Khảo nghiệm giống lúa - "Mạnh ai nấy làm"?
(Baonghean) - Khảo nghiệm các giống lúa mới có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm đánh giá, lựa chọn các loại giống năng suất, chất lượng, có giá trị và phù hợp với điều kiện tự nhiên từng mùa vụ. Tuy nhiên, thời gian qua, quá nhiều đơn vị tiến hành khảo nghiệm nhưng chưa được quản lý chặt chẽ có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp...
Làm chủ bộ giống lúa
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Nghệ An đang chuyển hướng mạnh theo cơ chế thị trường, dần chú trọng giá trị nông sản hàng hóa. Từ công tác khảo nghiệm, huyện Hưng Nguyên đã chọn lựa được một số giống lúa có chất lượng gạo tốt như XT28 và X33, nàng xuân, đưa ra hướng mở cho việc cơ cấu thành giống lúa hàng hóa. Ông Hoàng Đức Ân, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: Huyện chủ trương mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao, năng suất khá, nhằm thay thế các giống dài ngày năng suất thấp, nhiễm nặng sâu bệnh như IR1820 và giống ngắn ngày có chất lượng gạo kém như Khang dân 18...
Hoạt động khảo nghiệm giống lúa tại huyện Hưng Nguyên. |
Huyện Yên Thành là một trong những "vựa lúa" của tỉnh, nên việc các doanh nghiệp quan tâm đưa các giống lúa mới vào khảo nghiệm là việc làm thường xuyên ở đây. Mỗi năm, thông qua Sở NN&PTNT và Phòng Nông nghiệp huyện, có khoảng 7- 8 giống lúa được đưa vào khảo nghiệm trên địa bàn Yên Thành, chủ yếu từ các doanh nghiệp như Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình, Công ty giống Trung ương 1… Ngoài ra, có một số doanh nghiệp vào làm trực tiếp với người dân. Từ công tác khảo nghiệm giống, qua theo dõi quá trình sinh trưởng, có thể có các đánh giá về tiềm năng năng suất, chất lượng để từ đó làm tiền đề cho việc mở rộng diện tích, thay thế những giống đã có thời gian sản xuất lâu, năng suất không cao, khả năng chống chịu với thời tiết bất lợi và sâu bệnh kém. Qua khảo nghiệm, một số giống lúa năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất đại trà và được người dân tin tưởng như giống lúa AC5, VTNA2, D423, Gia lộc 2...
Huyện Anh Sơn hiện có khoảng 2.850 ha thâm canh lúa, mỗi năm sản lượng thu về hơn 13.500 tấn lúa. Hàng năm, huyện Anh Sơn đưa vào sản xuất thử từ 5 - 7 loại giống lúa mới. Vào đầu mùa vụ, huyện phối hợp với các đơn vị sản xuất giống tiến hành khảo nghiệm các giống lúa đã được Bộ NN&PTNT công nhận và được đánh giá thành công ở các địa phương khác. Đây là tiền đề nhằm thay thế các giống lúa cho năng suất kém, kháng bệnh thấp và không còn phù hợp với điều kiện sản xuất trên đồng đất của huyện. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: Sau quá trình khảo nghiệm, nếu giống lúa có hiệu quả thì sẽ nhân rộng. Bên cạnh đó, huyện cũng cơ cấu giảm dần các giống lúa lai, mặc dù năng suất cao nhưng chất lượng gạo không cao, giá thị trường thấp.
Từ chỗ không tự túc được lúa gạo, năm 2008, tỉnh ta đã đạt được mục tiêu 1 triệu tấn lương thực, trong đó, không thể không kể đến vai trò hết sức quan trọng của một tập đoàn 8 - 12 giống lúa lai năng suất cao như Khải phong, Khang dân 18… Tuy nhiên, từ sau năm 2010 đến nay, khi lương thực đã đủ và tiến đến thừa, việc chuyển hướng sang sản xuất các giống lúa thuần chất lượng cao là một xu thế tất yếu. Đến vụ xuân 2013, diện tích các loại lúa chất lượng như AC5, BC15, VTNA2… đã lên tới gần 20 nghìn ha. Nhiều giống lúa năng suất, chất lượng gạo cao đã được đưa vào cơ cấu và sử dụng trên diện rộng như AC5, BC15, RVT, Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7, DT52, nếp 97, nếp 87.... Nhờ công tác khảo nghiệm, nên nguồn giống cung ứng cho người dân rất dồi dào. Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hằng năm Nghệ An đưa vào thử nghiệm từ 30 - 40 giống cây trồng các loại. Trên cơ sở đánh giá, lựa chọn từ thực tiễn, sở đã đưa vào cơ cấu những giống lúa mới, phù hợp với điều kiện sản xuất, tập quán canh tác của người dân để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập...
Lộn xộn khảo nghiệm
Theo quy định về khảo nghiệm giống lúa theo Quyết định 95/QĐ-BNN/2007 của Bộ NN&PTNT, thì tất cả các tổ chức, cá nhân đều được tham gia khảo nghiệm nếu thực hiện đúng quy trình. Đây là chủ trương nhằm mục đích xã hội hóa công tác khảo nghiệm giống lúa. Nhưng trong thực tiễn gây ra nhiều bất cập, tồn tại. Ngoài đơn vị trong tỉnh như Công ty CP Giống cây trồng Nghệ An, Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, Trung tâm Khuyến nông tỉnh... thì còn có hàng chục doanh nghiệp, cá nhân ngoài tỉnh vào tiến hành khảo nghiệm các giống lúa mới.
Theo quy định trên, thì tất cả những giống lúa chưa được công nhận thì khi đưa vào tổ chức khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp phải báo cáo với Sở NN&PTNT về địa điểm, quy mô, thời gian, ký hợp đồng với cơ sở khảo nghiệm, sản xuất thử trước khi tiến hành. Nếu mất mùa hoặc bị thiệt hại mà nguyên nhân do giống thì đơn vị sản xuất giống phải đền bù sản lượng cho người dân. Đối với những giống được công nhận là giống lúa quốc gia nhưng chưa sản xuất trên địa bàn tỉnh, thì phải xây dựng mô hình để sản xuất thử; sau khi có báo cáo đánh giá qua các vụ, Sở NN&PTNT mới đưa vào cơ cấu giống lúa cho các huyện tham khảo, lựa chọn.
Giống lúa BC15 bị lép dẫn tới năng suất kém trong sản xuất vụ xuân Hè thu năm 2013 |
Tuy nhiên, trong thực tế thì không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện như vậy. Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho hay, từng có một doanh nghiệp đưa vào làm mô hình nhưng không thông qua ngành Nông nghiệp, khi mất năng suất do chất lượng giống, ngành không can thiệp được để doanh nghiệp đền bù năng suất cho người dân. Bên cạnh đó, một số giống không được theo dõi chặt để có đánh giá chính xác, nên khi đưa vào sản xuất trên diện rộng, việc hướng dẫn và khuyến cáo người dân về quy trình kỹ thuật cũng như các đặc tính cụ thể không đầy đủ, từ đó đưa vào sản xuất ở những vụ có điều kiện thời tiết không phù hợp hoặc gieo cấy ở những vùng dễ nhiễm sâu bệnh, như giống lúa BC15 là một ví dụ... Bà Phan Thị Liên, ở xóm Gia Mỹ, xã Đô Thành (Yên Thành) cho biết: “Năm nào cũng thấy doanh nghiệp về khảo nghiệm giống lúa, nhưng khi kết thúc khảo nghiệm thì không thấy họ đâu nữa, sau đó tôi cũng không thấy sản xuất tiếp các giống mà trước đó đã làm thử”.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết, trong những năm qua trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp vào tiến hành khảo nghiệm giống mới mà không báo cáo cho chính quyền địa phương. Các công ty này xuống làm việc với người dân, cho vài kg giống rồi nhờ sản xuất thử nhưng không có hợp đồng, không báo cáo với chính quyền. Khi mất thì họ đền bù bằng sản lượng bình quân chung của huyện và im lặng rút lui. Nhưng khi được thì họ lên huyện xin được tổ chức hội thảo.
Ông Doãn Trí Tuệ - nguyên cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp Nghệ An cho rằng, việc có quá nhiều công ty, đơn vị, tổ chức khảo nghiệm giống trên địa bàn tỉnh sẽ gây ra nhiều hệ quả không tốt. Doanh nghiệp nào khi sau khi khảo nghiệm xong cũng cho rằng giống lúa của mình tốt, năng suất cao, kháng bệnh tốt nhưng thực tế không phải vậy. Các giống lúa mới hiện nay đều na ná nhau, chưa có tính nổi trội. Có những giống chưa bao giờ sản xuất ở Nghệ An, do đó chưa được chứng minh về chất lượng, kháng bệnh bằng thực tiễn. Việc khảo nghiệm giống quá nhiều sẽ tạo cơ hội cho sâu bệnh phát triển, khó cho việc tổ chức sản xuất, tổ chức lấy nước, chăm sóc. Theo ông Tuệ, thì những giống chưa được công nhận chỉ nên sản xuất thử trong các trại thí nghiệm tại các đơn vị, tổ chức có đầy đủ cơ sở vật chất, diện tích và cán bộ khoa học.
Trong những năm gần đây, xuất hiện khá nhiều tình trạng một số giống lúa khi đưa vào sản xuất đã nảy sinh vấn đề như tỷ lệ nảy mầm thấp, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… Vụ hè thu năm 2009, một số diện tích cấy giống lúa Q.ưu 1 tại huyện Diễn Châu có hiện tượng nảy mầm kém. Bước sang vụ xuân 2010, người dân các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn lại "kêu cứu" về giống lúa lai "Khải phong số 1" không mọc rễ và bị thối trên nương mạ. Gần đây nhất là việc hơn 3.000/10.000 ha lúa BC15 trên địa bàn toàn tỉnh có tỷ lệ hạt lép từ 40 - 70%, không cho thu hoạch. Từ thực tế đó cho thấy, công tác khảo nghiệm giống cần được quản lý chặt chẽ hơn từ ngành Nông nghiệp và các địa phương. Đối với các giống chưa được công nhận nên hạn chế cho tiến hành khảo nghiệm và phải thực hiện đúng quy trình, có hợp đồng cam kết với người nông dân. Việc đánh giá, lựa chọn để công nhận, đưa vào cơ cấu giống nhằm sản xuất trên diện rộng cần được làm chặt chẽ, khách quan và phải luôn đặt quyền lợi của nông dân lên hàng đầu.
Phạm Bằng - Phú Hương