Khó "đầu ra" cho đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở
(Baonghean) - Quyết định số 289-QĐ/T.Ư ngày 8/2/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn qui định tiêu chuẩn cán bộ đoàn cấp xã, thị trấn giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Đối chiếu với qui định này thì hiện nay, theo số liệu thống kê sơ bộ của tỉnh đoàn, toàn tỉnh có khoảng hơn 70 thủ lĩnh đoàn quá tuổi vẫn chưa được chuyển công tác, phần lớn trong số họ đã có trên 10 năm công tác...
Nhiều thủ lĩnh đoàn quá tuổi
Hưng Nguyên là một trong những huyện có đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở quá tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất hiện nay, toàn huyện hiện có 13/23 bí thư đoàn xã có tuổi đời từ 35 - 43 tuổi, trong đó 4/13 đồng chí có trình độ chuyên môn đại học, 9/13 đồng chí có trình độ trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị có 5/13 đồng chí có trình độ trung cấp, 8/13 đồng chí có trình độ sơ cấp. Sau hàng chục năm cống hiến, hầu hết các cán bộ đoàn lớn tuổi đều muốn được chuyển sang một vị trí công tác khác cho phù hợp hơn.
Sinh năm 1970, trưởng thành từ bí thư chi đoàn thôn xóm, có thâm niên gần 15 năm làm công tác thanh niên và hiện là một trong những cán bộ đoàn có tuổi đời lớn nhất, anh Hoa Văn Hòa - Ủy viên BCH Đảng ủy, Bí thư Đoàn xã Hưng Nhân chia sẻ: “Mặc dù tâm huyết và nhiệt tình thì vẫn như xưa nhưng sự năng động, xông xáo thì không thể bằng thế hệ trẻ được. Tôi rất mong được chuyển sang làm một công việc phù hợp với tuổi tác và cũng là để nhường chỗ cho những người trẻ đảm đương công việc, vừa tạo động lực cho họ phấn đấu, vừa nâng cao chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương”. Cũng như anh Hòa, anh Lê Thanh Đông ở xã Hưng Mỹ, sinh năm 1971, do chưa có vị trí phù hợp để luân chuyển nên dùđã quá tuổi so với quy định nhưng anh vẫn phải đảm đương công việc của một bí thư đoàn cơ sở.
Anh Hoa Văn Hòa - Bí thư Đoàn xã Hưng Nhân, trao đổi với cán bộ Huyện đoàn Hưng Nguyên |
Không riêng gì ở các huyện đồng bằng mà cả ở một số huyện vùng cao, nơi độ tuổi cán bộ đoàn được nới lỏng đến 37 cũng rơi vào hoàn cảnh “bí đầu ra” tương tự. Chị Xá Thị Xí - Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn cho hay: Ngoại trừ trường hợp của anh Lầu Nhìa Hờ ở xã Mường Lống vừa mới được chuyển sang làm phó chủ tịch hội nông dân xã, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn 6 cán bộ đoàn quá tuổi, trong đó có 1 ủy viên BTV huyện đoàn. Điển hình như anh Lương Văn Chắn - Bí thư Đoàn xã Nậm Cắn huyện Kỳ Sơn, sinh năm 1972, đã có hơn chục năm gắn bó với công tác đoàn, nay con lớn của anh cũng đã học cấp 3 mà bố vẫn đang là “đồng chí đoàn”. Huyện Thanh Chương cũng còn tới 6 cán bộ đoàn quá tuổi thuộc thế hệ 7X, trong đó có những người đã có thời gian cống hiến lâu năm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị là thủ lĩnh đoàn được các cấp ghi nhận, như anh Hoàng Trọng Hưng - Bí thư Đoàn xã Thanh Nho, anh Trần Văn Hữu - Bí thư Đoàn xã Đồng Văn…
Hiện nay, một số cán bộ đoàn đã có hướng cơ cấu nhưng phải chờ thêm một, hai năm khi người ở vị trí đó về hưu hoặc đến hết năm 2015 khi hết nhiệm kỳ và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp mới giải quyết được. Trong số những bí thư đoàn quá tuổi chưa được bố trí công tác mới hiện nay có người còn khả năng đảm đương công việc, nhưng cũng không ít người không thắng được “sức ỳ” tuổi tác khiến hoạt động tập hợp, thu hút đoàn viên ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, khoảng cách với thế hệ đoàn viên 9X hiện tại cũng khá xa khiến họ khó tìm được tiếng nói chung.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều bí thư huyện đoàn tỏ vẻ lo lắng, bởi theo Qui định 289 của Trung ương Đoàn với yêu cầu trẻ hóa và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đoàn, nếu không sớm giải quyết được bài toán đầu ra cho số cán bộ đoàn quá tuổi hiện nay thì sẽ dẫn tới hiện tượng “dồn toa”, khó khăn cho cả những người sẽ được đôn lên làm thủ lĩnh kế tiếp. Anh Cao Anh Đức - Bí thư Huyện đoàn Hưng Nguyên cho biết: Thời gian qua, tổ chức đoàn đã tích cực tham mưu đề xuất với cấp ủy giải quyết đầu ra cho cán bộ đoàn quá tuổi, huyện ủy cũng đã ban hành Công văn số 606 về công tác cán bộ đoàn cơ sở chỉ đạo, giao trách nhiệm cho phòng nội vụ và các địa phương quan tâm đến việc chuyển công tác cho bí thư đoàn các xã, thị. Thực tế thời gian qua đã có một số cán bộ đoàn được chuyển sang các chức danh công chức phù hợp với bằng cấp chuyên môn và một số vị trí khác như: Chỉ huy trưởng quân sự xã, phó chủ tịch hội nông dân, chủ tịch Mặt trận… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 13 cán bộ đoàn quá tuổi chưa được luân chuyển công tác, gây cản trở cho việc thực hiện mục tiêu trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở.
Nguyên nhân là do số lượng biên chế của cấp xã có hạn, trong khi đó các chức danh trong bộ máy hoạt động của xã đã đủ, muốn bố trí phải chờ có người về hưu, chờ vị trí trống để “thế chỗ”. Mặt khác, chất lượng “đầu vào” của cán bộ đoàn cơ sở nhiều nơi còn thấp do việc lựa chọn cán bộ đoàn chủ yếu mới chỉ dựa vào sự nhiệt tình, năng động chứ chưa chú ý đến trình độ chuyên môn, trong quá trình công tác lại chưa sắp xếp được thời gian đi học, nâng cao trình độ để đáp ứng các tiêu chí về chức danh công chức xã, phường, thị trấn nên đánh mất cơ hội được luân chuyển, bố trí sang vị trí khác hoặc xét tuyển, thi tuyển công chức.
Hiện nay, theo qui định, muốn trở thành công chức chuyên môn của xã phải qua thi tuyển, cho dù có được thêm điểm ưu tiên thì các bí thư đoàn xã quá tuổi, chủ yếu học trung cấp, tại chức muốn vượt qua được những sinh viên trẻ, đào tạo chính qui mới ra trường cũng rất khó, trừ khi họ được xét tuyển. Nhiều ý kiến cho rằng, với sự luân chuyển theo độ tuổi nhanh như hiện nay, chắc chắn cán bộ đoàn rất khó có đầu ra một cách “an toàn”. Bởi lẽ, nếu cơ cấu quá trẻ, một số địa phương sẽ không có nhân sự đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác; còn ngược lại, tuổi vừa đủ tầm thì có thể sau một nhiệm kỳ đã phải luân chuyển, trong khi định biên ở xã hạn hẹp, không phải lúc nào cũng còn chỗ “để dành” đầu ra cho cán bộ đoàn.
Tuyển “đầu vào” để gỡ bí “đầu ra”?
Ông Hoàng Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho hay, để tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho đội ngũ cán bộ đoàn quá tuổi hiện nay, huyện đã xác định các phương án giải quyết, cụ thể: Những người có trình độ chuyên môn phù hợp với các chức danh công chức xã, có năng lực thì cho xét tuyển hoặc thi tuyển sang các vị trí này (đối với những đơn vị còn khuyết chức danh công chức). Đối với những người có trình độ chuyên môn và chính trị đáp ứng yêu cầu, tại thời điểm làm việc không có vị trí phù hợp, giao các BTV đảng ủy định hướng cơ cấu vào những vị trí chủ chốt các đoàn thể hoặc các chức danh cán bộ chuyên trách khi đến nhiệm kỳ đại hội, nhưng tối đa không quá 2015.
Còn theo anh Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Tỉnh đoàn thì: Trẻ hóa là việc làm cần thiết để củng cố, nâng chất tổ chức Đoàn các cấp, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác cán bộ trong tình hình mới, vừa phù hợp với tâm sinh lý của các bạn trẻ. Tuy nhiên, để “trẻ hóa” trước hết phải giải quyết được đầu ra cho cán bộ đoàn, trong vấn đề này tổ chức đoàn chỉ đóng vai trò tham mưu, quan trọng là lãnh đạo địa phương phải xác định rõ rằng cán bộ đoàn phải thuộc diện quy hoạch, vì đây là nguồn bổ sung cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Thực tế hiện nay, rất nhiều lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành, thị trưởng thành từ cán bộ đoàn. Vì vậy, việc qui hoạch này cần tiến hành thường xuyên chứ không đợi hết một nhiệm kỳ đại hội. Trẻ hóa cán bộ đoàn đồng nghĩa với nâng cao trách nhiệm của Đảng trong việc đào tạo lớp cán bộ kế cận đủ tầm gánh vác trọng trách cấp ủy, chính quyền giao phó, tránh tình trạng qui hoạch treo, quy hoạch hình thức làm ảnh hưởng đến tinh thần cũng như động lực công tác của cán bộ đoàn.
Một đồng chí bí thư đảng ủy xã vốn trước đây là thủ lĩnh thanh niên cho rằng: Phần lớn cán bộ đoàn cấp xã, thị trưởng thành từ phong trào ở cơ sở, chưa được qua đào tạo về chuyên môn và chính trị. Vì vậy, việc chọn lựa, đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho họ ngay từ lúc khởi đầu chính là lời giải bài toán đầu ra cho cán bộ đoàn hiện nay ở cơ sở. Nếu như có ý định sau này sang làm công chức chuyên môn nên định hướng cho họ theo học những ngành nghề sát thực với thực tế cần của địa phương. Nếu đi theo hướng lên chuyên trách theo bầu bán, được đảng giới thiệu sang ứng cử thì quá trình công tác, cán bộ đoàn phải tự “lớn lên” bằng chính năng lực thực sự của mình, không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn lẫn bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm và biết thể hiện bản thân đúng lúc để được tập thể công nhận, tín nhiệm và tạo dựng lòng tin với mọi người qua thực tiễn. Nói cách khác, cán bộ đoàn phải tự quy hoạch trước cho mình bằng cách phát huy sức trẻ, năng động và khả năng tiếp cận nhanh với công việc, thử sức ở các lĩnh vực, bằng không điệp khúc “nan giải đầu ra” hiện nay vẫn tiếp tục lặp lại.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân “đầu ra” cho cán bộ đoàn khó một phần do “đầu vào” thấp. Vì vậy, nên chăng để đáp ứng yêu cầu trẻ hóa và đảm bảo cho đầu ra nên mạnh dạn tuyển các sinh viên tốt nghiệp đại học, ưu tiên các chuyên ngành gần với công tác thanh niên về làm bí thư đoàn xã, và có hướng bồi dưỡng giúp họ trưởng thành qua quá trình cọ xát thực tiễn để tạo nguồn cán bộ có chất lượng cho cơ sở.
Bài, ảnh: Khánh Ly