Khi "ý Đảng" hợp "lòng dân"
(Baonghean) - Nam Thành là một trong những đơn vị hoàn thành sớm nhất công tác dồn điền, đổi thửa của huyện Yên Thành. Qua 2 vụ sản xuất trên thửa lớn, người dân thực sự vui mừng trước những thuận lợi sau chuyển đổi. Bài học về “khoan sức dân” trong dồn điền đổi thửa là cơ sở quan trọng để Đảng bộ Nam Thành tiếp tục phát huy trong những chặng đường mới.
Trước khi bước vào vụ đông xuân 2013-2014, nhân dân xóm Tân Hợp, xã Nam Thành hồ hởi ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, lắp đặt trên 1.200 chiếc cống lớn nhỏ trên đồng ruộng và tu sửa lại hệ thống giao thông nội đồng. Đây là vụ sản xuất thứ 3 nông dân xóm Tân Hợp xã Nam Thành “vui cày” trên thửa ruộng lớn.
Nhân dân Nam Thành góp tiền thuê máy làm giao thông nội đồng. |
Theo khẳng định của Bí thư chi bộ Nguyễn Công Quỹ, “vui cày” chính là tâm sự của các hộ dân. Bởi cách đây chưa đầy 1 năm, gần một nửa hộ dân trong xóm còn phân vân, thậm chí nhiều gia đình có ý kiến trái ngược khi Đảng ủy, UBND xã triển khai chuyển đổi ruộng đất. Lúc đó, nhiều người bảo thủ cho rằng đất của các gia đình ở nhiều nơi, cao thấp, tốt xấu khác nhau, gom lại thành một thửa lớn làm sao nổi (!?).
Thế nhưng, sau nhiều cuộc họp dân, tuyên truyền, giải thích về những lợi ích khi chuyển đổi ruộng đất theo nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, huyện và nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy, HĐND xã, phần lớn người dân đồng tình. Ngay sau khi có sự biểu quyết của người dân, chi bộ, ban cán sự xóm đã tích cực phối hợp với xã tổ chức đo đạc, tính toán, phân chia thành mỗi hộ chỉ còn một thửa ruộng. Ban cán sự xóm đã vận động các hộ dân góp tiền thuê máy ủi, máy xúc cải tạo, san bằng các diện tích ruộng tạo thuận lợi cho sản xuất. Cùng với đó tiến hành đào đắp hệ thống đường giao thông nội đồng rộng trên 3 mét, thuận lợi cho các phương tiện chở phân bón, mạ gieo cấy và thu hoạch vào cuối vụ.
Qua hai vụ mùa, người dân được sản xuất tập trung trên một thửa đất, tiện lợi cho đi lại, chăm sóc, thu hoạch. Nhất là việc đưa các loại máy móc nông nghiệp vào sản xuất nên tất cả 246 hộ dân đều phấn khởi. Ông Quỹ cho biết: “Người dân phấn khởi lắm, ngay cả những người bảo thủ nhất trước khi chuyển đổi ruộng đất nay đã công nhận là sản xuất trên một thửa hiệu quả hơn nhiều. Sau chuyển đổi, bờ vùng, bờ thửa chắc chắn hơn, việc đầu tư phân bón cũng như bảo vệ thực vật hiệu quả hơn. Đặc biệt, sản xuất trên một thửa tiết kiệm được thời gian đi lại, đưa các loại máy móc vào sản xuất, chăm sóc và thu hoạch. Như vụ mùa vừa qua, việc thu hoạch của toàn xóm chỉ làm gọn trong 4 ngày, giảm được 2-3 ngày so với trước khi chuyển đổi ruộng đất. Hiện nay, nhiều hộ đang tham khảo để mua máy cấy phục vụ sản xuất…”.
Còn đối với xóm giáo Lâm Thành, ngay khi Đảng ủy xã đề ra chủ trương dồn điền đổi thửa, người dân tích cực hưởng ứng. Bên cạnh việc kịp thời đóng góp để thuê máy làm kênh mương, đường giao thông nội đồng, 178 hộ dân còn thống nhất hiến 30m2 đất ruộng để mở đường rộng hơn, phục vụ sản xuất. Có những gia đình còn bàn bạc, góp các thửa đất lại, chung vốn, đầu tư mô hình trồng lúa, nuôi cá kết hợp.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Năm và Nguyễn Đình Huấn đã gom hai thửa ruộng gần nhau, hình thành nên mô hình cá lúa, chăn nuôi gia cầm rộng gần 1 hécta; gia đình anh Hoàng Văn Việt tăng cường liên kết với các hộ và doanh nghiệp, chăn nuôi hàng chục con lợn mỗi lứa, trên 3000 con vịt siêu trứng và tận dụng diện tích mặt nước nuôi cá… Khi đề cập đến những thuận lợi của công tác dồn điền đổi thửa đem lại, ông Vũ Văn Quỳnh - Phó Bí thư chi bộ, Xóm trưởng Lâm Thành, tâm sự: “Qua thực tế sản xuất trên đồng ruộng sau khi đã chuyển đổi, người dân trong xóm phấn khởi lắm. Ruộng được đem về một mối, gần xóm hơn, thuận lợi hơn trong gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Nhiều hộ đang tính toán chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng luân canh, tăng năng suất và chất lượng.”
Vui mừng sau hai mùa vụ thuận lợi trên ô thửa lớn, nhân dân ở 9/9 xóm của xã Nam Thành thực sự phấn khởi tập trung chỉnh sửa thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2013-2014. Mối quan tâm lớn nhất của nông dân sau chuyển đổi ruộng đất là ổn định hệ thống cấp thoát nước và giao thông đi lại. Thống kê của xã cho thấy, đợt này 10km trong số 13km kênh mương cần tu sửa; trên 15km giao thông nội đồng cần san lại mặt bằng. Bởi sau khi đắp mới, mặt bằng của các tuyến đường chưa ổn định, nhiều chỗ cần san lấp, gia cố thêm.
Ông Phan Thế Trung - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Các tuyến đường giao thông nội đồng của xã rộng từ 3 đến 5 mét. Sau tu sửa lần 2 này sẽ đảm bảo cho các phương tiện thô sơ đến cơ giới đi lại thuận lợi phục vụ sản xuất. Có tuyến gần Tỉnh lộ 538, chúng tôi quy hoạch rộng 7 mét vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa tính về lâu dài có thể giãn dân, xây dựng khu dân cư mới…”.
“Ý Đảng phải hợp với lòng dân” là bài học kinh nghiệm được Đảng ủy, chính quyền xã Nam Thành đúc kết trong việc tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Ngay sau khi ban hành nghị quyết, vấn đề có tính quyết định là tăng cường tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu và vận động người dân tham gia. Xuyên suốt quá trình này, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể phát huy tốt quy chế dân chủ, công khai mọi công đoạn để dân biết, kiểm tra. Quá trình thực hiện, xã đã thành lập tiểu ban đề án dồn điền, đổi thửa ở từng thôn xóm với sự tham gia của chi ủy, ban cán sự, các tổ chức đoàn thể, chi hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên, người cao tuổi… Chính vì vậy, công tác chuyển đổi được tiến hành từng bước sát với thực tế từng vùng dân cư vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và để chính người dân bàn bạc, thống nhất thực hiện…
Trên cánh đồng của xã Nam Thành, những luống mạ xanh tươi ở các thửa ruộng đang chờ được nhân rộng trong vụ đông xuân. Hy vọng rằng, một mùa sản xuất mới sẽ bội thu.
Hiếu Nguyên