Hy vọng mới trên Huồi Xài
(Baonghean) - Ngày đầu tháng 6, chúng tôi ngược con đường bụi đỏ vào xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Từ bản Pù Khả 1 rẽ qua bản Na Cáng, Pù Quặc 2 với lối đi nhỏ chỉ bằng ba gang tay người lớn, bên dưới là vực sâu hút... Xe máy gào số 1 mãi, rồi bản Huồi Xài lúp túp vài chục nóc nhà cũng hiện lên trong nắng sớm...
Đặt chân lên bản, chúng tôi ngạc nhiên vì cả bản vắng tanh, một vài đứa trẻ lấm lem bụi đất đang nô đùa. Trên các bậu cửa một vài bà cụ già người Mông khù khì sưởi nắng... Thì ra đàn ông trong bản đều đã lên rẫy từ khi con gà rừng cất tiếng gáy sáng.
Đang chần chừ định quay về thì gặp một nhóm đàn ông trong bản đi lấy cỏ cho trâu về, trong đó có trưởng bản Già Bá Bì. Tiếp đón chúng tôi trong căn nhà thưng bằng tranh nứa, Già Bá Bì vui vẻ bảo: “Lâu lắm mới có người dưới xuôi vào bản ta đấy!”. Tuy mới 24 tuổi, nhưng Già Bá Bì đã “thâm niên” 2 năm làm trưởng bản Huồi Xài này. Hỏi vợ đi đâu mà trưởng bản ở nhà một mình thế này? Bì bảo: “Vợ nó đi rẫy rồi, ta phải ở nhà cắt cỏ cho trâu và nấu cơm cho mấy đứa con này ăn”. Ba đứa con của Bì, đứa lớn nhất 4 tuổi, đứa nhỏ nhất 2 tuổi, đứa nào đứa nấy đen nhẻm bụi đất.
![]() |
Người dân xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) đóng bì sản phẩm gừng. Ảnh: Hữu Vi |
Dẫn chúng tôi đi thăm bản, Già Bá Bì giảng giải: Huồi Xài là bản nghèo nhất của xã Na Ngoi, cả bản có 25 hộ với 140 nhân khẩu, nhưng có tới 22 hộ nghèo và 3 hộ mới thoát nghèo. Một con số khiến chúng tôi ngạc nhiên. Giữa lúc nhân dân cả xã Na Ngoi đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế với các loại cây chủ đạo như gừng, khoai dong và chăn nuôi trâu bò vỗ béo, thì cái bản xa xôi hẻo lánh này vẫn còn những người sống ngày nào biết ngày đó, dường như cách biệt với “thế giới bên ngoài” như thế này, thì quả thật là một điều đáng nói...
Khi chúng tôi hỏi nguyên nhân vì sao Huồi Xài còn nhiều hộ nghèo như vậy, Già Bá Bì phân bua: Cũng tại bản nằm cách biệt, không có đường vào nên bà con làm kinh tế chủ yếu là để tự cung tự cấp, bán thì do đường đi lại khó khăn nên bị thương lái ép giá. Một cân gừng ở ngoài bản Pù Khả có giá 20 nghìn đồng, nhưng khi thương lái vào thu mua tại Huồi Xài chỉ trả từ 10 - 12 nghìn đồng. Đường nhỏ, khó đi, xe ô tô không vào được nên đành chấp nhận vậy.
Chúng tôi vào nhà ông Già Xái Phia, một hộ được coi là giàu nhất bản theo sự chỉ dẫn của anh Bì. Quả là nhà ông Xái Phia có vẻ đỡ hơn mấy hộ xung quanh. Ngôi nhà mới được lợp pờ-rô xi măng mua bằng số tiền bán trâu của ông, nhưng bên trong nhà vẫn không khác nhau là mấy. Ông bảo: “Nhà ta bây giờ còn nuôi 14 con trâu và mới thoát nghèo năm nay. Kinh tế thì cũng đủ ăn thôi, làm nhiều mà có biết buôn bán cho ai. Cả bản không có cái quán bán hàng, muốn mua gì cũng phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ...”. Đàn trâu của ông Xái Phia bây giờ có túng cũng chưa dám bán, vì nhà ông còn mấy đứa con chưa lấy vợ, ông muốn để lại sau này cho mỗi đứa một con làm vốn khi lập gia đình. Nói là giàu nhất bản, nhưng bữa cơm trưa nhà ông Xái Phia cũng giống như bữa cơm bao gia đình người Mông ở bản nhỏ vùng sâu này, một rổ cơm, một tô canh là xong bữa.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Già Nhìa Bì, mà theo lời giới thiệu của trưởng bản, đây là người trồng được nhiều gừng nhất Huồi Xài. Mặc vội bộ quần áo dài tiếp khách, Già Nhìa Bì bảo: “Anh trưởng bản nói thế thôi chứ ở bản ta trồng nhiều nhưng thu hoạch có được như các bản khác đâu. Gừng ta trồng mỗi năm thu hoạch 4 - 5 tấn mà bán ra chẳng được bao nhiêu. Chở ra ngoài đường lớn thì không chở được. Người ta vào mua thì giá rẻ quá, có khi bằng một nửa so với ở Pù Khả”. Khoản thu nhập từ rẫy gừng rộng lớn cũng chưa đủ giúp gia đình anh Già Nhìa Bì thoát khỏi cái nghèo. Ngày ngày vợ chồng, con cái quần quật trên nương rẫy từ sáng đến tối may mắn cũng đủ ăn. Nhưng có thêm cái may là, vụ gừng năm nay giá nhích lên nhiều so với các năm trước, nên nhà Nhìa Bì cũng sắm được một ít tấm lợp pờ-rô xi măng để chuẩn bị làm lại cái nhà.
![]() |
Bản Huồi Xài, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). |
Chúng tôi ngỏ ý với trưởng bản Già Bá Bì muốn đến nhà một hộ được xem là nghèo nhất ở Huồi Xài này và ngay lập tức được anh đưa đi. Ấy là hộ anh Già Nhìa Phổng. Vợ chồng Nhìa Phổng không ở nhà. Mấy đứa con nhỏ đứng trong nhà thấy người lạ, chạy núp sau vách nhìn ra. Qua mấy câu trao đổi bằng tiếng Mông, Bá Bì bảo vợ chồng Nhìa Phổng đi rẫy mấy ngày nay chưa về. Nhìn ngôi nhà Già Nhìa Phổng,chỉ nhỉnh hơn một kho nhỏ chứa lúa rãy của người Mông. Bốn bên được thưng bằng tranh nứa trống troáng, tài sản chẳng có gì ngoài mấy chiếc chõng bằng nứa để vợ chồng con cái nằm ngủ. Trưởng bản Bì bảo: “Nhà họ nghèo cũng đúng thôi, mới hơn 40 tuổi mà đã 8 đứa con rồi. Lo được cho 8 đứa ăn rồi lớn lên nữa thì biết khi nào cất nổi cái nhà”.
Trên đường quay trở lại nhà Già Bá Bì, chúng tôi đi qua điểm trường Tiểu học Na Ngoi 2. Trưởng bản đưa tay chỉ, nói: “Đấy các anh xem, đời sống bà con đã khổ nhưng các thầy các cô sống ở đây cũng có hơn gì chúng tôi đâu”. Điểm trường tiểu học nằm trên lưng đồi, có 5 phòng học được thưng lợp bằng nứa, bên kia là dãy nhà ở nội trú của giáo viên cũng giống thế. Trưởng bản Bì bảo: “Năm nào bà con cũng huy động nhau vào rừng lấy nứa về sửa lại phòng học cho học sinh và phòng ở cho giáo viên để đảm bảo công tác dạy học. Nhưng trường tạm bợ như thế nên có khi một năm phải sửa mấy lần. Như năm nay, đợt vừa rồi có lốc xoáy, mấy tấm tranh lợp này bay hết”. Những đứa trẻ ở Huồi Xài đến tuổi đều được gia đình cho đến lớp, nhưng cả bản hiện giờ chỉ có mấy người học hết cấp 3, chưa ai có bằng trung cấp.
![]() |
Thu hoạch khoai dong tại Na Ngoi. |
Khi chúng tôi hỏi ở Huồi Xài có người nghiện ma túy không, trưởng bản Già Bá Bì chùng giọng nói: “Đây là điều đáng xấu hổ nhất của Huồi Xài, cuộc họp nào ở xã cũng nói tới chuyện này. Cả bản hiện nay có tới 6 người nghiện hầu hết đều ở tuổi 50 trở lên. Mấy người trẻ trước đây đã đi cai nghiện được rồi... Một số người nghiện vì tuổi đã cao nên khó đưa họ đi cai”. Trao đổi với chúng tôi về chuyện này, anh Xồng Bá Dênh - Bí thư Đoàn xã Na Ngoi cho biết: “Hiện nay, xã đang tập trung đầu tư để phát triển kinh tế cho bản Huồi Xài với mục tiêu giảm số hộ nghèo xuống còn 15 hộ trong năm 2015 này. Chỉ có phát triển kinh tế mạnh, từ đó mới nâng cao được nhận thức của dân bản nhằm xóa bỏ dứt điểm tình trạng người nghiện”. Nghe thế, trưởng bản Bì vừa vẻ nghĩ lung lắm, vừa gật gật đồng tình.
...Trên đường tiễn chúng tôi rời Huồi Xài, trưởng bản Già Bá Bì nở nụ cười tươi và hứa hẹn: “Lần sau các anh trở lại sẽ thấy Huồi Xài đổi khác”. Đó là một lời hứa hay một lời mời cũng không rõ, nhưng trong sâu thẳm ánh mắt người trưởng bản trẻ, chúng tôi thấy sáng lên một tia hy vọng mới và lớn lao cho Huồi Xài.
Đào Thọ