Khai thác thế mạnh Vùng ven đô
(Baonghean) - Mặc dù diện tích tự nhiên không lớn, ruộng đồng thấp trũng, nhưng huyện Hưng Nguyên đã và đang có những định hướng tạo chuyển biến mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp và dịch vụ - thương mại.
Đa dạng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa
Đồng chí Phạm Quốc Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hưng Nguyên, chia sẻ: “Với những trăn trở của địa phương và một số gợi mở của lãnh đạo tỉnh, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở xác định hướng đi đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa bàn ven đô; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa với đa dạng các sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, cung cấp cho thị trường Thành phố Vinh và vươn ra hơn thế nữa. Từ xác định như vậy, huyện tiến hành quy hoạch thành 3 vùng kinh tế: vùng trong gồm 9 xã dọc sông Lam tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò, cây công nghiệp và trồng rau hàng hóa; vùng giữa gồm 10 xã tập trung chăn nuôi thủy sản và trồng lúa; vùng ngoài gồm 4 xã Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam, Hưng Trung và Hưng Tây tập trung phát triển kinh tế vườn đồi, lâm nghiệp gắn với chăn nuôi. Theo đó, huyện đã xây dựng nhiều đề án, chương trình, mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở lợi thế từng vùng gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hình thành từng nhóm sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ thị trường Thành phố Vinh”.
Mô hình liên kết trồng ớt ở xã Hưng Xá (Hưng Nguyên). Ảnh: Công Sáng |
Với một xã thuần nông như Hưng Lĩnh, có 95% lao động sản xuất nông nghiệp, mấy năm gần đây đã có bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp, từng bước đem lại hiệu quả rõ rệt. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Phượng, cho biết: “Trước đây chỉ độc canh cây lúa thì “được mùa 10 năm chưa giàu, mất mùa 1 năm liêu xiêu”; nay cũng làm nông nghiệp nhưng có hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”. Điển hình có anh Dương Văn Phượng từ hai bàn tay trắng đã mạnh dạn nhận 2,5 héc ta đất bãi sông Lam để trồng lạc, ngô, đậu và chăn nuôi bò lai sind, trâu bò hàng hóa. Trâu, bò trong chuồng anh lúc nào cũng duy trì 10 - 15 con. Anh Phượng tâm sự: “Cách nuôi trâu, bò hàng hóa của gia đình tôi là mua trâu bò gầy về vỗ béo bán. Có con nuôi 10 ngày gặp người mua được giá là bán, lãi 1 - 2 triệu đồng, có con nuôi dài ngày nhất là 3 tháng, lãi 7 - 10 triệu đồng”. Còn trên diện tích 2,5 héc-ta đất bãi, gia đình anh Phượng luân phiên lạc, ngô nếp vụ xuân; đậu xanh vụ hè thu; ngô đỏ vụ đông muộn, thu nhập bình quân 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt là trồng ngô nếp phục vụ hàng hóa cho các hộ luộc bán vào thời điểm tháng 3 âm lịch, mỗi bông 2.000 đồng, mỗi ngày gia đình anh thu hoạch khoảng 8.000 bông, đem lại nguồn thu rất lớn. Không chỉ có gia đình anh Phượng, ở xóm 4, người được coi là “khởi xướng” của nghề chăn nuôi trâu, bò hàng hóa là các ông Nguyễn Văn Dũng, Hoàng Nghĩa Sỹ; Từ nuôi bò hàng hóa, gia đình 2 ông không những thoát nghèo mà trở thành hộ khá ở xã, nhà cửa khang trang. Theo ông Nguyễn Hữu Cầu - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm 4, toàn xóm có 175 hộ thì 100% hộ nuôi trâu bò. Hộ ít nhất nuôi 1 con, đa số nuôi 4 - 5 con, có những hộ nuôi nhiều từ 10 - 12 con/lứa. Gắn với chăn nuôi, bà con trong xóm cũng năng động chuyển đổi cây trồng đem lại giá trị thu nhập cao như ngô nếp, ớt cây, rau màu, từ đó vận chuyển cung cấp cho thị trường Nam Đàn và Thành phố Vinh... Chủ tịch UBND xã Lê Văn Phượng, cho biết: Cùng với đề án chung của huyện về phát triển kinh tế vùng ven bãi sông Lam, địa phương đã tiến hành dồn điền, đổi thửa, khoanh ô, khoanh vùng, trên cơ sở đầu tư hỗ trợ của huyện về điện, hệ thống thủy lợi, trong thời gian tới xã sẽ tập trung chuyển toàn bộ diện tích đất bãi hơn 80 héc-ta để sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ngoài đất bãi thì hiện tại trên đồng đất ở Hưng Lĩnh đã có những mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình cá lúa ở các xóm 6, 7, 8, 9; mô hình sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa bằng cây bí xanh, cây ngô; sản xuất lúa hàng hóa với 3 giống chủ lực BTE1, NA2, nếp 52...; góp phần nâng cao thu nhập, giá trị trên cùng đơn vị diện tích gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây. Bình quân thu nhập đạt 70 - 80 triệu đồng/ha/năm, có những diện tích trên 100 triệu đồng/ha/năm như cá - lúa, vùng đất bãi.
Còn ở xã Hưng Nhân, trọng tâm là phát triển chăn nuôi bò sinh sản và trồng cây công nghiệp ngắn ngày và lạc. Theo ông Nguyễn Công Hoan - Chủ tịch UBND xã, hiện trên địa bàn có tổng đàn 2.350 con bò sinh sản, bình quân mỗi hộ nuôi 2 - 3 con, mỗi năm cho thu nhập 25 - 35 triệu đồng từ tiền bán bê. Hưng Nhân còn là địa phương có diện tích rau màu hàng hóa khá lớn (40 héc-ta), tạo ra vùng rau cung cấp cho thị trường Thành phố Vinh. Xã cũng đã thử nghiệm và trồng thành công 20 héc-ta khoai lang lòng đỏ, đây sẽ là mô hình tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới. Một số diện tích cá - lúa; chăn nuôi lợn thịt, gà cỏ có hiệu quả tiếp tục duy trì, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt gần 19 triều đồng/năm.
Theo ông Phan Văn Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, những năm gần đây, Hưng Nguyên đã thành công khi hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả với nhiều sản phẩm thế mạnh. Đặc biệt lúa hàng hóa có chất lượng cao được sản xuất trên 3.000 héc-ta (chiếm gần 40% tổng diện tích gieo cấy toàn huyện), tập trung ở các xã vùng giữa như Hưng Tân, Hưng Thông, Hưng Tiến, Hưng Phúc, Hưng Khánh, Hưng Đạo, thị trấn... Bước đầu hình thành thương hiệu gạo Hưng Nguyên, được thị trường ưa chuộng. Gắn với cây lúa, các xã vùng giữa này cũng được huyện tập trung xây dựng hệ thống nuôi trồng thủy sản theo hướng cá chuyên canh, cá - lúa, các loại thủy sản đặc sản như lươn, ếch... Huyện cũng đã, đang từng bước đầu tư xây dựng vùng rau gia vị ở Hưng Phú, Hưng Khánh; rau thực phẩm ở Hưng Nhân, Hưng Lợi... Kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp lợn, gà, vịt, cá... ngày càng được phát triển. Toàn huyện hiện có 50 trang trại, gia trại, đặc biệt có một số trang trại có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm như trang trại nuôi gà sinh học của gia đình ông Nguyễn Huy Tiến, xóm 5, xã Hưng Tiến, với quy mô hơn 1,3 vạn con/lứa; thu nhập bình quân hàng năm của trang trại là trên 3 tỷ đồng. Thêm một sản phẩm nữa đó là Hưng Nguyên đã tạo ra vùng chăn nuôi bò lai sind, bò hàng hóa dọc các xã ven sông Lam ở các xã Hưng Xá, Hưng Thông, Hưng Lam, Hưng Xuân, Hưng Lĩnh... Nhờ đó đã cải tạo được chất lượng giống bò của huyện với tổng đàn 17.000 con, cung cấp sản lượng thực phẩm 24.000 tấn/năm.
Chú trọng phát triển dịch vụ
Cùng với sản xuất nông nghiệp, dịch vụ cũng là một mũi kinh tế được Hưng Nguyên tập trung. Với sự đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường trong những năm gần đây, tạo điều kiện kết nối giữa Hưng Nguyên với Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Nam Đàn lên đường mòn Hồ Chí Minh; tuyến phía Tây Nghệ An rồi Hà Tĩnh thông qua Quốc lộ 46 và Quốc lộ 46 tránh Vinh; Quốc lộ 1 tránh Vinh, đường ven sông Lam..., đã, đang tạo điều kiện thuận lợi cho Hưng Nguyên hình thành kinh tế dịch vụ vận tải; dịch vụ kinh doanh xăng dầu; dịch vụ kho bãi trung chuyển hàng hóa ở một số xã Hưng Thịnh, Hưng Lợi, Hưng Đạo. Ở Hưng Nguyên bây giờ, kinh doanh nhà hàng, ăn uống ở một số điểm đã “hút” được khách từ Thành phố Vinh lên như các nhà hàng chế biến sản phẩm rươi và các loại chim, lươn... Một số sản phẩm có ưu thế của huyện như gạo Hưng Tây, rượu Hưng Châu, Hưng Tân, bánh đa, kẹo lạc Hưng Châu... tiếp tục được quan tâm củng cố và mở rộng thương hiệu. Hệ thống chợ nông thôn trên địa bàn huyện tiếp tục được đầu tư nâng cấp trong mấy năm gầy đây cũng từng bước đáp ứng yêu cầu kinh doanh, trao đổi hàng hóa trên địa bàn huyện. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá năm 2014 đạt 1.595 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ, giá trị sản xuất ngành dịch vụ năm 2014 trên địa bàn huyện tiếp tục có mức tăng trưởng khá, đạt 781,8 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ 2013.
Nhìn vào bức tranh kinh tế dịch vụ Hưng Nguyên có thể nói đã có những khởi sắc so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn chưa khai thác hết được các lợi thế. Hưng Nguyên là địa phương có hệ thống di tích dày đặc, với tổng số 111 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó tiêu biểu là Đài tưởng niệm liệt sỹ 12/9 và Quảng trường Xô viết - Nghệ Tĩnh; khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; Di tích Xứ ủy Trung Kỳ; Di tích Lịch sử - văn hóa núi Lam Thành; đền Ông Hoàng Mười, đền Vua Lê… Từ đó có thể phát triển kinh tế dịch vụ du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, Hưng Nguyên vẫn có những điều kiện và cơ sở để tìm hướng đi riêng trong phát triển dịch vụ lưu trú, cho thuê nhà hay phát triển dịch vụ ăn uống ven đô mạnh hơn nữa…
MINH CHI