Khám và điều trị không có hồ sơ bệnh án!
(Baonghean) - Một tuần sau cái chết của bệnh nhân Trần Thị Ngọc tại bệnh viện Đa Khoa huyện Yên Thành, Sở Y tế Nghệ An đã vào cuộc điều tra nguyên nhân và đưa ra kết luận ban đầu...
Men theo con đường rừng dẫn vào xóm núi Hòn Nen thuộc xã Mã Thành, huyện Yên Thành, chúng tôi được nhiều người dân chỉ đến căn nhà tồi tàn bên mép núi của gia đình anh Phan Văn Thuyết (35 tuổi). Trong căn nhà nhỏ, anh Thuyết ngồi thẫn thờ bế hai đứa con trai mà không biết nói gì về cái chết bất ngờ của vợ - chị Trần Thị Ngọc (31 tuổi) ở Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành vào ngày 8/3 vừa qua.
Người chú ruột của anh Thuyết cho biết: Đầu tháng 3/2012, hai cháu Tăng và Tiến (một cháu học mẫu giáo, một cháu mới 10 tháng tuổi - con anh Thuyết) phải vào Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành điều trị viêm phế quản. Chị Ngọc sau 2 đêm thức trắng chăm sóc con, cảm thấy mệt mỏi nên có nhờ bác sỹ Nguyễn Văn Diện (bác sỹ chuyên khoa 1, Phó Chủ nhiệm Khoa Nhi - cấp cứu) khám kiểm tra và kê đơn để tiêm thuốc. Ngày 8/3, sau khi được các điều dưỡng tiêm mũi thuốc thứ 3 theo đơn, chị Ngọc bỗng nhiên bị ngất lịm rồi qua đời. Lúc đó, gia đình có đề nghị bệnh viện hỗ trợ một chuyến xe chở thi thể về nhưng không hiểu sao bệnh viện lại chần chừ.
Phóng viên Báo Nghệ An làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành
Cái chết bất ngờ của chị Ngọc khiến không chỉ người thân bức xúc mà dư luận nhân dân cũng tỏ ra nghi ngờ, đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của bệnh viện và các bác sỹ.
Theo tường trình của Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, trong thời gian chăm con tại Khoa Nhi - Cấp cứu, chị Ngọc bị ốm nên đã nhờ bác sỹ khám và kê đơn thuốc điều trị. Ngày 6/3, chị Ngọc được bác sỹ Nguyễn Văn Diện khám và chẩn đoán bị viêm phế quản, chỉ định dùng kháng sinh Zefpocin 1g tiêm ngày 2 lọ. Bệnh nhân được điều dưỡng của Khoa Nhi- cấp cứu tiêm thuốc theo đơn bắt đầu từ 7/3/2012. Sau mũi tiêm thứ ba vào ngày 8/3, chị Ngọc bị choáng, ngừng thở. Bệnh nhân được y bác sỹ tập trung cấp cứu ngay theo phác đồ chống sốc phản vệ, đặt nội khí quản, thở máy. Đến 12h50 phút, bệnh nhân tử vong tại bệnh viện.
Ông Trần Ngọc Hạnh- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành khẳng định, chị Ngọc bị chết vì sốc phản vệ với thuốc Zefpocin. Sau khi đã tiêm 2 mũi trước đó nhưng không việc gì, đến mũi tiêm thứ ba thì xảy ra sự việc. Sau khi xảy ra sự cố sốc thuốc, bệnh viện đã huy động tất cả các bác sỹ và kết nối với Bệnh viện Bạch Mai để điều trị theo phác đồ chống sốc nhưng không có kết quả. "Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã thu hồi vỏ thuốc, mang đi kiểm nghiệm và đang chờ kết quả", ông Hạnh cho biết.
Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế Nghệ An đã lập đoàn công tác về Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành. Theo kết luận ban đầu của đoàn kiểm tra, nguyên nhân cái chết của chị Ngọc là do sốc phản vệ do tiêm kháng sinh Zefpocin. Việc bác sỹ Diện kê đơn giúp bệnh nhân dù đã tạo điều kiện khám và điều trị cho bệnh nhân, nhưng Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành đã làm sai quy chế bệnh viện trong việc tiếp nhận bệnh nhân vào viện, khám và điều trị mà không có hồ sơ bệnh án. Đoàn công tác của Sở cũng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành tổ chức họp Ban Giám đốc và Hội đồng khoa học bệnh viện và các cá nhân liên quan kiểm điểm nghiêm túc về tinh thần trách nhiệm của ban giám đốc, trưởng khoa, phòng để đưa ra các hình thức kỷ luật nghiêm túc theo mức độ sai phạm. Liên quan đến lô thuốc Zefpocin trực tiếp gây sốc cho chị Ngọc, Sở Y tế Nghệ An đề nghị dừng ngay việc sử dụng lô thuốc đã nhập.
Theo người nhà của chị Ngọc phản ánh, một tuần sau cái chết của chị Ngọc, vẫn chưa thấy một y bác sỹ nào của bệnh viện đến động viên, thăm hỏi gia đình. Chia tay chúng tôi, những người thân của chị Ngọc tỏ ra lo lắng cho tương lai của 4 đứa con thơ dại cũng như người chồng đau ốm sau khi người vợ qua đời. "Người chết cũng đã chết rồi, người sống đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn phía trước, chỉ mong sao các cháu được những nhà hảo tâm giúp đỡ để tiếp tục học hành, vượt qua nỗi đau mất mẹ", người ông nội của 4 cháu nhỏ nói trong tiếng thở dài.
Nhóm phóng viên