Khe Mừ, xanh màu no ấm

27/01/2014 21:22

(Baonghean) - Chỉ mới vài ngày nắng xuân ấm áp mà chồi non cây cỏ, đặc biệt là những cây chè thuộc các đồi chè ở thôn Khe Mừ (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương) đâm mầm tua tủa. Ở khắp mọi miền quê cành mai, cành đào, hoa ban, hoa mận trở thành biểu tượng cho mùa xuân, nhưng với người dân Khe Mừ, “sắc xuân” của họ chính là những cây chè. Không biết từ bao giờ cây chè như có “duyên phận” với họ. Cây chè mang lại cho họ cái ăn, cái mặc, mang về những mùa xuân ấm áp, đổi thay.

Cái tên Khe Mừ, mới nghe qua thôi, tôi đã mường tượng tới một vùng đất núi rừng xa xôi, heo hút, thỉnh thoảng lẻ loi một vài ngôi nhà nằm lưng chừng núi. Ấy vậy mà lạ kỳ thay trước mắt tôi là màu xanh ngút ngàn, tít tắp của những đồi chè kéo dài từ hai bên đường Hồ Chí Minh tới chân những dãy núi mênh mông trùng điệp của đất trời nơi biên cương này. Xen kẽ màu xanh non mơn mởn đó là màu đỏ, màu vàng của những ngôi nhà khang trang vừa mới được người dân trong thôn xây cất. Xa xa thấp thoáng bóng những cô thôn nữ đang vội vàng thu hoạch vụ chè cuối năm để kịp bán tết. Bức tranh thôn quê được điểm tô bởi nhiều gam màu tươi sáng trong đó màu xanh non của chè như một màu chủ đạo.

Nhân dân thôn Khe Mừ (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương) trồng chè công nghiệp.
Nhân dân thôn Khe Mừ (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương) trồng chè công nghiệp.

Cùng rảo bước trên con đường bê tông cao ráo sạch sẽ kết nối những đồi chè, anh Nguyễn Công Thành, Bí thư Chi bộ thôn chia sẻ với tôi: “Khe Mừ là thôn đặc thù của xã Thanh Thủy vì giáp với tỉnh Bôlykhămxay (Lào) có địa hình chủ yếu là đồi núi. Người dân trong thôn đã trồng nhiều loại cây để phát triển nông nghiệp nhưng chỉ cây chè là phù hợp nhất với địa hình, thời tiết, thổ nhưỡng nơi đây. Trước kia, việc trồng, thu hoạch chè chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và bằng thủ công. Năm nào mưa thuận, gió hòa thì bà con mới có đủ ăn, còn không thì cái đói, cái rét cứ đeo bám mãi. Mấy năm lại đây nhờ biết áp dụng kỹ thuật vào việc trồng chè và mở thêm các con đường vào những đồi chè nên cơ hội để các sản phẩm chè tươi, chè khô của thôn cũng có điều kiện vươn xa hơn...”.

Vùng đất với những dãy núi ở nơi biên ải này từ bao đời nay con người luôn sống cần cù, chịu thương, chịu khó làm lụng không quản nắng mưa. Đất đồi khô cằn, sỏi đá đã đành, ấy vậy mà, thời tiết lại cứ như trêu ngươi, thử thách sức chịu đựng của họ. Năm thì nắng hạn kéo dài, năm thì mưa dầm dề lê thê. Đến ngay như cây chè, cái cây tưởng chừng như chịu đựng được mọi điều kiện thời tiết cũng bị héo khô bởi những đợt gió Lào. Không đầu hàng trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân thôn đã mạnh dạn đề xuất các cấp có thẩm quyền phương án để hỗ trợ, giúp đỡ họ. Nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè được tổ chức, người dân trong thôn như đã tìm ra giải pháp.

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, tỉnh, bà con mạnh dạn bỏ dần những cây chè bản địa trước kia thay vào đó là giống chè LDP1, LDP2. Đặc trưng của giống chè mới này là sinh trưởng khỏe, tán rộng, phân cành sớm, năng suất búp khá cao (cây 10 tuổi đạt 15 tấn/ha). Đây là giống dễ dâm cành sống được trên 30 năm đặc biệt chống chịu tốt với hạn hán, sâu bệnh và có khả năng áp dụng việc đốn hái bằng máy. Tích cực vận dụng các biện pháp kỹ thuật từ khâu ươm giống mới, trồng, chăm sóc bằng phân bón vi sinh, tưới tiêu đầy đủ đến việc thu hoạch nên sản lượng, chất lượng chè ngày càng được nâng lên. Đang thu hoạch vụ cuối năm trên đồi chè gần 2 ha của mình, bà Nguyễn Ngọc Thảo phấn khởi cho biết: “Từ khi trồng giống chè mới này cùng với việc chăm sóc đúng hướng dẫn của mấy anh cán bộ khuyến nông, chè nhà tôi cho thu nhập quanh năm. Trừ các khoản chi phí đầu tư, công chăm bón mỗi tháng thu gần 7 triệu đồng. Trả được hết nợ lại xây được cái nhà mới chú ạ! Sắp tới chúng tôi sẽ tận dụng hết quỹ đất để mở rộng thêm diện tích trồng chè...”.

Hái chè bằng máy ở đồi chè Khe Mừ, xã Thanh Thủy, Thanh Chương.
Hái chè bằng máy ở đồi chè Khe Mừ, xã Thanh Thủy, Thanh Chương.

Thoắt ẩn, thoắt hiện giữa bạt ngàn màu xanh của các đồi chè là những con đường bê tông uốn khúc. Những con đường này trước đây chỉ là đường mòn nhỏ hẹp, trời nắng thì bụi bặm, trời mưa thì nhão nhoét, lầy lội chỉ xe máy, xe đạp có thể qua lại được. Vào những vụ thu hoạch chè người dân lại phải cho chè vào bao tải gồng gánh ra đường mòn Hồ Chí Minh thuê xe chở vào các nhà máy chế biến để nhập. Công sức bỏ ra nhiều nhưng chè lại bị dập nát, úa lá không còn giữ được hương vị nguyên chất của nó. Thực tế vất vả đó làm cho họ nhận thấy rằng muốn thoát nghèo, thoát khổ bền vững ngoài việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây chè còn phải tích cực mở rộng, bê tông hóa các con đường vào sâu tận những đồi chè trong núi. Dù gì đi chăng nữa giao thông thuận lợi thì kinh tế mới phát triển được. Do đó ngoài vốn hỗ trợ theo Chương trình 135 và vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con cùng nhau đóng góp ngày công mở thêm những tuyến đường đến các đồi chè của từng hộ.

Với sự năng động của nhân dân, Đảng ủy, UBND xã còn huy động các lực lượng ban, ngành, đoàn thể, trong đó nòng cốt là lực lượng dân quân và đề nghị Đồn Biên phòng Thanh Thủy giúp nhân dân quá trình mở rộng các tuyến đường vào thôn. Từng đợt làm đường với người dân trong thôn như những ngày hội lớn vì có đông đảo lực lượng cùng tham gia. Chỉ trong 3 năm hàng chục km đường quanh co các đồi chè trong thôn nhanh chóng được hình thành. Từ khi có đường xe ô tô khắp nơi có thể vào tận đồi chè để thu mua sản phẩm chè tươi ngay vừa thu hoạch. Cứ vậy thương hiệu chè tươi của thôn Khe Mừ ngày càng lan rộng trên thị trường. Đời sống nhân dân vì thế mà dần thoát nghèo.

Tạm biệt Khe Mừ lúc những cánh én bắt đầu chao liệng rợp bầu trời. Lấp ló trên đồi chè đâu đó còn phảng phất hình ảnh nụ cười e ấp của các cô thôn nữ, ánh mắt mãn nguyện của những người già đang dõi trông lũ trẻ con xúng xính quần áo mới nô đùa, tôi biết một sắc xuân ấm áp mới lại về với những con người chân chất, dung dị nơi miền biên cương này.

Nguyễn Đức Cương

Mới nhất

x
Khe Mừ, xanh màu no ấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO