"Khó" tìm nguồn cán bộ khối xóm

27/11/2013 17:33

(Baonghean) - Ở mỗi khu vực dân cư, hình ảnh ông trưởng thôn hay bí thư chi bộ “miệng nói tay làm” đã trở nên quen thuộc. Thế nhưng, hiện nay, để tìm được những cán bộ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” đang là công việc khó khăn ở rất nhiều khối - xóm.

Chúng tôi gặp ông Phùng Bá Thiều- xóm trưởng xóm 6, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn khi xóm tổ chức họp bình xét hộ nghèo. Năm nay đã 67 tuổi, nhưng trong đợt đại hội chi bộ, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở hồi tháng 9/2013, ông Thiều vẫn “trúng cử” chức phó bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng. Mặc dù ông đã xin nghỉ với lý do tuổi cao sức yếu, nhưng “nhìn đi, ngó lại”, trong xóm không có ai đảm đương được việc này nên chi bộ vẫn giới thiệu để dân bầu. Với giọng nhỏ nhẹ, ông Thiều tâm sự: “Công việc thôn xóm lu bu lắm chú à. Nói thật lòng, tôi cũng muốn nghỉ ngơi nhưng chi bộ giao việc, dân tín nhiệm nên phải cố gắng. Song cũng xin bà con là làm một khóa này thôi!”.

Ban cán sự khối 13 - phường Bến Thủy - TP Vinh thăm hỏi gia đình chính sách.
Ban cán sự khối 13 - phường Bến Thủy - TP Vinh thăm hỏi gia đình chính sách.

TIN LIÊN QUAN

Cùng nỗi niềm “làm một khóa thôi nhé” nhưng ông Võ Văn Kỳ, 68 tuổi - Khối trưởng khối 13, phường Bến Thủy - TP Vinh đã đảm đương đến nhiệm kỳ khối trưởng thứ 3. Ông chia sẻ, đã mấy lần xin nghỉ nhưng chi bộ, người dân yêu cầu nên vẫn tiếp tục phải gánh vác vì mình là đảng viên, lại là cựu chiến binh. Lí do đến bây giờ ông Kỳ vẫn phải gánh vác chức khối trưởng bởi đơn giản chưa tìm được ai thay thế. Ông Kỳ bộc bạch: “Việc xóm, việc làng tưởng đơn giản nhưng hoàn toàn không phải vậy.

Mọi công việc lớn, nhỏ đều đến tay, từ vận động nhân dân, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương các cấp đến thu quĩ, bình xét hộ nghèo, thăm hỏi, động viên, công việc hiếu hỉ, hòa giải… Nếu không am hiểu, nhiệt tình, gần dân thì thực sự khó hoàn thành nhiệm vụ. Thêm đó, cán bộ thôn xóm lâu nay chưa được tập huấn nghiệp vụ, việc thì nhiều. Cán bộ quản lý phường lại thiếu sự quan tâm, chia sẻ. Trong lúc đó, người dân không phải ai cũng đồng thuận cao. Tất cả dẫn đến thực trạng ngày càng ít người đảm nhận khối trưởng, khối phó cũng như công tác đoàn thể ở khối - xóm”.

Người trưởng xóm, khối trưởng do “dân bầu, xã cử”, phải chịu sự lãnh đạo của chi bộ xóm và chịu sự quản lý trực tiếp toàn diện các mặt công tác của UBND xã, phường. Đồng thời phải vận động nhân dân trong xóm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của cấp trên, hoàn thành nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước; cùng nhân dân giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Như vậy phải chịu sức ép “trên đe, dưới búa”. Vai trò, trách nhiệm của cán bộ thôn, xóm quan trọng là vậy nhưng lâu nay, đội ngũ này đang phổ biến theo hình thức “tận dụng” nguồn cán bộ nghỉ hưu về địa phương.

Về cơ bản, đội ngũ này đã có lương hưu, vì vậy, nếu tìm được những người tâm huyết, nhiệt tình thì dân “được nhờ”. Bởi họ làm với trách nhiệm cao chứ không chỉ vì phụ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, do phụ cấp thấp (theo qui định, mỗi tháng trưởng thôn, khối trưởng được hưởng 60% của mức lương tối thiểu), cùng với sức ép của công việc nên nhiều người lảng tránh trách nhiệm khi chi bộ có ý giới thiệu làm cán bộ khối, xóm vì họ ngại va chạm. Ông Hoàng Văn Bình- Bí thư Chi bộ khối 8, xã Nghi Văn (Nghi Lộc) tâm sự: “Công việc thôn, xóm đòi hỏi mình phải có mặt thường xuyên ở địa phương, không thể đi làm ăn xa, khó có thể làm thêm việc khác. Tính sơ sơ, mỗi tháng cũng mất 10 ngày họp trên xã, họp chi bộ, sinh hoạt thôn xóm và mất từng đó ngày làm công tác vận động, thăm hỏi người dân. Đó là chưa kể vào những dịp lễ tết, công việc càng nhiều hơn. Ở xóm này, mọi người lo làm ăn kinh tế nên khi đề cử làm cán bộ xóm, ai cũng chối cả…”.

Đối với các khối ở các thị trấn, thành phố thì việc đảm nhận chức trách khối trưởng còn sử dụng được những cán bộ nghỉ hưu. Nhưng ở vùng nông thôn nếu lấy người về hưu làm bí thư chi bộ hay xóm trưởng cũng có những mặt bấp cập. Theo ông Lê Quang Quân- Trưởng Ban Tổ chức huyện Anh Sơn thì ở các vùng quê, nếu một cán bộ nghỉ hưu đảm nhận xóm trưởng sẽ có nhiều quĩ thời gian cho công việc nhưng họ lại không phải là người trực tiếp sản xuất, nên sẽ gặp những khó khăn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo.

Ngược lại, lấy cán bộ là những người ở ngay xóm làng thì lại có những khó khăn là họ phải trực tiếp sản xuất, phải chăm lo cho kinh tế hộ nên quĩ thời gian dành cho việc làng, việc xóm ít. Thực tế, ở cơ sở có nhiều người đảm nhận tốt vai trò xóm trưởng vì họ có năng lực, có uy tín với nhân dân nhưng họ không chịu “nhận chức”. Thế nhưng, cũng có trường hợp muốn làm xóm trưởng nhưng năng lực tổ chức, điều hành kém, không được nhân dân ủng hộ… Bởi thế xem ra việc tìm người “vác tù và” ở các thôn xóm quả không hề đơn giản. Trong lúc đó, hầu hết người trẻ đi học, đi làm ăn xa, số ở lại địa phương thì phần lớn năng lực hạn chế.

Theo ông Đậu Vĩnh Thịnh - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vinh, nhiều nơi khó tìm nguồn trưởng xóm là do chưa thực sự chú trọng việc phát hiện, vận động, bồi dưỡng, động viên những người có năng lực, tâm huyết ở các chi hội (phụ nữ, thanh niên, CCB…). Để giải quyết vấn đề này, về phía thành phố đang có chủ trương nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để có những quyết sách sát thực hơn trong việc tìm nguồn cán bộ khối, cũng như nâng cao hiệu quả công tác ở khu vực dân cư”.

Mặc dù khó khăn là vậy, song ở nhiều thôn - xóm đã có những chuyển biến tích cực khi chi bộ và người dân mạnh dạn cử người trẻ làm trưởng thôn, xóm, bản. Như ở bản Pục, xã Nậm Giải (Quế Phong), trưởng bản Ngân Văn Thương và phó bản Vi Văn Hiếu đều sinh năm 1982. Trong nhiệm kỳ vừa qua, họ đã cùng dân bản thực hiện được nhiều phần việc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Còn ở xóm 7, xã Bình Sơn (Anh Sơn), xóm trưởng Phạm Văn Sơn sinh năm 1989 cũng đang từng bước khẳng định trách nhiệm, tâm huyết với làng xóm. Trao đổi với bí thư đảng ủy các xã, được biết, địa phương rất cần những “hạt nhân” như vậy, bởi địa bàn nông thôn trải rộng, cần sức trẻ và lòng nhiệt huyết để đảm nhận công tác vận động nhân dân, đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Vấn đề quan trọng là các cấp ủy, chính quyền cần chú trọng bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ này, để họ vững vàng, tự tin hơn khi gánh vác việc dân làng giao phó.

Nguyên Sơn

"Khó" tìm nguồn cán bộ khối xóm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO