Khó trong xử lý rác thải y tế

21/10/2013 18:11

(Baonghean) - Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở y tế ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất, sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này hiện còn rất khó khăn, đòi hỏi cần phải có sự đầu tư đồng bộ...

Có khá nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lâu nay trong quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An, theo phản ánh của người dân các xóm 4, 5, 6, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc hàng chục năm nay họ sống chung với ô nhiễm, trong đó xóm 6 (xóm gần khu vực Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh nhất) chịu nặng nề nhất.

Chị Nguyễn Thị Phượng, xóm 6 cho biết: “Nước thải từ bệnh viện chảy xuống đồng Đội Kỳ đen ngòm, hôi thối, người dân cứ làm ruộng về là ngứa ngáy, loét hết cả chân tay, cho nên lâu nay cả cánh đồng này người dân phải bỏ hoang”. Gia đình chị Phượng cũng có 9 thước ruộng ở cánh đồng này và đã bỏ hoang từ nhiều năm nay mặc dù ruộng nhà chị chỉ có 2,6 sào.

Ông Đặng Xuân Phúc - Bí thư Chi bộ xóm 6 xác nhận: “Ô nhiễm môi trường từ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi ảnh hưởng đến đời sống nhân dân địa phương. Hàng ngày lượng nước thải từ bệnh viện thải ra môi trường khá lớn, gặp khi thời tiết nắng nóng hay mưa xuống, mùi hôi tanh bốc lên rất khó chịu. Do ô nhiễm nặng nên cả xóm (122 hộ) đều xây bể chứa nước mưa để ăn, một số hộ khác điều kiện khó khăn chấp nhận ăn nước giếng khoan. Hơn 3 héc ta ruộng đất ở đồng Đội Kỳ - nằm sát bờ rào bệnh viện đã bỏ hoang gần 10 năm”.

Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng xử lý nước thải.
Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng xử lý nước thải.

Ông Đậu Quang Minh - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, thừa nhận: Hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện được đầu tư đưa vào sử dụng năm 2008. Tuy nhiên, do một số lỗi kỹ thuật nên theo các đợt quan trắc của đơn vị sự nghiệp môi trường còn một số chỉ tiêu vượt chuẩn cho phép mà chưa có cách gì khắc phục được. Bệnh viện cũng đã nhiều lần làm tờ trình gửi UBND tỉnh và Sở Y tế đề nghị hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa nhưng vẫn cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đây là lý do khiến cho bệnh viện chưa thể ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vừa rồi, Sở Y tế đã đưa Bệnh viện Lao và Bệnh phổi vào danh sách các bệnh viện được hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới. Trong khi chờ đợi dự án, bệnh viện cũng đã cố gắng khắc phục bằng cách xây thêm hệ thống mương dẫn nước thải sau khi xử lý về một khu vực đất trống, tránh xả trực tiếp ra ruộng; đồng thời trồng hệ thống cây xanh trong và ngoài khuôn viên bệnh viện; tổ chức phân rác tại các khoa phòng, tổ chức hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Nghệ An thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, còn rác thải bệnh viện thì trực tiếp xử lý và thay giờ đốt hợp lý hơn”.

Ở các bệnh viện Đa khoa Nam Đàn, Đa khoa khu vực Tây Nam, Bệnh viện Ung - Bướu Nghệ An... tình trạng ô nhiễm trong quá trình xử lý rác thải đã xảy ra mà nguyên nhân do bất cập trong quá trình đầu tư. Như Bệnh viện Đa khoa Nam Đàn do hệ thống xử lý rác thải y tế có thời điểm hư hỏng, ống khói thấp nên ảnh hưởng đến môi trường; hay 2 Bệnh viện Ung - Bướu Nghệ An và Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam mới được đầu tư thành lập nhưng do khó khăn về kinh phí nên chưa xây dựng hệ thống xử lý rác thải…

Báo cáo thống kê của ngành Y tế toàn tỉnh hiện có 17 bệnh viện tuyến tỉnh, 17 bệnh viện tuyến huyện, 9 bệnh viện tư nhân, 3 bệnh viện ngành, quân đội; có 6 trung tâm có giường bệnh, cơ sở y tế tuyến xã... với tổng số giường bệnh trên toàn tỉnh là 6.491 giường. Chỉ một phép tính đơn giản bình quân mỗi giường bệnh phát sinh 1,69kg rác/ngày, trong đó có 0,24 kg rác thải nguy hại, thì mỗi ngày các bệnh viện trong tỉnh phát sinh 12 tấn rác thải y tế, trong đó có 1,7 tấn chất thải nguy hại, chiếm 14,1%.

Các bệnh viện: Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Ung - Bướu Nghệ An, Sản - Nhi... theo đánh giá là những bệnh viện có mức độ xả thải chất thải nguy hại nhiều nhất, gồm chất thải lây nhiễm, chất thải hóa học (dược phẩm bị hỏng hoặc quá hạn, hóa chất khử trùng, hóa chất chứa kim loại nặng...), hóa chất gây độc tế bào để hóa trị liệu điều trị ung thư... Giải pháp để xử lý vấn đề rác thải đang áp dụng hiện nay đã quá tải, bất cập bởi công nghệ, thiết bị lạc hậu. Các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Vinh được tập trung đốt tại lò đốt của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An; 9 bệnh viện tuyến huyện sử dụng lò đốt tại chỗ; các bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc, Tây Nam và 20 trung tâm y tế huyện, các cơ sở y tế khác và trạm y tế cấp xã đang xử lý chất thải y tế nguy hại bằng đốt thủ công hoặc chôn lấp.

Về nước thải thì chỉ có 28 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, có 10 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng xử lý chưa đạt tiêu chuẩn môi trường. Sự bất cập trong xử lý môi trường tại các bệnh viện mà thời điểm năm 2003 (thời điểm Quyết định 64/2003/QĐ-TTg) Nghệ An có 3 bệnh viện được “liệt” vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gồm: Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh. Đến nay (sau 10 năm) nhưng chỉ mới có Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh hoàn thành chương trình khắc phục, 3 đơn vị còn lại vẫn nằm trong “danh sách” của Quyết định 64.

Theo ông Hồ Sỹ Dũng – Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thì nhìn tổng thể, nước thải từ các bệnh viện được xử lý hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn. Đối với rác thải y tế, ở một số bệnh viện đã thực hiện phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên quá trình xử lý rác thải y tế chủ yếu chôn lấp hoặc dùng lò đốt xuống cấp, hư hỏng nên cũng đang gây ô nhiễm môi trường.

Như vậy, cái khó hiện nay trong xử lý đảm bảo môi trường tại các cơ sở y tế là thiếu nguồn vốn để đầu tư hệ thống xử lý chất thải bảo đảm tiêu chuẩn môi trường. Được biết, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2532/QĐ-UBND.ĐTXD, ngày 20/6/2013 về việc phê duyệt kế hoạch quản lý chất thải y tế giai đoạn 2013 - 2015. Đây là cơ sở để đưa việc quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế đi vào nền nếp, góp phần giảm thiểu sự phát sinh chất thải từ các cơ sở y tế ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, thông qua dự án “Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện” của Bộ Y tế từ vốn vay WB đã có 2 bệnh viện được chấp thuận triển khai dự án, đó là Bệnh viện Lao - Bệnh phổi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam. Riêng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã có dự án đầu tư hệ thống xử lý rác thải rắn y tế bằng công nghệ Châu Âu với mức đầu tư 5 tỷ đồng. Sở cũng đề nghị dự án ODA – Đức đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng cho 4 bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ chưa có hệ thống xử lý nước thải; đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí năm 2013 - 2014 để đầu tư xây dựng 12 lò đốt cho các bệnh viện đã bị hư hỏng hoặc chưa có lò đốt.... Về phía các bệnh viện cần chủ động xây dựng kế hoạch quản lý và xử lý chất thải của từng đơn vị trong khả năng có thể, có như vậy, môi trường trong các cơ sở y tế hy vọng sẽ được cải thiện tốt hơn.

Mai Hoa

Mới nhất
x
Khó trong xử lý rác thải y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO