Iraq sẵn sàng cho trận chiến bảo vệ thủ đô Baghdad
Chính phủ Iraq đang phải huy động mọi nguồn lực, mọi sự hỗ trợ quốc tế để bảo vệ đất nước.
Tình hình an ninh tại Iraq có thể xem như là “ngàn cân treo sợi tóc” khi các nhóm Hồi giáo cực đoan lần lượt chiếm thêm quyền kiểm soát nhiều thành phố lớn và đang tiến gần tới thủ đô Baghdad. Chính phủ Iraq đang phải huy động mọi nguồn lực, mọi sự hỗ trợ quốc tế để bảo vệ đất nước khỏi sự xâm chiếm của các nhóm khủng bố, mà nước này cho là đến từ bên ngoài.
Chính phủ Iraq đang đẩy nhanh mọi nỗ lực nhằm giành lại những thị trấn rơi vào tay các nhóm Hồi giáo cực đoan. Các máy bay trực thăng của Quân đội nước này ngày 13/6 đã không khích một trong những thánh đường chính ở thành phố Tikrit do nhóm nổi dậy kiểm soát. Trong khi đó, lãnh đạo tinh thần của người Hồi giáo dòng Shiite tại Iraq, giáo chủ Ali an Sistani ngày 13/6 đã kêu gọi nhân dân Iraq cầm vũ khí để chấm dứt các cuộc tấn công của lực lượng Hồi giáo cực đoan người Sunni.
Binh sỹ quân đội Iraq sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ông Al-Karbalai, người đại diện của Giáo chủ Ali an Sistani nói: "Các công dân có khả năng cầm vũ khí và chiến đấu với những kẻ khủng bố, bảo vệ đất nước, người dân và các địa điểm linh thiêng nên tình nguyện gia nhập các lực lượng an ninh để bảo vệ mục đích linh thiêng này. Những ai hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, gia đình và danh dự của mình sẽ là người tử vì đạo".
Cùng ngày, chính phủ của Thủ tướng Nuri Al Maliki thông báo triển khai kế hoạch an ninh nhằm bảo vệ Baghdad trước mọi cuộc tấn công. Theo Bộ Nội vụ Iraq, nước này sẽ triển khai một lượng lớn quân đội và cảnh sát, tăng cường hoạt động tình báo và huy động mọi phương tiện kỹ thuật.
Dù mục tiêu chiếm Baghdad, thành phố có tới 70% dân số là người Hồi giáo dòng Shiite là điều không thể vào thời điểm hiện nay, song các lực lượng nổi dậy người Sunni vẫn đang áp sát thủ đô từ 3 hướng, một là từ tỉnh An An-ba ở miền Tây và từ Salah ad-Dine ở phía Bắc và 1 từ tỉnh Diyala ở miền Đông. Riêng tại tỉnh này, các nguồn tin an ninh và giới chức địa phương cho biết các tay súng nổi dậy đã đụng độ với các dân quân dòng Shiite tại hai địa điểm chỉ cách thủ đô khoảng 80 km.
Trong bối cảnh này, cộng đồng quốc tế đã liên tục bày tỏ lo ngại và thể hiện sự ủng hộ đối với các nỗ lực của chính phủ và nhân dân Iraq nhằm khôi phục an ninh đất nước. Trong hai ngày qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lần lượt triệu tập các cuộc họp khẩn để thảo luận về tình hình an ninh tại Iraq, ra tuyên bố ủng hộ hoàn toàn đối với cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố của nước này và kêu gọi tổ chức một cuộc đối thoại khẩn cấp mang tính toàn diện tại Iraq. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quốc tế đều nhấn mạnh, chỉ có đoàn kết, Iraq mới có thể chấm dứt được tình trạng bất ổn hiện nay.
Trong một phát biểu đầu tiên về tình hình an ninh Iraq, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 13/6 thông báo quyết định không gửi quân tới tham chiến tại Iraq, song nhấn mạnh, các lựa chọn khác sẽ được nghiên cứu trong vài ngày tới. Ông Obama cũng kêu gọi các quan chức chính trị tại Iraq hãy gạt bỏ những tranh cãi sắc tộc. Theo ông, không gì có thể được thực hiện nếu không có một kế hoạch chính trị do chính người Iraq lập nên.
“Chúng tôi sẽ không gửi quân đội tới tham chiến tại Iraq, song tôi đã yêu cầu đội ngũ an ninh quốc gia chuân bị một loạt các lựa chọn có thể hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq và tôi sẽ xem xét những lựa chọn này trong vài ngày tới. Song tôi muốn nói rằng, nếu không có các nỗ lực chính trị, thì mọi hành động quân sự đều sẽ không thành công. Vì thế, các nhà lãnh đạo Iraq cần phải thức tỉnh và thể hiện thiện chí muốn đưa ra những quyết định khó khăn và thỏa hiệp vì người dân Iraq để cùng nhau giành lại đất nước”- Tổng thống Mỹ Barack Obama nói.
Trước đó, Anh và Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cũng bác bỏ khả năng gửi quân tới tham chiến tại Iraq./.
Theo VOV