Iran "thủ thế" khi thời hạn thỏa thuận với P5+1 tới gần

23/06/2015 10:03

(Baonghean) - Quốc hội Iran vừa bỏ phiếu thông qua một dự luật với nhiều điều khoản với mục tiêu “bảo vệ các lợi ích quốc gia” của Iran trước các đòi hỏi của Mỹ. Bước đi này của Iran được cho là có thể cản trở các nỗ lực đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), khi mà thời hạn chót để đạt được thỏa thuận cuối cùng giữa các bên đang tới gần.

Iran đặt thêm chướng ngại vật

Quốc hội Iran thông qua dự luật với 199 phiếu ủng hộ, 3 phiếu chống và 5 phiếu trắng, theo đó cấm các thanh sát viên quốc tế tiếp cận các địa điểm quân sự, an ninh và phi hạt nhân “nhạy cảm”, cũng như các tài liệu và các nhà khoa học hạt nhân của nước này. Dự luật cũng quy định Iran được phép tiếp cận không hạn chế các kiến thức, công nghệ hạt nhân hòa bình, các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực “được chấp nhận”, đồng thời toàn bộ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran phải được dỡ bỏ vào ngày ký kết thỏa thuận. Chỉ khi cả 3 điều kiện này được đáp ứng, kết quả đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 mới có giá trị.

Quốc hội Iran thảo luận trong phiên bỏ phiếu cho dự luật. Ảnh: The Guardian
Quốc hội Iran thảo luận trong phiên bỏ phiếu cho dự luật. Ảnh: The Guardian

Dự luật mà Quốc hội Iran vừa thông qua phải được Hội đồng bảo vệ cách mạng - cơ quan giám sát hiến pháp của Iran - xem xét và thông qua để trở thành luật. Theo các nhà phân tích, khi chính thức ban hành thành luật, dự luật này có thể cản trở các nỗ lực đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 khi những quyền lợi của Iran được bảo vệ quá nghiêm ngặt. Sau khi đạt được thỏa thuận được đánh giá là “mang tính lịch sử” tại Lausane, Thụy Sĩ hồi tháng 4, hiện Iran và P5+1 đang ở trong giai đoạn đàm phán quyết định nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng trong vòng hơn 1 tuần nữa.

Tuy nhiên, một trong những nội dung mà hai bên bất đồng lớn nhất chính là quyền và khả năng tiếp cận của các thanh sát viên quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của Iran cũng như thời hạn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ngay với bản thỏa thuận sơ bộ ký ở Lausane, người ta cũng nhận thấy sự “bấp bênh” chưa làm rõ các biện pháp cấm vận đơn phương của Mỹ, Liên minh châu Âu và của Liên Hợp quốc đối với Iran sẽ được dỡ bỏ hay chỉ tạm ngừng, và bao giờ thì bắt đầu? Ai, với cơ chế nào để đánh giá việc thực thi hiệp định của Iran như một điều kiện tiên quyết để dỡ bỏ cấm vận? Cho đến nay, phương Tây vẫn nghiêng về phương án cộng đồng quốc tế có thể thanh sát bất cứ nơi nào nghi ngờ có cơ sở hạt nhân bí mật và việc thanh sát sẽ kéo dài từ 20 - 25 năm.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21/6 cũng ra thông cáo khẳng định: “Tất cả các bên đều hiểu rõ những gì cần phải được đưa vào hiệp định cuối cùng, trong đó có quyền truy cập cơ sở hạt nhân, và chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận ký kết một hiệp ước thiếu vắng điều kiện này”. Liên quan đến dỡ bỏ lệnh cấm vận, phương Tây đề xuất lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu sẽ được dỡ bỏ đầu tiên, lệnh cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ sau khi xác nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận, trong khi một số lệnh cấm vận nhất định của Liên Hợp quốc vẫn được duy trì. Bởi vậy, việc Iran “chốt hạ” rằng các lệnh cấm vận phải được dỡ bỏ ngay khi ký kết thỏa thuận, đồng thời “cấm cửa” các thanh sát viên quốc tế đối với những cơ sở được nhận định bởi một tính từ rất “mơ hồ” là “nhạy cảm” chẳng khác nào đặt thêm chướng ngại vật trước mặt đoàn đàm phán cả hai bên trong quá trình tiến tới một thỏa thuận chấp nhận được.

Thời hạn 30/6 có khả thi?

Theo những thông tin mới nhất gửi về từ Vienne (Áo), các nhà đàm phán của Iran và nhóm P5+1 gặp nhau 5 ngày mỗi tuần trong suốt nhiều tuần qua, thể hiện nỗ lực rất lớn của cả hai bên trong giai đoạn “nước rút” này. Thế nhưng, theo mô tả của một số nhà ngoại giao được tiếp cận với các cuộc đàm phán này, văn kiện mà hai bên đang cố gắng soạn thảo trông “rất chắp vá với những dòng chữ xen lẫn hàng chục dòng bỏ trống”, chưa kể 4 hoặc 5 phụ lục kèm theo cũng chưa hoàn thiện.

Trưởng đoàn đàm phán của Nga là ông Sergey Ryabkov cũng phải thốt lên rằng “tiến độ đàm phán đang càng ngày càng chậm lại”. Trong nhiều tuần qua, giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei vẫn tiếp tục cự tuyệt yêu cầu của Mỹ về việc các thanh sát viên được quyền tiếp cận các cơ sở quân sự và phỏng vấn các nhà khoa học về hạt nhân của nước này. Bởi vậy, mặc dù thời hạn chót mà hai bên đưa ra cho việc đạt được thỏa thuận khung là ngày 30/6, nhưng cả hai bên cho rằng đây là nhiệm vụ khó khả thi. Hiện nay, một số nguồn tin cho biết nhiều khả năng các cuộc đàm phán sẽ phải kéo dài đến ngày 9/7. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng khẳng định nước này không bị sức ép thời gian để đạt được thỏa thuận toàn diện với nhóm P5+1. Tuy nhiên, ông Zarif đang chỉ trích nhóm P5+1 đưa ra những “yêu sách thái quá” trong quá trình đàm phán, đồng thời tuyên bố Iran sẽ không chịu lùi bước trước các áp lực đó.

Bảo vệ các nhà đàm phán Iran trước những “yêu sách thái quá” cũng chính là mục đích của các thành viên Quốc hội Iran khi bỏ phiếu thông qua dự luật liên quan đến những vấn đề cốt lõi trong đàm phán hạt nhân Iran. Tuy nhiên, một nguyên tắc mà ai cũng biết trong các cuộc đàm phán cam go là các bên phải biết tiến, lui đúng lúc, phải biết nhượng bộ ở mức độ nào đó để đạt tới thỏa thuận chấp nhận được cho cả hai. Bởi vậy, một khi Iran nhất quyết “thủ thế” với những quy định đảm bảo tối đa lợi ích cho mình, trong khi phương Tây cũng “không phải dạng vừa”, có lẽ nhận định về việc Iran và nhóm P5+1 có thể ký kết thỏa thuận cuối cùng vào ngày 9/7 vẫn còn quá lạc quan.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Iran "thủ thế" khi thời hạn thỏa thuận với P5+1 tới gần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO