Khi Tổ quốc cần...

(Baonghean) - Những ngày Xuân, tuổi trẻ khắp mọi miền tưng bừng, náo nức trong ngày tòng quân  nhập ngũ. Các chàng trai hăm hở lên đường, mỗi người một cảnh. Không ít người gia đình đang gặp khó khăn, cha đau mẹ yếu, em nhỏ thơ dại nhưng ở họ đều có một điểm chung: sẵn sàng gác lại tình riêng, lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc...
Đoàn công tác Thành phố Vinh thăm, tặng quà tân binh Nguyễn Văn Tiến  ở thôn Trung Tiến, xã Hưng Đông. Ảnh:  Phong Quang
Đoàn công tác Thành phố Vinh thăm, tặng quà tân binh Nguyễn Văn Tiến ở thôn Trung Tiến, xã Hưng Đông. Ảnh: Phong Quang
Trong cảnh mưa phùn rét ngọt, theo chân cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố Vinh, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình một số tân binh trước lúc lên đường. Điểm dừng chân đầu tiên là Khu tập thể C6, thuộc khối 8, phường Quang Trung. Ngôi nhà này được xây dựng từ thời bao cấp, có tuổi thọ đã hàng chục năm, giờ đã nhuốm “màu thời gian” và có vẻ như lạc lõng giữa một thành phố với nhiều công trình hiện đại. Ở tầng 2, có căn hộ của chị Ông Thị Bình - người mẹ có con trai duy nhất nhập ngũ đợt này. Con trai chị Bình là Lê Trường Sinh (1994), một thanh niên cao ráo, hiền lành và khá kiệm lời. Chúng tôi ghé thăm đúng hôm chị Bình làm giỗ chồng, trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Chị tâm sự: “Đúng ra là ngày mai mới giỗ bố thằng Sinh, nhưng mai lại đúng ngày nó lên đường nhập ngũ. Tôi quyết định cúng giỗ trước một ngày. Bố thằng Sinh mất khi nó mới lên 3 tuổi, nay đã được 17 năm...”. 
Chồng mất sớm, chị Bình quyết tâm ở vậy. Sớm hôm tần tảo, gánh gồng bán buôn khắp các tuyến đường, khu chợ, gom nhặt từng đồng để mong nuôi con khôn lớn. Được cái, Sinh rất ngoan và nghe lời dạy bảo của mẹ. Thương mẹ, Sinh chăm chỉ học hành, sau giờ học thường ở nhà phụ giúp mẹ từ việc bếp núc đến chợ búa. Cũng như bao thanh niên có hoài bão, Lê Trường Sinh từng ước mơ học xong THPT sẽ được bước chân vào giảng đường đại học, để sau này có việc làm, đỡ đần mẹ khi chiều tà bóng xế. Hai mẹ con  đang sống yên ổn bỗng dưng tai họa ập đến khi chị Bình thấy đau và đi khám thì nhận được kết luận bị ung thư. Gia cảnh đã nghèo lại thêm nghèo túng, toàn bộ số tiền tích cóp được và những đồ đạc có giá trị lần lượt ra đi. Đến nay, đã qua 6 lần ra Hà Nội xạ trị, căn bệnh của chị Bình vẫn chưa hề thuyên giảm. Khi mẹ vào viện điều trị cũng là lúc Sinh bắt đầu kỳ thi đại học. Vậy là cậu phải gác lại ước mơ giảng đường để hàng ngày chăm sóc thuốc thang, cơm cháo cho mẹ tại bệnh viện. Tiền bạc trong nhà giờ đã hết, chị Bình vẫn phải vay mượn để hàng tháng xuống chữa trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Lâu nay, chị sống được là nhờ sự sẻ chia, đùm bọc của anh em, họ hàng và bà con trong Khu tập thể C6. 
Dù chỉ có đứa con trai duy nhất, bản thân lại mắc bệnh hiểm nghèo, sự sống không thể nói trước điều gì, chị Bình vẫn động viên Sinh viết đơn tình nguyện vào quân ngũ. Trước lời khuyên bảo của mẹ, Sinh suy nghĩ rất nhiều. Nghĩ đến cảnh mẹ đau yếu phải sống một mình trong căn hộ trống trải, nửa đêm phát bệnh phải chịu đau một mình là Sinh không thể nào ngăn nổi dòng nước mắt. Nghĩ đến đó, Sinh thấy không đành lòng, vì như thế là cậu chưa hoàn thành bổn phận của người con đối với người mẹ đã mang nặng đẻ đau, tần tảo nuôi mình khôn lớn. Hiểu tấm lòng con trai, chị Bình nhờ bà con khối xóm và các đoàn thể động viên để Sinh yên tâm viết đơn tình nguyện. Mọi người cùng động viên, rằng Sinh vào quân ngũ là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, mẹ ở nhà đã có anh em, họ hàng thân thiết và các đoàn thể, các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ. Thấy mọi người nói đều có tình, có lý, Lê Trường Sinh quyết định tự nguyện đăng ký nhập ngũ đợt này. Mấy hôm nay, hay tin Sinh chuẩn bị lên đường, bà con trong khối tìm đến rất đông, ai cũng dặn dò, động viên chàng tân binh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Mặc bộ quân phục mới, trông Sinh thật chững chạc và điển trai. Trước bàn thờ, Sinh thắp nén hương vái xin bố phù hộ sức khỏe cho mẹ, và hứa phấn đấu học tập, rèn luyện để không phụ lòng tin của mọi người. Còn chị Bình cầu xin chồng phù hộ cho đứa con trai luôn chân cứng đá mềm, luôn giữ được ý chí và bản lĩnh của một người lính. Chia tay con trai, chị Bình tâm sự: “Trước lúc con trai lên đường, tôi chỉ mong muốn thằng Sinh sớm trưởng thành trong đời lính, có ý chí phấn đấu trở thành một quân nhân tốt, cùng góp phần nhỏ bé để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước”.
Tương tự chị Bình, hoàn cảnh chị Phạm Thị Định - giáo dân thuộc xóm 9, xã Nghi Phú cũng không kém phần cám cảnh. Chồng mất cách đây đã 9 năm, một mình chị sớm hôm gánh gồng để nuôi 3 đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Nguyễn Văn Thông (1995) - con trai đầu của chị cũng nhập ngũ đợt này. Nhìn nước da tái mét, vẻ mặt mệt mỏi của chị, chúng tôi thực sự không giấu được nỗi ái ngại. Chị bộc bạch: “Tôi đi khám và phát hiện bị mắc bệnh tim cách đây mấy năm. Từ đó đến nay, tiền chi phí thuốc thang rất tốn kém. Định kỳ phải đến khám và điều trị tại bệnh viện”. Chồng mất sớm, chị vừa phải làm mẹ, vừa phải gánh vác việc của người bố, vừa làm lụng vất vả để mưu sinh. Nguyễn Văn Thông là con đầu, tiếp đến là 2 em trai năm nay 17 và 15 tuổi. Để có tiền nuôi các con, chị Định phải làm thuê. Hễ ai cần thuê việc gì, miễn là có thu nhập chính đáng, chị đều không nề hà. Hiện tại, tuy ốm đau bệnh tật nhưng chị vẫn đăng ký làm vệ sinh viên trên địa bàn xã Hưng Đông. Chỉ khi nào thấy sức khỏe không thật sự đảm bảo, chị Định mới dám nghỉ ngơi. 
Sớm mồ côi bố và chứng kiến cảnh gian nan, vất vả của người mẹ, Nguyễn Văn Thông sớm có ý thức chăm lo việc gia đình. Bình thường, một buổi đi học, buổi còn lại Thông giúp đỡ mẹ việc nhà. Từ việc làm cỏ ruộng, vun luống ngô, tưới vườn rau cậu đều làm một cách thành thạo. Mỗi khi mưa gió bão bùng, căn nhà lợp ngói pờ-rô-xi măng của 4 mẹ con bị thấm nước. Thông cố gắng tìm mọi cách khắc phục. Bố mất, mẹ đau yếu, các em còn nhỏ, có thể nói giờ đây Nguyễn Văn Thông là lao động chính, là trụ cột của gia đình. Nhưng khi có lệnh gọi nhập ngũ, chị Định đã vui vẻ vận động con yên tâm lên đường. Chị tự tin: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng tôi bảo Thông cứ yên tâm thực hiện nghĩa vụ, vì Tổ quốc là trên hết. Hơn nữa, 2 em của Thông đều ngoan, đã có thể chăm lo, giúp đỡ mẹ, chỉ mong Thông sớm trưởng thành”. Còn tân binh Nguyễn Văn Thông chia sẻ: “Giờ đây, em đã yên tâm lên đường làm nhiệm vụ, vì ở nhà mẹ và các em đã có anh em, chú bác và bà con hàng xóm giúp đỡ những lúc khó khăn, đau yếu”. 
Vận bộ quân phục mới tinh còn thơm mùi vải, Nguyễn Văn Thông cùng mẹ đứng trước bàn thờ cầu xin Đức Chúa, ông bà, tổ tiên và người bố thân yêu của mình phù hộ cho sức khỏe, ý chí và niềm tin để vượt qua những thử thách phía trước. Có mặt tại nhà chị Định để dặn dò Thông một số việc trước lúc lên đường, ông Hoàng Quốc Việt, Xóm trưởng cho hay: “Gia đình cháu Thông, là một trong những hộ nghèo của xóm. Có điều, Thông luôn chăm chỉ, có ý thức xây dựng tinh thần đoàn kết trong thôn xóm nên được mọi người quý mến. Để cháu yên tâm lên đường nhập ngũ, ban quản lý xóm đã vận động các đoàn thể đến nhà chia sẻ và hứa giúp đỡ mẹ con chị Định những lúc gặp khó khăn”.
Rời xóm 9, xã Nghi Phú, chúng tôi tiếp tục tìm đến xóm Kim Đông, xã Nghi Ân - nơi cư trú của gia đình tân binh Phạm Đức Mạnh (1995). Hoàn cảnh gia đình Mạnh cũng gian nan, vất vả khi người bố vừa mới trải qua đợt phẫu thuật nội soi do tai biến mạch máu não. Chưa đến tuổi 45, nhưng anh Phạm Xuân Đông (bố của Mạnh) đã bước đi chậm chạp, bước cao bước thấp, một tay khó cử động, ánh mắt đã mờ hẳn và thường ngất xỉu mỗi khi trái gió trở trời. Đó là di chứng của đợt tai biến vào thời điểm cuối năm ngoái. Giờ đây, anh Đông vẫn trong quá trình điều trị và hy vọng một thời gian nữa thể trạng, sức khỏe sẽ hồi phục để có thể làm việc, giúp vợ con kiếm sống. Em trai của Mạnh là Phạm Minh Quân, năm nay lên 6 tuổi, hiện đang mắc căn bệnh hiểm nghèo. Quân bị một loại vi-rút nguy hiểm xâm nhập vào máu phá hủy tiểu cầu, dẫn đến triệu chứng suy giảm tiểu cầu. Chừng 3 tuần/lần, gia đình phải đưa Quân ra Hà Nội truyền máu, truyền dịch và chữa trị bệnh. Theo lời các bác sỹ, thời gian điều trị sẽ kéo dài trong nhiều năm, có thể phải chờ đến năm Quân 17 tuổi may chăng mới trị hết được triệu chứng suy giảm tiểu cầu.
Trước cảnh chồng con đau ốm, chị Dương Thị Tuyết phải gồng mình để gánh hết tất cả việc gia đình. Hàng ngày, chị tất bật với mấy sào ruộng khoán để mong kiếm đủ lương thực cho cả nhà. Xong việc đồng áng, chị lao vào việc chạy chợ mong kiếm thêm đồng ra đồng vào. Khi thì mớ rau, lúc thì con cá, chị Tuyết mua ở chợ này rồi đem bán ở chợ khác. Lúc chúng tôi đến nhà, chưa bán hết mớ rau ở chợ Nghi Ân nên không về kịp để tiếp khách. Ngồi bên cạnh bố, khi được hỏi về nỗi niềm trước lúc lên đường, tân binh Phạm Đức Mạnh bộc bạch: “Lúc đầu, em băn khoăn lắm, vì lo cho bố, lo cho em và thương mẹ nhọc nhằn, vất vả. Nhưng bố mẹ đã ra sức động viên, họ hàng, làng xóm khuyên bảo nên em tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ và giờ đây em rất yên tâm và sẵn sàng lên đường. Em xác định mình đi thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, bố mẹ ở nhà sẽ được người thân và các cấp chính quyền, đoàn thể giúp đỡ”.
Sắc xuân đang ngập tràn không gian, vạn vật. Những chàng trai bước vào tuổi thanh xuân đang hăm hở lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với non sông, đất nước. Chứng kiến không khí tòng quân nhập ngũ, niềm tin về sự trường tồn của đất nước được nhân lên và lan tỏa. Vì một lẽ giản đơn, đất nước này có những bà mẹ như chị Bình, chị Định và chị Tuyết; có những chàng trai sẵn sàng gác bỏ tình riêng để lên đường như Lê Trường Sinh, Nguyễn Văn Thông và Phạm Đức Mạnh. Chính họ là những người canh giữ mùa xuân, non sông, biển trời Tổ quốc!
Công Kiên

tin mới

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

(Baonghean.vn) - Chiều 22/2, đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh do đồng chí Đại tá Đinh Bạt Văn – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương.

Biên giới

Những lá đơn tình nguyện 'lên đường đi giữ biên cương'

(Baonghean.vn) - Ngót 45 năm đã trôi qua, các thế hệ người dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ không khí sục sôi của những tháng ngày lịch sử. Hiện, ở Bảo tàng Quân khu 4 còn lưu giữ những lá đơn tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ biên cương của những thanh niên đất Nghệ.

 Bộ tư lệnh Quân khu 4 chúc Tết Trung đoàn 764

Bộ tư lệnh Quân khu 4 chúc Tết Trung đoàn 764

(Baonghean.vn) - Sáng 5/2, đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4 do Trung tướng Hà Thọ Bình - Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An.

Các địa phương, lực lượng khu vực giáp biên nước bạn Lào chúc Tết đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn

Các địa phương, lực lượng khu vực giáp biên nước bạn Lào chúc Tết đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn

(Baonghean.vn) - Ngày 1 - 2/2, Đoàn đại biểu cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào sang thăm, chúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An.

Bộ Tham mưu Quân khu 4 tặng quà chính quyền và nhân dân Thành phố Vinh

Bộ Tham mưu Quân khu 4 tặng quà Tết tại Thành phố Vinh

(Baonghean.vn) - Ngày 1/2 , Đoàn công tác Bộ Tham mưu Quân khu 4 do đồng chí Thượng tá Võ Hữu Hòa - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu làm Trưởng đoàn tổ chức trao quà Tết cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Trung Đô và Trường Thi, thành phố Vinh.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chúc Tết, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chúc Tết, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nhân dịp đón Tết cổ truyền dân tộc – Xuân Giáp Thìn 2024, sáng 29/1, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 do Thiếu tướng Trịnh Văn Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu làm trưởng đoàn đã đi chúc Tết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An.