Khi người vay tiền bị... "săn lùng"
Nhiều ngân hàng “sốt vó” tìm đủ cách tiếp cận với người vay. Dường như, người vay đang thực sự là thượng đế khi ngân hàng vào tận chợ, đến tận nhà để mời chào.
Nguyên nhân do nửa năm 2014 đã qua, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đang ở mức... “rùa”.
Một giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Gõ cửa mời thượng đế
Trong bối cảnh tín dụng tăng ì ạch, trao đổi với PV, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, đang đau đầu với việc tiền “tồn kho”. Nhiều ngân hàng đã phải tung ra các gói tín dụng đặc thù nhằm chuyển hướng dòng tín dụng, kích thích nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp.
Thậm chí nhiều ngân hàng phải lấn sân sang mảng bán lẻ, săn tìm khách hàng cá nhân. Cảnh nhân viên ngân hàng đến tận nhà gõ cửa chào mời vay vốn không còn hiếm gặp tại các thành phố lớn.
Trong số này phải kể đến SeABank với gói tín dụng ngắn hạn ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thời gian thực hiện kéo dài đến 30/9, gói tín dụng 300 tỷ đồng và 20 triệu USD. Mức ưu đãi lãi suất chỉ từ 6,5%/năm đối với các khoản vay bằng VND và 4%/năm vay USD.
Hướng tới phân khúc khách hàng đặc thù, Techcombank chọn cách vào... chợ. Ngân hàng cho các tiểu thương tại các chợ và khu vực lân cận chợ ở Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh vay 100% nhu cầu vốn, hạn mức đến 3 tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng tung chiêu nhằm vào các khách hàng cá nhân kinh doanh ngành nghề không yêu cầu đăng ký kinh doanh trên cả nước; cũng như cho vay các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và làm muối.
Chiêu thức tiếp cận người có nhu cầu vay vốn thông qua sự giới thiệu của các tổ trưởng dân phố hoặc đến tận nhà chào mời cũng được một số ngân hàng ở TPHCM và Hà Nội áp dụng triệt để gần đây.
Ngân hàng MHB thực hiện chính sách cho nhân viên đến từng nhà dân trong khu tập thể Thanh Xuân - Hà Nội để tiếp thị vay vốn. Nhân viên phòng giao dịch của các ngân hàng Việt Á Bank, Đông Á Bank ... cũng liên tục gọi điện tiếp thị hoặc đến tận nhà chào mời vay vốn tiêu dùng lãi suất thấp.
Áp lực tăng trưởng tín dụng cũng đè nặng lên cả các “ông lớn” ngành ngân hàng. Theo ông Ông Đào Hảo, Phó TGĐ Vietcombank, 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng khá thấp (3,16% trong khi kế hoạch là 5%). So với kế hoạch đề ra 13% (cả năm 2014), đây là áp lực rất lớn với lãnh đạo ngân hàng này trong những tháng cuối năm.
Cuộc đua ngầm nhiều rủi ro
Đại diện một số ngân hàng thừa nhận như đang ngồi trên lửa, dù đã thực hiện nhiều chiêu đẩy tín dụng. Một cuộc chạy đua ngầm tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng đang diễn ra với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nhiều ngân hàng chấp nhận thực hiện “cắt lỗ” bằng việc đưa ra các chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn cả mức huy động.
Ngân hàng đang vào cuộc đua săn lùng “thượng đế” |
Lãnh đạo phòng giao dịch của một ngân hàng cỡ vừa trên đường Võ Văn Dũng (quận Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận: Doanh nghiệp gặp khó khăn một, ngân hàng gặp khó khăn gấp đôi. Theo chỉ tiêu được phân bổ, mỗi tháng phòng giao dịch phải áp doanh số cho vay tiêu dùng 500 triệu đồng/nhân viên. Cùng đó phải tìm được một khách hàng để cho vay mua ô tô hoặc vay mua bất động sản.
“Áp lực rất lớn. Nếu 6 tháng liên tiếp nhân viên tín dụng không đạt chỉ tiêu sẽ bị cắt thưởng, hủy hợp đồng. Ngân hàng cũng bị áp lực từ việc phải tìm lợi nhuận để trả lãi cho người gửi tiền và chi phí hoạt động. Để tạo sức cạnh tranh với các ngân hàng khác, các khoản vay chúng tôi duyệt cho khách hàng thời gian gần đây chịu phí cực thấp. Một số khoản vay còn được miễn một số khoản phí”, vị này nói.
Tuy mức tăng tín dụng thấp, nhưng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu 12-14% cả năm 2014. Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ (NHNN) cho biết: Áp lực giải ngân vốn đang đè nặng lên các ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp đã có thể vay với lãi suất chỉ 5% - 6%/năm. Thậm chí có đơn vị được hưởng mức lãi suất chỉ 4,8%/năm.
Theo đọc báo