Khai mạc Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế

Sáng 5/4, Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế đã khai mạc tại TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của Đoàn đại biểu cấp cao 4 nước thành viên của Ủy hội là Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và 2 nước Đối tác Đối thoại là Trung Quốc, Myanmar, cùng đại diện 18 Đối tác Phát triển và Quan sát viên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Thái Lan, Bộ trưởng Tài nguyên nước Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar dẫn đầu các Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Toàn cảnh Hội nghị cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Bắt nguồn từ phía đông của cao nguyên Tây Tạng đến Đồng bằng sông Cửu Long, Mekong là con sông lớn thứ mười trên thế giới với tổng diện tích lưu vực lên tới 795.000 km2. Đây là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo, phong phú và dồi dào, nhất là thủy sản nội địa Hạ lưu vực sông Mekong là nghề cá nước ngọt lớn nhất thế giới với khoảng 40 triệu người đang tham gia trong lĩnh vực này.

Sông Mekong cũng là một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới về phát triển thủy điện và nền kinh tế hạ lưu sông Mekong đang có sự tăng trưởng nhanh chóng… Tuy nhiên, 60 triệu người dân đang sinh sống ở hạ lưu sông Mekong đang trải qua sự tăng trưởng dân số nhanh, tạo ra áp lực ngày càng tăng về tài nguyên thiên nhiên cho sản xuất nông nghiệp, đô thị hóa, công nghiệp hóa, điện và sản xuất lương thực.

Nhiều người dân vẫn còn sống trong điều kiện nghèo đói, ít được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường, thiếu cơ hội việc làm và thường không có đủ thực phẩm hoặc điện…

Lưu vực sông Mekong đã trở thành một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất. Dòng chảy trung bình năm của sông Mekong tại trạm Chiềng Sen, cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, đã giảm 10% trong vòng 30 năm qua.

Ở Lào, sông Mekong đoạn chảy qua thủ đô Vientiane mười năm qua khô hạn đến mức người ta có thể lội qua sông trong mùa khô. Ở Thái Lan, sông Chao Phờ-ray-a vốn hiền hòa đã xảy ra lũ lớn, gây ra thảm họa lũ lụt quốc gia trong nhiều tháng liền trong năm 2011. Ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước mặn đã vào đến tận khu vực Tân Châu, Châu Đốc- tỉnh An Giang giáp Campuchia là điều chưa bao giờ xảy ra trước đây. 

Những tác động này càng trở nên nghiêm trọng hơn, cấp thiết hơn trong bối cảnh các quốc gia ven sông tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu. Theo số liệu tính toán cho các kịch bản về biến đổi khí hậu, khi kịch bản tồi tệ nhất xảy ra thì trong vòng 100 năm tới, nước biển ở Việt Nam sẽ dâng cao 1m, làm mất 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 10% dân số của Việt Nam.  

Trước nhiều cơ hội phát triển đan xen không ít khó khăn và thách thức, Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế tập trung vào chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của lưu vực sông Mekong”. Hội nghị tập trung đánh giá kết quả thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn năm 2010, thảo luận về các cơ hội và thách thức của lưu vực sông Mekong và vai trò của Uỷ hội sông Mekong quốc tế trong giai đoạn mới, cũng như tăng cường hợp tác vùng để thúc đẩy sử dụng và phát triển bền vững sông Mekong trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình trạng gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên cho phát triển.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị lần này đối với các quốc gia thành viên Ủy hội và tiến trình hợp tác Mekong, góp phần vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, nhất là hưởng ứng Ngày nước thế giới năm 2014 với chủ đề Nước và Năng lượng.

Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi các thành viên đang chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp định hợp tác Mekong và thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế năm 1995. Sau gần 20 năm thành lập và phát triển trên nền tảng của Hiệp định Mekong năm 1995, Thủ tướng khẳng định, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã không ngừng phát triển và đạt được những thành quả quan trọng, trong đó có việc xây dựng những nguyên tắc cơ bản và tầm nhìn chiến lược về sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên nước trong lưu vực sông Mekong.

Thủ tướng hoan nghênh những kết quả tích cực trong việc thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn năm 2010, Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2011- 2015 của Ủy hội, Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước. Nhờ nỗ lực của các thành viên, đến nay đã có 78 trong tổng số 130 hoạt động của Kế hoạch hành động vùng đã được triển khai thực hiện, trong đó hơn 30% đã hoàn thành.

Bên cạnh nỗ lực của mỗi quốc gia, Thủ tướng cho rằng các nước cần tiếp tục tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt giữa các quốc gia ven sông, cả ở thượng nguồn và hạ nguồn, thông qua những cơ chế đa phương, cơ chế tiểu vùng như Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Nhằm phát huy vai trò của Ủy hội vì lợi ích chung của cả khu vực, Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 cũng như các thủ tục, quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế về sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên nước, trong đó có Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thoả thuận (PNPCA) nhằm hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp đối với các dự án phát triển tài nguyên nước trong Lưu vực sông Mekong; cập nhật và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Nguyên tắc Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước thông qua việc thực hiện các kế hoạch hành động của quốc gia và vùng.

Trong quá trình xây dựng Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng cho rằng cần cân nhắc áp dụng cách tiếp cận mới về mối liên kết nước - năng lượng - lương thực trong quy hoạch phát triển lưu vực với tầm nhìn dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực. Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo của Ủy hội, trong đó tập trung và ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành Nghiên cứu chung về Quản lý và Phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm cả nghiên cứu các tác động từ các dự án thủy điện dòng chính; tăng cường hơn nữa vai trò giám sát và điều phối của Ủy hội trong triển khai thực hiện cam kết của các nước thành viên về hợp tác quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn nước chung sông Mekong vì mục tiêu phát triển bền vững của khu vực.

Đồng thời, cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện các cơ chế pháp lý khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển bền vững, công bằng và hợp lý tài nguyên nước; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác giữa Ủy hội và các nước đối tác, khuyến khích sự tham gia và tham vấn giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực vì sự phát triển bền vững của lưu vực.

Cùng các thành viên khác của Ủy hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Trung Quốc và Myanmar – hai nước Đối tác đối thoại của Ủy hội, đồng thời đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật để giúp triển khai các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Ủy hội trong giai đoạn tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, là một đất nước có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với văn minh lúa nước, sông Mekong có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như an ninh lương thực trong khu vực. Đồng bằng Cửu Long có diện tích trên 40.000 km2 là nơi sinh sống của gần 20 triệu dân, hàng năm đóng góp đến 27% GDP với 90% lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, Đồng bằng Cửu Long đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng phát triển các công trình ở thượng nguồn, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của hàng triệu người dân trong khu vực. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực châu thổ sông Mekong cũng như việc ứng phó với các thách thức an ninh nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu nói chung.

Song song với việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 cùng nhiều chương trình hành động cụ thể, Chính phủ Việt Nam cũng đã chủ động triển khai Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong.  Việt Nam hoan nghênh Chính phủ các nước Lào và Campuchia đã cam kết cùng tham gia nghiên cứu này và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ để Nghiên cứu sớm có kết quả vào cuối năm 2015 như kế hoạch đề ra.

Để con sông mãi mãi là tài sản chung vô giá của các thế hệ hôm nay và mai sau, Thủ tướng tin tưởng rằng, thông qua hợp tác, đối thoại “trên tinh thần hợp tác Mekong”, các thành viên sẽ góp phần giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân các nước trong lưu vực sông Mekong về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường.  

Sau phát biểu của trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Tuyên bố chung TP Hồ Chí Minh đã được lãnh đạo Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội xem xét thông qua, nhằm tiếp tục khẳng định các cam kết đã nêu tại Tuyên bố Hủa Hỉn năm 2010 và đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển của Uỷ hội sông Mekong quốc tế trong giai đoạn quan trọng sắp tới.

Theo VOV

Tin mới

Nhi đồng Diễn Châu

Nhi đồng Diễn Châu quyết tâm lặp lại kỳ tích tại giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng cúp Báo Nghệ An

(Baonghean.vn) - Mùa bóng năm ngoái, Nhi đồng Diễn Châu xuất sắc lọt vào trận Chung kết, đó là thành tích rất ấn tượng khi đội bóng Phủ Diễn vượt qua hàng loạt đội bóng mạnh để đi đến trận đấu cuối cùng. Năm nay, thầy và trò Diễn Châu đang căng sức tập luyện, phấn đấu lặp lại kỳ tích.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị chính quyền các cấp huyện Thanh Chương quan tâm giải quyết bức xúc của nhân dân ngay từ cơ sở

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị chính quyền các cấp huyện Thanh Chương quan tâm giải quyết bức xúc của nhân dân ngay từ cơ sở

(Baonghean.vn) - Tiếp xúc cử tri thị trấn Thanh Chương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị chính quyền địa phương quan tâm giải quyết các vấn đề ngay từ cơ sở, hạn chế những vấn đề thuộc thẩm quyền nhưng cử tri phải chờ các cuộc tiếp xúc cử tri HĐND tỉnh để kiến nghị.
Không để xảy ra tình trạng cài cắm 'lợi ích nhóm', 'lợi ích cục bộ' trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật

Không để xảy ra tình trạng cài cắm 'lợi ích nhóm', 'lợi ích cục bộ' trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật

(Baonghean.vn) - Đây là một trong các nội dung tại Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 được Quốc hội khoá XV thông qua sáng 2/6, trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5. 

Dân chung cư 'dài cổ' chờ... sổ đỏ

Dân chung cư 'dài cổ' chờ... sổ đỏ

(Baonghean.vn) - Dù đã hoàn thành, thậm chí bàn giao và cho người dân vào ở, nhưng đến nay nhiều dự án chung cư trên địa bàn Nghệ An, tập trung chủ yếu ở TP. Vinh vẫn chưa thể bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (gọi tắt là sổ đỏ), cho cư dân. 
Giao thông

Nghệ An tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới

(Baonghean.vn) - UBND tỉnh Nghệ An đã cụ thể hóa các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 nhằm triển khai đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả.
Trẻ nghỉ hè, bố mẹ thấp thỏm lo

Trẻ nghỉ hè, bố mẹ thấp thỏm lo

(Baonghean.vn) - Nếu như con trẻ háo hức khi được nghỉ hè thì nhiều bậc phụ huynh lại rơi vào “nỗi lo kép” khi vừa phải quản lý con cái, lại vừa phải bảo đảm guồng quay công việc.
Toàn đội đặt mục tiêu: thi đấu hết sức mình, cố gắng từng trận đấu, càng lọt sâu vào giải thì càng tốt. Ảnh: Đình Tuyên

Đội bóng đá Nhi đồng Nghi Lộc đặt mục tiêu thi đấu hết mình, cố gắng từng trận đấu

(Baonghean.vn) - Sức mạnh của đội năm nay chỉ ở mức trung bình, không có nhiều cá nhân thật sự nổi trội. Chính vì vậy, tham gia giải năm nay, đội không đặt nặng thành tích mà vào giải với tâm thế thoải mái, thi đấu hết sức mình, cố gắng từng trận, càng lọt sâu vào giải thì càng tốt.
Công Phương 'nổ súng', U17 Việt Nam dẫn 3 bàn vẫn bị đối thủ của Nhật Bản gỡ hoà; Messi chọn bến đỗ nào sau khi rời PSG?

Công Phương 'nổ súng', U17 Việt Nam dẫn 3 bàn vẫn bị đối thủ của Nhật Bản gỡ hoà; Messi chọn bến đỗ nào sau khi rời PSG?

(Baonghean.vn) - Công Phương lại đóng góp 1 bàn thắng và U17 Việt Nam đã dẫn trước đối thủ 3 bàn;  Việc Lionel Messi rời PSG đã được xác nhận, và cuộc chiến tranh giành chữ ký của siêu sao người Argentina giờ đã bắt đầu... Đó là những thông tin thể thao nổi bật trong 24h qua.