Kết quả kiểm toán Nhà nước Quỹ bình ổn xăng dầu

24/10/2011 16:13

Kiểm toán Nhà nước vừa cho biết kết quả kiểm toán chuyên đề về trích lập quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2009-2010.

Theo kết luận của báo cáo kiểm toán thì việc trích lập, sử dụng bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thời gian qua được thực hiện khá nghiêm túc theo quy định của Nhà nước.

Số trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cơ bản phù hợp với số phải trích lập và số được sử dụng Quỹ bình ổn giá.

Những số liệu chênh lệch giữa số liệu báo cáo và kiểm toán là do một vài văn bản hướng dẫn trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá của Tổ Giám sát Liên Bộ thiếu rõ ràng, cụ thể làm các doanh nghiệp đầu mối hiểu không đúng dẫn đến thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ.

10 doanh nghiệp và hai đơn vị đã được kiểm toán lần này bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (Petec), Công ty Trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh, Công ty thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên xăng dầu Hàng không, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco), Công ty Dầu khí Mê Kông, Công ty thương mại xăng dầu Đường Biển (Tổng Công ty Hàng hải - Vinaline), Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ.

Kết quả kiểm toán cho thấy việc trích lập Quỹ bình ổn giá qua 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong 2 năm này là 5. 554 tỷ 661 triệu đồng.

Cụ thể năm 2009, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá (theo hướng dẫn TT 56/TT-BTC; 159/TT-BTC; TT 56/TT-BTC và các công văn hướng dẫn khác của Tổ Giám sát liên bộ Tài chính - Công Thương).

Kết quả kiểm toán đã xác định tổng số Quỹ bình ổn giá phải trích lập tại 10 đầu mối là 970.908 triệu đồng; trên thực tế 10 doanh nghiệp đầu mối đã trích là 1.006.881 triệu đồng. Số đã trích lớn hơn số phải trích về Quỹ bình ổn giá là 35.973 triệu đồng. Năm 2010, số phải trích là 4.583.753 triệu đồng trong khi đó 10 doanh nghiệp đã trích là 4.561.559 triệu đồng. Như vậy số phải trích bổ sung là 22.194 triệu đồng.

Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế trong quá trình điều hành, hướng dẫn cơ chế trích lập, quản lý, sử dụng và quyết toán Quỹ bình ổn giá làm cho doanh nghiệp lúng túng, một số yếu tố trong cơ cấu giá thực tế phát sinh như chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, lãi vay trong và sau thời gian lưu thông nhưng chưa đươc quy định trong cơ cấu giá cơ sở (Nghị định 84/2009 chưa có yếu tố này).

Bên cạnh đó, trong cơ chế trích lập, khi doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tham gia thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá mà kết quả kinh doanh bị lỗ vẫn phải trích lập Quỹ bình ổn giá, doanh nghiệp phải lấy vốn của mình để trích lập Quỹ bình ổn giá. Vì giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở thì sẽ không có Quỹ bình ổn giá của người tiêu dùng.

Việc này dẫn đến làm tăng chi phí, tăng giá cơ sở; khi đó việc trích lập Quỹ bình ổn giá không có ý nghĩa, doanh nghiệp đã lỗ càng thêm lỗ và tạo ra Quỹ bình ổn giá nhưng không có thực vì giá bán đã thấp hơn giá cơ sở thì không có Quỹ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, qua biên bản kiểm tra của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về cơ bản chấp hành tốt quy định về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá (chỉ có một doanh nghiệp là chưa thực hiện chế độ báo cáo đầy là Công ty Trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên XD Hàng Không)

Kiểm toán Nhà nước cho rằng mô hình Quỹ có ưu điểm là lập để tại doanh nghiệp, được hạch toán riêng và chỉ sử dụng vào bình ổn giá, nên khi Nhà nước cho phép các doanh nghiệp sử dụng Quỹ trên về cơ bản các doanh nghiệp đã sử dụng kịp thời để phản ứng với thị trường thế giới, giảm đuợc thủ tục hành chính (có nguồn lực tài chính nhập khẩu xăng dầu ngay).

Ngoài việc bình ổn giá xăng dầu trong nước, Quỹ bình ổn giá còn góp phần vào việc bình ổn giá nói chung, kiểm soát lạm phát, ổn đinh kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.

Đối với người tiêu dùng, nhờ cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá mà trong năm 2010, người tiêu dùng được sử dụng xăng dầu giá rẻ hơn các nuớc trong khu vực, giảm tần suất và mức độ điều chỉnh.

Tuy nhiên, Quỹ vẫn còn tồn tại một số nhược điểm như dễ phát sinh rủi ro, không tách được số lãi do số dư Quỹ bình ổn giá khi chưa sử dụng mang lại. Việc để Quỹ tại doanh nghiệp có những hạn chế về tính minh bạch, dễ bị doanh nghiệp lạm dụng để sử dụng vào mục đích khác, rủi ro đối với Quỹ cao mà khong có biện pháp phòng ngừa, không tách bạch được các khoản lãi từ Quỹ mang lại.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị các doanh nghiệp được kiểm toán điều chỉnh số trích lập, sử dụng và tồn Quỹ bình ổn giá, báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh năm 2009, 2010 của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước; thực hiện nghiêm túc cơ chế trích lập, quản lý, sử dụng và quyết toán Quỹ bình ổn giá theo đúng quy định tại Nghị định 84/2009.ND-CP…/.


(Theo TTXVN/Vietnam+)

Mới nhất
x
Kết quả kiểm toán Nhà nước Quỹ bình ổn xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO