Khám phá lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ - Bài 2: Nghề lái thuyền

08/01/2015 17:49

(Baonghean) - Ai chưa một lần đến lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, hẳn không tránh được mường tượng về sự nguy hiểm khi đặt chân lên những chiếc thuyền nhỏ bé giữa mênh mông mặt nước sâu hàng trăm mét. Thế nhưng, mường tượng ấy dường như dần tan đi khi đối diện với mặt hồ phẳng lặng, bình yên, với những tay lái thuyền cự phách, giàu kinh nghiệm…

TIN LIÊN QUAN

Về nghề lái thuyền trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, cô bạn đồng nghiệp dành hẳn vài trang nhật ký hành trình cho những người cầm lái thiện nghệ này. “Ngày 1/1/2015: Ngày đầu tiên của năm mới, chúng mình đang có mặt tại bến thượng lưu của lòng hồ. Nghe bảo hồ rộng tới gần 5.000 ha, mênh mông nhưng không có cảm giác sợ hãi rợn ngợp bởi mặt nước rất êm, không gợn sóng. Nhiệm vụ quan trọng phải làm ngay là chia nhau ra, tìm một người lái thuyền thật giỏi và tính cách dễ chịu để làm hoa tiêu cho chuyến đi dài ngày này…”.

Anh Vi Viết Tiến chở khách vào lòng hồ.
Anh Vi Viết Tiến chở khách vào lòng hồ.

Nhiệm vụ tối quan trọng mà cô bạn phải kỳ công nhấn mạnh ấy quả không dễ dàng thực hiện. Đoàn 4 người, tỏa ra khắp hướng, dò dẫm đủ các quán nước trên bến thượng lưu và hỏi vân vi đến cả đội xe thồ, xe khách đứng tản mát trên vệ đường. Xin thưa ngay, phải tốn thời gian và công sức thế, không phải vì người lái thuyền trên mặt hồ lặng sóng này hiếm có, khó tìm. Mà bởi lẽ, người làm nghề vô thiên lủng, nhưng cái tiêu chí kén chọn phải vừa “thật giỏi và tính cách dễ chịu” chúng tôi đặt ra thì quả cũng có phần “cao giá”, nhất là trong thời điểm nghỉ lễ tết dương, nhu cầu giao thông, giao thương qua lòng hồ tăng cao. Những chiếc thuyền ba lá đậu kín bến, chủ thuyền tất bật buộc neo, giăng bạt, đổ xăng… còn khách hàng đủ thành phần, lứa tuổi, trang phục, lỉnh kỉnh đồ đạc, hàng hóa đứng chờ thuyền đủ khách cho một lần xuất bến. Loáng thoáng tiếng hỏi giá thuyền: “Chuyến về Hữu Khuông bao nhiêu một người? 50 nghìn nhé!”. Thuyền mùa cao điểm chẳng hiếm khách, thế nên phải vòng đi vòng lại, chúng tôi mới tìm được một chủ thuyền mặn chuyện chịu sẻ chia chút chuyện nghề.

Bộ đồ đi mưa xanh Cửu Long bết đầy bụi và bùn đất, sột soạt ôm lấy dáng người nhỏ thó, nước da đen sắt và khuôn mặt sùm sụp chiếc mũ lưỡi trai sờn rách, ông Vi Viết Tiến- người lái thuyền mà chúng tôi mừng húm “túm” được khi ông đang sòng sọc cữ thuốc lào đầu ngày. Anh bạn trẻ đồng nghiệp khéo đẩy đưa câu chuyện chung về “tình yêu thuốc lào”, rồi rẽ ngoặt về cái nghề lái thuyền trên lòng hồ, cái mẹo giao tiếp ấy thế mà được việc ra trò! Mắt lim dim dõi ra phía lòng hồ đang ánh lên những tia nắng ban mai, ông bảo, gắn với nghề này đã ngót chục năm ròng, từ khi dòng Nậm Nơn chưa được ngăn dòng cho đến hôm nay là lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.

Cũng như nhiều gia đình khác, trước, gia đình ông thuộc xã Hữu Dương, nhưng khi có chủ trương di cư nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện, cả gia đình chuyển về tái định cư ở bản Đại Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Di cư theo chủ trương của nhà nước, cho dòng điện lưới quê hương, nhưng khi về nơi ở mới, gia đình ông phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vợ con nheo nhóc lại chưa có đất sản xuất, cuộc sống phần lớn phải phụ thuộc vào hỗ trợ gạo hàng năm. Năm 2011, mấy người bạn nghề rủ rê, đã gắn với nghề sông nước thì phải chịu thương, chịu khó, lại về với cái nghiệp lênh đênh đi thôi! Đến giờ, ông vẫn thầm cảm ơn cái sự rủ rê lẫn động viên ấy, bởi nghề lái thuyền mấy năm nay đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá ổn định, dẫu không lấy gì làm khá giả, nhưng chí ít cũng thoát cảnh phụ thuộc vào trợ cấp nhà nước.

Chỉ tay vào chiếc thuyền gỗ đậu mép lòng hồ, ông bảo, thuyền được đóng bằng tiền đền bù giải phóng mặt bằng mấy năm trước. Gỗ đóng thuyền là do tự tay ông tìm mua, rồi cất công lên tận xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) thuê thợ mát tay đóng thuyền, lại hỏi han mua máy gắn thuyền hết tất tật 50 triệu đồng. Vợ con đã ổn định tại nơi ở mới, ông một mình vào lòng hồ sinh sống, không nhà cửa, ông dựng cái lán tạm lênh đênh bên mép nước trên địa bàn xã Nhôn Mai làm nơi trú ngụ khi đêm xuống. Hàng ngày, công việc của ông là chở khách từ bến Nhôn Mai ra bến thượng lưu và ngược lại.

Con thuyền bằng gỗ de của ông dài hơn 11 m, khoang rộng gần 1,5 m, mỗi chuyến được phép chở 6 – 7 người. Từ Nhôn Mai ra bến thượng lưu, thời gian chạy thuyền ngót 2 giờ đồng hồ, ông Tiến thu mỗi khách 70 nghìn đồng. Nếu đủ khách, mỗi chuyến trừ chi phí tiền đổ xăng, còn lãi tầm 300 nghìn đồng. Tuy nhiên, không phải ngày nào cũng được như vậy. “Trúng dịp lễ, tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần, học sinh, sinh viên với cán bộ công chức mới ra vào nhiều, ngày thường cũng vắng lắm.” – ông Vi Viết Tiến trần tình. Chúng tôi đặt vấn đề mời ông cùng “làm” một chuyến lênh đênh hẳn hoi, du ngoạn đến tận cùng dài rộng lòng hồ cho thỏa thú vẫy vùng năm mới. Tiếc thay, chuyến đi dài ngày quá, và ông thì còn chút việc gia đình cần về gấp nay mai.

Nhật ký hành trình của cô bạn đồng nghiệp hẳn sẽ dài thêm với những dòng lâm ly cảm thán, nếu sáng ngày hôm đó, chúng tôi không gặp may mắn tìm được một “tay” lái thuyền trẻ tuổi. Lương Văn Tửm, 22 tuổi đã đề huề vợ con. “Người vùng cao thường lấy vợ sớm mà. Không đi học xa, không làm cán bộ thì lấy vợ thôi!”- Tửm thật bụng trả lời thắc mắc của chúng tôi. Cái tên Tửm của chàng ta nghe cũng khá lạ lùng, anh bạn đồng nghiệp là đồng bào dân tộc Thái cắt nghĩa: Tửm có nghĩa là thêm, là đầy đặn. Ra vậy, Lương Văn Tửm là con út trong gia đình, cái tên ấy là sự thêm vào cho tròn đầy, ấm cúng. Nhìn dáng vẻ bên ngoài, tưởng như không có cái tên nào hợp với Tửm hơn được nữa. Tửm vóc người mập mạp nếu không muốn nói là tròn ú, mái tóc đen bóng và xoăn tít. Lối chuyện trò của cậu chàng toát vẻ chất phác và gọn gàng. Chuyện sông nước mênh mông tưởng như không thấy đường chân trời mà tay lái trẻ này kể cứ gọn ơ như không! “Lớp 9 đã cầm lái rồi mà, không sợ gì hết. Mà hồi đó là sông Nậm Nơn lắm thác, lắm ghềnh, chứ không phải là mặt hồ phẳng lặng thế này đâu.”- Tửm nói nhát một.

Và Tửm nói thật. Gần tuần lễ lênh đênh lòng hồ, chiếc thuyền ba lá gắn động cơ 13 mã lực trong tay Tửm như một chú ngựa ngoan hiền dễ bảo. Tửm ngồi đằng chân thuyền, mem mép ghé bàn tọa lên thanh gỗ nhỏ, một tay cầm chắc tay lái định hướng. Gió hun hút thổi, động cơ phành phạch khua mặt hồ bình lặng thức dậy những đợt sóng xôn xao, lúc nhanh, lúc chậm, lúc rẽ ngang, lúc dừng lại theo yêu cầu của đoàn khách khó tính đang săn tìm những “đúp”, những cảnh đẹp kỳ vĩ lòng hồ. Bình thường phải “tội” ít chuyện, còn thì nếu khéo hỏi, Tửm thoắt trở thành hướng dẫn viên du lịch chẳng kém cạnh ai, với lối giới thiệu địa danh chính xác, bổ sung cả những truyền thuyết bí hiểm của đồng bào.

Nào đây là bản Xốp Lằm, Chà Coong, Nhạn Ninh, Nhạn Pá…; nào thì hang Thằm Nặm… Lương Văn Tửm chia sẻ những kỷ niệm không thể quên của nghề lái thuyền trên dòng Nậm Nơn ngày nào, với những dốc thác cuồn cuộn, những ghềnh lên gấp xuống mà dẫu tay lái thiện nghệ mấy cũng dễ phải run tay. Cậu chàng bảo, nghề nào cũng phải thuộc mẹo luật, mà mỗi người lái có cho riêng mình một kinh nghiệm khác nhau. Lái thuyền 24 mã lực khác thuyền 13 mã lực, lúc cần chèo tay, lúc cần nghiêng lái… Giờ, lái thuyền trên lòng hồ Bản Vẽ đã không còn hiểm nguy như trên dòng sông Nậm Nơn nữa, thay vào đó là cảm giác bồng bềnh, êm ả, tha hồ thả hồn chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, kì bí về một nền văn hóa sông nước.

Chiếc thuyền ba lá bé nhỏ trên mênh mông lòng sông, ngút ngát tầm mắt là miên man hoa dại nở bung trắng xóa, thi thoảng qua những khúc rẽ bình lặng, nhìn xuống mặt hồ trong xanh còn thấy cả đàn cá mương tí tách nhảy reo. Chuyến hành trình lòng hồ mở ra những điều thú vị, chúng tôi không hề cảm thấy đơn độc bởi liên tục gặp những chiếc thuyền bạn rẽ sóng gần bên. Nhớ cái thống kê của Phòng Công thương huyện Tương Dương, rằng hiện nay trong lòng hồ Bản Vẽ có gần 70 chiếc thuyền chở khách và khoảng 60 chiếc thuyền dân sinh.

Toàn bộ số thuyền này do người dân tự đóng lấy, tuy nhiên sự an toàn tương đối cao. Hầu như những người làm nghề lái thuyền ở đây là người địa phương, đã từng có kinh nghiệm lái thuyền trên sông Nậm Nơn trước đây và phần lớn đã được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ lái thuyền, thuyền nào cũng được cấp phát áo phao cứu sinh đầy đủ. Trước đây, mỗi khi cán bộ huyện vào công tác xã Mai Sơn phải mất đến 1 ngày đường ngồi thuyền trên dòng Nậm Nơn lên thác, xuống ghềnh ẩn chứa nhiều nguy hiểm, thì nay, xuất phát từ bến thượng lưu đến Mai Sơn chỉ mất nhõn 3 tiếng đồng hồ êm ái trên thuyền. Di chuyển bằng thuyền trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ được nhiều người đánh giá là an toàn, bởi lẽ từ ngày hồ thủy điện tích nước đến nay đã 4 năm, chưa xẩy ra vụ tai nạn đường thủy nào trên lòng hồ…

Mặt nước, đồi núi và những con thuyền chở khách lướt nhẹ trên mặt hồ hòa quyện, hiện ra dưới cái nắng ban mai, tạo cảm giác không khí mát lạnh về mùa hè, rét tê buốt vào mùa đông lấp đầy cơ thể. Một không gian rộng lớn, mờ ảo trong sương mờ khiến cho ta nhỏ bé trước “biển hồ” như kiệt tác thắng cảnh do con người tạo ra trên miền Tây hoang sơ này. Dưới đôi tay thiện nghệ của lái thuyền Lương Văn Tửm, nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và bao sự bình dị, lầm lũi cũng như khát vọng của cuộc sống con người lòng hồ dần hiện ra, “hút” đoàn chúng tôi đắm vào chuyến hành trình kỳ thú!

Nhóm PV

Mới nhất
x
Khám phá lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ - Bài 2: Nghề lái thuyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO