Khoai deo Nghi Lộc

08/08/2013 18:18

(Baonghean) - Tôi tìm về đất khoai của huyện Nghi Lộc. Con đường cát trắng Nghi Trường năm xưa giờ đã bê tông hoá, nhà nhà mái ngói đỏ tươi xen lẫn mái bằng.

Bà Trần Thị Toản (63 tuổi), xóm 11, Nghi Trường đang ngồi sắp những củ khoai lang nảy mầm. "Chào bà, cháu nghe dân ở làng này nhắc đến bà một thời tình nguyện cung cấp khoai deo cho những gia đình nghèo. Cháu tìm về mong được nghe thêm câu chuyện về khoai deo quê mình...". Bà Toản cười hiền hậu: Đó là chuyện của ngày xưa. Thời ấy, củ khoai lang đã cứu cánh biết bao gia đình nghèo khổ. Khoai sau khi bới, củ ngon đem biếu người thân, còn lại đem luộc phơi khô, hoặc củ khoai đang tươi, rửa sạch cắt lát nhỏ phơi làm lương thực dự trữ những ngày đói. Xã Nghi Trường, nhà nào cũng có một chum khoai deo ăn dần.

Hồi đó, gia đình bà Toản đất đai nhiều nhất vùng. Đến vụ thu hoạch khoai đông, gầm giường nhà chất đầy khoai. Những củ khoai màu trắng, ruột vàng luộc lên bột nứt vỏ, ăn không khéo dễ nghẹn, vì thế, mỗi lần cả nhà ăn khoai đều có một ấm nước chè xanh để ăn cùng với khoai lang. Người dân còn có cách luộc khoai rồi đem phơi khô để ăn dần. Bà Toản được mẹ mình giải thích khoai deo là lương thực ăn dần, lúc đói chỉ việc lấy ra ăn không phải nấu nữa. Những đêm trăng sáng cả xóm quây quần ngoài sân tập trung cắt khoai. Có 2 kiểu cắt, cắt xéo dài và cắt tròn, mẹ bảo cắt khoai cũng phải khéo, đều miếng khoai, nếu không phơi sẽ miếng khô, miếng ướt, cất vô chum dễ hỏng.

Để có được những chum khoai deo, cũng khá tốn công. Vốn khoai trồng trên đất pha cát, củ nào củ nấy bột tơi. Những ngày mùa đông, mưa kéo dài, mẹ con bà Toản đi tìm từng thân tre to, đem về chẻ thành từng tấm đan thành phên, rải khoai lên phên hong trên bếp củi. Củi ướt mèm khói nhoè đôi mắt, mẹ con bà hong được vài mẻ khoai, mất cả đêm dài. Để có được một chum khoai phải thức suốt mấy đêm liền, mùi khói đượm vào từng miếng khoai.

Bà Toản kể chuyện, ánh mắt nhìn ra cõi xa xăm, gợi nhớ về một thời. Bộ đội ta hành quân qua làng, mẹ của bà đã đợi sẵn bên đường, trên tay là bọc khoai lang xéo và bao khoai deo biếu bộ đội. Anh lính trẻ người miền Bắc lần đầu được ăn khoai deo có vị ngòn ngọt, dai, thơm, vô cùng thích thú, nói lời vui: “Mẹ làm khoai deo ngon quá, hết chiến tranh con xin được làm rể mẹ để học cách làm khoai deo, mẹ nhỉ!”.



Bà Toản cùng chồng cắt khoai chuẩn bị đem phơi. Ảnh: T.H

Trong làng, ngày đó có gia đình chị Ngộ nghèo nhất xã. Khoai cũng không có ăn. Bà Toản ngày nào cũng giấu mẹ bốc khoai đem sang cho nhà chị Ngộ. Khi bị mẹ phát hiện, tưởng bị mắng, bù lại, được mẹ khen "con sống có tình thương yêu người nghèo.". Nhớ lần bão về, sau một đêm mưa lớn, nước ngập trắng đồng, những ngõ ngách làng quê. Khoai deo là thức ăn vô cùng quý lúc này. Người dân xắn quần qua đầu gối, í ới "nhà bên ấy có can chi không, có còn khoai deo nữa không", và trên tay là những túi khoai deo. Người dân Nghi Lộc sống chân tình, mộc mạc như vậy đấy!

Bà Toản ngày trẻ chân trần trên con đường cát trắng đèo thúng khoai deo ra chợ huyện (chợ Quán Hành) bán kiếm tiền đong gạo. Thời đó, nhiều người dân quê mang khoai deo đến chợ bán. Một dọc dài dọc con rạch nhỏ toàn hàng khoai deo, người ta còn gọi đùa “có lẽ thay đổi tên chợ thành chợ khoai deo”. Thời đó, bà Toản sáng nào cũng thức dậy từ tinh mơ, kiểm tra lốp xe đạp, cho khoai deo vào thúng, đậy ni lông cẩn thận để tránh nước mưa rơi vào, khoai bán không hết sẽ bị hỏng. Trưa chợ, bụng đói, bà bốc nắm khoai deo ăn một cách ngon lành, tựa lưng vào gốc cây ngủ một giấc đợi bán ở phiên chợ chiều. Giờ, khoai deo hiếm dần. Miền quê ngày ấy giờ vươn mình lớn dậy, đủ đầy. Người dân luôn nhớ lại những kỷ niệm xưa, một thời nghèo đói ắp đầy tình làng nghĩa xóm.

Nghi Trường mùa này không phải là mùa khoai nhưng ở đây nhiều gia đình vẫn có vài yến khoai tươi cất ở gầm giường. Khoai gắn bó với người dân từ khi nghèo đói, nên dù cuộc sống khấm khá con người vẫn không bỏ được khoai. Một năm, bà Toản trồng một vụ khoai đông xuân. Sau khi thu hoạch lúa (tháng 11 gặt lúa) là trồng khoai. Rơm rạ không chỉ giữ ấm trâu, bò trong những ngày giá rét, mà trở thành nguồn phân chuồng quý ủ trồng khoai, cho những luống khoai xanh tốt. Bà Toản chỉ vào những củ khoai nảy mầm phía dưới chân giường và nói: 'Khoai ni không bán, để làm giống cho mùa sau. Giờ không trồng nhiều như xưa, trồng ít mà chất lượng, củ nào củ nấy to, tròn, ruột vàng, ngọt, bùi, bán ra rất dễ".



Khoai deo Ảnh: P.V

Lan man chuyện khoai đất Nghi Trường, tôi lại nghĩ rộng hơn về món khoai xứ Nghệ đi vào câu hát “Khoai lang vàng xứ Nghệ, càng nhai kỹ càng bùi” (Thơ Huy Cận). Củ khoai mộc mạc, dân dã, gắn bó với người dân gió Lào cát trắng quê tôi, giúp người quê vượt qua những năm tháng đói nghèo. Không chỉ có khoai deo, người Nghệ còn có nhiều món đặc biệt có sự góp mặt của khoai nữa: khoai xéo, chè khoai, bánh khoai, khoai độn cơm... Không thể không nhớ về năm tháng tuổi thơ, cùng đám bạn ra đồng mót khoai mặc cho nắng cháy hoe mái tóc, mặc cho mưa lất phất trên đầu. Đi mót khoai sao mà thú vị, những củ khoai chẳng bao giờ nguyên củ, vậy mà đứa nào đứa nấy thật vui.

Quê tôi một nửa làng làm nghề đi biển, còn lại làm nông nghiệp nên một năm trồng một vụ khoai đông. Mẹ cũng trồng một sào khoai dọc đồng muối mặn. Mỗi mùa khoai về, nội rửa sạch từng củ khoai, cho đến lúc khoai vun thành đống to (chừng cả tạ), rồi cho vào bung luộc kỹ để làm khoai deo.

Mỗi sáng tôi thức giấc, đã thấy bàn tay già nua của nội trở những nhát khoai deo cho đều nắng. Chị em tôi mỗi lần đi học về, bụng đói cồn cào, ùa vào nhà nơi có chum khoai deo, bốc một nắm ăn một cách ngon lành.

Những ngày heo may, tôi lại nao nao nhớ về quê mẹ có vị khoai deo, cả nhà ngồi ăn ngon lành khi trời mưa gió... Ấy nên, người Nghệ dù ở đâu, làm gì thì vẫn không thể nào quên được hương vị quê nhà!


Thu Hương

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Khoai deo Nghi Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO