Khẳng định vị thế cây trồng chủ lực ở Quỳ Hợp

08/08/2015 11:20

(Baonghean) - Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh và áp dụng các giải pháp về giống, khoa học kỹ thuật là hướng đi mà nhiệm kỳ qua ngành Nông nghiệp Quỳ Hợp đã triển khai thành công. Đây cũng là kết quả khẳng định Nghị quyết chuyên đề số 07-NQ/HU ngày 17/5/2011 của BCH Đảng bộ huyện về thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng chủ lực đã đạt và vượt mức bình quân của tỉnh.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đang chứng tỏ là hướng đi bền vững của ngành Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trên các loại cây trồng chủ lực, nhất là giống lúa, mía, cam. Đến nay có 85% diện tích lúa, 86% diện tích ngô, 70% diện tích mía được sử dụng giống mới.

Việc đưa giống mới cho năng suất cao thấy rõ nhất ở việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên toàn bộ 5.200 ha đất hai lúa trên địa bàn huyện. Thực tế, trước đây cây lúa là cây chủ lực của một số xã chuyên canh lúa như Châu Quang, Châu Lý, Châu Đình... nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước thực tế đó, huyện quyết tâm thay đổi cơ cấu giống, khảo nghiệm các giống lúa lai như: AC5, Kinh sở ưu 1588 và giống lúa thuần PHT71 phù hợp với thổ nhưỡng của địa bàn. Điển hình như Châu Đình có 10 ha lúa Kinh sở ưu tại xóm Mới, xóm Hầm, 5 ha giống AC5 tại xóm Bù Sen... đã được khảo nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà, hiện cho năng suất lên tới 70 tạ/ha.

Đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Châu Đình nêu kinh nghiệm: “Sau khi nhân rộng thành công mô hình, chúng tôi đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm bón, giống theo công nghệ SRI nên hiệu quả rất bền vững”. Cũng như thế, tại xã Châu Lý nơi có 200 ha đất hai lúa, trước đây năng suất chỉ đạt 50 tạ/ha, đến nay nhờ thực hiện đúng quy trình đã nâng năng suất lên 60 tạ/ha; hay như Châu Quang, sau quá trình xây dựng mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa mới (Arize XL, AFC 807, GS9) chất lượng cao, nay đã cho năng suất 70 tạ/ha. Nhờ những cách làm hiệu quả, nhiệm kỳ qua năng suất lúa bình quân tăng từ 50,82 tạ/ha/năm 2010 lên 60 tạ/ha/năm 2014, sản lượng tăng từ 23.209 tấn/năm 2010 lên 30.795 tấn/năm 2014, góp phần đưa sản lượng lương thực toàn huyện đạt 36.282 tấn/năm 2014; năm 2015 ước đạt 36.252 tấn, đạt 113,29% nghị quyết (mục tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ là 32.000 tấn).

Mía giống mới cho năng suất cao trên 4 ha đất nhiễm quặng đã được cải tạo  ở xã Châu Quang (Quỳ Hợp).
Mía giống mới cho năng suất cao trên 4 ha đất nhiễm quặng đã được cải tạo ở xã Châu Quang (Quỳ Hợp).

Việc đưa giống mới vào sản xuất, cải tạo đất xấu, đất nhiễm quặng và sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế còn được đẩy mạnh thực hiện trên vùng nguyên liệu mía. Các xã Hạ Sơn, Châu Đình là địa bàn có diện tích mía cao nhất, với hơn 2.000 ha được huyện chỉ đạo quét sạch bệnh chồi cỏ. Đối với diện tích mía trên toàn huyện, nhờ quyết tâm cao với nhiều giải pháp đồng bộ nên, huyện đã chỉ đạo dập dịch thành công 4.000 ha mía nhiễm bệnh chồi cỏ bằng cách thay thế bộ giống mới có độ đường cao, kháng bệnh chồi cỏ, đặc biệt không sử dụng giống nội vùng mà ngoại hóa giống mía, đồng thời xây dựng vùng chuyên giống tại xã Bắc Sơn 70 ha, vùng Thung Chạng (Châu Đình) 40 ha để trở thành vùng chính cung cấp thay thế nguồn giống mới. Với diện tích cây trồng chuyên canh lên tới 6.500 ha, năng suất đạt 65 tấn/ha (mục tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ là 60 tấn/ha), sản lượng đạt kế hoạch đề ra. Hiện tại, huyện đã xây dựng thành công mô hình tưới nhỏ giọt cho cây mía tại Nghĩa Xuân cho năng suất bình quân đạt 120 tấn/ha; mô hình trồng mía chất lượng cao ở xã Châu Đình cho năng suất 80 tấn/ha; Mô hình sản xuất mía giống ở xã Bắc Sơn cho năng suất 90 tấn/ha.

Cây cam được xem là cây chủ lực hàng hóa đặc biệt, huyện đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020”. Theo đó, với diện tích 1.746 ha cam, quýt (trên 80% là diện tích cam), chiếm 2/3 diện tích cam toàn tỉnh, thì có tới 600 ha cam kinh doanh. Hiện các giống cam Xã Đoài, Valencia, Vân Du với năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha, năng suất điển hình đạt 50 tấn/ha (giống Xã Đoài).

Ông Cao Giang Nam, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Từ khi cam Quỳ Hợp được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN bảo hộ chỉ dẫn địa lý thương hiệu Cam Vinh (năm 2007), cây cam, quýt Quỳ Hợp bắt đầu phát triển mạnh, sản phẩm được xuất đi các thị trường trong và ngoài nước với tổng sản lượng hàng năm khoảng 16.000 tấn. Thu nhập bình quân của người trồng cam sau khi trừ chi phí đạt 500 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm; điển hình có những hộ thu nhập trên 2 tỷ đồng/ha/năm. Cây cam Quỳ Hợp thực sự đã góp phần nâng cao thu nhập, làm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa vùng thành thị và nông thôn”.

Để thâm canh tăng năng suất của các loại cây trồng chủ lực đạt các chỉ tiêu đã đề ra, hàng năm UBND huyện, Ngân hàng NN&PTNT tạo điều kiện cho các hộ vay vốn mua thêm máy cày đa chức năng, máy bơm nước, máy tuốt lúa, máy phun thuốc bảo vệ thực vật. Những xã vùng thấp có diện tích bằng phẳng đầu tư mua máy gặt để thu hoạch nhanh gọn, tiết kiệm thời gian và công sức, đảm bảo quỹ thời gian cho vụ sản xuất tiếp theo. Trong nhiệm kỳ qua, huyện đã phối hợp với các đơn vị cung ứng cấp hỗ trợ, cho vay được 229 máy cày, 13 máy bơm nước, 30 máy phun thuốc tự động, 5 bộ máy ép phân viên, 16 bộ máy gặt; đến nay tỷ lệ cơ giới hoá trong các khâu làm đất đạt 56,02%, tăng 28,6% so với năm 2010; việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp góp phần tiết kiệm chi phí, giải phóng sức lao động, đảm bảo thời vụ, phòng tránh thiên tai, là tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.

Từ quyết tâm xây dựng cây chủ lực tạo thương hiệu cho ngành Nông nghiệp Quỳ Hợp, đã góp phần khẳng định Nghị quyết chuyên đề số 07 - NQ/HU ngày 17/5/2011 của BCH Đảng bộ huyện đã thực sự đi vào cuộc sống. Đồng chí Phan Đình Đạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp cho biết: “Việc ban hành và thực hiện NQ 07 là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nên khi triển khai đã tạo được sự đồng thuận cao, sức lan tỏa lớn, thiết thực đi vào cuộc sống. Và, với việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh hàng hóa đã tạo nên bước chuyển mới cho ngành Nông nghiệp hàng hóa Quỳ Hợp”.

Thanh Nga

Mới nhất
x
Khẳng định vị thế cây trồng chủ lực ở Quỳ Hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO