Khám phá Mường Quàng: Bài 3: Gò tế trâu và mỏm đá kén vợ
(Baonghean) - Một điều lạ ở Mường Quàng là những gò đất rất đỗi bình thường hay một hòn đá mồ côi giữa đồng ruộng cũng có thể gắn với một huyền thoại đầy lãng mạn và nhân văn. Trong số rất nhiều những gò đất mỏm đá truyền thuyết đó phải kể đến gò đất, có tên là Pom Mỏng, Pom Lắc Quai và mỏm đá Mộng Chụ.
TIN LIÊN QUAN
Pom Mỏng
Có người giải thích tên gọi bản Mỏng xã Cắm Muộn (Quế Phong) là bản “thính”, bản “vang”. Người ta bảo rằng ngày trước các bản trong Mường Quàng truyền tin cho nhau bằng tiếng trống. Cái trống của bản Mỏng vang xa nhất nên mới có tên như vậy. Từ một bản Mỏng nhỏ bé ngày nào giờ đây cư dân đã đông đúc, chính quyền chia thành 3 bản Mỏng 1, Mỏng 2 và Mỏng 3. Thế nhưng, dù ở bản nào thì người dân vẫn chỉ quen gọi mình là dân bản Mỏng. Chia tách như thế cốt để dễ quản lý mà thôi.
Một ngày đến bản Mỏng ngồi tại trụ sở UBND xã Cắm Muộn khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về Mường Quàng, Chủ tịch UBND xã Lữ Thanh Bình bảo rằng nơi đặt trụ sở xã từng là một gò đất huyền thoại gọi là Pom Mỏng. Ngày xưa nơi đây là một gò đất cao ráo từng ngự trị 2 ngôi đền, một ngôi đền nhỏ, môt ngôi đền lớn hơn. Thế nhưng, theo thời gian và có một thời việc thờ cúng bị hạn chế, cấm đoán những ngôi đền vốn dĩ chỉ được làm bằng gỗ đã mục nát và không còn dấu tích. Rồi theo kế hoạch xây dựng trụ sở xã người ta đã san ủi cái gò đất. Giờ đây chẳng còn ai có thể hình dung ra vị trí của những ngôi đền thiêng ấy nữa. Cái gò Pom Mỏng cũng chỉ còn là một khuôn viên bằng phẳng.
Bản Mỏng (xã Cắm Muộn) từng được xem như điểm trung tâm của Mường Quàng. |
Chúng tôi lại tìm đến ông Lang Văn Ngọ, một người cao niên hiếm hoi còn nhớ được những chuyện cũ ở Mường Quàng. Ông Ngọ kể rằng gò đất đã bị san ủi cách đây gần ba chục năm. Vốn dĩ nó nằm ở vị trí trung tâm Mường Quàng. Trước đây trên gò đất có ngôi đền nhỏ thờ 3 anh em kết nghĩa là Hủn Quang Oi, Quán Vi Xiếng và Quán Vi Phan. Theo người dân nơi đây thì đó chính là những người đầu tiên đến sinh sống và xây dựng nên bản Mỏng như ngày nay. Cách đây hàng trăm năm, 3 anh em kết nghĩa đã khai phá nên vùng đất này.
Cũng theo tìm hiểu của ông Lang Văn Ngọ, vào đầu thế kỷ XIX, đền Chín Gian ở Mường Cắm Lứ ngừng hoạt động. Người “đầu têu” việc này là Lý Noọng ở Mường Hín. Ông này mới vừa theo đạo Thiên Chúa nên không tin vào sự linh thiêng của ngôi đền. Sau khi Lý Noọng tẩy chay hội đền Chín Gian lại nhận thấy việc thờ cúng tốn kém lại phải đi xa nên nhiều mường đã dựng đền thờ của riêng mình. Mường Quàng đưa những hoạt động thờ tự ở đền Chín Gian về bản Mỏng gọi là ngôi đền thờ Thiên. Từ đó Pom Mỏng ngoài ngôi đền thờ 3 anh em có công lập bản còn có thêm một ngôi đền mới có gốc gác từ đền Chín Gian. Cũng như hội đền Chín Gian, cứ 3 năm 1 lần người bản Mỏng lại tổ chức mổ trâu khai hội. Sau hội, mỗi nhà dù giàu hay nghèo đều được chia một miếng da trâu đem về để trong nhà để cầu may mắn.
Gò đất Lắc Quai
Cách Pom Mỏng chừng 3 km là bản Cắm cũng thuộc xã Cắm Muộn, nơi có gò đất Lắc Quai (Pom Lắc Quai). Đây là một gò đất nhỏ nhưng được coi như một chốn linh thiêng ở Mường Quàng. Ngày nay, gò đất nằm nhỏ nhoi ngó xuống con suối Khe Quỷa đổ ra sông Quàng. Trên gò cao có thể ngắm cả toàn cảnh bản Cắm với ruộng lúa xanh biếc bao quanh.
Mỏm đá Mộng Chụ. |
Trước đó trong khi vui chuyện, ông Lang Văn Ngọ kể cho chúng tôi nghe sự tích về gò đất. Bằng một giọng kể khúc chiết và đầy truyền cảm, ông Ngọ bảo rằng: Trong tâm thức dân gian của người Thái ở Mường Quàng, Pom Lắc Quai được coi như là nơi giáp ranh giữa đất và trời. Từ nơi đây người ta, cụ thể là những thầy mo, có thể đến được chỗ của Pỏ Pu Căm, vị thần tối linh trong tín ngưỡng dân gian của người Thái miền Tây Bắc xứ Nghệ. Pỏ Pu Căm là người đứng đầu ở trên trời, sau đó là các Pỏ Then. Riêng Then Na có 9 bà vợ, họ sinh ra các linh hồn. Người ở trần gian muốn có con cái nối dõi phải làm lễ vật dâng lên Then Na. Sau khi nhận lễ vật, vị này dâng lên Pỏ Pu Căm và cho một linh hồn xuống trần làm con cái của người.
Sau khi người chết, linh hồn phải được trả về cho các Pỏ Then. Lúc đó người phải mổ trâu để thầy mo tiễn đưa linh hồn người đến Pom Lắc Quai và lên trời. Trước khi mổ trâu, người ta đem trâu xuống rửa sạch ở vực nước trên khúc suối gần đó có tên gọi Văng Áp Quai. Sau đó trâu được buộc vào chiếc cọc đóng sẵn trên gò đất gọi là “lắc quai”. Các thầy mo gọi những thần linh trên trời xuống xem có vừa ý với vật phẩm của người dâng lên hay chưa. Nếu đã vừa ý thì các Then sẽ nhận về.
Theo ông Ngọ, gò Lắc Quai là nơi người dân Mường Quàng cúng trâu cho trời. Trong một đời người, một dòng họ phải “trả thuế” bằng một con trâu cho nhà trời để đổi lấy một cuộc sống khỏe mạnh, ăn nên làm ra. Khi dòng họ nào có điều kiện “trả thuế”, họ sẽ đến gò đất này làm lễ chém trâu. Một cụ cao tuổi, người dẫn đường cho chúng tôi đến gò đất cho biết: Trước đây, khi ông còn trẻ có đôi lần được chứng kiến lễ hiến trâu, thế nhưng cũng đã từ lâu, tục lệ này bị bãi bỏ.
Mỏm đá Mộng Chụ
Trên con đường đất dẫn vào bản Cắm giữa cánh đồng lúa có một mỏm đá lớn. Nó cao vượt lên so với những mỏm đá bên cạnh. Người dân Mường Quàng gọi mỏm đá là Con Mộng Chụ tạm gọi là mỏm đá ngóng người yêu. Những chàng trai, cô gái yêu nhau trong bản cứ chiều chiều lại ra ngồi trên mỏm đá chờ người yêu đi làm ruộng để cùng về. Ngồi trên mỏm đá có thể quan sát toàn cánh đồng nên những chàng trai chưa vợ cũng chọn mỏm đá này ngồi ngắm nhìn con gái trong bản làm lụng. Từ đấy những chàng trai sẽ biết được cô nào siêng năng, khéo léo nhất để đêm về tìm đến nhà “tìm hiểu”.
Theo ông Lang Văn Ngọ thì mỏm đá có cái tên nghe lãng mạn này thực ra lại nói lên một thực tế. Con trai trong bản ngày trước cứ sáng ra lên rừng săn bắt, hái lượm, chẳng còn thời gian theo chân các cô gái mà tán tỉnh. Muốn tìm con gái ngoan chỉ còn cách đến mỏm đá Mổng Chụ để ngắm nghía, kén chọn. Ai cần cù làm lụng, không đứng chơi, làm việc nhanh là có thể cưới làm vợ. Ngày trước người ta chuộng sự siêng năng hơn là sắc đẹp. Thậm chí người con trai mới chỉ cảm mến đã có thể về nói lại với cha mẹ để hỏi về làm vợ. Thế nên có thể gọi nôm na đây là mỏm đá kén vợ.
Người ta tin rằng nếu ai đến mỏm đá Mộng Chụ với ước mong chân thật thì sẽ tìm thấy hạnh phúc lứa đôi thực sự. Họ sẽ tìm thấy người tâm đầu ý họp để chung sống trọn đời. Thế nên trai gái trong bản đều đến đây với sự thành tâm và khối đá này được coi như cầu nối của tình yêu.
Hữu Vi - Đào Thọ