Khó khăn chồng chất

29/08/2011 10:26

(Bna) - HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên được xây dựng trên cơ sở làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên có bề dày gần 700 năm. Năm 2004, HTX được UBND tỉnh công nhận làng nghề phê và duyệt Dự án "Xây dựng làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên" tại địa điểm xóm Chùa 2, xã Nghi Thiết, Nghi Lộc. Song, vì nguyên nhân khách quan, chủ quan và thiếu cơ chế chính sách thông thoáng cũng như sự quan tâm của cơ quan liên quan, HTX đang đứng trước nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Gia In - Chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên, cho biết: Ngày đầu thành lập, HTX mới có 20 xã viên, thường xuyên có từ 350 đến 400 lao động bao gồm 6 khu dân cư, trên 3.000 khẩu, gồm 20 doanh nghiệp trong đó 2 công ty TNHH, 8 tổ hợp tập thể, 10 gia đình trải dài gần 2.000m dọc theo bờ sông. Đến tháng 2 năm 2004 do sự phát triển của HTX, đã kết nạp thêm 16 thành viên, nâng tổng số xã viên lên 36, trong đó có 3 DNTN, 22 tổ hợp, 10 gia đình, 1 cán bộ hưu trí. Tuy vậy, vì mặt bằng chật hẹp, sản xuất xen lẫn khu dân cư, nên ngoài khó khăn thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là gỗ cho sản xuất, thì nguồn điện không đảm bảo, ô nhiễm môi trường tiếng ồn, rác thải, nguy cơ cháy nổ cao... đang là những khó khăn trở ngại cho sự phát triển của HTX. Vì nhiều khó khăn đó mà 7 xưởng hiện có trên địa bàn thì chỉ 4 xưởng có việc làm.



Xưởng đóng thuyền của ông Nguyễn Trọng Nhỏ đóng 2 tàu cá
cho khách hàng ở Thái Bình.

Trái với không khí ầm ào vốn có của làng nghề đóng tàu thuyền, không khí im ắng bao trùm xưởng sản xuất của anh Nguyễn Văn Ly. Chủ xưởng cho biết công nhân đã nghỉ việc cả tháng nay vì thiếu nguyên liệu cho sản xuất.


May mắn hơn, xưởng của ông Nguyễn Trọng Nhỏ còn có tiếng búa, tiếng cưa. Tại đây, anh em công nhân đang tập trung hoàn thiện con tàu đánh cá có công suất 320 CV cho một chủ hàng ở Thái Bình. Anh Nguyễn Trọng Thao, cho biết: Đây là sản phẩm thứ 4 trong năm nay được gia đình anh đóng, dự kiến sẽ hạ thủy vào cuối tháng 8 này. Hiện nay chúng tôi đã ký 2 hợp đồng, nhưng vì chưa có gỗ, nguồn điện yếu nên phải tạm hoãn.


Chủ nhiệm HTX, bức xúc: HTX sử dụng 14 đồng hồ điện 3 pha, 34 đồng hồ điện 2 pha, trung bình hàng tháng sử dụng khoảng một nửa sản lượng điện cả khu vực, do chưa có mặt bằng tập trung cho sản xuất nên điện sản xuất vẫn dùng chung với khu dân cư. Mỗi khi HTX đến giờ sản xuất thì điện của dân yếu không sử dụng phục vụ sinh hoạt được, ngược lại, vào giờ cao điểm của dân dùng điện thì điện phục vụ cho sản xuất của HTX bị tê liệt hoàn toàn. Các máy móc bị om điện, ép quá bị cháy dây điện, nguy cơ cháy nổ rất cao. Đã nhiều lần đề nghị Chi nhánh điện Nghi Lộc có phương án kế hoạch tách đường dây điện sản xuất công nghiệp làng nghề ra khỏi đường dây điện sinh hoạt của khu dân cư nhưng chưa được giải quyết.


HTX được Nhà nước công nhận và phê duyệt dự án xây dựng làng nghề gồm 3 hạng mục gồm: Dự án đường làng nghề, dự án cấp mặt bằng để sản xuất, xây dựng kho tàng, nhà truyền thống 4,7ha và dự án nạo vét khơi thông luồng lạch 750m. Mặt bằng sản xuất được quy hoạch tại khu vực bãi thải, kế hoạch là cuối năm 2011 sẽ di dời cơ sở đóng tàu thuyền và ốt mộc ra khu quy hoạch. Thế nhưng UBND xã có công văn đình chỉ không cho HTX tiến hành triển khai xây dựng mà mục đích để bán cho dân. "Chúng tôi cho rằng như vậy là không công bằng, vì HTX thực hiện chủ trương của Nhà nước đang từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, xây dựng nơi đây thành một tiểu khu sản xuất TTCN làng nghề. Khu đất này xa dân cư, sản xuất công nghiệp sẽ không bị ô nhiễm môi trường. Là nơi thuận lợi cho tàu thuyền xuất xưởng, thử máy kiểm tra đường ngắn đường dài" - ông In nói.

Là cơ sở có bề dày lịch sử gần 700 năm nghề đóng tàu thuyền và mộc, người thợ ở đây cần cù, năng động, có bàn tay điêu luyện, kỹ thuật cao, sáng tạo nhiều mẫu mã đẹp, được các bạn hàng trong nước ưa chuộng, ngoài nước biết đến. Qua 6 năm hoạt động theo Luật HTX, số tàu thuyền từ 30 CV trở lên HTX đã đóng trên 516 chiếc doanh thu trên 98 tỷ đồng; Sản xuất hàng mộc xây dựng được trên 4 tỷ, hàng trăm tấn đinh bu lông. Hàng năm giải quyết từ 55.000 - 60.000 ngày công cho lao động thợ thuyền. 6 tháng đầu năm 2011, lương lao động trung bình là 200.000đ/ngày công; nhiều cơ sở thuyền mộc có doanh thu cao, đời sống được cải thiện. Tuy nhiên, vì thiếu nguyên liệu đầu vào, thiếu vốn, điện yếu, mặt bằng chưa được giải quyết nên từ đầu năm đến nay, 200 lao động không có việc làm ổn định. Để đảm bảo lộ trình phát triển HTX làng nghề theo Nghị quyết 06/ NQTU của Ban Chấp hành Tỉnh ủy và Quyết định 678 QĐ/UBND của UBND tỉnh Nghệ An, mong rằng những khó khăn của làng nghề Trung Kiên sớm được quan tâm, giải quyết.


Nguyễn Quân - Thu Huyền

Khó khăn chồng chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO