Khẩu phần ăn của người Việt Nam mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu canxi
Ngày 23/12 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp dinh dưỡng phòng chống loãng xương tại cộng đồng”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học cho biết, loãng xương là một trong các bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu và là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có hơn 50 triệu trường hợp gẫy xương có liên quan đến tình trạng loãng xương và bệnh loãng xương gây tiêu tốn cho toàn cầu trên 600 tỷ đô la/năm.
Hội thảo khoa học “Giải pháp dinh dưỡng phòng chống loãng xương tại cộng đồng” tổ chức ngày 23/12 tại Hà Nội. |
Tại Việt Nam, tình trạng loãng xương tuy diễn ra âm thầm nhưng cũng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh ở mức khoảng 25% và tỷ lệ giảm mật độ xương cũng đã ở mức 50%. Vì vậy, việc đánh giá tình hình, tổng kết các kinh nghiệm trên thế giới từ đó góp phần khuyến nghị đưa ra các giải pháp can thiệp trên cộng đồng là một công việc cần thiết của các chuyên gia y tế, dinh dưỡng và các chuyên gia của ngành y xã hội học.
Hội thảo này nhằm chia sẻ, thảo luận các thông tin khoa học đến với các chuyên gia và cộng đồng, góp phần xác định rõ hơn các giải pháp can thiệp đặc thù đem lại các hiệu quả thực tiễn trong lĩnh vực phòng chống loãng xương tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Hiện nay, khẩu phần ăn của người Việt Nam nhìn chung mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu can xi của cơ thể. Dinh dưỡng can xi và vitamin D trong khẩu phần ăn của người Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều do thói quen ăn uống chưa hợp lý, trong đó việc sử dụng nguồn canxi giá trị sinh học cao trong sữa còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nước ta còn cao.
“Nguyên nhân gây thiếu can xi là do hấp thu can xi kém vì không có đủ lượng Vitamin D, cơ thể mất quá nhiều can xi qua đường nước tiểu do không có thới quen ăn uống lành mạnh. Nhiều người sử dụng nhiều nước ngọt có ga, nhiều protein động vật và không không đồng hành với tăng canxi. Bên cạnh đó lại ăn quá mặn và nguồn thức ăn lại không có nhiều can xi. Cả 3 yếu tố vừa nêu đều là nguyên nhân gây thiếu can xi cho cơ thể. Thấp bé nhẹ cân, không phải là thuộc tính di truyền của người Việt. Nếu chúng ta cải thiện được chế độ ăn nghèo can xi như hiện nay thì tầm vóc của người Việt sẽ được cải thiện” – PGS.TS Lê Thị Bạch Mai nhấn mạnh.
Báo cáo về “Các giải pháp can thiệp dinh dưỡng phòng chống loãng xương trên thế giới và ở Việt Nam” do TS. BS Trương Hồng Sơn thuộc Trung tâm Dinh dưỡng và Sức khỏe (Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học) trình bày tại Hội thảo cho thấy, loãng xương và giảm mật độ xương là tình trạng rất phổ biến trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt ở nhóm phụ nữ trên 50 tuổi. Loãng xương gây nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân của loãng xương là do những thay đổi sinh lý của con người, đồng thời có các các nguyên nhân từ chế độ ăn thiếu can xi và các vi chất dinh dưỡng. Kết quả nghiên cứu trong nhiều năm trên thế giới cho thấy các giải pháp bổ sung can xi trong khẩu phần ăn là một trong các giải pháp có hiệu quả và an toàn trong giảm loãng xương.
Cũng tại hội thảo, đại diện Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, các chuyên gia tế bào gốc ở nước ta cần nghiên cứu về nguyên nhân suy tế bào gốc gây loãng xương cho cơ thể mà các nhà khoa học trên thế giới mới phát hiện ra./.
Theo Dangcongsan