Khai thác hiệu quả cám gạo nội địa sẽ giảm khó cho chăn nuôi

21/02/2014 17:12

Hiện nay, nước ta còn phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu từ nước ngoài để chế biến thức ăn chăn nuôi.

Sáng nay (21/2), tại Hà Nội, Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam phối hợp với Công ty Phân tích thị trường Agro Monitor Việt Nam tổ chức hội nghị “Khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu cám gạo nội địa trong chế biến thức ăn chăn nuôi”.

Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định nguồn nguyên liệu cám gạo có vai trò quan trọng trong việc giảm giá thành trong chế biến thức ăn chăn nuôi, bởi Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, có một thực tế là nước ta còn phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài quá nhiều để chế biến thức ăn chăn nuôi. Tình trạng này đang gây khó khăn cho ngành chăn nuôi nước ta.

Các đại biểu đều khẳng định nguồn nguyên liệu cám gạo có vai trò quan trọng trong việc giảm giá thành trong chế biến thức ăn chăn nuôi
Các đại biểu đều khẳng định nguồn nguyên liệu cám gạo có vai trò quan trọng trong việc giảm giá thành trong chế biến thức ăn chăn nuôi

Giải pháp được hội nghị đưa ra là Việt Nam có thể sử dụng các sản phẩm từ gạo như: thóc, cám gạo làm thức ăn chăn nuôi để giảm bớt gánh nặng nhập khẩu….Ông Li Si Heng, Tổng giám đốc Công ty Agro Việt Nam chia sẻ, từ thực tế là công ty sử dụng 100% nguồn cám gạo chủ yếu ở các vùng nguyên liệu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để chế biến thức ăn chăn nuôi, Việt Nam cần đa dạng hơn nữa về nguồn nguyên liệu như: ngô, đậu tương.

Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra nhằm đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng 42% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Ðể đạt được mục tiêu này, trong giai đoạn 2010-2015, ngành chăn nuôi sẽ phải bảo đảm tốc độ tăng trưởng bình quân 6-7%/năm.

Bà Trần Ngọc Yến, Giám đốc Công ty Phân tích thị trường Agro Monitor Việt Nam cho biết, mục tiêu này có thể đạt được nếu ngay từ bây giờ kịp thời xây dựng nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi một cách ổn định.

“Chúng ta phải làm tốt 3 nội dung thứ nhất là con giống bởi chúng ta vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, bên cạnh đó phải làm thế nào giảm gánh nặng của việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ đó giảm giá thành cho ngành chăn nuôi. Ngoài ra cũng cần phải tạo lập được hệ thống phân phối theo chuỗi để tăng thêm thu nhập cho người chăn nuôi.”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam ước tính là 27,4 triệu tấn (tăng 1,3 lần so với năm 2012). Riêng năm 2014 sản lượng thức ăn công nghiệp quy đổi đạt khoảng 14,5 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2013. Như vậy, với năng lực đáp ứng hiện nay, chúng ta sẽ phải nhập nhiều hơn nữa nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là các loại giàu năng lượng như: ngô, lúa mỳ, khô dầu./.

Theo VOV

Mới nhất

x
Khai thác hiệu quả cám gạo nội địa sẽ giảm khó cho chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO