Huyện vùng cao Kỳ Sơn đề xuất các phương án dạy và học trong dịch

Tình Dương 31/08/2021 11:02

(Baonghean.vn) - Gắn với đặc thù của địa phương, huyện vùng cao Kỳ Sơn đề xuất các chủ trương dạy và học vừa đảm bảo chống dịch, vừa có thể thực hiện hiệu quả đối với từng cấp học.

Những bộn bề khó khăn

Năm học 2021 - 2022, Kỳ Sơn có 22.797 học sinh của 71 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tổng số lớp học là 1030 lớp, giảm 36 lớp so với năm học trước. Năm học mới đang cận kề, nhưng Giáo dục Kỳ Sơn cũng đang bộn bề biết bao nỗi niềm cần giải quyết trong đó có việc triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến (online).

Khó khăn đầu tiên trong việc triển khai học tập trực tuyến phải kể đến là hạ tầng viễn thông trên địa bàn huyện chưa đảm bảo, nhiều bản vẫn chưa có điện lưới quốc gia, chưa phủ sóng internet. Theo báo cáo của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, hiện nay Kỳ Sơn còn gần 80/193 bản chưa có điện lưới và phủ sóng internet.

Các cô giáo mầm non Keng Đu vệ sinh trường lớp chuẩn bị năm học mới
Các cô giáo mầm non Keng Đu vệ sinh trường lớp chuẩn bị năm học mới. Ảnh: Tình Dương

Ngay khi nhận được công văn của Sở GD&ĐT về việc triển khai dạy học trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, ngành đã chỉ đạo các nhà trường khảo sát các điều kiện để tổ chức dạy và học trực tuyến ở các trường trong toàn huyện. Qua khảo sát của các nhà trường, tỷ lệ học sinh có thiết bị (điện thoạt thông minh, máy tính…) và đường truyền Internet để có thể tham gia trực tuyến chỉ khoảng 50% đối với các trường ở trung tâm huyện, còn lại những trường khác, học sinh không thể học trực tuyến lên đến 93%.

“Trường Tiểu học Bắc Lý 1 năm học này có 19 lớp với 342 học sinh đóng ở 5 điểm trường. Qua thống kê của nhà trường, chỉ có khoảng gần 5% học sinh có các phương tiện đáp ứng được việc học trực tuyến. Là xã đặc biệt khó khăn với đa số là hộ nghèo và cận nghèo, nên 4 điểm bản là Phà Coóng, Phia Khăm 1, Phia Khăm 2, Na Kho chưa có điện lưới, chưa có đường truyền internet, nên việc dạy học bằng hình thức trực tuyến là không thể thực hiện được” - thầy Doãn Chí Trung, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Cô giáo điểm bản Huồi Bắc, trường TH Bắc Lý 2
Cô giáo điểm bản Huồi Bắc, Trường TH Bắc Lý 2. Ảnh: Tình Dương

Bên cạnh sự khó khăn về cơ sở vật chất, là nỗi băn khoăn về phương pháp dạy học cho những học sinh đầu cấp, nhất là học sinh lớp 1, 2. Năm học trước cũng ảnh hưởng dịch bệnh, khiến trẻ nghỉ học nhiều, nhất là các tháng cuối, thời điểm trẻ mẫu giáo làm quen với chữ cái. Trong khi học sinh lớp 1 cần cô giáo rèn giũa, hướng dẫn trực tiếp từ đầu. Đặc biệt khi mới tập viết, các con cần cô cầm tay chỉ từng nét bút.

“Bản Na Kho, có 59 hộ nhưng đều là hộ nghèo và cận nghèo. Điểm trường ở đây có 2 lớp với hơn 30 học sinh (học sinh các lớp 3,4,5 ra học tập trung tại Trường PTDTBT Tiểu học Bắc Lý 1). Bản chưa có điện lưới và kết nối internet nên dạy học trực tuyến hay các hình thức dạy qua truyền hình đều là không được. Sau một thời gian dài nghỉ hè, nếu các em không được cô giáo trực tiếp hướng dẫn ban đầu thì chắc chắn sẽ không thể nào đọc, viết được” - cô giáo Nguyễn Thị Hiền, phụ trách lớp 1 điểm bản Na Kho tâm sự.

Điểm trường bản Huồi Bắc- Bắc Lý
Điểm trường bản Huồi Bắc (Bắc Lý, Kỳ Sơn) trước thềm năm học mới. Ảnh: Tình Dương

Ở cấp học Trung học cơ sở, tình trạng thiếu thốn về phương tiện dạy học trực tuyến cũng xảy ra tương tự. Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Bắc Lý với 11 lớp, 372 học sinh nhưng qua rà soát của nhà trường cũng chỉ có 92 học sinh có thiết bị đáp ứng được dạy học trực tuyến .

“Năm học này nhà trường có 90 học sinh khối 6 sẽ bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, mặc dù trong hè cá nhân tôi và các giáo viên được phân công dạy lớp 6 đã tham gia các lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy bộ môn nhưng nếu không trực tiếp giảng dạy trên lớp thì học sinh trường tôi không thể tiếp thu kiến thức của bộ môn được” - cô Nguyễn Thị Kỳ, giáo viên môn Ngữ văn Trường PTDTBT THCS Bắc Lý trao đổi.

Điểm trường Huồi Pốc, Trường Tiểu học Nậm Cắn 2
Điểm Trường Huồi Pốc, Trường Tiểu học Nậm Cắn 2. Ảnh: Tình Dương

Một khó khăn nữa khi triển khai dạy học trực tuyến tại Kỳ Sơn cần tính đến là trình độ và khả năng quản lý, hướng dẫn học sinh tự học trực tuyến ở nhà của phụ huynh còn nhiều hạn chế, bất cập. Mặc dù ở các vùng thuận lợi, cơ sở vật chất đảm bảo, đa số phụ huynh sẵn sàng trang bị phương tiện cho con em học tập, nhưng trong suy nghĩ các phụ huynh đều lo sợ con em mình tiếp xúc sớm với điện thoại thông minh, máy tính bảng sẽ ảnh hưởng thị lực, dễ sa vào nghiện game, các trò chơi điện tử và các sản phẩm văn hóa không lành mạnh khác… Một số phụ huynh lại cho rằng việc dạy học là của nhà trường và của giáo viên, mình bận công việc, hoặc không có chuyên môn thì không thể giúp con học tập được

“Thực tế, trong năm học trước, chúng tôi đã tổ chức dạy học online nhưng chỉ triển khai được ở vùng thị trấn, vùng thuận lợi hoặc khu vực trung tâm xã. Còn lại, việc dạy online không thể thực hiện được bởi rất nhiều nơi không có mạng internet, không có điện thoại, một bộ phận phụ huynh cũng chưa quan tâm đến việc học của con. Kỳ Sơn cũng đang còn 126 điểm bản, khoảng một nửa trong số này là không có điện lưới nên việc học online là bất khả kháng. Trong thời gian qua, toàn ngành Giáo dục Kỳ Sơn đang rất nỗ lực chuẩn bị cho năm học mới. Phòng Giáo dục và các nhà trường cũng chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học online nhưng việc triển khai trên diện rộng là khó và nhiều nhà trường đang lúng túng. Vì thế ngành sẽ đề xuất phương án xin ý kiến riêng của tỉnh cho địa bàn huyện Kỳ Sơn” - ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết.

Mỗi cấp học một mô hình

Xét về bối cảnh thực tế, trên bản đồ Covid-19, Kỳ Sơn hiện đang thuộc vùng xanh (vùng nguy cơ thấp). Hiện nay, trên toàn huyện Kỳ Sơn, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện cơ bản đang được kiểm soát; các công dân đi làm ăn xa trở về địa phương đang được cách ly, kiểm soát chặt chẽ. Trong công tác giáo dục, mô hình Trường bán trú đang phát huy được hiệu quả tốt trong công tác duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục, cần tiếp tục phát huy hơn nữa trong công tác dạy học đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch. Căn cứ vào các điều kiện cụ thể, ngành Giáo dục Kỳ Sơn đề xuất các giải pháp thực hiện cách thức dạy học trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Điểm trường Na Kho
Điểm Trường Na Kho (Bắc Lý 1, Kỳ Sơn) còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: Tình Dương

Cụ thể: Đối với cấp học mầm non, Ngành đề xuất chưa thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tập trung, cho đến khi dịch được khống chế, ổn định hoàn toàn trong toàn tỉnh.

Đối với cấp học tiểu học,với các trường, điểm trường vùng khó khăn, chia cách, Nhà trường sẽ phân công giáo viên đến cắm điểm trường và thực hiện dạy học trực tiếp vì trên thực tế các điểm trường nằm ở các bản biệt lập và các tổ Covid-19 cộng đồng quản lý rất chặt chẽ nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là không có. Với các trường có tổ chức bán trú thì tổ chức học tập trung, trực tiếp theo phương án phòng chống dịch cụ thể như: Thực hiện quản lý chặt chẽ, không cho học sinh ra khỏi khuôn viên trường, hạn chế tối đa giáo viên, nhân viên về nhà, thực hiện giãn cách ngay trong trường, chia các ca học hợp lý,…; Chỉ tổ chức dạy học trực tuyến đối với vùng thuận lợi, vùng có đủ điều kiện học trực tuyến.

TRường PTDTBT Tiểu học Bắc Lý 1
Trường PTDTBT Tiểu học Bắc Lý 1 (Kỳ Sơn) chuẩn bị năm học mới. Ảnh: Tình Dương

Đối với cấp học THCS, ngành đề xuất các phương án đối với từng mô hình trường cụ thể.Với các trường thực hiện theo mô hình nội trú, bán trú sẽ tổ chức học tập trung, trực tiếp theo phương án phòng chống dịch. Huyện sẽ xét nghiệm (mẫu gộp) với tất cả học sinh trước khi vào trường, thực hiện quản lý chặt chẽ, không cho học sinh ra khỏi khuôn viên trường, hạn chế tối đa giáo viên, nhân viên về nhà, thực hiện giãn cách ngay trong trường, chia các ca học hợp lý, hạn chế tối đa tập trung đông người… Chỉ duy nhất Trường Thị trấn Mường Xén là trường thuộc vùng thuận lợi, đảm bảo tương đối các điều kiện về cơ sở vật chất sẽ tiến hành dạy học trực tuyến.

Đối với cấp Trung học Phổ thông sẽ tiến hành dạy học trực tuyến theo phương án của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Học sinh bán trú Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lống 2
Học sinh bán trú Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lống 2 (Kỳ Sơn). Ảnh: Tình Dương
“Dạy học trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp nên dù tổ chức theo hình thức trực tiếp, hay trực tuyến, ngành Giáo dục Kỳ Sơn cũng chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc tinh thần của Sở Giáo dục và Đào tạo, phải giảm tải đến mức tối đa, không quá nặng nề, áp lực thành tích. Các hoạt động dạy học được thực hiện để đảm bảo đúng nguyên lý giáo dục, không để học sinh đứt gãy chuỗi kiến thức, sa sút tinh thần, ý thức, thái độ học tập. Khi dịch bệnh ổn định, các nhà trường tập trung được học sinh học tập trong điều kiện bình thường sẽ tranh thủ mọi thời gian để tổ chức dạy học và bổ sung lại phần kiến thức trong thời gian các em không được đến trường” - ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng GD&ĐT huyện khẳng định.

“Các phương án mà Ngành Giáo dục Kỳ Sơn đề xuất trong thời điểm hiện tại là rất phù hợp với thực tế tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương. Huyện sẽ đề xuất lên Tỉnh và Sở GD&ĐT, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp thực hiện để đảm bảo hiệu quả của công tác giáo dục trong điều kiện dịch Covid-19”.

Bà Vi Thị Quyên - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn

Mới nhất
x
Huyện vùng cao Kỳ Sơn đề xuất các phương án dạy và học trong dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO