Khi bể bơi quá tải...
(Baonghean) - Những ngày nắng nóng, các bể bơi trên địa bàn thành phố Vinh đều chật kín người. Vì lợi nhuận, các chủ bể sẵn sàng bán vé không hạn chế số lượng. Điều này dẫn tới sự quá tải của các bể bơi, kèm theo đó là nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người bơi...
Bể bơi quá tải
Thành phố Vinh hiện có 7 bể bơi lớn nhỏ. Trong đó, các bể bơi ở Khách sạn Mường Thanh Sông Lam, Sài Gòn Kim Liên được xếp hạng cao cấp, các bể bơi khác thuộc top bình dân gồm Quân khu 4, Trường Trung cấp Việt Anh, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh... Giá vé vào cửa dao động từ 20.000 đồng - 80.000 đồng/lượt không giới hạn thời gian, giá vé tháng thì được tính rẻ hơn.
Bể bơi Quân khu 4 (TP. Vinh). |
Có mặt tại bể bơi Quân khu 4 vào lúc 5 giờ chiều đã thấy hàng trăm người đang ngụp lặn giữa làn nước xanh mát. Càng về chiều bể bơi mỗi lúc một đông, lượng người tăng lên theo cấp số cộng. Một nhân viên quản lý hồ bơi cho biết: “Trung bình mỗi ngày ở bể bơi này có khoảng 250 người đến bơi. Những ngày cuối tuần, lượng người bơi tăng gấp đôi. Muốn bơi vào lúc vắng thì chỉ còn cách đến thật sớm từ khoảng 5h-7h”...
Chị Nguyễn Thị Hoa, phường Trung Đô cho 2 con đến học bơi ở đây cho hay: “Thời tiết nóng bức như hiện nay, sức chịu đựng của chúng ta tùy theo thể trạng, suốt ngày ở trong điều hòa thì không được nên tôi cho 2 cháu đến đây bơi để giải nhiệt. Cả nhà cùng đi bơi cũng là biện pháp tốt để chăm lo thể chất, tinh thần cho trẻ”... Tập bơi nhằm rèn luyện sức khỏe, phòng chống tai nạn đuối nước nên được rất nhiều phụ huynh lựa chọn. Anh Hoàng Văn Huy, phường Trường Thi, bố của cháu Hoàng Văn Minh, 9 tuổi cho biết: “Hè rồi ở tỉnh ta có nhiều vụ trẻ chết đuối thương tâm, nên gia đình sợ lắm. Tôi cho cháu đến bơi, đăng ký học bơi tại đây luôn. Cháu biết bơi thì gia đình cũng yên tâm thêm một phần”.
Thời điểm này, tại các bể bơi đều có các lớp dạy bơi cho trẻ. Theo tìm hiểu thì các lớp này kéo dài từ 10 ngày - 1 tháng, phụ huynh đóng học phí cho con vào khoảng 1 triệu đồng/khóa học (không tính tiền vé vào cửa). Qua khảo sát, trong những ngày nắng nóng vừa qua, tất cả các bể bơi này đều quá tải. Thời điểm mờ sáng và chập tối, mỗi bể có hàng trăm người đến bơi, trong đó phần đa là trẻ em. Nhiều bể bơi thuộc dạng cao cấp hiện đã bán hết vé tháng từ cách đây 2 tuần.
Cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh
Số lượng bể bơi ít trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao, nhất là trong những ngày hè oi bức đã dẫn đến tình trạng quá tải các bể bơi. Trong khi đó, vì lợi nhuận, rất nhiều bể bơi bán vé thoải mái, không hạn chế số lượng người có mặt trong bể. Điều này kéo theo nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm nguồn nước ở bể bơi đến từ việc nhiễm khuẩn do bụi bẩn, vi trùng, chất thải từ da người như mồ hôi, mỹ phẩm, kem chống nắng, thậm chí cả nước tiểu, nước bọt. Chưa kể có những người vốn đã mang bệnh sẵn nhưng không có ý thức tránh lây bệnh cho người khác vẫn đến bể bơi. Khi bể bơi đã bẩn, chủ các bể bơi thường sử dụng các hóa chất để khử trùng. Sự độc hại hóa chất ở mức độ nào phụ thuộc vào sự “tiết kiệm” của chủ bể bơi.
Dù các bể bơi ở Thành phố Vinh đều trang bị hệ thống lọc nước song cường độ hoạt động từ sáng đến tối nên không thể nào lọc được hết chất bẩn. Vậy nên nước trong bể bơi không thể sạch hoàn toàn. Bể bơi bẩn chứa mầm bệnh, đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ con người, nhất là đối với trẻ nhỏ như đau mắt đỏ, tiêu chảy, lỵ, nấm, viêm da, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông, viêm não mô cầu... Thực tế, có nhiều trường hợp xuất hiện những vết mẩn ngứa sau khi đi bơi. Chị Nguyễn Thị Thanh, phường Vinh Tân cho biết: “Từ mấy ngày nay, sau khi đi bơi về, cháu có hiện tượng đã bị chảy mũi nước, người nổi mẩn ngứa nên phải cho cháu dừng đi bơi ở bể”.
Bác sỹ Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh khuyến cáo: Để phòng tránh các loại bệnh từ hồ bơi, các bậc phụ huynh cần lưu ý thời điểm bơi tốt nhất từ 5-7 giờ sáng khi ít người tắm, hạn chế bơi vào thời điểm nắng to từ 11-15h hàng ngày vì vừa hại da vừa dễ bị cảm đột ngột. Để giảm bớt ảnh hưởng của thuốc sát trùng, người bơi nên tắm sạch bằng sữa dưỡng ẩm, thoa kem chống nắng có công dụng không thấm nước, sau khi đi bơi cần vệ sinh thân thể sạch sẽ bằng nước sạch với dầu gội, sữa tắm trung tính.
Đối với các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi bơi cần lưu ý các điểm như: Nếu đứa trẻ đang mắc bất kỳ loại bệnh gì về đường tiêu hóa thì không nên đưa trẻ đi bơi; không được cho trẻ uống phải nước hồ bơi; để bảo vệ mắt nên đeo kính khi bơi để nước không vào mắt, trước và sau khi bơi nên nhỏ vài giọt thuốc mắt để chống viêm. Sau khi bơi, nên dùng nước muối rửa mũi để giảm các kích thích từ nước hồ bơi lên niêm mạc mũi; nên dùng nước sạch hoặc nước súc miệng để súc miệng nhằm kịp thời loại bỏ các vi khuẩn còn đang “lưu lại” trên bề mặt khoang miệng, tránh không để các vi khuẩn này xâm nhập sâu hơn, gây viêm nhiễm, không ăn uống bất kỳ thứ gì trước khi súc miệng; nên chuẩn bi nước và đồ ăn nhẹ cho trẻ tránh trẻ say nắng, mệt, lả khi bơi vào ngày nắng nóng.
Thanh Sơn