Jimmy Carter và bài học cho hậu bối

17/07/2015 09:29

(Baonghean) - Với Julian Zelizer, giáo sư lịch sử và quan hệ công chúng tại Đại học Princeton danh giá, có một ký ức vẫn chưa hề phai mờ trong tâm trí. Đó là hình ảnh cậu bé 9 tuổi ngồi ngay ngắn trong lớp khi giáo viên cho dừng buổi học để mọi người có thể cùng theo dõi một sự kiện đặc biệt.

Họ chăm chú vào chiếc tivi màu đặt trên xe đẩy, và sau đó nhìn thấy cảnh Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đứng cạnh Thủ tướng Israel Menachem Begin và Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat để ký kết hiệp ước hòa bình lịch sử, bước đột phá ngoại giao thực sự đầu tiên tại Trung Đông.

Tổng thống Mỹ thứ 39 Jimmy Carter nắm quyền từ 1977-1981.
Tổng thống Mỹ thứ 39 Jimmy Carter nắm quyền từ 1977-1981.

Đó là ngày 26/3/1979. Giáo sư Zelizer vẫn nhớ những giọt lệ tuôn trào từ khóe mắt người thầy, người cô của mình. Toàn bộ học sinh có mặt khi đó đã vỗ tay. Và khoảnh khắc đó là ký ức chính trị rõ ràng đầu đời của ông.

Điều đáng chú ý là hơn 30 năm sau Hiệp ước hòa bình Camp David vẫn còn hiệu lực. Ký ức phổ biến về Carter có thể là những thất bại trong nhiều vấn đề của ông, nhưng thành tựu ngoại giao này vẫn là một thời khắc đáng nhớ về vai trò lãnh đạo của tổng thống trong quan hệ quốc tế - hình mẫu cho các tổng thống sau này khi họ cố gắng theo đuổi hòa bình tại khu vực bất ổn này.

Sadat đã có động thái táo bạo làm rung chuyển nguyên trạng bị chiến tranh xâu xé của khu vực. Vào tháng 11/1977, vị Tổng thống Ai Cập đã có chuyến thăm lịch sử tới Knesset, cơ quan lập pháp của Israel. Nguyên do chuyến thăm bất ngờ của ông rất phức tạp, từ khát khao thực sự muốn đạt được hòa bình, những trận chiến của chính ông với nhóm Anh em Hồi giáo, tới tình trạng kinh tế Ai Cập khi ấy suy yếu do giảm sự hỗ trợ từ Liên Xô.

Sadat đã kêu gọi hòa bình khi nói với Knesset bằng tiếng Arập: “Nếu các anh muốn chung sống với chúng tôi tại khu vực này, tôi thành thật nói với các anh rằng chúng tôi hoan nghênh các anh một cách an ninh và an toàn”. Begin, lãnh đạo đảng Likud theo đường lối cứng rắn, khi ấy mới trở thành Thủ tướng Israel, lấy làm ấn tượng và quyết định tham gia đàm phán. Begin nói: “Người Do Thái chúng tôi biết cách cảm kích sự cam đảm như vậy”.

Carter đã nắm lấy cơ hội. Những tháng sau đó diễn ra không mấy dễ dàng. Vào tháng 3/1978, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã tiến hành một vụ tấn công khủng khiếp - tiến vào Israel thông qua những bờ biển gần Tel Aviv, di chuyển trên những chiếc thuyền hoàng đạo - khiến 38 công dân nước này, trong đó có 13 trẻ em thiệt mạng. Begin tuyên bố trong giận dữ với Knesset: “Vĩnh viễn không còn những ngày máu của người Do Thái phải đổ mà không đánh đổi bằng sự trừng phạt”. Israel phản ứng bằng chiến dịch ném bom vào các đồn của PLO tại Liban, giết chết hàng nghìn người.

Nỗ lực mang lại tiến triển, Carter đã mời Begin và Sadat gặp gỡ tại Camp David từ ngày 5-17/9. Trong hồi ký của mình, Carter cho biết vợ ông là Đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter đã gợi ý rằng đây là một “địa điểm lý tưởng”.

Mỗi nhà lãnh đạo đã chuẩn bị hành trang tâm lý đáng kể khi tới bàn đàm phán. Nhiều người lập luận rằng khả năng thúc đẩy đàm phán của Carter biểu trưng cho một trong những thời điểm mạnh nhất của ông. Ông đã mở màn các cuộc gặp bằng cách nói với những người tham dự rằng nếu các thảo luận thất bại, “tôi sẽ công bố đề xuất cuối cùng của mình và để từng người lý giải tại sao họ chấp thuận hay bác bỏ nó”.

Các cuộc gặp diễn ra bí mật, đội ngũ nhân viên hạn chế nghiêm ngặt sự tiếp cận của giới truyền thông và cố gắng không để rò rỉ tin tức. Các cuộc đàm phán đã diễn ra hết sức căng thẳng. Carter, rõ ràng có thiện cảm với Sadat hơn Begin, giữ vai trò trung gian. Sau 3 ngày không có tiến triển gì, Tổng thống Mỹ đã tách 2 vị lãnh đạo ra để gặp riêng, cố gắng tìm ra điểm chung.

Carter khăng khăng về một kế hoạch hòa bình toàn diện cho khu vực bao gồm vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ai Cập và Israel cũng như thỏa thuận về lãnh thổ tại Bờ Tây.

Tổng thống Mỹ nghĩ rằng hòa bình với người Palestine là cốt yếu đối với hòa bình lớn hơn trong khu vực. Nhưng khi các đàm phán có tiến triển, ông nhận ra rằng đạt thỏa thuận về Bán đảo Sinai là con đường tốt nhất dẫn tới thỏa thuận, và chấp nhận bỏ lửng các vấn đề của Palestine.

Sadat không vui vì ông cho rằng điều này cũng cốt yếu, và quan ngại về những hậu quả chính trị phải đối mặt nếu không có nội dung này trong gói thỏa thuận.

Khi các đàm phán tiến sát tới hồi kết, tình hình tỏ ra ảm đạm, và Carter đã chỉ trích cả 2 người họ. Ông nói với Sadat rằng nếu không có thỏa thuận sẽ gây tổn hại không thể sửa chữa cho quan hệ Mỹ-Ai Cập và tình bạn cá nhân của họ.

Trong một cuộc trao đổi quan trọng, Carter gặp Begin, vốn rất giận vị Tổng thống Mỹ và trách các cuộc gặp bị tiết lộ. Carter không lạc quan về việc đạt được thỏa thuận, đã quyết định mang 8 bức ảnh có chữ ký mà Begin trước đó đề nghị đến cho cháu ông. Khi Carter chìa ra những tấm ảnh, Begin thấy cảm kích sâu sắc. Ông bắt đầu gọi tên từng đứa cháu và cuối cùng thúc giục Tổng thống Mỹ thử thêm một lần cuối.

Công tác vận động hành lang của Carter đã có hiệu quả. Các cuộc đàm phán kéo dài 13 ngày đưa ra “Hiệp định khung về Hòa bình tại Trung Đông”, vạch ra những mục tiêu bao gồm Israel rút khỏi Sinai và Ai Cập công nhận Israel. Hiệp định này bỏ ngỏ vấn đề Bờ Tây.

Dù các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy mức tăng đột ngột trong tỷ lệ ủng hộ Carter, cố vấn Hamilton Jordan của ông gần như đã thổi phồng những thành quả chính trị này khi huênh hoang rằng Mỹ đã “hoàn thành phần khó nhất là vận động Israel”. Các cuộc đàm phán sau đó bước vào giai đoạn chậm chạp. Knesset đã thông qua kế hoạch hòa bình, dù vậy Begin cũng cho phép xây dựng nhiều khu định cư của Israel tại Bờ Tây, kích động thêm tình hình.

