Khắc phục sạt lở núi trên tuyến Quốc lộ 7
(Baonghean) - Từ đầu tháng 7 đến nay, Nghệ An liên tiếp hứng chịu những đợt mưa lớn kéo dài gây ngập úng. Đặc biệt, Quốc lộ 7 nối các huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn nhiều điểm bị sạt lở núi, đất đá vùi lấp đường, có những thời điểm đường giao thông bị ách tắc hoàn toàn. Các đơn vị quản lý giao thông cùng các huyện đã nỗ lực khắc phục để thông tuyến.
(Baonghean) - Từ đầu tháng 7 đến nay, Nghệ An liên tiếp hứng chịu những đợt mưa lớn kéo dài gây ngập úng. Đặc biệt, Quốc lộ 7 nối các huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn nhiều điểm bị sạt lở núi, đất đá vùi lấp đường, có những thời điểm đường giao thông bị ách tắc hoàn toàn. Các đơn vị quản lý giao thông cùng các huyện đã nỗ lực khắc phục để thông tuyến.
Quốc lộ 7 dài 227 km từ Diễn Châu đến cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn), tuyến đi qua 7 huyện, 2/3 chiều dài tuyến thuộc địa bàn miền núi, địa hình phức tạp, một bên núi cao, một bên sông sâu. Một số đoạn tuyến nằm trên địa chất không ổn định như than bùn, đất nhão, núi trọc sườn dốc đứng, vì vậy mưa lớn nhiều ngày dễ gây sụt lở, mỗi vị trí hàng ngàn m3 đất đá bị sạt lở.
Ngay tại khu vực dốc Chó ở bản Boọng (Lạng Khê - Con Cuông) mặc dù những đống đất do lở núi vừa được san gạt, nhưng dọc mái núi chúng tôi quan sát vẫn thấy những vết nứt kéo dài, đất đá có thể tiếp tục sạt lở bất cứ lúc nào. Ông Vi Văn Thân ở bản Boọng xã Lạng Khê cho hay: Khu vực này không ở gần nhà dân nhưng chúng tôi thường xuyên phải đi qua đây, rất nguy hiểm. Ông Vi Đình Tuyển - Chủ tịch UBND xã Lạng Khê - Con Cuông cho biết: Khu vực dốc Chó có 4 bản ở gần, gồm bản Boọng, bản Piêng Khử, bản Khe Thơi …với trên 400 hộ dân. Xã thường xuyên cảnh báo với người dân không nên đi lại trong mùa mưa bão. Xã Tam Quang - (Tương Dương) có khá nhiều điểm sạt lở núi. Ông Hồ Viết Sơn - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: Có 2 điểm sạt lở núi ở khu vực bản Làng Nhùng và Bãi Xa. Riêng khu vực điểm sạt lở Làng Nhùng đã phải di chuyển một hộ dân tới nơi an toàn. Mặc dù được san gạt nhưng khu vực này rất cần được Nhà nước đầu tư kè đá để bảo đảm an toàn cho người dân.
Ông Hà Sỹ Phúc –Trưởng phòng quản lý giao thông - Công ty TNHH –MTV quản lý và XDĐB 495 cho biết: Từ đầu tháng 7 đến nay, dọc tuyến QL7 đã xảy ra nhiều điểm sạt lở núi nghiêm trọng làm hư hỏng đường giao thông. Cụ thể tại khu vực Km110+800 (Dốc Chó) xã Lạng Khê (Con Cuông) đã bị sạt lở núi 5 lần, trên 2000m3 đất đá vùi lấp tuyến đường.
Đặc biệt từ ngày 19/9/2013, khu vực huyện Tương Dương xuất hiện 5 điểm sạt lở núi nghiêm trọng. Như tại Km 121+200 đoạn xã Tam Quang (Tương Dương), do mưa lớn kéo dài trong 3 ngày liên tiếp, một phần của quả đồi đã bị sập xuống làm hư hỏng ngôi nhà đang xây của gia đình anh Nguyễn Hà Minh, khối lượng đất đá sạt lở ước tính trên 7000m3. Điều nguy hiểm tại vị trí sạt lở trên còn khá nhiều hộ dân đang sinh sống. Cũng tại Tam Quang-Tương Dương tại Km120+600 bị sạt lở núi trên 2000m3 vùi xuống đường. Ngày 25-27/9 tại Km 1555+900 (khu vực bản Mon xã Thạch Giám-Tương Dương) đất đá tụt từ trên núi xuống vùi lấp tuyến đường với khối lượng trên 4.500 m3, gây ách tắc giao thông 2-3 giờ đồng hồ. Km 172+800 đến Km174+400 tại xã Lưu Kiền đất đá sạt lở mạnh vùi xuống đường đẩy cả dải lan can xuống sông Nậm Mộ.
Đối với huyện rẻo cao Kỳ Sơn có 2 điểm sạt lở lớn tại Km 180+600 xã Hữu Kiệm và khu vực xã Chiêu Lưu, đất đá sạt lở trên 10.000m3. Lượng đất đá sạt lở núi vùi lấp xuống tuyến đường 3 huyện miền núi trên 70.000 m3, nhiều vị trí giao thông đã bị tê liệt, các điểm sạt lở núi còn đe dọa đến tính mạng của người tham gia giao thông. Chưa kể nhiều vị trí trên tuyến QL7 do mưa lớn, nước dâng cao và xoáy sát chân đường gây nên 10 điểm sạt lở ta ly âm nghiêm trọng. Như tại xã Tam Quang (Tương Dương) có 4 vị trí ta ly âm sạt lở, xã Tam Quang - Tương Dương có trên 700 m đường dòng sông đã ăn vào lòng đường. Tại các điểm sạt lở ta luy âm ở Tương Dương, Kỳ Sơn nhiều điểm bị bung phần kè, sập đường…
Để kịp thời ứng phó với các sự cố lở núi vùi lấp tuyến đường QL7, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương sửa chữa, san gạt các điểm lở núi để thông tuyến. Khu QLĐB 4 ký hợp đồng quản lý và sửa chữa thường xuyên với Công ty CP 495, thuộc Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco 4). Do đó, Công ty 495 có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý khi phát hiện sự cố trong mưa bão. Các đơn vị còn phối hợp với UBND các huyện, huy động phương tiện máy móc, nhân lực để cùng xử lý sự cố.
Máy xúc của Công ty TNHH - MTV quản lý và XDĐB 495 san gạt đất sạt lở ở Lưu Kiền (Tương Dương). |
Anh Nguyễn Chín, công nhân lái máy xúc–Đội thi công 61 thuộc Công ty TNHH - MTV quản lý và XDĐB 495) chia sẻ: Hơn 10 ngày qua, đội lái máy gồm 2 máy xúc đã làm việc hết công suất tại km 174 +400 xã Lưu Kiền (Tương Dương) để lưu thông tuyến đường. Tuy nhiên, đất đá vẫn tiếp tục trụt xuống nên chúng tôi thường xuyên phải san gạt, dự định khoảng 3 ngày nữa sẽ san gạt xong điểm sạt lở này.
Ông Nguyễn Văn Năm - Hạt trưởng hạt giao thông số 5 (thuộc Công ty TNHH - MTV quản lý và XDĐB 495) cho hay: Hạt quản lý từ Km143-182 (từ xã Tam Thái, Thạch Giám, Thị trấn Hòa Bình, Xá Lượng - Tương Dương và một phần của xã Chiêu Lưu - Kỳ Sơn). Tại địa điểm Hạt quản lý có 5 điểm sạt lở núi lớn vùi lấp xuống mặt đường. Hạt đã tích cực dùng các phương tiện máy móc để san gạt và múc được trên 35.000m3 đất đá ở các địa điểm sạt lở núi. Như tại điểm sạt lở núi ở khu vực bản Mon xã Thạch Giám, Hạt huy động lực lượng giải tỏa khối lượng đất đá. Tại khu vực này do mái núi độ dốc cao, từng sạt lở với khối lượng đất đá lớn nên nguy cơ tiếp tục bị sạt lở vẫn tiềm ẩn… Đến thời điểm này, Hạt đã kè rọ đá được trên 60 m chiều dài sạt lở ta ly âm. Dự định đến 25/11 sẽ khắc phục xong các điểm sạt lở núi.
UBND huyện Tương Dương đã phối hợp với đơn vị quản lý giao thông để san gạt đất đá sạt lở, đảm bảo lưu thông cho các loại phương tiện. Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay: Mặc dù UBND huyện Tương Dương không quản lý tuyến QL7 nhưng khi xảy ra sự cố sạt lở núi, UBND huyện đã phối hợp với Công ty TNHH –MTV quản lý và XDĐB 495 để kịp thời xử lý sự cố, hạn chế ách tắc giao thông. Cụ thể, đợt mưa ngày 19/9,+ UBND huyện Tương Dương kịp thời huy động 1 máy xúc, 1 máy đào san gạt các vị trí bị sạt lở núi ở Km151+500 Thị trấn Hòa Bình. Tại khu vực này, mái núi sạt xuống QL7 đe dọa hàng chục nhà dân, nhờ kịp thời san gạt, tuyến đường đã được lưu thông.
Ông Hà Sỹ Phúc cho biết thêm: Công ty TNHH - MTV quản lý và XDĐB 495 đã bố trí phương tiện máy móc, vật tư thiết bị và dầm dự phòng khi có sự cố xảy ra. Cụ thể đã chuẩn bị 4 máy xúc lật và 3 máy xúc gàu loại công suất lớn, 4 ô tô vận tải cùng với sự phối hợp về phương tiện cơ giới của 3 huyện trên tuyến để xử lý kịp thời các sự cố. Hiện nay, công ty đang chỉ đạo 7 Hạt giao thông trên tuyến tích cực khắc phục, như kè rọ đá ta ly âm ở các điểm ách yếu, sửa chữa rãnh thoát nước… Đặc biệt, luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện máy móc vật tư, thiết bị để ứng phó khi xảy ra sự cố. Hiện có 4 điểm ách yếu thường xảy ra lở núi tràn xuống đường khoảng 15.000m3 đất đá, Công ty đang tích cực san gạt, dự kiến đến 26/11 mới hoàn toàn xúc hết khối lượng đất này.
Mùa mưa bão đang diễn biến phức tạp, khó lường, trên tuyến QL7 sự cố sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngoài việc sẵn sàng ứng phó với sạt lở núi, Công ty TNHH – MTV quản lý và XDĐB 495 phối hợp với chính quyền địa phương để đặt barie, cử người trực gác, phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông cũng như các hộ dân sống gần khu vực có nguy cơ sạt lở.
Văn Trường