Khi nông dân được tiếp sức
Mỗi năm Quỳnh Lưu dành kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để đầu tư cho các hoạt động chuyển giao KHCN đến với nông dân, hỗ trợ phát triển TTCN, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp bằng các tiến bộ KHKT. Cách làm của Quỳnh Lưu là tìm kiếm các điển hình làm kinh tế giỏi, các mô hình đột phá làm giàu chính đáng của nông dân, từ đó đầu tư một phần kinh phí cho họ, cổ vũ họ vững bước để có sức lan tỏa mạnh mẽ…
(Baonghean) - Mỗi năm Quỳnh Lưu dành kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để đầu tư cho các hoạt động chuyển giao KHCN đến với nông dân, hỗ trợ phát triển TTCN, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp bằng các tiến bộ KHKT. Cách làm của Quỳnh Lưu là tìm kiếm các điển hình làm kinh tế giỏi, các mô hình đột phá làm giàu chính đáng của nông dân, từ đó đầu tư một phần kinh phí cho họ, cổ vũ họ vững bước để có sức lan tỏa mạnh mẽ…
Giữa cánh đồng lúa bát ngát của xóm 4 xã Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu nổi bật trang trại nuôi lợn ngoại siêu nạc kết hợp bò, cá, chim của của anh Hồ Tất Quí. Trang trại chỉ rộng khoảng 3.500m2 nhưng được bố trí khoa học, vệ sinh, liên hoàn giữa ao cá, chuồng trại, vườn cây ăn quả. Anh và các công nhân đang tất bật cho lợn, bò ăn. 200 con lợn gồm 150 con lợn thịt, 20 lợn nái, 30 con lợn con, rồi còn 19 con bò thịt nuôi nhốt một ngày ăn hết khoảng 350 kg thức ăn, chi phí gần 5 triệu đồng, bên cạnh đó còn việc tắm rửa, vệ sinh chuồng trại… nên công việc rất vất vả.
Anh cho biết, tổng đầu tư cho trang trại đến nay hơn 2 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng hơn 600 triệu đồng, vay anh em họ hàng và đặc biệt được hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn quỹ KHCN, trong đó huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ 60 triệu đồng. Bắt đầu xây dựng trang trại từ năm 2011, anh Quí đã đi học tập kinh nghiệm ở Yên Bái, làm theo mô hình của Công ty CP (Thái Lan), đầu tư qui mô công nghiệp đúng hướng dẫn, đảm bảo các qui trình về phòng chống dịch bệnh và môi trường. Huyện Quỳnh Lưu ngoài hỗ trợ tiền, còn cử cán bộ khuyến nông, cán bộ KHCN xuống, vừa động viên vừa hỗ trợ thêm kỹ thuật.
Đến nay, sau hơn 2 năm, trang trại đã cho thu nhập với sản lượng lợn thịt 40 tấn/ năm. 6 tháng đầu năm 2013, anh đã bán được 15 tấn lợn thịt, ngoài ra còn bán lợn giống, cá, chuối, bầu, bí… cho thu nhập dần đủ để trả các khoản nợ đầu tư và tiền nhân công trong trang trại. Mỗi năm trừ chi phí trang trại đã cho lãi gần 200 triệu đồng. Đây hiện là mô hình nuôi lợn thịt siêu nạc lớn ở Quỳnh Lưu, áp dụng đúng qui trình kỹ thuật nuôi lợn thịt siêu nạc an toàn sinh học theo hướng VietGAP, ngoài phát triển kinh tế còn cung cấp nguồn giống tốt phục vụ nhu cầu trong huyện và tạo thêm việc làm cho 3-4 lao động.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Đàm, ở xóm 8, Quỳnh Hậu lại quyết tâm đầu tư vườn dược liệu trên đất hai lúa. Do nghiên cứu nhu cầu thị trường, nhận thấy các cây dược liệu chữa bệnh đang rất có giá nên đã đầu tư tiền, công sức, nghiên cứu qui trình kỹ thuật để trồng vườn dược liệu gồm sâm đương qui, lá thìa canh (chữa bệnh tiểu đường) và cây kim ngân hoa (chữa bệnh gan mật). Vườn rộng 5.000m2, trồng từ tháng 1/2013, hiện nay các loại cây dược liệu phát triển tốt, sâm đương qui ra rất nhiều củ, dự kiến thu hoạch vào cuối năm 2013, còn kim ngân hoa đã có thể thu hoạch.
Anh Tuấn - con trai của ông Nguyễn Văn Đàm cho biết: Kim ngân hoa hiện được Viện Dược liệu đặt mua 1 triệu đồng/ kg, còn đương qui có tác dụng điều khí, bổ huyết, được gọi là “nữ” nhân sâm, có tác dụng làm mỹ phẩm hoặc thuốc bổ huyết cho phụ nữ, hiện rất có giá trị kinh tế. Vườn dược liệu gia đình ông Đàm đầu tư gần 200 triệu đồng, trong đó được huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ trong chương trình phát triển KCN là 60 triệu đồng, dự kiến sau khi thu hoạch đạt được ít nhất 400 triệu đồng.
Quỳnh Bảng, Quỳnh Liên, Quỳnh Lương là những vùng chuyên canh rau màu nổi tiếng của Quỳnh Lưu (nay Quỳnh Liên, Quỳnh Lương thuộc Thị xã Hoàng Mai). Hàng chục năm nay, rau màu đã mang lại ấm no hạnh phúc cho người dân nơi đây. Mặc dù đã được chính quyền quan tâm đầu tư hệ thống giếng ngầm, điện kéo ra đồng, nhưng thời tiết khắc nghiệt và nhu cầu về nước của cây rau rất cao nên người dân trồng rau ở Quỳnh Lưu đã có sáng kiến làm hệ thống tưới tự động cho rau như phun mưa tự nhiên. Bắt đầu từ Quỳnh Liên, phong trào sau đó đã lan sang Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng.
Hệ thống tưới nước tự động cho rau ở xã Quỳnh Bảng - Quỳnh Lưu.
Anh Hồ Bá Thuận - xóm Tân Hải - Quỳnh Bảng cho biết: “Gia đình tôi đã lắp giàn phun bán tự động cho 5 sào rau, chủ yếu là hành hoa và cải ngọt. Đây là hai loại rau cần rất nhiều nước, trước đây cả ngày hai vợ chồng trằn ra giữa nắng để tưới rau. Nay chỉ cần ngồi trong nhà cắm cái công tắc điện là nước phun như mưa thấm đều từ lá xuống đất. Tôi có thể rít thuốc lào uống nước chè thoải mái”.
Nguyên tắc hoạt động của hệ thống là từ giếng khoan, nước được dẫn về từ các ống chủ, sau đó dẫn từ các ống chủ về các vị trí cần tưới có đặt các pep tưới. Khi nước phun mạnh lên từ các pep, có một đoạn thép chắn ngang đầu phun phía trên, nước vì thế tóe ra khắp phía xung quanh. Ông Thuận còn cho biết: đầu tư giàn tưới hết 10 triệu đồng, nhưng năng suất rau tăng lên 30%, đặc biệt cải thiện điều kiện làm việc cho cả nhà. Nhà ông Thuận nhờ từ rau mà làm được nhà 3 gian khang trang, con cái học hành có việc làm ổn định.
Nhà ông Hồ Đăng Năng kế bên cũng lắp giàn tưới bán tự động cho 3 sào rau hết 5 triệu đồng, ông Năng cho biết: thu nhập của gia đình chủ yếu từ rau màu bởi đất lúa không có, sau nhiều năm rất vất vả, nay lắp giàn tưới, vợ chồng ông đã có thời gian nghỉ ngơi, mừng nữa là tư thương đến tận vườn mua rau, không phải đi chợ đêm hôm như trước, mỗi năm thu nhập từ rau được khoảng 60 triệu đồng. Vậy là từ mô hình đầu tư hỗ trợ KHCN ở Quỳnh Liên, giàn tưới rau bán tự động nay đã lan tỏa ra nhiều xã với hàng trăm hộ đầu tư; đem lại hiệu quả lớn.
Năm 2012 là năm chính quyền huyện Quỳnh Lưu dành sự quan tâm mạnh mẽ đến việc tìm kiếm, hỗ trợ các điển hình, mô hình làm giàu ở các xã cũng như xây dựng mới những mô hình KHCN. Huyện đã dành 1,1 tỷ đồng kinh phí để hỗ trợ KHCN cho các mô hình có tính bứt phá.
Có thể kể đến những mô hình được tiếp sức từ huyện như: Xây dựng thương hiệu nước đóng chai Núi Đồ của Công ty cổ phần Liên Thành, xã Quỳnh Lập 50 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu thủy sản Hạnh Hương Phú Lợi 2 - Quỳnh Dị 30 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng website, thương hiệu làng nghề hoa cây cảnh Hồng Phú Quỳnh Hồng 40 triệu đồng; Hỗ trợ mô hình kho cấp đông bảo quản sản phẩm thủy sản 100m2 cho ông Nguyễn Chí Chỉnh, thôn Hồng Phong, Quỳnh Phương 100 triệu đồng; hỗ trợ mô hình KHCN chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng VietGAP 200 con của ông Hồ Tất Quý xóm 4 Quỳnh Đôi 60 triệu đồng; hỗ trợ KHCN phát triển nuôi tôm he chân trắng thâm canh an toàn sinh học hướng VietGAP 0,5 ha ở Quỳnh Bảng 60 triệu đồng; nuôi chim trĩ sinh sản và thương phẩm 20 cặp bố mẹ ở xóm 4, Quỳnh Minh; nuôi ngao Bến Tre thương phẩm 0,5 ha cho bà Tô Thị Lượng, xóm 8, Quỳnh Thuận; trồng măng tây ở Tân Sơn 50 triệu đồng; sản xuất mắm chượp đóng chai ở Phú Lợi 2 cho ông Trần Thanh Hùng - Quỳnh Dị 35 triệu đồng; hỗ trợ 40 triệu đồng trồng cây thuốc Kim tiền thảo 1 ha cho ông Bùi Duy Hợp, xóm 7, Quỳnh Trang.
Trước đó năm 2011, Quỳnh Lưu cũng đã “tiếp sức“ hàng chục mô hình xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu như: 6 Website thương mại dịch vụ, 6 mô hình chuyển đổi đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ 22 mô hình KHCN ở các xã, mỗi mô hình từ 25 đến 100 triệu đồng.
Hiệu quả như mô hình KHCN chế biến ruốc chua Hoàng Văn Dương ở xóm 5 Quỳnh Liên 25 triệu đồng, nuôi ốc bươu (ốc nhồi) thương phẩm và sinh sản cho ông Nguyễn Ngọc Minh, xóm Đồng Tâm - Quỳnh Thắng; nuôi lợn rừng thương phẩm xã Quỳnh Vinh, sản xuất các loại nấm xã Quỳnh Xuân 95 triệu đồng; hỗ trợ cải hoán hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá bằng vật liệu cách nhiệt Polyurethane (PU) xã Quỳnh Lập, Quỳnh Phương 100 triệu đồng, hỗ trợ sử dụng khí sinh học vào chạy máy phát điện phục vụ sinh hoạt 5 hộ: Quỳnh Vinh, Mai Hùng, Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, Quỳnh Hậu; nuôi ốc hương bằng lồng trong ao đất An Hòa, trồng các loại hoa cao cấp: lan Hồ Điệp, đồng tiền, hồng Trung Quốc ở xã Quỳnh Hồng. Huyện còn hỗ trợ cho các xã thử nghiệm các giống lúa chống rầy tại xã Quỳnh Yên, hỗ trợ mô hình quản lý ruồi vàng trên cây mướp đắng ở xã Tân Sơn, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu hàng hóa, xã Tân Sơn…
Không chỉ đầu tư cho nông, lâm nghiệp, hoạt động KHCN trên địa bàn Quỳnh Lưu còn hỗ trợ cho các làng nghề, gắn với kế hoạch phát triển Công nghiệp - TTCN - làng nghề giai đoạn 2012-2020, hỗ trợ đào tạo nghề mộc, mây tre đan, chuyển giao công nghệ ép ngói chống nóng…
Từ nhiều năm qua, hoạt động KHCN trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu ngày càng phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần đưa Quỳnh Lưu trở thành một huyện có dấu ấn nổi bật trong tương quan với các huyện. Từ 2005-2012, huyện đã tổ chức triển khai 300 mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ KHKT, trong đó 144 mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 156 mô hình thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, cải cách hành chính, xây dựng làng nghề...
Châu Lan