Carter thường được nhớ đến là thiếu hiệu quả trong các hoạt động chính trị, song trong trường hợp này chính quyền của ông đã tiến hành một chiến dịch lớn để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng Do Thái. Ông đã tổ chức các buổi gặp mặt thường xuyên với các lãnh đạo tôn giáo và tổ chức của cộng đồng này, thậm chí đã xuất hiện tại nhiều giáo đường, đội mũ Do Thái, nhằm bảo đảm với cộng đồng người này rằng hiệp định sẽ an toàn đối với Israel.

Các đàm phán căng thẳng đã kết thúc với bước đột phá. Ai Cập và Israel đã chấp nhận thỏa thuận. Israel sẽ rút quân khỏi Sinai, còn Ai Cập sẽ công nhận Israel và bắt đầu các đàm phán ngoại giao. Vấn đề các khu định cư của người Do Thái và Bờ Tây gác lại chờ quyết định sau. Cả 2 nước được Mỹ bảo đảm hỗ trợ tài chính, và Israel sẽ nhận giúp đỡ về nguồn cung dầu lửa, nếu Ai Cập ngừng cung.

Cái bắt tay lịch sử giữa Sadat và Begin trước Nhà Trắng ngày 26/3 năm ấy là khoảnh khắc mang tính biểu tượng. Khi Begin tới, ông nói: “Đây là ngày mà chúng ta mong đợi, hãy vui hưởng ngày này”.

Cả 3 kênh truyền thanh đã tường thuật trực tiếp sự kiện này. Tại Jerusalem và Tel Aviv đường phố ngập tràn hân hoan. Ngồi giữa 2 nhà lãnh đạo tại buổi ký kết, Carter nói với các ký giả rằng những lời nguyện cầu đạt được thỏa thuận “đã được đền đáp, vượt xa mọi sự kỳ vọng”.

Carter nhớ lại trong cuốn hồi ký: “Lễ ký kết có nhiều người tham gia, rất hào hứng và thoải mái. Sadat khen ngợi tôi rất nhiều; hoàn toàn không đề cập đến Begin. Begin đã có bài phát biểu dài hơn. Toàn bộ chúng đã đủ cho thấy tầm quan trọng lịch sử của hiệp ước. Tôi chỉ cầu nguyện rằng chúng ta luôn giữ tinh thần hợp tác trong tương lai”.

Thỏa thuận này chưa phải là một thành công trọn vẹn. Một quả bom đã phát nổ tại trung tâm Jerusalem ngay sau ngày ký hiệp định, khiến 1 người chết và 14 người khác bị thương, khiến nhiều người tại Mỹ hoài nghi về việc thỏa thuận tiếp tục tồn tại. Những cuộc đấu đá chính trị của Carter với lệnh cấm vận dầu lửa thứ 2 vào mùa hè 1979 đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông tụt thảm hại, xóa đi mọi ký ức về thành công của ông.

Ronald Reagan đã đánh bại ông vào năm 1980. Thay vì nhớ lại cú đột phá ngoại giao với Israel của Carter, các cử tri dường như chịu tác động lớn hơn bởi những cáo buộc từ Đảng Cộng hòa rằng Carter và Đảng Dân chủ đã thất bại trong việc dẫn dắt đất nước - với sự kiện khủng hoảng con tin Iran và Liên Xô tấn công Afghanistan xảy ra trong nhiệm kỳ của ông.

Nhưng trong một khoảng thời gian ngắn khi cầm quyền, Carter đã thắng lợi với hiệp định tồn tại vượt quá nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách lặp lại điều này, với Iran, với Israel và với nhiều nước khác trong khu vực, họ nên nhìn lại vị tổng thống chỉ nắm quyền 1 nhiệm kỳ này để xem cách ông thành công làm được điều mà kể từ đó chưa ai đạt được.

Thu Giang

(Theo CNN)

Mới nhất
x
Jimmy Carter và bài học cho hậu bối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO