Khí thế mới trên vùng đất hoang

03/06/2015 15:48

(Baonghean) - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “... dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, chi bộ xóm 8, xã Khai Sơn (Anh Sơn) đã có nhiều giải pháp sáng tạo, vận động nhân dân phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương đẩy mạnh phong trào trồng, bảo vệ và phát triển kinh tế từ rừng.

Dẫn chúng tôi theo con đường quanh co, đến thăm những vườn chè xanh ngát sắp đến kỳ thu hoạch búp, những vườn chanh đang vươn cành, Bí thư Chi bộ xóm 8, xã Khai Sơn, đồng chí Lê Thị Liên không giấu nổi niềm tự hào: “Con đường chúng ta đang đi là con đường lòng dân, người dân trong xóm đóng góp công sức, tiền của để mở đường vào rừng theo chủ trương của chi bộ. Thành công lớn của xóm là biến vùng đất hoang hóa thành những mô hình có hiệu quả kinh tế cao, được Đảng bộ xã Khai Sơn chọn làm điểm để nhân rộng”.

Xóm 8 có 147 hộ với 487 khẩu, đặc thù của địa phương là đất đai manh mún, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Những năm trước đây, với thế mạnh là đất rừng, diện tích lúa nước chỉ có 14ha, nhưng lại có hàng trăm ha đất rừng đang bỏ hoang. Nhận thấy tiềm năng đất rừng đang bị lãng phí, Chi bộ xóm 8 trăn trở, tổ chức nhiều cuộc họp để các đảng viên đóng góp ý kiến, bàn bạc phương án giao đất, giao rừng. Đồng thời tìm phương pháp có hiệu quả vận động bà con thay đổi thói quen tư duy ngại khó, ngại khổ. Huy động sức dân, biến diện tích đất bỏ hoang thành mô hình vườn rừng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, vừa góp phần bảo vệ rừng.

Mô hình trồng rừng của Bí thư chi bộ Lê Thị Liên ở xóm 8, xã Khai Sơn (Anh Sơn).
Mô hình trồng rừng của Bí thư chi bộ Lê Thị Liên ở xóm 8, xã Khai Sơn (Anh Sơn).

Kế hoạch được chi bộ cùng ban cán sự xóm xây dựng, triển khai nhằm vận động nhân dân trồng rừng và phát triển kinh tế từ rừng. Chi bộ đề ra nghị quyết về phát triển trồng rừng nguyên liệu. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, chi bộ xóm 8 tổ chức họp quán triệt chủ trương trong Ban chỉ huy mặt trận xóm cùng các đoàn thể. Sau đó phổ biến chủ trương đến toàn thể nhân dân, phân tích cho người dân hiểu rõ hiệu quả của trồng rừng và để nhân dân tham gia ý kiến. Từ đó, cấp ủy nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của bà con.

Khó khăn lớn khi triển khai chủ trương trồng rừng là chưa có đường đi lại. Vì vậy, việc làm trước tiên được chi bộ quan tâm là mở đường để thuận lợi vào rừng. vận động chi hội CCB cùng những gia đình cán bộ, đảng viên có rừng tiên phong trong việc mở đường. Chủ trương được cán bộ, đảng viên trong xóm đồng tình, cách huy động đóng góp cũng linh hoạt, hộ nào có diện tích nhiều thì đóng góp nhiều hơn. Nhờ cách làm hợp lý, các hộ có rừng bỏ tiền của và ngày công, hộ đóng góp ít từ 5 - 6 triệu đồng, có hộ 30 - 40 triệu đồng để mở 3 con đường vào rừng, xe máy và xe ô tô tải có thể đi vào được.

Chi bộ xóm 8 đã phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên trong việc nhận khoán đất trồng rừng. Tiêu biểu như bí thư chi bộ, Lê Thị Liên nhận khoán 2ha rừng hoang trồng keo, sắn. Sau vụ thu hoạch vừa rồi, gia đình mạnh dạn đưa một số giống cây trồng mới vào thí điểm như: trồng chè thực phẩm, cây chanh, rễ hương và một số cây trồng lâu năm như cây sưa, cây gáo vàng… Chị Lê Thị Liên chia sẻ thêm: “Mình là cán bộ, đảng viên ngoài việc đi đầu trong phong trào trồng rừng thì phải nhận nơi xa hơn, khó khăn hơn. Điều quan trọng là từ hiệu quả kinh tế mô hình, bà con thấy và làm theo chứ không thể bằng lời nói suông”.

Từ sự gương mẫu đi đầu của bí thư chi bộ, trong quá trình vận động, các cán bộ, đảng viên trong xóm đã tích cực thực hiện tham gia nhận khoán trồng rừng. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Đậu Thìn, Chi hội trưởng Hội CCB nhận 4 ha, nhiều gia đình như ông Nguyễn Hữu Thơi, Nguyễn Văn Lĩnh, xóm trưởng Nguyễn Xuân Vân nhận vài héc ta trồng rừng… Học tập thế hệ đi trước, phát huy vai trò của tuổi trẻ, Nguyễn Hữu Dũng, Bí thư Chi đoàn 8 nhận khoán đất, đầu tư xây dựng mô hình VACR với 3ha rừng keo nguyên liệu, nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản, trừ chi phí, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Mô hình của anh giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên, 20 lao động thời vụ. Năm 2013, anh Nguyễn Hữu Dũng vinh dự được huyện Anh Sơn tặng danh hiệu “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, năm 2014, được Trung ương đoàn tuyên dương Giải thưởng Lương Định Của.

Với số lượng lớn diện tích rừng hoang, manh mún, đường sá đi lại khó khăn nhưng khi cán bộ, đảng viên làm gương đi đầu, đã biến thành những mô hình trồng rừng hiệu quả và thu hút được đa số người dân tham gia. Từ 20 hộ tham gia trồng rừng thì đến nay xóm 8, xã Khai Sơn đã có 110 hộ nhận khoán gần 100 ha trồng rừng.

Ông Nguyễn Đậu Thìn, người dân xóm 8 chia sẻ: “Chủ trương của chi bộ tưởng chừng như khó thực hiện nhưng khi cán bộ, đảng viên đều gương mẫu, dồn hết tâm huyết với những mô hình đi vào cuộc sống nên người dân tin tưởng và làm theo. Nhờ đó phong trào toàn dân ra quân trồng rừng đã tạo khí thế mới trên vùng đất vốn hoang hóa nhiều năm nay”.

Thanh Lê

Mới nhất

x
Khí thế mới trên vùng đất hoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO