10 giải pháp công nghệ sẽ cách mạng hóa lĩnh vực an ninh mạng

Phan Văn Hoà (Theo Analyticsinsight) 28/11/2023 15:49

(Baonghean.vn) - Mật mã lượng tử, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, sinh trắc học, điện toán biên, 5G,…là những giải pháp công nghệ được dự báo sẽ cách mạng hoá lĩnh vực an ninh mạng trong tương lai.

Trong kỷ nguyên số hiện nay, an ninh mạng là mối quan tâm sống còn của các tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ do tính phức tạp của các mối đe dọa mạng và tội phạm mạng. Sự ra đời của các giải pháp công nghệ mới mang lại cả ưu điểm và nhược điểm trong lĩnh vực an ninh mạng.

Một mặt, tội phạm mạng sẽ lợi dụng các giải pháp công nghệ mới này để xâm nhập và tấn công hệ thống mạng của các tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ, điều này khiến các mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, khi được áp dụng khéo léo, những giải pháp công nghệ mới này có khả năng thay đổi hoàn toàn vấn đề an toàn an ninh mạng.

Chẳng hạn, bằng cách sử dụng khả năng học hỏi và sản xuất nội dung mới, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh có thể được sử dụng để xác định những bất thường, lường trước những rủi ro có thể xảy ra và cải thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng bảo mật. Sự phát triển của các công nghệ mới sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tác động đến các chiến thuật an ninh mạng.

Sau đây là 10 giải pháp công nghệ sẽ cách mạng hoá lĩnh vực an ninh mạng trong tương lai:

1. Mật mã lượng tử

Mật mã lượng tử (Quantum Cryptography) là một ngành khoa học nghiên cứu về bảo mật thông tin dựa trên các tính chất của vật lý lượng tử. Trong khi mật mã truyền thống khai thác chủ yếu các kết quả tính toán toán học nhằm vô hiệu hoá kẻ tấn công thì mật mã lượng tử khai thác chính bản chất vật lý của các đối tượng mang thông tin mà ở đây là các trạng thái lượng tử, ví dụ như các photon ánh sáng.

Anh minh hoa 2.jpg
Ảnh minh hoạ.

Mật mã lượng tử cho phép bảo mật thông tin truyền đi bằng truyền thông quang, qua sợi quang cũng như truyền thông quang học trong không gian tự do (Free Space Optical communications: FSO). Nó cho phép thông tin được bảo mật “tuyệt đối”, không phụ thuộc vào độ mạnh của máy tính, độ tối tân của dụng cụ hay sự xảo quyệt của tin tặc. Sự bảo mật của mật mã lượng tử bắt nguồn từ những quy luật không thể phá bỏ của tự nhiên, do đó nó được xem như là một sự bảo vệ mạnh mẽ nhất có thể cho cơ sở dữ liệu.

Công nghệ này mã hóa dữ liệu và truyền dữ liệu một cách an toàn bằng cách sử dụng các ý tưởng của vật lý lượng tử. Cung cấp một kỹ thuật phân phối khóa an toàn được gọi là Phân phối khóa lượng tử (Quantum Key Distribution: QKD), một kỹ thuật tạo và phân phối các khóa ngẫu nhiên không bị chặn hoặc thao túng, là nền tảng của mật mã lượng tử. Thông tin và thông tin liên lạc nhạy cảm có thể có tính bảo mật và ẩn danh không thể phá vỡ nhờ mật mã lượng tử.

Mật mã lượng tử sẽ đóng vai trò quan trọng đối với các hệ thống thông tin lượng tử tương tự như mật mã hiện đại đối với các hệ thống thông tin ngày nay. Các kỹ thuật của mật mã lượng tử sẽ giúp chúng ta bảo vệ và chống lại những cuộc tấn công công nghệ, đặc biệt là những kẻ nghe trộm có thể chặn, nhận, sao chép và gửi lại tin nhắn với độ chính xác hoàn hảo và cực kì nhanh chóng.

2. Trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence: AI) đang phát triển nhanh chóng và tinh vi hơn mỗi ngày. Các chuyên gia an ninh mạng phải bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ cho những cách thức mà AI sẽ thay đổi bối cảnh an ninh mạng. Cơ hội để tăng cường bảo mật cũng có khi đi kèm với mối đe dọa cần phải được chú tâm.

Với sự phát triển nhanh chóng của AI, tính ứng dụng của nó với các lĩnh vực chỉ còn phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của con người. Các tổ chức, doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng AI để tăng cường an ninh mạng và cung cấp nhiều biện pháp bảo vệ chống lại các tin tặc tinh vi. AI có thể tự động hóa các quy trình phức tạp để phát hiện các cuộc tấn công và phản ứng với các vi phạm trái phép. Các ứng dụng này ngày càng trở nên hữu dụng và an toàn hơn khi AI được triển khai để bảo mật.

Các sản phẩm công nghệ ứng dụng bảo mật AI có thể tự động phát hiện, phân tích và bảo vệ chống lại các cuộc tấn công nâng cao bằng cách chủ động phát hiện, phân tích, ứng phó và ngăn chặn những kẻ tấn công. Các lỗ hổng, cách thức tấn công mới có thể được cập nhật lên hệ thống huấn luyện để máy có thể học một cách nhanh chóng nhằm phát hiện những bất thường, lỗ hổng và mối nguy hiểm.

3. Chuỗi khối

An ninh mạng không nằm ngoài xu hướng số hóa đang diễn ra trên toàn cầu. Ngày nay, chúng ta duy trì nhiều tài khoản mạng xã hội và chia sẻ thông tin cá nhân với nhiều nền tảng khác nhau. Khi dữ liệu kỹ thuật số trở thành nguồn dữ liệu khai thác khổng lồ, nguy cơ bị tấn công mạng ngày càng tăng. Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) sẽ là giải pháp tiềm năng để bảo mật dữ liệu.

Nền tảng an ninh mạng dựa trên blockchain có thể bảo mật các thiết bị kết nối bằng cách sử dụng chữ ký điện tử để nhận diện và xác thực các thiết bị này. Sau đó các thiết bị sẽ đóng vai trò là những đối tượng tham gia được ủy quyền trong mạng blockchain. Tất cả thông tin liên lạc giữa những người tham gia đã được xác minh sẽ được bảo mật bằng mật mã và lưu trữ trong nhật ký chống giả mạo.

Ứng dụng Blockchain trong an ninh mạng giúp loại bỏ rủi ro về một điểm lỗi duy nhất (Single point of failure). Khi có một node (nút) bị tấn công hoặc trục trặc, toàn bộ hệ thống sẽ không bị phá hủy. Việc phá hủy toàn bộ node để đánh sập hệ thống là điều bất khả thi.

Đối với lĩnh vực an ninh mạng, blockchain mang lại các lợi ích như xác minh thông tin, chống giả mạo, xác minh chứng thực toàn vẹn dữ liệu phần mềm, bảo mật IoT, đảm bảo tính riêng tư. Chữ ký số, hợp đồng thông minh, quản lý danh tính và xác thực an toàn đều có thể được thực hiện bằng công nghệ blockchain.

4. Sinh trắc học

Công nghệ Sinh trắc học (Biometric) là một công nghệ sử dụng những thuộc tính vật lý hoặc hành vi, các đặc điểm sinh học đặc trưng như dấu vân tay, mẫu mống mắt, giọng nói, khuôn mặt, dáng đi,… để xác định danh tính của một người và cung cấp quyền truy cập vào hệ thống hoặc dịch vụ.

Do các đặc điểm về thể chất và hành vi của mỗi người là duy nhất và khó giả mạo nên công nghệ bảo mật ứng dụng sinh trắc học đảm bảo tính an toàn cao. Dựa trên việc đo lường, phân tích và thống kê các dữ liệu sinh trắc, hệ thống có thể xác định chính xác một người.

Bằng cách bổ sung hoặc thay thế các kỹ thuật xác thực thông thường như mật khẩu và mã PIN, sinh trắc học có thể cải thiện an ninh mạng. Ngoài ra, sinh trắc học có thể ngăn chặn gian lận, giả mạo và đánh cắp danh tính.

5. Điện toán biên

Điện toán biên (Edge Computing) là một kiến trúc được thiết kế và xây dựng nhằm tối ưu hoá hệ thống điện toán đám mây bằng cách cho phép xử lý, tính toán dữ liệu tại vùng biên – nơi gần với nguồn phát sinh dữ liệu và nhận yêu cầu xử lý nhất (các thiết bị IoT).

Về mặt thực tế, điện toán biên được thiết kế để đưa năng lực tính toán tới gần hơn với nguồn dữ liệu nhằm giảm độ trễ. Chiến thuật này là một giải pháp có hiệu lực cho các tổ chức không ở gần điện toán đám mây hoặc yêu cầu tốc độ để tiến hành công việc kinh doanh của họ.

Thông qua việc giảm độ trễ, băng thông và chi phí liên quan đến truyền dữ liệu, điện toán biên có thể tăng cường an ninh mạng. Đối với điện toán biên, các dữ liệu nhạy cảm, quan trọng sẽ được xử lý ngay tại thiết bị nội bộ mà chưa phải gửi đi, từ đó góp phần bảo vệ dữ liệu an toàn hơn. Mặt khác, điện toán biên giúp giảm khả năng tiếp xúc với các hệ thống bên ngoài hoặc tập trung nên nó cũng có thể mang lại sự riêng tư và kiểm soát dữ liệu cao hơn.

6. Zero Trust

Mô hình Zero Trust trong an ninh mạng, nghĩa là “không tin tưởng bất kỳ ai cho đến khi được xác minh” hiện đang được xem như một giải pháp bảo mật được áp dụng rộng rãi cho các doanh nghiệp.

Theo khái niệm Zero Trust, mọi đối tượng, bao gồm cả người dùng, các thiết bị, ứng dụng và dữ liệu, đều được xem là không đáng tin cậy. Điều này có nghĩa là, thay vì dựa vào việc phân biệt những đối tượng được phép truy cập hoặc không được phép truy cập, Zero Trust yêu cầu các tổ chức xác minh và xác nhận mỗi hoạt động trước khi cấp quyền truy cập.

Nhu cầu bảo vệ an ninh mạng đã trở nên vô cùng cấp thiết. Các tổ chức hiện đang tìm cách để khai thác tối đa tiềm năng của dịch vụ truy cập Zero Trust để bảo vệ cơ sở hạ tầng bảo mật hiện tại trước mọi nguy cơ rò rỉ dữ liệu hoặc rủi ro an ninh mạng chưa từng có.

Các tổ chức ngày càng hiểu rằng cần phải đặt nhiều quyền kiểm soát hơn để xác định và chặn các tác nhân gây hại trên không gian mạng. Áp dụng nguyên tắc đặc quyền tối thiểu này đảm bảo rằng chỉ những người cần truy cập vào thông tin nhạy cảm mới được quyền truy cập vào máy chủ.

Mặc dù cách tiếp cận Zero Trust sẽ không ngăn chặn tội phạm mạng đánh cắp thông tin. Tuy nhiên, những kẻ tấn công sẽ phải đánh cắp thông tin với số lượng lớn trước khi chúng có thể di chuyển xung quanh một mạng mà không bị hạn chế. Zero Trust sẽ làm chậm quá trình đánh cắp thông tin và khiến những tên tội phạm mạng phải cố gắng nhiều hơn để truy cập dữ liệu, đặc biệt là các loại dữ liệu nhạy cảm nhất, thường sẽ yêu cầu mức độ xác thực cao không chỉ dựa vào tên người dùng và mật khẩu.

7. Bảo mật đám mây

Bảo mật đám mây (Cloud Security) là tập hợp các biện pháp, quy tắc, công nghệ và các chiến lược được sử dụng để bảo vệ thông tin, dữ liệu và tài nguyên trên các dịch vụ đám mây. Điều này bao gồm bảo vệ dữ liệu khỏi việc truy cập trái phép, sử dụng trái phép hoặc thay đổi trái phép, cũng như đảm bảo tính toàn vẹn, sẵn sàng và khả dụng của các dịch vụ và ứng dụng trên nền tảng đám mây.

Một trong những điều quan trọng khi sử dụng các dịch vụ đám mây là bất kỳ tài khoản đám mây nào cũng cần được bảo mật đúng cách, sử dụng mật khẩu phức tạp, duy nhất và được trang bị xác thực đa yếu tố, để trong trường hợp mật khẩu bị đánh cắp, rò rỉ hoặc bị đoán, vẫn có một rào cản bổ sung giúp ngăn chặn và hạn chế việc tài khoản bị chiếm đoạt và lạm dụng.

Các giải pháp bảo mật đám mây cho phép các tổ chức tận dụng tính linh hoạt, khả năng mở rộng, tính minh bạch và giảm chi phí vận hành của các nền tảng đám mây hiện nay mà không gây rủi ro cho dữ liệu bí mật, những quy định cần tuân thủ và việc liên tục trong hoạt động kinh doanh.

Việc áp dụng bảo mật đám mây giúp các tổ chức, doanh nghiệp phát hiện các lỗ hổng và cấu hình sai trong cơ sở hạ tầng dựa trên đám mây; giám sát các sự cố trong các ứng dụng trên nền tảng đám mây; phát hiện dấu hiệu của các cuộc tấn công nâng cao, như hành vi bất thường và bằng chứng về hành vi đánh cắp thông tin xác thực và di chuyển xuyên hệ thống và ngăn chặn những kẻ tấn công chiếm quyền kiểm soát bảng điều khiển trên nền tảng đám mây và sử dụng tài nguyên đám mây cho các mục đích tội phạm như đào tiền ảo, lưu trữ mạng botnet và phát động các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DoS).

8. Mạng 5G

5G hiện đang là công nghệ di động thế hệ mới nhất, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, dịch vụ mới như: xe tự lái, chăm sóc sức khỏe từ xa, máy bay không người lái, điều khiển máy nông nghiệp từ xa,… với những ưu điểm nổi bật như tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn so với công nghệ 4G và khả năng tích hợp đa dạng thiết bị.

Công nghệ 5G đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai thương mại. Theo số liệu công bố tháng 10/2023 của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) cho thấy, sau hơn 4 năm kể từ khi Hàn Quốc triển khai mạng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới vào tháng 4 năm 2019, đến nay trên toàn cầu đã có 292 mạng 5G thương mại và 578 nhà khai thác di động đang đầu tư vào mạng 5G.

So với các thế hệ mạng 4G, 3G và 2G thì 5G sẽ cung cấp cho người dùng các trải nghiệm hoàn toàn mới như trải nghiệm chơi trò chơi thực tế ảo, tập thể thao cùng huấn luyện viên ảo, tham quan bảo tàng nghệ thuật ảo... Với tốc độ tối đa lý tưởng nhanh hơn gấp 100 lần 4G, mạng 5G được kỳ vọng sẽ mang đến cho người dùng trải nghiệm học tập, mua sắm và làm việc trực tuyến nhanh nhất.

Bằng cách cho phép truyền dữ liệu an toàn và đáng tin cậy hơn, mạng 5G có thể cải thiện an ninh mạng, đặc biệt đối với các ứng dụng quan trọng như thành phố thông minh, giao thông vận tải và chăm sóc sức khỏe.

9. Nhận thức về an ninh mạng

Cùng với những lợi ích to lớn của Internet và điện toán đám mây, hiểm họa về an toàn thông tin thường trực đe dọa cho mỗi cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp, chính phủ. Tổn thất từ những hiểm họa này to lớn hơn chúng ta tưởng và không thể thống kê được, bao gồm cả những thiệt hại về niềm tin của khách hàng, uy tín của tổ chức, các thiệt hại mang tính cơ hội và pháp lý khác.

An ninh mạng bao gồm 03 yếu tố chính: kỹ thuật, quy trình vận hành và con người. Trong đó con người là yếu tố quan trọng nhất nhưng cũng là điểm yếu nhất trong hệ thống. Trong các sự cố về an toàn thông tin, nguyên nhân phát sinh từ sai sót của người dùng cuối chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với những lý do phát sinh từ hệ thống. Trong hoạt động của doanh nghiệp, người dùng cuối, nhân viên và lãnh đạo sử dụng máy tính và điện thoại thông minh kết nối mạng nội bộ và Internet. Họ không chỉ làm việc với khách hàng, đối tác, đồng nghiệp… thực hiện các quy trình, tiếp xúc và xử lý thông tin mà còn tương tác với bạn bè, gia đình và nhiều công việc khác. Với mặt bằng nhận thức thấp như hiện nay, khả năng lây nhiễm mã độc và bùng phát tấn công luôn thường trực từ trong nội bộ các tổ chức, doanh nghiệp.

Để ngăn chặn và giảm thiểu các cuộc tấn công mạng, nhận thức về an ninh mạng là một thành phần quan trọng của con người. Khả năng của các cá nhân và tổ chức trong việc chống lại các mối đe dọa trên không gian mạng và bảo vệ người khác được gọi là nhận thức về an ninh mạng. Bằng cách khuyến khích văn hóa thực hành bảo mật tốt nhất, chẳng hạn như sử dụng mật khẩu mạnh, cập nhật phần mềm và tránh email lừa đảo, nhận thức về an ninh mạng có thể nâng cao an ninh mạng.

10. Bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng

Bảo hiểm trên không gian mạng (Cyber Insurance) là một loại bảo hiểm bảo vệ chống lại những tổn thất và thiệt hại do các cuộc tấn công mạng gây raà. Các tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính hoặc danh tiếng do các sự cố mạng như tấn công tống tiền (ransomware), tấn công từ chối dịch vụ (DoS) hoặc vi phạm dữ liệu có thể được hưởng lợi từ việc bảo hiểm trên không gian mạng. Ngoài ra, bảo hiểm trên không gian mạng có thể khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn và quy trình bảo mật cao hơn.

Công nghệ, phương tiện truyền thông xã hội và các giao dịch qua Internet đóng vai trò quan trọng trong cách các tổ chức kinh doanh và tiếp cận với khách hàng tiềm năng nhất hiện nay. Đồng thời những phương tiện này cũng trở thành chiếc cổng dẫn đến những cuộc tấn công mạng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Khi những vụ tấn công mạng xảy ra ngày càng nhiều, các doanh nghiệp lớn không chỉ tăng cường công tác bảo mật hệ thống để hạn chế rủi ro mà còn mua bảo hiểm cho hệ thống như một cách bảo vệ doanh nghiệp về mặt tài chính.

Mặc dù, bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng không giúp các tổ chức, doanh nghiệp tránh khỏi các cuộc tấn công của bọn tội phạm mạng, nhưng phần nào giúp họ ổn định về mặt tài chính nếu không may xảy ra những vụ tấn công mạng.

Mới nhất

x
10 giải pháp công nghệ sẽ cách mạng hóa lĩnh vực an ninh mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO