(Baonghean) - Trong những năm qua, huyện Kỳ Sơn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu vực trọng điểm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu với nước bạn Lào. Từ đó, khai thác tốt lợi thế của một địa phương vùng biên có cửa khẩu quốc tế, tuyến đường giao thông huyết mạch để phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
![]() |
Một gian hàng tại chợ Mường Xén (Kỳ Sơn). |
Những ngày ra Giêng, chúng tôi ngược Quốc lộ 7 đến với rẻo cao Kỳ Sơn. Vào thời điểm này, nơi đây đang là mùa khô, tiết trời rất oi nồng nhưng các hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu đã nhanh chóng trở lại nhịp thường nhật sau Tết. Tại chợ Thị trấn Mường Xén, trung tâm buôn bán lớn nhất huyện, các tiểu thương, chủ yếu là người các huyện miền xuôi đã lên hoạt động nhộn nhịp. Dạo một vòng quanh chợ, các loại hàng hóa thực phẩm từ rau, củ, quả cho đến hàng tiêu dùng, quần áo, dày dép… đều được bày bán đủ chủng loại.
Chị Trần Thị Linh, quê ở phường Nghi Tân (Thị xã Cửa Lò) đã có thâm niên buôn bán quần áo và một số mặt hàng khác ở chợ Mường Xén hơn 10 năm nay, cho biết: “Đến 29 Tết Ất Mùi vừa rồi, tôi mới đóng hàng về quê đón Tết, nhưng ra Tết phải sắp xếp công việc gia đình để lên sớm mở hàng phục nhân dân. Lượng khách đang ngày một đông dần. Môi trường kinh doanh ở Mường Xén cũng rất tốt. Các cấp chính quyền đều tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con tiểu thương làm ăn, buôn bán, nhất là từ khi chợ mới được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng”. Ở góc chợ, tại kiốt của chị Nguyễn Thị Tuyết, quê Đô Lương, chúng tôi gặp vợ chồng anh Lầu Tòng Pó, bản Chà Lạt, xã Mường Típ mua hàng chuẩn bị cho đám cưới của con. Trao đổi với chúng tôi, anh Pó vui vẻ cho biết: “Bây giờ, các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày đều được đưa vào tận trong xã nên rất thuận lợi cho bà con. Nhưng nếu mua nhiều mặt hàng hơn thì phải ra chợ Mường Xén, ở đó hàng hóa rất phong phú, giá cả cũng phải chăng”.
Chị Tuyết cho biết đã đấu thầu ốt buôn bán trong 12 năm với giá 400 triệu đồng để có điều kiện buôn bán ổn định, thuận lợi hơn… Chợ Thị trấn Mường Xén được đầu tư nâng cấp xây dựng thành chợ cấp 2 với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng và đưa vào khai thác từ cuối năm 2013. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Lương, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Mường Xén cho biết: “Tổng diện tích mặt sàn của chợ khoảng hơn 1.600m2. Hiện nay, đã có 251 gian hàng được các tiểu thương đấu thầu và đưa vào kinh doanh, buôn bán”. Vì vậy, chợ Thị trấn Mường Xén đóng vai trò là trung tâm vừa bán buôn, bán lẻ, phân phối hàng hóa cho các chợ dân sinh trong huyện và các tiểu thương cung ứng vào các trung tâm xã, cụm xã và các bản”.
Ngoài chợ Thị trấn Mường Xén, tại huyện Kỳ Sơn còn có chợ Huồi Tụ và Mường Lống hoạt động theo phiên hàng tháng và không khí buôn bán diễn ra khá sôi động. Với những cơ sở hạ tầng chợ hiện có kết hợp với đời sống người dân ngày càng nâng lên, kéo theo sức mua tăng. Theo thống kê của Phòng Công thương, tổng giá trị lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện năm 2014 ước đạt hơn 680 tỷ đồng, vượt 120 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh chợ Thị trấn Mường Xén, các chợ vùng cụm xã ở Kỳ Sơn cũng phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Toàn, cán bộ Phòng Công thương huyện phụ trách mảng thương mại, dịch vụ cho biết: “Chợ Huồi Tụ và Mường Lống được đầu tư xây dựng theo nguồn vốn của Chương trình 135, nhưng do đưa vào khai thác trong thời gian dài nên đã xuống cấp. Vì vậy, huyện đề xuất với tỉnh để cải tạo, nâng cấp và đã được đồng ý. Còn chợ Thị trấn Mường Xén đang xây dựng phương án đấu thầu kinh doanh nhưng cũng gặp khó khăn. Về phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn huyện, trong quy hoạch sẽ hình thành thêm các chợ Nậm Càn, Na Loi, Ta Đo và Chiêu Lưu và chúng tôi đang xin chủ trương đầu tư”.
...Chúng tôi đến xã vùng biên Nậm Cắn, nơi có cửa khẩu quốc tế nối với nước bạn Lào. Mới ra Tết nên lượng người Việt xuất cảnh qua Lào lao động và ngược lại các du học sinh người Lào nhập cảnh vào Việt Nam khá đông đúc, nhộn nhịp. Bên cạnh đó là các phương tiện vận tải liên tục nhập cảnh, chở các loại hàng hóa vào Việt Nam. Theo thống kê của Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, trong năm 2014, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 71 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 18 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng vật liệu xây dựng và nhập khẩu đạt 53 triệu USD, chủ yếu là gỗ và các loại nông sản từ Lào. Thu thuế đạt 108 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Nhâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết: Vào mồng 6 Tết âm lịch, các hoạt động xuất, nhập khẩu đã bắt đầu hoạt động trở lại rất sôi động.
Trong năm 2015, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu đặt ra, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tập trung tạo môi trường thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; tăng cường công tác giám sát hải quan, quản lý thuế, cũng như sử dụng hiệu quả Hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trên địa bàn và các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán ma túy qua biên giới nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, qua đó tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế, xã hội, giao thương của nhân dân 2 nước Việt - Lào.
Với vị trí địa lý đặc thù, có cửa khẩu quốc tế, có vành đai giao thông quốc phòng - kinh tế huyện vùng biên Kỳ Sơn hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển lĩnh vực dịch vụ - thương mại cho cả nội địa và xuất khẩu. Những con số thống kê trên đây dẫu còn khiêm tốn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh nhưng đã phần nào chứng minh được tiềm năng đó. Tuy nhiên, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thu nhập của người dân còn thấp, mới chỉ đạt 13,8 triệu đồng/người/năm vào năm 2014, cũng như cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp tổng thể với sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, bên cạnh đó huyện tập trung đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân; từ đó nâng cao sức mua, khai thác hiệu quả tiềm năng thương mại - dịch vụ của địa phương. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Đoài, Trưởng phòng Công thương huyện Kỳ Sơn cho biết: “Chúng tôi tập trung bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch cho nông dân; phát triển các mô hình liên kết giữa các cơ sở sản xuất, các làng nghề truyền thống với các doanh nghiệp… Từ đó, đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn, nhất là tận dụng tốt tiềm năng địa phương có cửa khẩu quốc tế”.
Nhật Lệ