Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI

12/12/2012 09:53

(Baonghean) - Kỳ họp thứ 5, có tất cả 43 nội dung mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đề nghị, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo giải quyết tất cả 43 nội dung nêu trên. UBND tỉnh trình bày rõ 16 nội dung như sau:

Nội dung thứ nhất:Cử tri xã Hưng Lộc, Thành phố Vinh và một số cử tri khác đề nghị mở rộng đường Lê Viết Thuật; xây dựng dốc từ đường ngang dân sinh và đường nội đồng lên đường chính tại các đường 558 (8A), đường 8B, đường tránh Vinh để đảm bảo đời sống dân sinh.
UBND tỉnh xin báo cáo như sau:

1. Về đầu tư mở rộng đường Lê Viết Thuật.


Đường Lê Viết Thuật là Tỉnh lộ do Sở GTVT quản lý, hiện nay đã xuống cấp, bề rộng mặt đường không đảm bảo, ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường. Ngày 7/9/2012, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư: Nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 535 đoạn Vinh - Cửa Hội, tại Quyết định số 3430/QĐ.UBND, với tổng mức đầu tư: 2.508,2 tỷ đồng, với quy mô đường đô thị rộng 45m, chiều dài 11km.

Ngày 2/10/2012, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu giai đoạn 1 tại Quyết định số 3752/QĐ.UBND-GT. Hiện nay, chủ đầu tư (Sở GTVT) đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo để sớm khởi công xây dựng công trình hoàn thành đúng tiến độ.

2. Về đầu tư nâng cấp các cầu trên tuyến Tỉnh lộ 598A (nay đổi thành Tỉnh lộ 531).

Năm 2007, tuyến đường ĐT.531 đoạn từ Km34 - Km58 đã được Bộ Giao thông Vận tải triển khai nâng cấp, cải tạo bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Châu Á (ADB) nhưng chỉ đầu tư phần đường, còn các cầu Hiếu, cầu Dinh vẫn giữ nguyên hiện trạng để khai thác. Do tính chất công trình là cầu tràn nên vào mùa mưa lũ, tại các vị trí này thường xuyên bị ngập, đồng thời do xây dựng đã lâu nên đến nay đã bị xuống cấp. Ngày 21/10/2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4414/QĐ.UBND-CN cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Hiếu và cầu Dinh. Hiện Sở Giao thông Vận tải đang tích cực triển khai lập dự án đầu tư và bố trí nguồn vốn để sớm triển khai xây dựng công trình.

3. Về xây dựng các dốc từ đường ngang dân sinh và đường nội đồng lên đường chính tại đường 558 (8A), đường 8B:

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT làm việc, thống nhất với địa phương bổ sung đầy đủ hệ thống đường dốc dân sinh. Trong đó đường 8A có 76 điểm, đường 8B có 45 điểm. Hiện tại, UBND tỉnh đang tích cực đôn đốc các đơn vị thi công triển khai xây dựng sớm hoàn thành, phục vụ đi lại cho nhân dân.

Nội dung thứ 2: Cử tri phản ánh khu vực núi Vại Rau, xã Hưng Yên Bắc đã được cấp phép khai thác đá, vật liệu xây dựng cho Công ty Invecon với diện tích gần 10ha. Tuy vậy, cử tri lo ngại khi khai thác sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến lòng hồ khe Ngang.

UBND tỉnh xin báo cáo như sau:

Công ty Cổ phần thương mại quốc tế và Tư vấn đầu tư Invecon được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác đá xây dựng tại núi Vại Rau, xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên vào năm 2009. Ngày 05/10/2012, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra để xác minh kiến nghị của cử tri. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty chưa tiến hành khai thác.

Nếu công ty tiến hành khai thác, vấn đề nước thải, khí thải và tiếng ồn được xử lý như sau:

- Đối với nước thải: Theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt thì phần nước thải, nước mưa chảy tràn phát sinh từ khu vực mỏ phải được xử lý đạt theo quy chuẩn môi trường hiện hành mới được phép thải vào hồ theo quy định.

- Công ty cam kết khi tiến hành khai thác sản phẩm sau khai thác sẽ được vận chuyển theo tuyến đường cùng với doanh nghiệp tư nhân Phước Thuỷ, cho nên sẽ không ảnh hưởng tới khu vực dân cư hồ Khe Ngang. Mặt khác, khoảng cách từ khu vực mỏ đến khu dân cư xóm Đa Đa khoảng 700m và qua hồ Khe Ngang, vì vậy trong khi hoạt động khai thác khoáng sản không ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty trước khi tiến hành khai thác phải xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo đúng nội dung đã cam kết.

Trong quá trình khai thác, nếu gây ô nhiễm môi trường thì yêu cầu Công ty tạm dừng khai thác tại khu vực mỏ.

Nội dung thứ ba: Cử tri đề nghị thu hồi đất của các lâm trường để giao cho địa phương quản lý và cấp đất nhân dân sản xuất.

UBND tỉnh báo cáo như sau:

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất của một số nông, lâm trường, BQL rừng phòng hộ trên địa bàn toàn tỉnh và đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi 4.406,5 ha đất lâm nghiệp, nông nghiệp tại các huyện: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương,... để UBND các huyện có cơ sở giao lại cho nhân dân sản xuất (bao gồm: Thu hồi của BQL rừng phòng hộ Quỳ Châu: 588,6 ha, BQL rừng phòng hộ Thanh Chương: 2.297,6 ha, Lâm trường Quỳ Hợp: 31,4 ha và Lâm trường Đồng Hợp: 1.488,9 ha). Sau khi UBND tỉnh có Quyết định thu hồi đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện khẩn trương lập phương án để giao đất lâm nghiệp cho nhân dân sản xuất theo quy định của pháp luật.

Nội dung thứ tư: Cử tri đề nghị tỉnh có kế hoạch đền bù và di dời những hộ dân bị ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Bản Mồng để nhân dân an tâm, tập trung cho sản xuất và phát triển kinh tế. Cử tri đề nghị tỉnh sớm thu hồi một phần đất của lâm trường, của rừng phòng hộ có khả năng sản xuất nông nghiệp để giao lại cho dân thuộc diện tái định cư Thuỷ điện Bản Mồng, huyện Quỳ Châu.

UBND tỉnh báo cáo như sau:

Dự án đầu tư xây dựng Hồ chứa nước Bản Mồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt ngày 26/5/2009 với tổng mức đầu tư hơn 4.455 tỷ đồng. Dự án gồm 4 hợp phần chính, trong đó có hợp phần đền bù, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1984 ngày 8/5/2009 với tổng mức đầu tư hơn 860 tỷ đồng đã được khởi công vào tháng 5/2010.

Mục tiêu của hợp phần: Đảm bảo các tổ chức, hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình chuyển đến nơi ở mới, ổn định đời sống.

Để giảm thiểu di dân tái định cư, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý cho bổ sung hạng mục đập phụ và kênh tiêu Châu Bình vào Hợp phần đền bù, di dân tái định cư Công trình Hồ chứa nước Bản Mồng. Sau khi bổ sung hạng mục đập phụ và kênh tiêu Châu Bình, số hộ còn phải di dời tái định cư tại huyện Quỳ Châu là 361 hộ.

Phương án tái định cư cho 361 hộ dân như sau:

- Qua tổ chức tham vấn cộng đồng lấy ý kiến tái định cư các hộ phải di dời thì có 150 hộ đồng ý tái định cư tự nguyện và 211 hộ phải bố trí tái định cư cho họ.

- Hiện tại, Ban QLDA Bản Mồng đang lập quy hoạch 2 khu tái định cư gồm:

+ Khu TĐC Bản Đung tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp: Bố trí cho 65 hộ. Hiện tại, đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục công trình cho khu tái định cư, do chưa có vốn nên chưa tổ chức thi công xây dựng.

+ Khu TĐC Khe Ang tại xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn: Bố trí khoảng 200 hộ. Hiện tại đang lập dự án đầu tư.

Dự kiến đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành công tác đền bù, di dân tái định cư của công trình Hồ chứa nước Bản Mồng tại huyện Quỳ Châu.

Nội dung thứ năm: Cử tri kiến nghị cần có giải pháp tích cực trong quản lý đất đai, nhất là trong thực hiện quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp. Có hướng dẫn cụ thể về tiếp tục thực hiện chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Có giải pháp để chỉ đạo quyết liệt các huyện, thành, thị làm tốt công tác vệ sinh môi trường, xây dựng các khu xử lý rác thải.

Về vấn đề này, UBND tỉnh xin báo cáo như sau:

- Hiện nay, quy hoạch sử dụng đất tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2015, trong đó có quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, đang trình Chính phủ phê duyệt.

- UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2928 ngày 06/8/2012 về việc ban hành kế hoạch tổ chức vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa” theo Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngày 15/8/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 2387 ban hành Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện công tác “dồn điền, đổi thửa”, trong đó kèm theo đề án mẫu để các cấp chính quyền địa phương có cơ sở triển khai thực hiện dễ dàng; đồng thời có các văn bản đôn đốc các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện, trước mắt, mỗi huyện làm điểm 1 xã trong năm 2012, sau đó nhân rộng ra và hoàn thành trong năm 2016. Tại kỳ họp này, UBND tỉnh cũng đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, trong đó có hỗ trợ chỉnh trang đồng ruộng sau khi dồn điền đổi thửa là 300 triệu đồng cho 1 mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Nội dung thứ 6: Chủ trương phát triển trang trại là cần thiết nhưng phải trên cơ sở quy hoạch, tránh tùy tiện phá vỡ quy hoạch nông nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất. Cử tri đề nghị cân nhắc kỹ khi thu hồi đất của nhân dân giao cho các doanh nghiệp (như Công ty sữa TH) vì nhân dân đang sinh sống chủ yếu dựa vào việc sản xuất trên mảnh đất của hộ gia đình.

Về nội dung này, UBND tỉnh xin báo cáo như sau:


Đối với dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa tập trung theo quy mô công nghiệp do Công ty CP Thực phẩm sữa TH làm chủ đầu tư: Đây là dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có quy mô khá lớn. UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án. Việc thu hồi đất, cho Công ty thuê đất trong thời gian qua đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Quỹ đất cho Công ty CP Thực phẩm sữa TH thuê thực hiện dự án chủ yếu được lấy từ quỹ đất của các nông, lâm trường trả lại những phần diện tích đất sử dụng không có hiệu quả, hoặc không có nhu cầu sử dụng,... ). Còn đối với đất sản xuất của nhân dân đang quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh, trường hợp Công ty CP Thực phẩm sữa TH có nhu cầu thuê, góp vốn, nhận chuyển nhượng,... thì phải thỏa thuận với người dân và phải được người dân đồng ý mới được sử dụng (các cấp chính quyền không được can thiệp vào việc thu hồi đất của nhân dân để cho Công ty CP Thực phẩm sữa TH thuê).

Nội dung thứ 7: Cử tri huyện Quế Phong đề nghị sớm cấp nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cho huyện, trong đó ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các huyện nghèo cao hơn các huyện khác.

Về vấn đề này, UBND tỉnh xin báo cáo như sau:


Theo Quyết định 695/QĐ-TTg thì cần ưu tiên tập trung cho các huyện miền núi cao, huyện nghèo thuộc CT 30a. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ đầu tư trực tiếp nên chưa thể cân đối được. Đối với các huyện thuộc CT 30a đang chủ yếu sử dụng nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình dự án khác, như: vốn của CT 30a (khoảng 150 tỷ đồng/năm), Chương trình 134, 135...

Nội dung thứ 8: Cử tri đề nghị cần tiếp tục đầu tư mới các công trình thủy lợi, sửa chữa, nâng câp các công trình hư hỏng; thủ tục thanh toán thủy lợi phí hiện nay quá rườm rà.

UBND tỉnh xin báo cáo như sau:


Do ngân sách hạn hẹp, hàng năm UBND tỉnh mới chỉ bố trí hỗ trợ kinh phí 6-10 tỷ đồng để tu sửa những công trình ách yếu trước mùa bão lụt. Nghệ An là tỉnh lớn, với hệ thống kênh mương hàng nghìn km, với nguồn kinh phí như vậy, chưa thể đáp ứng được nhu cầu sửa chữa hàng năm. Do đó, chủ yếu vẫn do nhân dân, các địa phương huy động tự sửa chữa, khắc phục.

Nguồn kinh phí Trung ương cấp bù miễn thủy lợi phí cho tỉnh Nghệ An năm 2012 là 181 tỷ đồng. UBND tỉnh cấp ứng đợt 1 cho các địa phương, đơn vị theo Quyết định số 404 ngày 16/02/2012 là 65,6 tỷ đồng. Sau khi các địa phương, đơn vị hoàn thiện các hồ sơ, dự toán kinh phí được UBND tỉnh phê duyệt, sẽ cấp tiếp số kinh phí còn lại.

Về hồ sơ, thủ tục miễn thủy lợi phí thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 36/2009/TT-BTC ngày 26/2/2009 của Bộ Tài chính, UBND tỉnh và các địa phương không đặt thêm các hồ sơ, thủ tục nào.

UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết toán đúng thời gian để không làm ảnh hưởng đến tiến độ cấp kinh phí năm tiếp theo.

Nội dung thứ 9: Cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng cống Ba ra Nam Đàn 2, vì nếu để chậm thì ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đi lại của nhân dân và nguy hiểm vào mùa bão lũ sắp tới.

UBND tỉnh xin báo cáo như sau:


Theo báo cáo, Ban quản lý dự án (Công ty TNHH 1TV Thủy nông Nam) đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình đầu mối cống và âu thuyền, cầu giao thông trên cống và âu để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo giao thông đi lại của người dân; sớm hoàn thành công trình trạm bơm tưới để phục vụ sản xuất nông nghiệp kịp thời.

Nội dung thứ 10: Các hộ dân xã: Châu Khê, Thạch Ngàn, Cam Lâm huyện Con Cuông thuộc Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy từ năm 2011, đến nay nhân dân vẫn chưa được nhận gạo hỗ trợ theo quy định.

UBND tỉnh xin báo cáo như sau:


Thực hiện Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 14/4/2008 về việc hướng dẫn trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng dự án trên địa bàn 6 huyện miền núi cao. Tổng diện tích rừng trồng trên đất nương rẫy là 907,2 ha.
Ngày 8/5/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1528/QĐ-UBND.TM về việc giải quyết kinh phí để trợ cấp gạo cho các hộ tham gia dự án. Đến nay, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã tổ chức đấu thầu cung cấp gạo xong cho các hộ trên địa bàn 6 huyện (hoàn thành trong tháng 9). Tổng số gạo được cấp là 578,65 tấn, việc cấp gạo đã hoàn thành (trong đó có các hộ gia đình thuộc các xã Châu Khê, Cam Lâm và Thạch Ngàn huyện Con Cuông). Đến nay dự án đã kết thúc.

Nội dung thứ 11: Cử tri đề nghị tăng cường đội ngũ giáo viên trẻ có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tâm huyết cho cơ sở vùng sâu, vùng xa để thay thế số giáo viên nhiều tuổi đi tăng cường, chuyên môn yếu, không nhiệt tình, thời gian tăng cường chỉ 2 năm nên không tâm huyết với nghề.

Về vấn đề này, UBND tỉnh xin báo cáo như sau:


Việc tiếp nhận, tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên mầm non, tiểu học, THCS thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện. Nhìn chung, công tác tuyển dụng giáo viên đã thực hiện theo quy trình, trong đó ưu tiên tuyển dụng sinh viên có kết quả học tập và trình độ tốt nghiệp cao hơn.

Nội dung thứ 12: Cử tri đề nghị cấp nguồn kinh phí thực hiện theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP để chi trả tiền lương cho đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện công tác tại các xã nghèo thuộc huyện Quế Phong.

Về vấn đề này, UBND tỉnh xin báo cáo như sau: Kinh phí để chi trả tiền lương cho đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện công tác tại các xã của các huyện nghèo (trong đó có huyện Quế Phong) nằm trong nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Nguồn kinh phí này hàng năm đã được cấp chuyển cho các huyện theo dự toán. Đầu năm 2012, do nguồn cấp chậm nên chuyển chậm cho các huyện; nhưng đến nay đã chuyển cấp đủ nguồn kinh phí để chi trả tiền lương cho đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện công tác tại các xã của các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP

Nội dung thứ 13: Cử tri kiến nghị: Xã Mai Sơn, xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương) chưa có đường ô tô, khi mưa lũ thường bị cô lập về giao thông, cuộc sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Cử tri đề nghị tỉnh có giải pháp hữu hiệu để giải quyết giúp người dân đi lại và sản xuất.

UBND tỉnh báo cáo như sau:


Nhôn Mai, Mai Sơn là 2 xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương, từ trước đến nay chưa có đường ô tô đến trung tâm. Để đi về trung tâm huyện, nhân dân ở 2 xã Nhôn Mai, Mai Sơn đi theo đường mòn và đường thủy theo tuyến sông Nậm Nơn, mà chủ yếu là đi theo đường thủy. UBND tỉnh đã giao UBND huyện Tương Dương làm Chủ đầu tư xây dựng đường giao thông đến trung tâm hai xã biên giới Nhôn Mai, Mai Sơn (điểm đầu nối với điểm cuối dự án đường giao thông Yên Tĩnh - Hữu Khuông) tại Quyết định số 5892/QĐ.UBND-CN ngày 30/12/2011. Nguồn vốn xin Trung ương hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo lập xong dự án đầu tư và đang trình Bộ, ngành thẩm định nguồn vốn đầu tư.

Nội dung thứ 14: Nguồn điện ở hai xã Hưng Yên Nam và Hưng Yên Bắc huyện Hưng Nguyên quá yếu, không đảm bảo phục vụ nhân dân. Cử tri đề nghị hỗ trợ để nâng cấp trạm điện hiện tại và bổ sung đầu tư thêm trạm điện mới; hỗ trợ xây dựng đường điện cho 3 xã Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn của huyện Tương Dương; 3 xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm của huyện Quỳ Châu.

UBND tỉnh xin báo cáo như sau:


1. Việc đầu tư nâng cấp lưới điện hai xã Hưng Yên Nam và Hưng Yên Bắc huyện Hưng Nguyên đã được Công ty Điện lực Nghệ An lập trong dự án “Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn, tỉnh Nghệ An vay vốn lập đề án vay vốn Ngân hàng tái thiết Đức (KFW)”.Tiến độ thực hiện dự án (KFW) bắt đầu từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2014.

2. Hỗ trợ đầu tư xây dựng đường điện cho 3 xã Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn của huyện Tương Dương; 3 xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm của huyện Quỳ Châu.

Các xã trên đã được Sở Công Thương lập Dự án “Cấp điện cho các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh Nghệ An” đang trình Bộ Công Thương phê duyệt. Tuy nhiên tiến độ thực hiện đầu tư còn phụ thuộc vào tiến độ cấp vốn.

Nội dung thứ 15. Cử tri đề nghị bố trí một chức danh công chức cho ban nông nghiệp xã, bởi vì hiện tại ở cơ sở cán bộ làm công việc này rất quan trọng mà không có biên chế, do đó gây khó khăn cho cơ sở trong việc thực thi nhiệm vụ, nhất là trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

UBND tỉnh xin trả lời như sau:


Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ đã quy định chức danh Địa chính – Xây dựng – Đô thị và Môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng và Môi trường (đối với xã); mỗi xã được bố trí ít nhất là 02 công chức. Do vậy, chức danh Trưởng ban Nông nghiệp sẽ được giao cho 01 công chức Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng và Môi trường đảm nhận. Việc kiến nghị để bổ sung thêm chức danh công chức cho ban nông nghiệp xã là chưa thể thực hiện được, vì Chính phủ đã quy định số lượng chức danh công chức cụ thể cho từng xã.

Nội dung thứ 16: Cử tri đề nghị việc thi tuyển công chức xã phải dành chọn những người ở địa phương. Đảng và Nhà nước đã có chế độ cử tuyển đối với con em đồng bào dân tộc nhưng trong tuyển dụng công chức cấp xã tại vùng miền núi, vùng dân tộc lại vẫn áp dụng chính sách thi tuyển. Cử tri kiến nghị cần có quy định cụ thể, hợp lý việc xét tuyển để tạo điều kiện cho con em được làm việc tại địa phương.

UBND tỉnh xin trả lời như sau:


Theo Điều 7, Mục 1, Chương 3, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn, quy định:

Các chức danh chuyên môn cấp xã được thực hiện việc tuyển dụng thông qua thi tuyển. Đối với các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có thể thực hiện việc tuyển dụng thông qua xét tuyển.

Chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã thực hiện việc xét tuyển và bổ nhiệm đối với người có đủ điều kiện theo quy định.

Như vậy, theo Quy chế tuyển dụng công chức cấp xã ở các xã, thị trấn thuộc các huyện miền núi vùng cao như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu và Quế Phong áp dụng hình thức xét tuyển không qua thi truyển. Quy chế này được thực hiện từ năm 2008, ngày 31/5/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 36/2012/QĐ-UBND quy định về tuyển dụng công chức cấp xã. Do vậy, học sinh cử tuyển sau khi tốt nghiệp nếu có nguyện vọng về công tác tại các huyện trên sẽ được xét tuyển theo quy định; Nếu đăng ký tuyển dụng tại các địa phương ngoài 5 huyện đã nêu trên thì phải thông qua hình thức thi tuyển và hưởng các chế độ ưu tiên về cộng điểm như quy chế đã quy định.

Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO