Huyện Tương Dương và 5 đơn vị thủy điện thảo luận, xây dựng quy chế phối hợp

Nhật Lân 14/06/2022 20:02

(Baonghean.vn) -  Chiều 14/6, UBND huyện Tương Dương tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo 5 đơn vị thủy điện đóng trên địa bàn với trọng tâm nhằm thống nhất xây dựng quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề tồn tại, công tác an sinh xã hội và xử lý các tình huống cấp bách xảy ra đối với người dân.

Cho đến nay, Tương Dương vẫn là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025. Tính đến ngày 31/5/2022, số hộ nghèo trên địa bàn huyện chiếm 39,38% với 7.176 hộ, 30.982 khẩu; số hộ cận nghèo chiếm 17.28% với 3.149 hộ , 13.697 khẩu. Toàn địa bàn còn có hơn 2.700 gia đình đang sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát; số lao động chưa có việc làm ổn định là hơn 10.000 người.

Buổi làm việc giữa UBND huyện Tương Dương với 5 đơn vị thủy điện chiều ngày 14/6/2022. Ảnh: Nhật Lân

Địa bàn huyện Tương Dương có 5 nhà máy thủy điện hoạt động, gồm: Thủy điện Bản Vẽ (320MW), thủy điện Khe Bố (100MW), thủy điện Nậm Nơn (20MW), thủy điện Bản Ang (17MW) và thủy điện Xoóng Con (15MW).

Thời gian qua, giữa UBND huyện và các chủ đầu tư thủy điện đã có sự gắn kết, phối hợp xử lý các vấn đề tồn tại, cũng như thực hiện công tác an sinh xã hội. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thuỷ điện đã hỗ trợ tổng số tiền 933,9 triệu đồng. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tương Dương trực tiếp tiếp nhận số tiền 485 triệu đồng, gồm: Công ty thủy điện Bản Vẽ hỗ trợ Tết vì người nghèo 320 triệu đồng; Công ty thủy điện Khe Bố hỗ trợ Tết vì người nghèo 125 triệu đồng và hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 số tiền 10 triệu đồng; Công ty thủy điện Xoóng Con hỗ trợ Tết vì người nghèo 30 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ còn lại, là 448,9 triệu đồng do các đơn vị thủy điện trên địa bàn đi trao trực tiếp tại các xã.

Ủy ban MTTQ huyện Tương Dương nhận kinh phí hỗ trợ từ Công ty thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Linh Chi

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Tương Dương thì vẫn còn nhiều tồn tại từ các nhà máy thủy điện chưa giải quyết triệt để, nhất là 2 thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố. Cụ thể, về công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư, hoàn trả mặt bằng thực hiện chậm dẫn đến bức xúc của nhân dân. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện xây dựng các công trình gấp dẫn đến hồ sơ có độ chính xác chưa cao dẫn đến có tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Công tác phối hợp trong quá trình vận hành, tuyên truyền còn nhiều hạn chế; quy định vận hành của các nhà máy cũng như thực hiện cam kết chưa đúng như vệ sinh lòng hồ, nạo vét lòng hồ định kỳ; công tác an sinh xã hội chưa tương xứng với doanh thu của các nhà máy thủy điện….

Thu gom rác thải lòng hồ thủy điện Khe Bố. Ảnh: Nhật Lân

Để giải quyết được các vấn đề tồn tại, làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là kịp thời xử lý các vấn đề đột xuất, khẩn cấp đến với người dân, theo Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, ông Phan Đức Sơn đề nghị, cần xây dựng một bản quy chế phối hợp công tác giữa UBND huyện và các đơn vị thủy điện. Trong đó, cần xây dựng một nguồn quỹ cố định từ đóng góp của các đơn vị thủy điện để xử lý các tình huống cấp bách không may xảy đến với người dân.

Ông Lương Bá Vin - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tương Dương thông tin kết quả công tác an sinh xã hội từ các đơn vị thủy điện và tham gia ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Lân

Theo các đơn vị thủy điện, trong những năm gần đây, do tình hình thời tiết khắc nghiệt, thường xảy ra hạn hán kéo dài nên sản lượng điện sản xuất được của các đơn vị thủy điện sút giảm; doanh thu đạt thấp so với kế hoạch. Dù vậy, các đơn vị thủy điện ý thức được trách nhiệm của doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để thực hiện công tác an sinh xã hội. Vì vậy, thống nhất việc xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa UBND huyện và các đơn vị thủy điện và tham gia đóng góp xây dựng quỹ.

Ông Tạ Hữu Hùng - Giám đốc Công ty thủy điện Bản Vẽ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Lân

Đại diện lãnh đạo các thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Bản Ang, Nậm Nơn, Xoóng Con đều đồng tình cao cần xây dựng quỹ để giải quyết các vấn đề đột xuất xảy ra đối với người dân. Đề nghị xây dựng dự thảo quy chế gửi cho các nhà máy thủy điện góp ý, để cùng nhau ký kết thực hiện. Về xây dựng quỹ, góp ý quan tâm đến tính pháp lý của quỹ để đặt tên gọi đúng, tính đến việc công bằng trong đóng góp giữa các đơn vị thủy điện, đồng thời quy định cụ thể việc sử dụng quỹ.

Ông Đặng Trọng Hải - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Lân

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Phan Đức Sơn thống nhất giao các phòng chuyên môn liên quan tổ chức xây dựng quy chế phối hợp giữa UBND huyện Tương Dương với 5 đơn vị thủy điện. Quy chế sẽ thể hiện rõ trách nhiệm từ phía chính quyền huyện Tương Dương và chính quyền các xã liên quan; thể hiện trách nhiệm của các đơn vị thủy điện; và thể hiện cụ thể xây dựng quỹ, phương thức đóng góp của từng nhà máy thủy điện cũng như việc sử dụng kinh phí từ quỹ.

“UBND huyện Tương Dương sẽ khẩn trương xây dựng dự thảo quy chế. Dự thảo khi hoàn thành sẽ được gửi đến các đơn vị thủy điện để lấy ý kiến góp ý. Sau đó, UBND huyện sẽ hoàn thiện, tổ chức lễ ký kết và đưa vào áp dụng thực hiện từ năm 2023” - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Phan Đức Sơn nhấn mạnh.

Mới nhất

x
Huyện Tương Dương và 5 đơn vị thủy điện thảo luận, xây dựng quy chế phối hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO