Hy vọng chống Ebola từ thuốc trị virus nguy hiểm nhất thế giới

24/08/2014 20:05

Giới nghiên cứu đang dấy lên hy vọng về phương thuốc trị Ebola mới sau khi một loại thuốc thử nghiệm đã bảo vệ được loài khỉ trước virus Marburg - loại virus hiện được coi là nguy hiểm nhất thế giới.

Virus Marburg hiện được coi là loại virus nguy hiểm nhất hành tinh. Ảnh: CBC
Virus Marburg hiện được coi là loại virus nguy hiểm nhất hành tinh. Ảnh: CBC

Virus Marburg và virus Ebola là những mầm bệnh "anh em họ" chết người. Chúng đều là các filovirus (virus thuộc họ Filoviridae) gây sốt xuất huyết nghiêm trọng và thường gây tử vong cho người nhiễm, trong khi đều không có vắc-xin hoặc thuốc điều trị được kiểm chứng hữu hiệu cho người.

Các nhà nghiên cứu thuộc hãng dược Tekmira ở Texas (Mỹ) và Vancouver (Canada) đã cho các con khỉ rhesus macaque nhiễm chủng virus Marburg Angola dùng một loại thuốc thử nghiệm sử dụng "ARN can thiệp nhỏ" (siRNA). Theo kết quả nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí Science Translational Medicine, 16 con khỉ được chữa trị siRNA đã sống sót. Ngược lại, những con khỉ không dùng siRNA đều tử vong do phát bệnh.

Điều đặc biệt là, các động vật linh trưởng trong nghiên cứu đã chống lại được loại virus nguy hiểm nhất thế giới ngay cả khi quá trình chữa trị được xúc tiến 3 ngày sau khi chúng nhiễm mầm bệnh.

Thomas Geisbert, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích, công nghệ thuốc thử nghiệm siRNA đã vô hiệu hóa phương thức virus Marburg sử dụng để tự tạo ra các bản sao của nó. Ông nói: "Chúng tôi đã chứng minh khả năng bảo vệ hoàn toàn các động vật linh trưởng không phải là con người trước virus Marburg Angola, ngay cả khi quá trình điều trị bị trì hoãn tới ngày thứ 3, khi chúng tôi đã có thể phát hiện tình trạng nhiễm trùng [sự tồn tại của virus trong máu]".

Nhóm nghiên cứu tuyên bố, công nghệ siRNA hứa hẹn trở thành một phương pháp chữa trị việc nhiễm filovirus ở người và có khả năng được sử dụng để chống lại sự bùng phát bệnh do virus Ebola ở Tây Phi.

Năm 2010, ông Geisbert và các cộng sự đã cho công bố trên tạp chí The Lancet nghiên cứu về một công nghệ siRNA tương tự nhằm chống lại Ebola và cũng bảo vệ được lũ khỉ rhesus macaque không lâu sau khi nhiễm virus. Họ đang lên kế hoạch tìm hiểu xem, biện pháp này có hữu dụng trong một bối cảnh thực tế hơn, khi nạn nhân đã xuất hiện các triệu chứng bệnh ra bên ngoài hay không.

Trong dịch Ebola, mọi người nhìn chung không có biểu hiện bệnh trong phạm vi 72 tiếng đồng hồ đầu tiên trong các cuộc thử nghiệm thuốc điều trị. Ông Geisbert nói, ngày thứ 3 nhiễm trùng ở một động vật linh trưởng không phải con người có thể tương đương ngày thứ 6 - 7 nhiễm mầm bệnh ở con người.

Một loại thuốc thử nghiệm khác trị Ebola có tên ZMapp, hoạt động theo cơ chế hoàn toàn khác. Nó chứa 3 kháng thể cản phá khả năng bám dính và xâm nhập vào tế bào vật chủ của virus Ebola. Cho tới hiện tại, 2 nhân viên cứu trợ y tế Mỹ và 3 bác sĩ Liberia dùng ZMapp đang có các dấu hiệu phục hồi sức khỏe, nhưng 1 mục sư người Tây Ban Nha đã tử vong vì virus Ebola dù cũng được điều trị thử nghiệm bằng ZMapp.

Các chuyên gia cảnh báo, hiện vẫn chưa thể khẳng định liệu ZMapp đã hỗ trợ hay cản trở sự phục hồi của các bệnh nhân.

Theo vietnamnet

Mới nhất
x
Hy vọng chống Ebola từ thuốc trị virus nguy hiểm nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO