Hy Lạp có thể rời khỏi eurozone và EU nếu không có thỏa thuận cứu trợ

17/06/2015 20:43

(Baonghean.vn) - Ngân hàng trung ương Hy Lạp hôm nay (17/6) đã cảnh báo nước này có thể bước ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) và thậm chí cả Liên minh châu Âu (EU) nếu không đạt được thỏa thuận cứu trợ với các chủ nợ quốc tế.

Trong một trong những cảnh báo thẳng thừng nhất tính đến nay từ một định chế của Hy Lạp, Ngân hàng Hy Lạp tuyên bố: “Việc không đạt được thỏa thuận sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một chiều hướng đầy đau khổ mà đầu tiên sẽ dẫn tới Hy Lạp vỡ nợ và cuối cùng dẫn tới việc đất nước rời khỏi Eurozone và - khả năng cao nhất - rời khỏi EU”.

Các nhà phân tích từ lâu đã cảnh báo rằng tình trạng vỡ nợ có thể khởi nguồn một chuỗi sự kiện dẫn tới việc Hy Lạp bước ra khỏi Eurozone, hay còn được gọi là Grexit, nhưng không đề cập đến việc quốc gia này cũng rời khỏi EU.

Các đàm phán về việc cởi trói khoản tiền 7,2 tỷ euro (8,1 tỷ USD) cuối cùng trong quỹ cứu trợ từ khoản cứu trợ khổng lồ cho Hy Lạp từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện rơi vào bế tắc khi các thời hạn chót đang đến gần.

Nhưng trong khi bầu không khí giữa Hy Lạp và các chủ nợ xấu đi trong những ngày gần đây, Ngân hàng Hy Lạp lại khẳng định chắc nịch rằng 2 bên không xa cách đến thế, với chỉ “chút ít khoảng cách” giữa họ trước khi có thể đưa ra một thỏa thuận.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phát biểu trước các nghị sỹ và bộ trưởng tại Quốc hội ở Athens hôm 16/6. Ảnh: AFP.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phát biểu trước các nghị sỹ và bộ trưởng tại Quốc hội ở Athens hôm 16/6. Ảnh: AFP.

Hy Lạp sẽ đến hạn phải thanh toán 1,6 tỷ euro cho IMF vào cuối tháng này, và 6,7 tỷ euro khác cho ECB vào tháng 7 và tháng 8 - những khoản tiền mà các quan chức Hy Lạp đã tuyên bố chính phủ của họ không thể chi trả.

Khi những phương án lựa chọn rơi rụng dần và các chủ nợ nói rằng những đề xuất cải cách của ông là không đủ, Thủ tướng Alexis Tsipras hôm 16/6 đã giận dữ cáo buộc các chủ nợ là cố gắng “làm bẽ mặt” Hy Lạp.

Đắc cử trên cơ sở phản đối chính sách khắc khổ vào hồi tháng 1, Tsipras đã tỏ ra miễn cưỡng nếu phải chấp nhận bất cứ khoản tăng thuế và cắt giảm chi tiêu nào thêm.

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đáp trả bằng cách buộc tội Tsipras lừa dối các cử tri. Juncker nói: “Tôi nghĩ rằng cuộc tranh luận trong và ngoài Hy Lạp sẽ dễ dàng hơn nếu chính phủ Hy Lạp chịu nói chính xác điều mà Ủy ban châu Âu đang thực sự đề xuất”.

Ngân hàng Hy Lạp cho biết nếu nước này bước ra khỏi nhóm 19 nước hùng mạnh sử dụng đồng euro thì điều này sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái trầm trọng, những giảm sút đột ngột trong các khoản thu nhập và thất nghiệp tăng nhanh tại quốc gia Nam Âu này.

Định chế tài chính này khẳng định: “Đây là lý do tại sao Ngân hàng Hy Lạp tin chắc rằng đạt được một thỏa thuận với các đối tác là việc làm cấp bách mang tính lịch sử mà chúng ta không thể trả giá để phớt lờ. Từ những bằng chứng sẵn có cho đến nay, dường như một sự thỏa hiệp đã đạt được theo những điều kiện chính gắn với thỏa thuận này và hầu như không còn sự cách biệt nào cần phải khỏa lấp nữa”.

Trong tình hình ngày một căng thẳng, mọi con mắt đang đổ dồn về cuộc gặp của các bộ trưởng tài chính 18 nước thuộc Eurozone vào ngày mai (18/6).

Trước đó, người đứng đầu IMF Christine Lagarde có bài phát biểu hôm 17/6 tại Brussels, theo đó bà có thể sẽ phản ứng trước những tuyên bố của Tsipras rằng các chủ nợ muốn buộc Hy Lạp phải quỳ gối.

Khi xét đến các điều khoản của một thỏa thuận tiềm năng mới về khoản cứu trợ, Ngân hàng Hy Lạp đã ủng hộ lập trường của chính phủ rằng sau nhiều năm thi hành chính sách khắc khổ và làm tình hình kinh tế xấu đi, Hy Lạp cần thêm thời gian để hoàn trả hàng tỷ euro mà nước này đã vay mượn.

Ngân hàng trung ương nước này đã kêu gọi “tái xác nhận và khớp nối trong nhiều điều khoản cụ thể về sự sẵn lòng giảm nhẹ nợ từ các đối tác của chúng ta”.

Các nhà lãnh đạo Hy Lạp thuộc tất cả đảng phái chính trị chưa bao giờ quên viễn cảnh các bộ trưởng Eurozone đặt ra 3 năm trước, rằng để đổi lấy các cải cách thì Hy Lạp có thể được xóa bỏ một vài khoản nợ.

Nhưng dường như rất không có khả năng rằng các đối tác Eurozone của Hy Lạp sẽ quay trở lại với ý kiến này trong thời gian tới vì nó có thể sẽ đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ về chính trị tại nhiều nước, đặc biệt là Đức.

Bất chấp việc xóa khoản nợ 107 tỷ euro với các chủ nợ tư nhân như là một phần trong kế hoạch cứu trợ thứ 2 của nước này hồi năm 2012, số nợ của Hy Lạp thực tế đã vọt lên bằng 177% sản lượng quốc gia vào năm ngoái.

Ngân hàng trung ương nước này cho biết: “Điều chúng ta cần hiện nay là một thỏa thuận nợ có thể đứng vững mà sẽ giúp các thế hệ tương lai thoát khỏi những gánh nặng chúng ta vốn không có quyền chất lên vai họ”.

Tuy vậy, Ngân hàng Hy Lạp cũng đã kêu gọi các cải cách cơ cấu đối với nền kinh tế nước này, như yêu cầu của EU và IMF.

Thu Giang

(Theo AFP)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Hy Lạp có thể rời khỏi eurozone và EU nếu không có thỏa thuận cứu trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO