Khi các giáo lý viên làm dân số

22/06/2011 10:59

Chúng tôi đến xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) vào dịp Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) huyện đang triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ).

Nằm dọc Quốc lộ 34, Nghi Hoa có gần 6.000 nhân khẩu với 60% đồng bào theo đạo Thiên chúa, trong đó đạo gốc chiếm khoảng 55%. Tuy nhiên, từ rất sớm đã córất nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến thăm khám, điều trị các bệnh phụ khoa và thực hiện KHHGĐ. Đặc biệt, trong đó có rất nhiều phụ nữ là giáo dân. Mộtcộng tác viên (CTV) phấn khởi nói với chúng tôi: "Hiện nay, nhận thức của chị em, đặc biệt là chị em vùng giáo về chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã có nhiều tiến bộ hơn so với trước đây. Vào những đợt triển khai chiến dịch chị em đến thăm khám có khi lêntới gần 80% tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã".


Để có được thành quả này phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm công tác dân số. Đặc biệt, trong đó có đội ngũ CTV vùng giáo - họ vừa là những người năng động trong phát triển kinh tế gia đình, vừa nhiệt tình trong công tác xã hội và phần lớn các chị đều từng là những giáo lý viên kỳ cựu được bà con giáo dân rất đỗi tin yêu.


Cộng tác viên dân số vùng giáo tham khảo kiến thức về SKSS/KHHGĐ

Theo chân chị Đặng Thị Liên, CTV xóm Hậu Hoà, người có thâm niên 16 năm làm giáo lý viên, 7 năm làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ và gần 6 năm gắn bó với công tác dân số, chị tâm sự: "Đã có những lúc nản, định bỏ việc vì tuyên truyền, vận động bà con thực hiện KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn. Với ước nguyện giúp các gia đình của xóm thoát nghèo, nên tôi vẫn gắn bó với công việc này. May mắn là tôi cómột người chồng luôn ủng hộ vợ trong công việc gia đình cũng như công tác xã hội. Nhiều lúc bận, chính anh là người thay tôi đi tuyên truyền ,vận động các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai và tham gia các đợt chiến dịch tại Trạm y tế xã". Xóm Hậu Hoà do chị Liên làm cộng tác viên có 120 hộ với 538 nhân khẩu và 100% đồng bào theo đạo Thiên chúa. Trước đây, nhận thức về chăm sóc SKSS/BMTE/KHHGĐ của chị em rất hạn chế nên việc thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là các biện pháp tránh thailâm sàng rất khó khăn. Với sự kiên trì, luôn bám sát điạ bàn, các đối tượng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, năm 2010, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 25%, giảm 6% so với năm 2009. Đặc biệt, trong chiến dịch này, xóm Hậu Hoà có tới gần 80% chị em trong độ tuổi sinh đẻ đăng ký khám và điều trị phụ khoa.


Còn đối với chị Đặng Thị Việt, CTV xóm Đức Thành lại có hình thức tuyên truyền khá đặc biệt. Chị tư vấn, vận động các đối tượng sử dụng các biện pháp tránh thai không chỉ trong các đợt triển khai chiến dịch hoặc trực tiếp tại hộ mà tận dụng ở mọi lúc, mọi nơi. Việc phân phối các biện pháp tránh thai phi lâm sàng cho các đối tượng thường được thực hiện tại các buổi chợ hay cả những lúc làm công việc đồng áng.

Với khả năng thu hút của một người từng có thâm niên 4 năm làm giáo lý viên, chị rất được bà con tin yêu. Bản thân chị Việt cũng là người rất gương mẫu trong việc thực hiện KHHGĐ. Hai bên gia đình nội ngoại của chị đều rất đông con, vợ chồng chị tuy là đạo gốc nhưng chỉ sinh hai con, lại là con một bề. Với chị, "quan trọng nhất là làm sao nuôi con ăn học nên người, đẻ nhiều mà không chăm lo cho con thì mới có tội".


Có thể nói, việc tuyên truyền, thuyết phục chuyển đổi cách suy nghĩ, nhận thức của người dân, đặc biệt là vùng có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa đối với cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch của Đảng và Nhà nước là một vấn đề hết sức nan giải.

Chị Nguyễn Thị Xuân, CTV xóm Trung Thành cho biết: "Khi gặp các đối tượng , tôi thường gặp riêng người vợ, tỉ tê tâm sự với họ về cái khổ của sự sinh con nhiều,rồi tư vấn cho họ sử dụng các biện pháp tránh thai có tính tiện lợi nhất. Riêng xóm Trung Thành, nơi chị Xuân phụ trách có 180 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, 100% là đạo gốc. Trước đây, mỗi cặp vợ chồng hầu hết đều có từ 7-8 con, ít cũng phải 5-6 con.Tính từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn chị quản lý chưa có người mang thai là con thứ 3 trở lên.


Gặp gỡ, trò chuyện mới thấy sự tận tình, chịu khó với công tác dân số của các chị thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của chúng tôi là mức phụ cấp còn quá ít ỏi so với những gì các chị đã đóng góp. Mong rằng, thời gian tới cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm nhiều hơn nữa chế độ đối với đội ngũ những người làm công tác dân số ở cơ sở, đặc biệt là đội ngũ CTV dân số vùng giáo.


T.Hiền - K.Chung

Mới nhất
x
Khi các giáo lý viên làm dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO