Nguồn: Khu Di tích Kim Liên
Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình...

*** 31/05/2024 09:09

(BNA) - Ngày 14/6/1957, Bác Hồ về thăm quê hương sau 50 năm xa cách. Người đã nói chuyện với Hội nghị đại biểu nhân dân Nghệ An và xúc động đọc 2 câu thơ trên.

20.-chu-tich-ho-chi-minh-noi-chuyen-voi-dai-bieu-nhan-dan-nghe-an-nam-1957-x-500-mm-(1).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu nhân dân Nghệ An năm 1957.

Thưa các cụ phụ lão,

Thưa các đại biểu.

Hôm nay, ở đây có các đại biểu các cụ phụ lão, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, có đại biểu phụ nữ, thanh niên, anh em bộ đội phục viên, đồng bào miền Nam tập kết, thương binh, bệnh binh, đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu tôn giáo, gia đình liệt sĩ và chiến sĩ, anh hùng và chiến sĩ thi đua, đại biểu các nhà công thương, các cháu học sinh nhi đồng và đại biểu Hoa Kiều.

Chúng ta có thể nói rằng:

“ Chúng ta đoàn kết một nhà
Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu”

Tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi đến các cụ và tất cả đại biểu lời chào thân ái.

Tôi là người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay, là lần đầu trở lại thăm tỉnh nhà. Có thể nói là:

Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.

Đã lâu về đến quê hương thì thường tình người ta tủi tủi, mừng mừng. Tôi không thấy tủi tủi mà chỉ thấy mừng mừng. Mừng mừng là vì sao? Từ lúc tôi ra đi và bây giờ trở lại, thấy nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng có thay đổi rất nhiều. Thay đổi quan trọng nhất là lúc tôi ra đi, nước ta đang còn thực dân cai trị, đồng bào ta đều là những người nô lệ, bây giờ trở về thì đồng bào miền Bắc nước ta nói chung, Nghệ an nói riêng, là những công dân tự do, làm chủ nước nhà. Đó là thay đổi to nhất.

19.chu-tich-ho-chi-minh-ve-tham-que-lan-thu-nhat-nam-1957-360x-500-mm-(1).jpg
Sau 50 năm xa cách quê hương, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nghệ An lần thứ nhất năm 1957.

Tôi có mấy ý kiến bày tỏ với các cụ và đại biểu:

  1. Trước hết là thành tích vẻ vang của tỉnh nhà:

Trong kháng chiến, tỉnh nhà đã có hơn 8 vạn thanh niên vào bộ đội, hơn 1 vạn 5 ngàn dân quân du kích, hơn 1 triệu dân quân phục vụ kháng chiến, trong đó có 96 đơn vị và cá nhân đã có thành tích vẻ vang được Chính phủ khen thưởng.

Trong anh hùng quân đội thì tỉnh ta đã có 8 vị. Đó là các đồng chí Cù Chính Lan, Phạm Minh Đức, Nguyễn Quốc Trị, Đặng Quang Cẩm, Trần Can, Phạm Tư, Nguyễn Thế Như, Đặng Đình Hồ. Đấy là những người con ưu tú của nước nhà và của tỉnh ta, những người đã làm rạng danh Tổ quốc, rạng danh tỉnh nhà.

Hồi kháng chiến, anh chị em công nhân Trường Thi, Bến Thủy vận chuyển rất nhiều máy móc đưa lên chiến khu, phục vụ kháng chiến. Đồng bào nhân dân đã cung cấp cho kháng chiến hơn 10 vạn tấn lương thực. Anh em trí thức đã đào tạo hàng ngàn học sinh để cung cấp cho quân đội, huấn luyện thành cán bộ quân sự. Đồng bào công thương cũng đều đoàn kết tham gia kháng chiến. Do sự đoàn kết ấy và cố gắng ấy mà tỉnh ta đã góp phần xứng đáng vẻ vang trong cuộc kháng chiến thắng lợi. Cả thế giới đều nghe tiếng, kính phục nhân dân ta.

Trong lúc kháng chiến, đồng bào ta cố gắng như thế; bây giờ, trong lúc hòa bình, đồng bào ta cũng cố gắng để xây dựng nước nhà:

Về nông nghiệp: Đồng bào ta đã khôi phục lại hệ thống nông giang phía Bắc và Nam. Hệ thống nông giang ấy tưới được hơn 4 vạn mẫu tây ruộng. Làm được như thế là do đồng bào ta cố gắng , mà anh em trí thức cũng góp phần không ít. Hệ thống nông giang ở tỉnh ta tốt hơn hệ thống nông giang hồi pháp làm. Như thế tỏ ra đồng bào ta đã làm được hơn Pháp, hơn thực dân. Đồng bào đã đắp đê sông Cả, đắp đê nước mặn, vét cống nông giang, đã dùng hơn 1 triệu rưỡi công. Năm ngoái đã đào hơn một vạn hai ngàn cái giếng để chống hạn. Trước kia, lúc thực dân đang còn thống trị, ta thường mất mùa, miền Bắc thường thiếu ăn. Còn bây giờ, nhờ cố gắng của ta, dân ta đã làm chủ nước nhà, cho nên đã 4 vụ liền được mùa. Chúng ta chẳng những đủ lương thực cung cấp cho nhân dân, bộ đội mà lại còn thừa gạo. Đó là một thắng lợi lịch sử của nhân dân ta.

Trong nông nghiệp, tôi muốn nêu một công trạng của chị em phụ nữ Tỉnh ta. Đó là phong trào chăn nuôi gia súc. Tôi được báo cáo là trong 165 xã đã nuôi thêm được 14.190 con lợn, trung bình mỗi xã được 86 con. Thế là rất tốt, rất giỏi. Nhưng còn phải cố gắng thêm, bởi vì dân ta ăn thịt lợn nhiều. Thêm mỗi xã 86 con thì còn ít, nhưng bước đầu thế là tốt. Tôi mong phong trào này sẽ phổ biến cho toàn tỉnh ta và phổ biến cho các tỉnh chung quanh ta nữa. Anh sơn, Nghi lộc, phong trào trội hơn, tốt hơn. Nếu đứng như thế thì ta thử đặt câu hỏi: “vì sao chị em phụ nữ Anh sơn, Nghi lộc lại làm được mà các chị em huyện khác không làm được?”. Chị em Anh sơn, Nghi lộc nên cố gắng hơn nữa, còn chị em các huyện khác thì phải thi đua cho kịp chị em Anh sơn, Nghi lộc. Về chăn nuôi cũng như tăng gia sản xuất là ích nước, lợi nhà. Chị em phụ nữ đây có hứa làm được không? (cả hội trường sôi nổi đáp: “Thưa Bác, làm được ạ”).

Tôi cũng muốn nêu một số cá nhân có thành tích. Chị Trương Thị Tầm ở Nghĩa đàn một mình nuôi 300 con gà, 4 con lợn. Đồng thời làm ruộng, công tác xã hội, làm tổ trưởng tổ phụ nữ. Đấy là một phụ nữ anh hùng. Anh hùng không phải “đông tây chinh phạt” hoặc cứ làm cái gì kỳ khôi xuất chúng mới là anh hùng. Nuôi được nhiều lợn, nhiều gà, tăng gia sản xuất, tiết kiệm, tham gia công tác xã hội tốt như thế là anh hùng, như thế là chiến sĩ. Các chị em đay có cố gắng thì ai thì ai cũng có thể làm anh hùng, chiến sĩ, không có việc gì khó.

Ở đây, tôi đề nghị đồng bào, khi về, tôi sẽ đề nghị với Chính phủ khen thưởng chị Trương Thị Tầm để khuyến khích các chị em khác. Về nông nghiệp thì ta có anh hùng nông nghiệp Hoàng Hanh, có các chiến sĩ Vi Văn Vấn, Nguyễn Sĩ Chấp, Kha Thị Bình, Phạm Đào. Nếu trong kháng chiến, chúng ta có những anh hùng thì bây giờ xây dựng hòa bình, cũng có anh hùng chiến sĩ. Đó là đội tiên phong để xây dựng lại kinh tế nước nhà. Đó cũng là những người con ưu tú làm cho tỉnh nhà vẻ vang.

Về công nghiệp: Với sự cố gắng của đồng bào ta và với sự giúp đỡ vô tư của các nước bạn như Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ anh em khác, chúng ta xây dựng nhà máy nước, kho dầu, cảng Bến Thủy, nhà máy điện, nhà máy cưa, nhà máy sợi, nhà máy xay gạo. Đồng thời chúng ta cũng phát triển những lò gạch, lò than. Đó là do sự cố gắng chung của đồng bào mà đặc biệt là anh chị em công nhân. Nói đến đây, tôi muốn thay mặt đồng bào cảm ơn các nước anh em ta, trực tiếp là cảm ơn các đồng chí chuyên gia đã xa quê hương đến đây để giúp chúng ta xây dựng nước nhà.

23.ct-ho-chi-minh-voi-cac-chau-tn-lang-sen-nam-1957(1).jpg
Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng tại Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) năm 1957.

Bây giờ nói về thanh niên, trước hết nói về thanh niên trí thức và học sinh. Tỉnh ta có hơn 7 vạn học sinh. Thế là khá, nhưng trong đó chỉ có 32 học sinh con gái ở cấp III, và 865 học sinh con gái ở cấp II là còn ít. Thế thì các cháu con gái phải cố gắng thế nào và nhất định các vị cha mẹ đừng tiếc công mà giữ con gái ở nhà, không cho các cháu đi học. Ngoài ra, chúng ta có 5 vạn cháu bé học vỡ lòng. Đó là phát triển về văn hóa bước đầu…

Bác muốn nói cho các cháu biết là mục đích học để làm gì? Mục đích bây giời không phải như trước, học để kiếm bằng, để làm ông thông ông ký. Bây giờ không còn ông thông, ông ký nữa, thì có ông chánh văn phòng, ông chủ nhiệm, ông vân vân… Chúng ta học bây giờ học cho tốt để lao động cho tốt. Chắc các cháu học lớp này rồi muốn đi đến lớp khác, lớp khác đến lớp nữa. Mục đích cuối cùng đó, tú tài đó hay cái gì đó có phải không? Phải, đỗ tú tài rồi làm gì nữa? Các cháu biết là bây giờ, công nghiệp ta càng ngày càng phát triển thì người công nhân trình độ văn hóa ngày càng cao. Vì vậy, tổ quốc cần những công nhân có trình độ văn hóa cao.

Nông nghiệp cũng dần dần tiến lên, người nông dân cũng cần có trình độ văn hóa. Có như thế thì chúng ta mới đẩy nền kinh tế lạc hậu của chúng ta bây giờ thành nền kinh tế tiên tiến. Chú không phải là những người học ra để đi làm quan. Sự thực bây giờ chúng ta không có quan nữa. Nếu có quan là hạng quan liêu. Còn tất cả những cán bộ trong Chính phủ, trong chính quyền từ Bắc đến các cán bộ các khu, tỉnh, các huyện, cho đến xã đều là đầy tớ của nhân dân. Các cháu hiểu chưa? (“Dạ, hiểu rồi”- cả hội trường đồng thanh đáp).

Khi trước các cháu chưa nghe nói học để làm đầy tớ nhân dân, bây giờ, phải biết học để làm đầy tớ tốt của nhân dân, chứ không phải học để làm quan. Bác nói để các cháu biết: Ở Liên Xô, nền giáo dục 10 năm tức là đỗ tú tài. Một năm đào tạo hàng triệu cậu tú, cô tú, rồi các cậu tú, cô tú cùng đi vào nhà máy, cùng đi vào nông trường để phục vụ nhân dân, để lao động sản xuất. Các cháu hiểu chưa? (mọi người đáp: “Thưa Bác, hiểu rồi ạ”).

Về bình dân học vụ, tỉnh ta cũng khá tiến bộ. Như xã Diễn liên đã xóa mù chữ, được Chính phủ thưởng huy chương. Chính phủ đang để sẵn một giải thưởng cho tỉnh lỵ nhà ta và mong tỉnh lỵ nha ta làm sao mà lấy được giải thưởng ấy. Các đại biểu trong xã thị nghĩ thế nào? (“Xin cố gắng ạ” - có tiếng đáp).

Huyện Con Cuông là huyện thượng du, bình dân học vụ cũng tốt: Trong 107 xóm đã có 105 lớp. Tổ đổi công cũng tốt: Có 62% nông dân lao động đã vào tổ chức. Đồng bào có nên đề nghị Chính phủ thưởng cho huyện Con cuông không? (cả hội trường vỗ tay rầm rộ).

Đoàn thanh niên có thành tích nhưng cũng phải cố gắng, phải làm mẫu trong việc đoàn kết, học tập, tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Các cháu thanh niên có hứa làm được không? (“làm được ạ”- có tiếng phía dưới).

Nói đến việc y tế - xã hội tỉnh nhà, phát triển cũng khá, có cố gắng phòng bệnh, trị bệnh. Nhưng vẫn phải cố gắng nhiều trong vệ sinh phòng bệnh. Bởi vì việc y tế đối với sức khỏe, đối với tính mạng của nhân dân là rất quan trọng. Đây là nói thành tích của đồng bào ta trong thời kỳ kháng chiến và từ khi hòa bình lập lại. Nhưng mà đồng bào có chắc là đồng bào ta chỉ có ưu điểm mà không có khuyết điểm không? (“Thưa Bác, vui lòng ạ” - Mọi người đáp).

Đồng bào đã tán thành thì tôi nói. Thuốc đắng dã tật, nói thật không sợ mất lòng.

2. Về khuyết điểm:

Tôi chỉ nêu mấy điểm chung: Đồng bào ta cố gắng tăng gia sản xuất, nhưng không chú ý đến tiết kiệm, sản xuất và tiết kiệm phải đi đôi với nhau. Nếu xản xuất không tiết kiệm thì cũng như rót nước vào cái ống không có đáy, rót vào miệng nó chảy đi hết. Không tiết kiệm tức là lãng phí. Đây là tôi nói một ví dụ: Trong dịp tết vừa rồi có những huyện giết hơn 400 con trâu, bò - ăn rồi không có trâu, bò cày. Như mồng 5 tháng 5 vừa rồi, là ngày Trung Quốc kỷ niệm Khuất Nguyên, một nhà thơ rất giỏi, rất yêu nước. Thế mà ngày xưa bọn phong kiến ta cũng nhân đó làm một dịp ăn uống, cũng đi tết, đi lễ. Đồng bào ta nói đả đảo phong kiến, nhưng sự thật làm quá phong kiến. Có xã hôm ấy giết hết 3 trâu, bò. Thế là không tốt.

Tôi nghe báo cáo việc nấu rượu, uống rượu, tỉnh nhà cũng tương đối bừa bãi. Những cái đó là ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, có hại đến sản xuất, là làm trái với chính sách của Đảng và Chính phủ, mà chính sách của Đảng và Chính phủ là cốt làm lợi cho nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng và Chính phủ không có lợi ích nào khác. Đồng thời nơi nào đã làm như thế thì nay phải sửa đổi.

Một điểm nữa: như năm ngoái thiếu 30% thuế nông nghiệp. Thuế công thương cũng thất thu nhiều. Chính phủ thu tiền của dân không phải bỏ vào túi, mà để xây dựng và để giúp dân lúc cần thiết, như giúp nông dân mua công cụ, trâu, bò. Chính phủ làm như thế có đúng không (“đúng ạ” - nhiều tiếng đáp).

Nhưng đồng bào vay ngân hàng 3.000 triệu rồi đến bây giờ không chịu trả. Thế có đúng không? (“không đúng ạ”- nhiều tiếng đáp).

Ngoài ra, Chính phủ vì muốn đồng bào làm mùa cho kịp thời, cho đồng bào vay giống. Bây giờ đồng bào đang mắc nợ Chính phủ 3.000 tấn lúa giống mà không chịu trả. Thế có đúng không? (“Thưa Bác, không đúng ạ”).

