Khắc ghi lời dạy của Người

13/06/2017 11:23

(Baonghean) - Trong hai lần Bác Hồ về thăm quê, mỗi địa danh mà Bác đã đi qua sau hơn nửa thập kỷ, đã trở thành “địa chỉ đỏ” luôn nhắc nhở, giáo dục người dân hôm nay sống, học tập và làm theo gương vĩ đại của Người.

Tiếp nối những chiến công

Hơn 1 năm về trước, Phòng trưng bày Bảo tàng Quân khu 4 sưu tầm được một kỷ vật đặc biệt có ý nghĩa trong chuyến về thăm quê hương đầu tiên của Người. Kỷ vật là một tờ giấy viết tay bằng mực đỏ do chính đồng chí Vũ Kỳ - nguyên là thư ký của Bác Hồ ghi lại lịch làm việc của Bác từ ngày 14 - 16/6/1957 trên hành trình Vinh - Hà Tĩnh - Vinh.

“Lưu lạc” gần 60 năm, năm 2015, trong một lần đi tìm tư liệu để viết sách về những tướng lĩnh của Quân khu 4, đại tá Nguyễn Công Thành - Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 đã được người nhà của Đại tướng Chu Huy Mân trao lại cho bảo tàng. Đại tướng Chu Huy Mân – bấy giờ đang là Chính ủy Quân khu 4 cũng là người trực tiếp 2 lần đón Bác về thăm quê hương Nghệ An, thăm Quân khu 4.

Chiến sỹ trẻ Sư đoàn 324 nghe giới thiệu lịch sử Bác Hồ về thăm lực lượng vũ trang Quân khu 4 tại nhà truyền thống của đơn vị. Ảnh: Mỹ Hà
Chiến sỹ trẻ Sư đoàn 324 nghe giới thiệu lịch sử Bác Hồ về thăm lực lượng vũ trang Quân khu 4 tại nhà truyền thống của đơn vị. Ảnh: Mỹ Hà

Trong chiến tranh, Quân khu 4 có một vị trí chiến lược quân sự vô cùng quan trọng và đây cũng là địa danh Bác luôn dành một tình cảm đặc biệt. Có lẽ cũng chính vì thế, Quân khu 4 đã 3 lần vinh dự được đón Bác về thăm và mỗi lần đều lưu lại những dấu ấn không thể nào quên. Bảo tàng Quân khu 4 hiện nay cũng chính là nơi Bác Hồ đã dừng chân và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, lực lượng vũ trang Quân khu 4 năm 1957.

Tại đây, dù thời gian trò chuyện rất ngắn nhưng Bác Hồ đã kịp chỉ ra “3 điều khen ngợi, 4 điều phê bình và 5 điều dặn dò” quan trọng đối với quân khu. Những lời chỉ bảo của Người không chỉ kịp thời chỉ ra những hạn chế, những việc cần làm ngay và phương hướng trong thời kỳ cách mạng của những năm 50 mà còn vẹn nguyên giá trị thiết thực cho đến ngày hôm nay.

Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 chia sẻ thêm: “Không chỉ trong thời chiến mà trong thời đại ngày nay, những nhiệm vụ mà Bác đã đưa ra như: nâng cao cảnh giác, thực hiện tốt việc chỉnh huấn chính trị, chống tham ô, lãng phí, giữ vững khối đoàn kết, đoàn kết nội bộ, toàn quân đoàn kết, đoàn kết Bắc - Nam, đoàn kết quân dân vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và là nhiệm vụ chúng ta phải làm thường xuyên, liên tục”.

60 năm, sau ngày Bác Hồ về thăm lực lượng vũ trang Quân khu 4, cụm di tích xưa nay đã tiếp tục được nâng cấp và trở thành di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Nơi đây, sừng sững bức tượng đài tái hiện hình ảnh Bác về thăm quê, xung quanh là các bức phù điêu khắc họa truyền thống yêu nước và những chiến công vẻ vang của quân và dân 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Tại bảo tàng cũng đang lưu giữ chiếc máy bay trực thăng đã đưa Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, vào năm 1961. Tất cả những kỷ vật, những hình ảnh khắc họa cho thấy được những chiến công, những kỳ tích của quân và dân quân khu 4 trong quá trình thực hiện theo di huấn và lời dạy bảo của Người.

Sáng mãi tinh thần cách mạng

Năm 1960, Vĩnh Thành là xã đầu tiên của Nghệ An tiến lên xây dựng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp bậc cao đưa lại hiệu quả và là đơn vị tiêu biểu trong phong trào trồng cây, gây rừng. Cũng với những thành tích tiêu biểu này, năm 1961, trong lần về thăm quê thứ 2, nhân dân xã Vĩnh Thành vinh dự được đón Bác về thăm.

Trong chuyến về thăm quê đó, cụ Nguyễn Thị Đường cũng là người vinh dự được giao nhiệm vụ tặng hoa cho Bác Hồ và là 1 trong 5 người của xã Vĩnh Thành được Bác Hồ đích thân trao huy hiệu. Thời điểm đó, cụ Nguyễn Thị Đường đã là mẹ của hai người con nhưng vẫn là đoàn viên tiêu biểu, là kiện tướng trong phong trào làm thủy lợi, kiện tướng vớt bèo hoa dâu, chăn nuôi giỏi…

Người dân xã Vĩnh Thành xem những hiện vật lưu giữ ở nhà lưu niệm. Ảnh: Mỹ Hà
Người dân xã Vĩnh Thành xem những hiện vật lưu giữ ở nhà lưu niệm. Ảnh: Mỹ Hà

Cũng tại xã Vĩnh Thành, Bác Hồ đã đến thăm nhà trẻ, trại chăn nuôi, thăm hỏi, tặng quà một số người dân và nói chuyện, gặp gỡ thân mật với đông đảo cán bộ, nhân dân tại Trường cấp 1 Vĩnh Thành, biểu dương thành tích về trồng cây chăn nuôi, cải tiến nông cụ, làm thủy lợi, phân bón, vệ sinh phòng bệnh, xây dựng hợp tác xã... của địa phương. Bên cạnh đó, Người cũng ân cần nhắc nhở về vai trò của chi bộ Đảng trong việc chỉ đạo nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và xây dựng khối đoàn kết nông thôn...

Ghi sâu lời dạy của Người, những năm qua, người dân Vĩnh Thành vẫn luôn đoàn kết, thương yêu, chăm lo lao động sản xuất. Nói về Vĩnh Thành thời điểm này, ông Thái Huy Hoàng - Chủ tịch UBND xã vui mừng cho biết, hiện tại 18/19 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới của xã đã hoàn thành và xã đang cố gắng về đích vào cuối năm 2017.

Mặc dù vẫn là xã thuần nông nhưng hiện nay người dân trong xã đã có nhiều chuyển biến trong việc đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện, thu nhập bình quân của người dân trong xã là 36 triệu đồng/năm, tổng doanh thu của xã là 200 tỷ đồng/năm, nằm trong những xã có thu nhập cao của huyện. Các lĩnh vực về giáo dục, y tế luôn được quan tâm, Trạm Y tế Vĩnh Thành là Trạm Y tế đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Người dân xã Vĩnh Thành cũng tự hào bởi từ sau lần vinh dự được đón Bác về thăm, quê hương Vĩnh Thành trở thành một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ. Tại đây, năm 2011, UBND huyện Yên Thành cũng đã đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành. Những hình ảnh còn lưu giữ, những kỷ vật trong lần Bác về thăm quê hương Vĩnh Thành được trân trọng bảo quản cũng chính là những tư liệu sống để nhắc nhở mỗi người dân hôm nay sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Khắc ghi lời dạy của Người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO