Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20
Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã kết thúc chiều 16/11 với việc thông qua một bản kế hoạch hành động Brisbane, nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng thêm 2% trong vòng 5 năm tới.
Con số trên ước tính sẽ giúp kinh tế thế giới tạo ra thêm 2.000 tỷ USD cũng như tạo ra thêm 35 triệu việc làm mới. Tuy nhiên, trước mắt G20 vẫn còn nhiều thách thức, mà vấn đề tham nhũng đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane, Úc. Ảnh: AFP |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bà Maggie Murphy - Điều phối viên cao cấp, Tổ chức minh bạch quốc tế, cho biết: “Chống tham nhũng là 1 trong 7 vấn đề hàng đầu được thảo luận tại G20, bên cạnh các chủ đề như thương mại, phát triển. Lý do là bởi tham nhũng đang lấy đi của thế giới 5% GDP mỗi năm. Hiện số liệu của chúng tôi cho thấy khoảng 1.000 tỷ USD đang bị lấy đi khỏi các nước đang phát triển mỗi năm vì tham nhũng. Nó đáng lẽ để xây trường học, bệnh viên hay các dịch vụ công”.
Con số 1.000 tỷ USD mỗi năm cũng có nghĩa là bằng một nửa mục tiêu mà G20 đang nỗ lực đạt được trong vòng 5 năm tới. Chính bởi vậy, song song với một bản kế hoạch hành động Brisbane, G20 năm nay đã cũng thông qua riêng một bản kế hoạch hành động chống tham nhũng, với tầm quan trọng không kém.
Bà Maggie Murphy - Điều phối viên cao cấp, Tổ chức minh bạch quốc tế nói: “Trong bản hành động này, họ cam kết tiến hành các biện pháp chống tham nhũng thông qua 6 gói biện pháp. Trong đó có việc phối hợp với các tổ chức tư nhân để chống tham nhung trong lĩnh vực tư, đề ra các biện pháp chống tham nhũng trong lĩnh vực công. Ngoài ra, còn có các biện pháp khác như bảo vệ người tiết lộ tham nhũng hay phòng ngừa các vụ hối lộ của các công ty nước ngoài”.
Kế hoạch hành động chống tham nhũng được G20 đề ra, nhưng tác động của nó thì không chỉ nằm trong G20. Những quy tắc, chuẩn mực chống tham nhũng của G20 là vấn đề mà nhiều nền kinh tế phải lưu tâm, trong đó có Việt Nam, vốn đang nhận đầu tư hay viện trợ chủ yếu từ các nền kinh tế trong G20.
Theo VTV