Một khuyết điểm của đồng bào nữa là không chú ý đầy đủ đến việc đắp đê, giữ đê. Đây là những khuyết điểm nói chung, đồng bào có nhận thế không? Tôi phê bình có quá đáng không? (“Đúng lắm ạ” - mọi người đáp).

3. Bây giờ tôi nêu mấy nhiệm vụ của đồng bào tỉnh nhà và đồng bào toàn miền Bắc nói chung:

Có một số đồng bào than phiền: Vì sao hòa bình đã gần ba năm mà kinh tế chưa thay đổi gì mấy, về đời sống cũng chưa thay đổi gì mấy, đường sá cũng chưa thay đổi gì mấy v.v.. Đó là vì một số đồng bào đó chưa hiểu sự khó khăn của toàn dân ta, khó khăn của Đảng và Chính phủ. Đồng bào đều biết nước ta bị 80 năm nô lệ, bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột đến xương đến tủy, nước ta lại bị 15 năm chiến tranh tàn phá. Lúc thực dân Pháp bỏ đi, nó lại phá thêm một ít nữa. Nó để lại cho ta bệnh tật, dốt nát, thất nghiệp và nghèo khổ. Hòa bình mới lập lại chưa đầy ba năm. Bây giờ chúng ta so sánh với một nước tiên tiến nhất thế giới là Liên Xô. Đồng bào ta đều biết, nhân dân Liên Xô, công nhân, nông dân sinh hoạt bây giờ rất sung sướng, bộ đội cán bộ sung sướng v.v. Nghĩa là toàn dân sung sướng. Đồng bào có nhận thấy thế không? (nhiều tiếng đáp: “Dạ, đúng ạ”).

Nhưng có một điều chưa chắc đồng bào đã nhận thấy là làm thế nào để được sung sướng như thế. Chỉ thấy cái đẹp, tốt, sung sướng, nhưng chưa thấy đoạn đường nhân dân Liên Xô đi kể từ lức cách mạng thành công đến bây giờ. Đoạn đường ấy thế nào? 18 năm nhân dân Liên Xô, công nhân, nông dân, bộ đội, cán bộ, trí thức v.v. Phải thắt lưng, buộc bụng, nhịn đói, nhịn khát, nhịn ăn, nhịn uống để mà tăng gia sản xuất và xây dựng. Thế là sau 18 năm chịu cực, chịu khó, phấn đấu rồi mới cải thiện được sinh hoạt. Dần dần, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bây giờ thành một nước công nghiệp lớn nhất thế giới. Do cực khổ, đói khát mà bây giờ sinh hoạt vật chất, tinh thần có thể nói sung sướng nhất. Xin đồng bào nhớ lại đây là 18 năm. Đồng bào cũng nên nhớ Liên Xô là một nước đến 200 triệu dân, đất là 1/6 địa cầu. Nước ta thì thế nào? Nước ta tạm thời phải chia làm hai, miền Bắc nước ta chỉ có 13 triệu dân. Liên Xô phải đấu tranh 18 năm. Ta mới xây dựng trong ba năm. Đồng bào ta có thấy khác nhau không? (tiếng đáp: “Dạ, khác ạ”.

Thế thì tôi hỏi: nhân dân ta có thể giỏi hơn nhân dân Liên Xô không? Nhân dân Liên Xô phải 18 năm, ta mới có 3 năm mà cải thiện sinh hoạt, muốn cái gì cũng tốt cả có được không? Không được. Thế thì chúng ta phải cố gắng nhiều, phải tự lực cánh sinh. Chúng ta có thuận lợi lớn là sự giúp đỡ của các nước anh em, còn nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, các nước bạn giúp đỡ mà ta không tự lực cánh sinh như thùng không đáy: giúp ta bao nhiêu, ta chén bấy nhiêu. Vì vậy Liên Xô phải 18 năm. Tôi có thể quả quyết hứa với đồng bào, nếu đồng bào hứa với tôi là thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thì tôi hứa với đồng bào: nước ta dù nhỏ, dù bị tạm chia làm hai miền, dù lạc hậu, không đến 18 năm ta nhất định cải thiện sinh hoạt, đời sống, chúng ta nhất định sưng sướng hơn. Số năm đó do chúng ta quyết định. Chúng ta có sức thì thời gian sẽ rút ngắn. Đồng bào đã hiểu hoàn cảnh của nước ta và sự khó khăn của Đảng và Chính phủ rồi. Đảng và Chính phủ ngày đêm lo làm thế nào để tăng thêm cải thiện sinh hoạt cho nhân dân. Muốn cải thiện sinh hoạt thì phải tăng gia sản xuất, phải thực hành tiết kiệm.

24-ct-ho-chi-minh-tham-ngoi-nha-cua-gia-dinh-tai-lang-sen-nam-1957-360-x-500-mm-(1).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm ngôi nhà của gia đình tại Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) trong chuyến về thăm quê năm 1957.

Bây giờ tôi nêu mấy nhiệm vụ cụ thể, mong đồng bào chú ý thực hành:

  1. Đồng bào ủng hộ việc sửa sai cho tốt, cho nhanh.

Tôi muốn hỏi đồng bào: Trước khi cải cách ruộng đất thì nông dân lao động, nhất là bần nông, cố nông mong muốn cái gì? Họ muốn có ruộng đất thế thì nay đã có ruộng đất chưa? Có rồi. Như thế thì cải cách ruộng đất thất bại hay là thắng lợi? (“Thắng lợi ạ” - cả hội trường đồng thanh đáp).

Vì vậy cho nên, chúng ta nói cải cách ruộng đất căn bản là thắng lợi, nhưng trong đó có những sai lầm. Ta phải nói để sửa cho đúng. Chúng ta không sợ ai chỉ trích, cũng không sợ địch lợi dụng tuyên truyền. Chúng ta nhận rõ những sai lầm và quyết tâm sửa thì nhất định sửa chữa được tốt. Vì vậy mong đồng bào sửa sai cho tốt. Sai lầm ấy tuy có chỗ nghiêm trọng, nhưng đây là sai lầm trong đại gia đình trung, bần, cố nông. Trong việc sửa chữa, chúng ta lấy tinh thần đoàn kết, thương yêu giai cấp, nhất định sửa chữa được. Ở đây làm tốt nhưng làm chậm quá. Nếu kéo dài thì ảnh hưởng đến sản xuất và các công tác khác. Chúng ta làm tốt mà kéo dài cũng ảnh hưởng. Nếu làm nhanh mà không tốt cũng ảnh hưởng. Phải làm nhanh, gọn và tốt.

2. Đồng bào có tán thành xây dựng nhà máy và công trình thủy lợi không? (mọi người vui vẻ đáp: “tán thành”).

Lấy gì mà xây dựng? Phải có tiền? Lấy tiền đâu ra? Thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp. Nộp thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp tức là đồng bào gom góp vào việc xây dựng nước nhà. Vậy, tôi mong đồng bào nộp sòng phẳng và nộp cho gọn, cho nhanh, cho tốt.

Một điều nữa, những đồng bào nào nợ ngân hàng thì phải trả. Các nước bạn giúp ta nhưng cũng không đủ, bởi vì các nước bạn còn phải giúp các nước khác nữa. Vì vậy, ta cần mua một số máy móc, một số hàng hóa ở các nước. Muốn như thế thì phải lấy cái gì để trao đổi? Lấy nông sản. Đồng thời, để cải thiện sinh hoạt nhân dân, điều cần thiết là phải ổn định vật giá. Nếu cứ tăng lương mà vật giá cứ cao vọt lên cũng không tốt.

Do đó, chúng ta cần nông sản để điều chỉnh thị trường và xây dựng. Mong đồng bào sản xuất và bán nông sản cho Chính phủ.

3. Đồng thời phải tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Trước hết là phải làm mùa tới đây cho tốt. Nếu chúng ta không chăm lo vụ mùa để xẩy ra đói thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến tất cả các việc. Nông dân ta chớ chủ quan nói: bây giờ có ăn rồi, không lo giáp hạt nữa, ít chú ý đến hoa màu. Như thế không đúng đâu. Tục ngữ có câu “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”. Tăng gia sản xuất thì phải đi đôi với tiết kiệm. Sẵn sàng để chống lụt, chống bão. Năm nay có thể có lụt to, bão to. Chống lụt, chống bão cũng như chống hạn. Thà là chúng ta chuẩn bị tốt mà chống bão, chống lụt, không hạn. Thế có thiệt gì không? Nếu chúng ta chủ quan không chuẩn bị, đến khi bão, lụt, hạn đến thì sẽ thiệt hại như thế nào?

4. Tỉnh ta đã có truyền thống và có tiếng là có thuần phong mỹ tục. Chúng ta phải phát triển và giữ gìn thuần phong mỹ tục đó. Đừng rượu chè, cờ bạc, hát xướng lung tung. Phải tăng cường ý thức giữ gìn kỷ luật, giữ gìn phép tắc của nước nhà.

Để làm những việc trên đây, chúng ta phải thật thà, đoàn kết. Trong kháng chiến, trong cách mạng, nhờ đoàn kết mà chúng ta đã thắng lợi. Trong hòa bình, chúng ta nhất định phải đoàn kết để giành lấy những thắng lợi mới và lớn lao hơn. Đoàn kết lương, giáo, đoàn kết Bắc, Nam, đoàn kết đồng bào thiểu số và đồng bào kinh, đoàn kết quân và dân.

Tôi lại nói đến các đồng chí thương binh. Các đồng chí thương binh là những người hi sinh một phần xương máu để bảo vệ tổ quốc. Điều đó rất đáng quý. Đồng thời, các đồng chí thương binh là những người đã có truyền thống anh dũng, đã được học tập chính trị, đã có tinh thần kỷ luật trong bộ đội ta. Vì vậy, mong các đồng chí thương binh hãy giữ vững truyền thống vẻ vang ấy. Phải thật thà đoàn kết với nhân dân. Tùy từng khả năng của mình mà làm gương mẫu trong kỷ luật, trong sản xuất tiết kiệm. Các đồng chí nên nhớ. Hiện nay trong các đồng chí thương binh, bệnh binh, các đồng chí quân nhân phục viên đã có nhiều người thành chiến sĩ thi đua. Rất tốt!

Nói đoàn kết, tôi cũng nhắc đến bà con Hoa Kiều. Khi trước, bọn đế quốc thực dân chia rẽ dân tộc này với dân tộc khác, nước này với nước khác, chia rẽ người Trung Quốc Với người Việt Nam. Việt – Hoa là anh em. Chúng ta đồng chung một chủ nghĩa. Đồng bào ta biết là biên giới nước ta và Trung Quốc có một cửa quan. Từ Tưởng Giới Thạch về trước, chúng gọi là Trấn Nam Quan, Trấn tức là trị, trấn áp. Năm 1949, Trung Quốc thống nhất. Ngay lúc đó, Mao chủ tịch ra lệnh sửa chữ Trấn Nam Quan thành Mục Nam Quan. Mục là hòa mục, là anh em. Vì vậy cho nên, trong đoàn kết quân dân, đoàn kết đồng bào Nam Bắc, đồng bào đa số, thiểu số, đồng bào lương giáo thì đồng bào ta cũng phải đoàn kết với các bạn Hoa Kiều.

Tỉnh ta có truyền thống cách mạng rất vẻ vang. Tôi xin hỏi đồng bào có thi đua với các tỉnh khác xây dựng để tỉnh ta thành một tỉnh gương mẫu không? Đồng bào có cố gắng được không? (tất cả hồ hởi đáp: “thưa Bác, xin quyết tâm”).

Một lần nữa, tôi cảm ơn các cụ phụ lão, tất cả đồng bào, tất cả các cháu. Nhờ các cụ, anh chị em, các cháu chuyển lời chào của Trung ương, của tôi tới tất cả đồng bào hôm nay không có mặt ở đây.

(Hồ sơ lưu tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An. Bản đánh máy năm 1977)

Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO