Kế hoạch B của Kerry đối với Iran là gì?

30/06/2015 09:15

(Baonghean.vn) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Vienna cuối tuần qua, hy vọng kết thúc các đàm phán về chương trình hạt nhân Iran và tuyên bố thành công. Ông muốn chắc chắn rằng thỏa thuận này phải hạn chế khả năng Iran xây dựng một kho vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Hiện tại, thành công kiểu này có vẻ khó đạt được. Sau 2 ngày đàm phán, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã quay trở về Tehran để tham vấn và các nhà ngoại giao đã thừa nhận rằng họ có khả năng sẽ bỏ lỡ hạn chót tự đặt ra vào ngày hôm nay (30/6).

Thêm vào đó, trong một bài diễn văn được phát trên truyền hình cách đây hơn 1 tuần, Lãnh đạo Tối cao của Iran Ali Khamenei dường như đã hủy bỏ các cuộc kiểm tra các cơ sở quân sự. Iran trước đó đã ngăn chặn sự tiếp cận với các cơ sở, nhưng các thỏa thuận cấm thanh tra tới các cơ sở quân sự bị tình nghi là cơ sở hạt nhân cũng không được chấp nhận. Khamenei cũng yêu cầu gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đã buộc Iran phải quay trở lại đàm phán 2 năm trước ngay khi thỏa thuận này được ký kết, chứ không phải theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo sự tuân thủ. Ông cũng cho rằng những giới hạn đặt lên Iran nên kéo dài ít hơn thời hạn đề xuất là 10 đến 12 năm.

Các cuộc đàm phán sẽ quyết định số phận của các lò phản ứng hạt nhân tại Iran. Ảnh: Getty Images.
Các cuộc đàm phán sẽ quyết định số phận của các lò phản ứng hạt nhân tại Iran. Ảnh: Getty Images.

Mỗi điều trên đều tiềm ẩn khả năng phá vỡ thỏa thuận. Nhìn lại lịch sử hồ sơ hạt nhân Iran, các đàm phán đã bắt đầu 12 năm trước, sau khi chương trình nhiên liệu hạt nhân của Iran bị phát hiện và tiếp diễn trong suốt 1 thập kỷ trên cơ sở Iran nên từ bỏ hoàn toàn chương trình này. Nỗ lực đó đã thất bại. Iran đi từ chỗ sở hữu một vài máy ly tâm thô sơ và không có kho dự trữ nhiên liệu dồi dào đến một chương trình sâu rộng với đủ nhiên liệu trong tay để sản xuất nhiều vũ khí.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã sử dụng các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn, mang Iran quay trở lại bàn đàm phán nhằm đi đến một sự thoả hiệp: Iran sẽ duy trì một chương trình nhiên liệu nhỏ, được giám sát chặt chẽ. Một thỏa thuận tạm thời được đưa ra hồi tháng 11/2013 đã tạm dừng sự bành trướng cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran và xóa bỏ những kho nhiên liệu nguy hiểm nhất để đối lấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Thỏa thuận đó hiện vẫn có hiệu lực và có lợi cho Mỹ cùng các đối tác đàm phán hơn là đối với Iran.

Do đó, nếu không có thỏa thuận mới nào được đưa ra, các đàm phán tiếp diễn và nguyên trạng vẫn duy trì, không có thiệt hại đáng kể nào cho hai bên. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ quá trình này sụp đổ? Kerry cần phải chuẩn bị cho kết cục này bằng một kế hoạch phòng bị.

Theo một số chuyên gia, kế hoạch B phải bảo đảm rằng có đủ sự ủng hộ để leo thang các lệnh trừng phạt khi cần. Có nghĩa là Mỹ sẽ phải thuyết phục châu Âu, Nga, Ấn Độ và các nước khác không phản đối lệnh trừng phạt. Điều này sẽ đòi hỏi Quốc hội Mỹ phải kiên nhẫn.

Nhiều nhà lập pháp tin rằng Iran đang kéo dài thời gian đàm phán để mở rộng chương trình của nước này, như họ đã làm dưới thời Chính quyền George W. Bush. Họ có khả năng bị áp đặt các lệnh trừng phạt mới nếu không đạt được thỏa thuận nào trong những ngày sắp tới. Tuy nhiên, điều đó sẽ phá vỡ các điều khoản của thỏa thuận tạm thời và tạo cho Khamenei cái cớ để quy kết Mỹ lừa dối, từ đó chấm dứt đàm phán và tiếp tục việc mở rộng chương trình hạt nhân Iran. Nếu điều đó xảy ra, việc duy trì cộng đồng quốc tế đoàn kết sau nỗ lực kiềm chế chương trình của Iran sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Kerry không nên ký một thỏa thuận tồi. Nhưng để có một kế hoạch B hiệu quả, ông cũng cần bảo đảm rằng nếu toàn bộ quá trình này sụp đổ, trách nhiệm không chỉ thuộc về Mỹ mà thuộc về cả Iran.

Thu Giang

(Theo Bloomberg)

Mới nhất
x
Kế hoạch B của Kerry đối với Iran là gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO