trường Sơn luôn cố gắng phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ. Trung tuần tháng 4 vừa qua, tại thành phố Vinh, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn tỉnh Nghệ An lần đầu tiên tổ chức hội nghị “Biểu dương cựu chiến binh Trường Sơn tỉnh Nghệ An làm kinh tế giỏi”. Tại hội nghị, đồng chí Trần Hồng Châu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phát biểu: "Kỷ niệm 52 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn, chúng ta biết ơn và nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì tuyến đường để chúng ta có ngày hôm nay. Chúng ta chia sẻ với các đồng chí thương bệnh binh và các đồng chí nhiễm chất độc hoá học, các đồng chí trong cuộc sống đời thường còn gặp nhiều khó khăn".

Người xưa có câu "ôn cũ truy tân" một thời trận mạc đã qua, vì cuộc sống của con cháu hiện nay và mai sau chúng ta nguyện sống xứng đáng với truyền thống anh dũng, hào hùng của lớp người đi trước, góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng đất nước ngày một tốt đẹp hơn.


Nguyễn Khắc Tuyên

Mới nhất
x
Huyền thoại một con đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO