Kết thúc cơ bản đàm phán FTA Việt Nam - EU

27/08/2015 18:25

(Baonghean) - Sau 3 năm đàm phán, ngày 4/8/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã tuyên bố đạt được thỏa thuận nguyên tắc về toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), được viết tắt là Hiệp định EVFTA. Theo đó, việc kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định EVFTA đã đem lại nhiều nội dung cam kết thuế xuất nhập khẩu và dịch vụ tài chính cho cả 2 bên.

Mô hình ớt cay xuất khẩu ở tại xã Lục Dạ (Con Cuông). Ảnh: Hữu nghĩa
Mô hình ớt cay xuất khẩu ở tại xã Lục Dạ (Con Cuông). Ảnh: Hữu nghĩa

Theo Bộ Tài chính, lợi ích mang lại cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là rất lớn, nhất là nông lâm hải sản. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) Vũ Nhữ Thăng cho biết, việc ký kết các FTA vừa qua là bước đi cụ thể thực hiện chiến lược chủ động hội nhập, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế làm trọng tâm, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tham gia vào các FTA này sẽ giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu (XK), tăng cường năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Yêu cầu và cam kết hội nhập là đòn bẩy

Đánh giá cơ hội, thách thức khi triển khai các cam kết FTA, Vụ trưởng Vũ Nhữ Thăng cho rằng, yêu cầu và cam kết hội nhập là đòn bẩy để Việt Nam mở rộng thị trường XK hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng XK của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Theo đó, các FTA giúp nâng cao hiệu quả NK nguyên phụ liệu trong nước chưa sản xuất được, giảm phụ thuộc vào NK từ một số thị trường truyền thống, góp phần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu; cắt giảm thuế NK đối với các mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất khiến chi phí sản xuất của DN trong nước giảm; tạo cơ hội to lớn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuyển dịch luồng vốn đầu tư vào Việt Nam là những cơ hội cơ bản.

Trong đó nhiều DN được tiếp cận với các khoản vốn ưu đãi đầu tư, từ đó, đẩy nhanh cải cách, tự sắp xếp lại, chủ động chuyển hướng đầu tư, nâng cao trình độ kinh doanh, chuyển giao công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, tạo tư duy làm ăn mới và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả SX-KD. Thêm vào đó, xét về kim ngạch XNK, kể cả đối với các thị trường đã ký FTA với Việt Nam như Nhật Bản, Úc, Niu Di Lân vẫn còn rất nhiều cơ hội cho hàng XK của Việt Nam. Đây là các thị trường mà Việt Nam chủ yếu xuất siêu và chưa đi đến giai đoạn mà cả Việt Nam lẫn đối tác cắt giảm sâu thuế NK - Vụ trưởng Vũ Như Thăng nói.

Xóa bỏ hoàn toàn 85,6% dòng thuế vào EU

Theo Bộ Tài chính, các nội dung chính của hiệp định EVFTA bao gồm: thương mại hàng hóa (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), thuế xuất khẩu, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, DNNN, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ (gồm cả chỉ dẫn địa lý), phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý. Hai bên sẽ tiếp tục hoàn tất các công việc về kỹ thuật, rà soát pháp lý để chuẩn bị cho ký kết chính thức, và trên cơ sở đó sẽ thực hiện các thủ tục nội bộ của mỗi bên trước khi hiệp định chính thức có hiệu lực - Bộ Tài chính cho biết.

Khi mở cửa thị trường hàng hóa, đối với XK của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế NK đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế NK đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch XK của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch XK còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế NK trong hạn ngạch là 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Như vậy, nhiều mặt hàng XK quan trọng của Việt Nam sẽ được EU xoá bỏ thuế NK ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc hoặc có lộ trình không quá 7 năm. Điển hình là các mặt hàng dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên). Đối với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Gạo NK theo hạn ngạch này được miễn thuế hoàn toàn khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng gạo tấm, thuế NK sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế NK về 0% trong vòng 7 năm.

Ngoài ra, đối với mặt hàng mật ong, sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh... về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan. Đối với NK, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch NK từ EU, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch NK từ EU. Đối với một số nhóm hàng quan trọng như ô tô phân khối lớn, xe máy, hóa chất, đồ uống có cồn, thịt lợn, gà, bò; sữa và sản phẩm sữa; cá và các sản phẩm cá; thuốc lá, xì gà; máy móc thiết bị; sản phẩm gỗ, giấy... hay nhóm đang áp dụng chính sách TRQ (gồm trứng, đường, lá thuốc lá, muối) cũng có cam kết cụ thể.

Về thuế XK, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế XK với hàng XK sang EU với lộ trình lên đến 15 năm. Những mặt hàng quan trọng còn lại sẽ tiếp tục được duy trì thuế XK. Đối với dịch vụ tài chính (bảo hiểm và chứng khoán), cơ bản cam kết của Việt Nam ngang bằng với cam kết chung của Việt Nam trong WTO và các FTA Việt Nam đã ký kết, trừ một số lĩnh vực. Cụ thể: Việt Nam cam kết mở cửa cho các công ty tái bảo hiểm EU được thành lập chi nhánh tái bảo hiểm ở Việt Nam theo lộ trình; cho phép các công ty bảo hiểm EU được cung cấp dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới.

Đối diện thách thức từ FTA

EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, dự báo sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Bộ Tài chính cho biết, có một số mặt hàng Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế là vì trong hầu hết các biểu FTA, đối với rượu bia, thuốc lá là những mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe nên nếu cam kết xóa bỏ thì những mặt hàng này sẽ ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam và người dân có thể tăng tiêu dùng. Do vậy, để ngăn chặn các tác động không mong muốn đến sức khỏe người dân và nền kinh tế, Việt Nam không cam kết hoặc có lộ trình xóa bỏ thuế rất dài đối với các sản phẩm này.

Đối với ô tô và phụ tùng ô tô, sắt thép, Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế đối với những mặt hàng này để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, hỗ trợ các ngành này trong một khoảng thời gian nhất định để các ngành có thêm thời gian cơ cấu lại, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đối với mặt hàng xăng dầu, việc không cam kết xóa bỏ thuế NK hoặc xóa bỏ với lộ trình rất dài đối với mặt hàng xăng dầu là để tránh cho nền kinh tế và người dân những tác động tiêu cực không đáng có. Đối với các mặt hàng an ninh quốc phòng, do đây là mặt hàng liên quan đến an ninh quốc phòng, hầu hết các quốc gia đều có quy định và chính sách NK nghiêm ngặt, là các mặt hàng NK có điều kiện hoặc cấm NK.

Rõ ràng, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng cũng là nguyên nhân làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế nước ta, thể hiện rõ nhất ở chất lượng tăng trưởng giảm sút. Tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục thiên về chiều rộng, dựa chủ yếu vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác và xuất khẩu tài nguyên. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng các nguồn lực như vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai… và năng suất lao động vẫn ở mức thấp.

Với DN, năng lực cạnh tranh của DN vẫn ở mức thấp, khu vực tư nhân đã phát triển, song quy mô vẫn còn nhỏ và gặp nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ; chưa kể đến vấn đề các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng NK. Ngoài ra, còn những thách thức nội tại khác như thị trường đất đai, lao động, vốn, công nghệ chưa phát triển đồng bộ. Các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, NK vẫn bị phụ thuộc nhiều vào một hoặc một vài thị trường. Cho đến nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô xe máy của Việt Nam vẫn chưa có ngành công nghiệp phụ trợ thực sự phát triển. Quy hoạch phát triển ngành chưa hiệu quả kèm với năng lực cạnh tranh yếu kém dẫn đến ngành công nghiệp phụ trợ vẫn yếu kém.

Với cơ quan quản lý nhà nước, nhu cầu hoàn thiện và bổ sung cơ chế, các chính sách về phát triển các ngành công nghiệp, chăn nuôi trong nước trong khi năng lực cạnh tranh vẫn còn yếu kém, công tác tuyên truyền phổ biến về hội nhập còn hạn chế, nhiều DN chưa nắm được nội dung các hiệp định, chưa có sự chuẩn bị kỹ cho các bước cắt giảm. Chính vì vậy, cần có các giải pháp căn cơ để cả DN, cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng cùng bước vào thời thế gia nhập FTA một cách chủ động, hiệu quả.

Sông Hồng

Mới nhất

x
Kết thúc cơ bản đàm phán FTA Việt Nam - EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO