Khai thác tiềm năng, vươn lên làm chủ biển khơi

31/03/2014 10:12

(Baonghean.vn) - Cách đây 55 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngư dân trên đảo Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh và đảo Cát Bà, Thành phố Hải Phòng. Tại đây Bác đã căn dặn: "Biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ…". Từ ngày ấy đến nay, thực hiện lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ, đảng viên, quân đội, nhân dân, công nhân viên và lao động thủy sản cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng đã phấn đấu không mệt mỏi để thực sự là người chủ của biển khơi, trên mọi lĩnh vực: giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, khai thác tiềm năng của biển, làm giàu cho gia đình và cho đất nước. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1/4 hàng năm làm Ngày Truyền thống nghề cá Việt Nam.

Nghệ An có 82 km bờ biển, đây là điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển. Từ bao đời nay biển cả là nơi nuôi sống bao lớp người, góp phần không nhỏ vào sự phát triển nền kinh tế tỉnh nhà. Lịch sử nghề cá Nghệ An là lịch sử nghề cá nhân dân, kế thừa thành quả của bao lớp người đi trước, ngày nay bao thế hệ ngư dân đang góp công sức, mồ hôi và cả xương máu của mình để tạo ra nguồn của cải vật chất cho xã hội, góp phần bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu.

Ngày nay trong công cuộc đổi mới, kinh tế biển nói chung và nghề cá nói riêng đang có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Nằm trong chiến lược phát triển kinh tế biển, nghề cá ở Nghệ An trong những năm qua đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng trong nền kinh tế tỉnh nhà. Phát huy thế mạnh, chủ động triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 17 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư của BCH Trung ương Đảng, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Thuỷ sản Nghệ An đã có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và ổn định, năm 2013, tổng sản lượng toàn tỉnh đạt 127.000 tấn, bằng 119,8% so với năm 2011.

Ngư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) khai thác hải sản ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: đình sâm
Ngư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) khai thác hải sản ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Đình Sâm

Năm 2013 diện tích nuôi thuỷ sản 23.440 ha. Sản lượng nuôi trồng đạt 42.125 tấn bằng 107,24% so với năm 2011. Với hệ thống trại tôm giống, cơ sở ương và hệ thống các trại cá giống cấp 1 và cấp 2, và 1 trung tâm giống thuỷ sản, đã sản xuất được 300 triệu con tôm sú giống, 10 triệu cua giống, 500 triệu con cá bột và nhiều loại giống thủy sản mới... chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Phong trào nuôi tôm he chân trắng, nuôi cá ruộng lúa trên hồ đập, nuôi nhuyễn thể đang phát triển mạnh, tại các xã vùng bãi ngang đã đem lại thu nhập cao, thu hút nhiều lao động, đầu tư và chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản theo hướng thâm canh, năng suất cao và bền vững.

Công tác quản lý và phát triển khai thác thủy sản đăng ký đăng kiểm tàu cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được chú trọng. Tổng số tàu thuyền toàn tỉnh đã được đăng ký quản lý là 4.022 chiếc, với tổng công suất 369.453 CV, trong đó tàu có công suất từ 90 CV trở lên 1.085 chiếc, phát triển năng lực khai thác đúng hướng. Sản lượng hải sản khai thác đạt 85.000 tấn bằng 127% so với năm 2011. Kiểm tra đánh giá năng lực các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu, đã đăng kiểm 2.278 tàu. Phối hợp với các huyện thị và các lực lượng, tuyên truyền chống sử dụng kích điện, chất nổ khai thác hủy diệt thủy sản, xây dựng mô hình chuyển đổi nghề nghiệp và đồng quản lý trong nghề cá. Tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông, hồ lớn và trên biển.

Hệ thống chế biến thủy sản dân doanh thông qua các chương trình đã được đào tạo nghề, tiếp cận tri thức quản lý xây dựng làng nghề, đảm bảo và quản lý chất lượng, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng. Chế biến xuất khẩu thủy sản đạt 26.165 tấn, giá trị sản xuất 393,6 tỷ đồng. Chế biến nước mắm đạt trên 19,2 triệu lít. Các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư thiết bị kỹ thuật, đăng ký thương hiệu, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, giảm các chi phí tối đa để duy trì sản xuất có thu nhập cao cho người lao động trong điều kiện lãi suất ngân hàng và giá cả vật tư, xăng dầu tăng cao.

Thời gian qua, ngành đã ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất thủy sản, tạo động lực mới thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong khai thác thủy sản, các vùng nuôi thủy sản tập trung ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc không ngừng được đầu tư hoàn thiện. Để khắc phục những tồn tại trong quản lý, ngành Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn cho các đơn vị sản xuất thông qua các hình thức: tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, tham quan, học tập các mô hình tiên tiến, tập huấn. Hàng trăm thuyền máy trưởng các loại, hàng trăm cán bộ khuyến ngư cơ sở được đào tạo đã phát huy tác dụng, tổ chức hướng dẫn và huấn luyện cho hàng nghìn lượt các hộ chuyển đổi nghề và làm giàu từ nghề cá. Công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch được đầu tư nâng cấp đi vào hoạt động nề nếp, thuận lợi, các trạm kiểm dịch và 1 trung tâm phân tích bệnh thủy sản với trang bị hiện đại đã phát huy hiệu quả phục vụ cho ngăn ngừa dịch bệnh, làm cho nhân dân yên tâm đầu tư vào sản xuất thủy sản.

Về đầu tư cơ sở vật chất và dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng được quan tâm đúng mức. Các cảng cá, nơi tránh trú bão được đầu tư, nâng cấp đi vào hoạt động ngày càng có hiệu quả. Đây là trung tâm trao đổi sản phẩm và dịch vụ nghề cá của tỉnh, nơi neo đậu tàu thuyền, nhằm tạo điều kiện cho khai thác, đầu tư hạ tầng cơ sở chế biến dịch vụ trong cảng phát triển. Các nhà máy sản xuất đá lạnh, các nhà máy chế biến và bảo quản được đầu tư xây dựng với các hệ thống đường, điện, nước thực sự kích thích sản xuất, dịch vụ thủy sản phát triển làm thay đổi nếp nghĩ và diện mạo của nông thôn vùng ven biển.

Kế hoạch năm 2014, ngành Thủy sản Nghệ An phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng thủy sản 137.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác hải sản 89.000 tấn; sản lượng nuôi trồng 44.000 tấn; sản lượng khai thác thủy sản nội địa 4.000 tấn; sản xuất trên 19 triệu lít nước mắm. Phấn đấu đạt 27.000 tấn sản phẩm chế biến thủy sản xuất khẩu, đạt kim ngạch xuất khẩu 23 triệu USD. Để đạt được kết quả đó, ngành tăng cường ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất trên diện tích nuôi trồng thuỷ sản 21.000 ha. Sản xuất 1.000 triệu con tôm giống, sản xuất cung ứng đủ cá bột chất lượng đúng mùa vụ. Cùng với đó là đầu tư nâng cấp đội tàu trên 90 CV lên 1.220 chiếc, có trang thiết bị hàng hải hiện đại, đáp ứng khai thác vùng khơi hiệu quả, huy động các nguồn lực để đóng mới tàu có công suất trên 90 CV. Tranh thủ các chương trình dự án, các nguồn lực khác để đẩy mạnh đào tạo nghề, kỹ thuật, quản lý, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu để thúc đẩy các tiềm năng thủy sản.

Để đạt được kế hoạch, đòi hỏi sự nỗ lực năng động rất lớn của các nhà quản lý, các cấp chính quyền, và nhân dân; tranh thủ mọi sự giúp đỡ, khai thác các lợi thế, tiềm năng vươn lên khắc phục mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm đưa thủy sản Nghệ An tiếp tục phát triển, tương xứng với tiềm năng của tỉnh và truyền thống anh hùng của những người làm công tác thủy sản.

Trần Hữu Tiến (Phó Giám đốc Sở NN& PTNT)

Khai thác tiềm năng, vươn lên làm chủ biển khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO