Khi mẹ vắng nhà...

25/10/2013 21:17

(Baonghean) - Vì mưu sinh, nhiều phụ nữ phải xa chồng con, gia đình để ra nước ngoài lao động. Nơi quê nhà, những người chồng đã thay vợ làm mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc con cái. Căn nhà vắng bàn tay người phụ nữ cũng lắm chuyện cười ra nước mắt…

Hẹn mãi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được anh Nguyễn Đức Nhuận ở xóm 9, xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu. Vợ đi xuất khẩu lao động ở Malaysia gần 2 năm nay, hai con còn nhỏ, anh lại buôn bán nên bận bịu suốt ngày. Chương trình thời sự buổi tối đã phát sóng được phân nửa thời gian anh mới lụi hụi nấu nướng, dọn cơm lên cho các con ăn. Vừa thổi cơm để đút cho con trai Nguyễn Đức Nhật (4 tuổi), anh Nhuận vừa phân trần: “Nhà neo người, các con còn nhỏ chưa làm được gì, nên một mình tất bật lắm. Sáng lo cơm nước rồi chở các cháu đến trường sau đó đi làm, tối về đón con rồi lại lo cơm nước, kèm học bài, dọn dẹp, giặt giũ thế là hết ngày”.

Vì hoàn cảnh gia đình, năm 2011, chị Trần Thị Trang (vợ anh Nhuận) sang Malaysia làm công nhân may mặc. Khi chị đi, cháu lớn mới 6 tuổi, cháu nhỏ 2 tuổi nên mọi công việc trong gia đình đều do anh Nhuận cáng đáng. Khổ nhất là những ngày đầu chị mới đi nước ngoài, cháu Nhật nhớ mẹ quấy khóc, dỗ dành bao nhiêu cũng không được. Những lúc như thế, anh ôm con vào lòng cưng nựng, vỗ về, đến lúc thằng bé ngủ say thì mới buông tay ra làm việc khác. Sợ con vắng mẹ học hành chểnh mảng, nên tối nào anh cũng phải tranh thủ kèm cặp cho con.

Những điểm mười đỏ chói của bé Thùy là phần quà dành cho người mẹ đang lao động ở xứ người, là niềm an ủi cho những tháng ngày anh vất vả. Từ ngày vợ đi vắng, anh phải làm tất tật mọi việc. Ban đầu chưa quen, mọi việc rối tinh, rối mù, nhiều lúc phát hoảng, không biết mình có cáng đáng nổi không? Sau nhiều lần cá khét, cơm khê, đến nay anh đã trở thành “ông nội trợ đảm đang”. “Gọi điện thoại về nhà, mới nói với nhau được vài câu đã mừng mừng, tủi tủi nhớ con nên mẹ nó khóc nức nở. Mặc dù làm bộ với các con nhưng trong lòng tui cũng héo hon cả ruột gan. Vì hoàn cảnh gia đình mới cho vợ đi làm ở xa xứ. Dù tui có cố gắng đến đâu cũng không thể thay thế mẹ cho các con được…”, anh Nhuận tâm sự.

Anh Nguyễn Đức Nhuận kèm con học bài.
Anh Nguyễn Đức Nhuận kèm con học bài.

Mới sinh con được hơn năm thì có đợt xuất khẩu lao động sang Malaysia làm việc với nhiều ưu đãi nên anh Nguyễn Minh Xuân ở xã Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu đành cho vợ lên đường. Cuộc sống nơi miền quê còn nhiều khó khăn, khi có cơ hội thay đổi cuộc đời, người nông dân phải chớp lấy. Con thơ xa mẹ, vợ trẻ xa chồng với bao khó khăn, thiếu thốn nhưng anh chị ai cũng phải cố gắng vượt qua. Những ngày đầu vợ mới đi nước ngoài với anh là cả một câu chuyện bi hài không bao giờ kể hết. Kết hôn xong, vợ chồng trẻ ra ở riêng, lại xa nhà ông bà nội ngoại nên chẳng nhờ vả được gì.

Mỗi lần nhớ hơi mẹ hay cảm sốt, con quấy khóc ngằn ngặt, dỗ dành, vỗ về mãi con chẳng chịu nín. Chẳng có cách nào khác, ông bố trẻ đành bế con chạy qua hàng xóm nhờ hết người này đến người kia. Để biết hát ru cho con ngủ, anh mua đĩa về nghe, hỏi kinh nghiệm những người lớn tuổi trong xóm. Sau vài tháng rèn luyện, anh đã hát được những bài ru ngọt ngào, trầm ấm, con không còn quấy khóc như trước. “Con khỏe mạnh còn đỡ chứ những lúc ốm đau, bệnh tật đúng là cơ cực. Mình đàn ông cái gì cũng lóng ngóng, vụng về, phải học dần mới quen chứ có biết được như phụ nữ đâu…”, anh Xuân chia sẻ.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mặc dù đã ngoài 45 tuổi, chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) vẫn xuất khẩu sang Đài Loan làm việc. Nhà toàn con trai, ông chồng hay chểnh mảng việc nhà nên trước khi đi, chị Hồng dành hẳn hai đêm để dặn dò con cái hết việc này đến việc kia. Để mẹ đỡ lo lắng, yên tâm làm việc, con trai đầu Hoàng Văn Thông luôn làm gương cho các em. Ngoài chuyện bảo ban học hành, Thông còn phân công việc nhà cho từng em, lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ nên chẳng em nào tị nạnh nhau. Nhưng thiếu bàn tay của người mẹ, không ít hôm cả nhà phải ăn cơm nhão, cơm khê, chợ búa xa nên cũng bữa đực, bữa cái. Bốn cha con ngoài canh tác hai sào ruộng lấy gạo ăn, còn làm hoa màu, chăn nuôi lợn gà. “Quen với việc có mẹ lo lắng, chăm sóc nên thời gian đầu, mấy cha con tụi em vất vả lắm, cái gì cũng lóng ngóng không biết làm. Nhưng bây giờ thì mọi thứ đã quen dần, anh em ai cũng vào “guồng” cả, đặc biệt là đứa nào cũng học khá, giỏi để mẹ nơi xa an tâm làm việc” – em Hoàng Văn Thông cho biết.

Đó là những câu chuyện trong hàng ngàn câu chuyện của các gia đình có chị em đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Vì cuộc sống, họ phải xa chồng con, chịu bao vất vả, thiếu thốn. những đồng tiền kiếm được gửi về giúp nhiều gia đình xây được nhà mới, sắm được các vật dụng đắt tiền, con cái học hành đến nơi, tới chốn. Đáp lại sự vất vả ấy, ở quê nhà, những người chồng, người con ra sức làm việc, học tập, cùng nhau xây đắp gia đình.

Bà Hồ Thị Thanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) sẻ chia: “Đa số phụ nữ đi xuất khẩu lao động đều là nông dân, không có tay nghề, trình độ nên chủ yếu làm ôsin giúp việc nhà, lau dọn trong các khách sạn, nhà hàng, một số ít được đào tạo làm công nhân may mặc, lắp ráp phụ kiện điện tử. Là phái nữ chân yếu tay mềm, dễ bị tổn thương nên rất cần gia đình, xã hội quan tâm, hỗ trợ. Người chồng, người con phải thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân của vợ, của mẹ nơi xứ người để tu chí làm ăn, học hành nên người, tránh các tệ nạn xã hội”.

Bài, ảnh: Triều Dương

Mới nhất
x
x
Khi mẹ vắng nhà...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO