Khoảnh khắc không quên về ngày tiếp quản Thủ đô

01/10/2014 15:47

Khi đoàn văn công Tổng cục Chính trị hành quân vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đi giữa một rừng người với cờ hoa rợp trời và những gương mặt sao mà đẹp và rạng rỡ đến thế! Cảm giác lâng lâng sung sướng, tự hào, vinh dự ngập tràn của người chiến sĩ đi trong hàng ngũ ngày ấy khiến tôi ghi nhớ mãi trong lòng!”, Trung tá, NSƯT Nguyễn Mạnh Hà, chia sẻ.

Vợ chồng NSƯT Nguyễn Mạnh Hà - Nguyễn Thị Ngọc Xuyến.
Vợ chồng NSƯT Nguyễn Mạnh Hà - Nguyễn Thị Ngọc Xuyến.

Vinh dự cho cả hai vợ chồng NSƯT Nguyễn Mạnh Hà - Nguyễn Thị Ngọc Xuyến khi họ là hai trong số những nghệ sĩ của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị được vào tiếp quản Hà Nội đúng ngày 10/10/1954. Dù năm nay ông bà đã ngót nghét 80 tuổi nhưng cả hai vẫn còn rất minh mẫn, kể lại cho tôi nghe rất nhiều kỷ niệm đẹp trong cuộc hành quân bộ về tiếp quản Thủ đô cách đây 60 năm.

Ngày ấy, chàng thanh niên Mạnh Hà quê ở Phú Thọ, còn Ngọc Xuyến quê Bắc Giang, cả hai đều là diễn viên của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Khi nhận được lệnh về tiếp quản Thủ đô tháng 8/1954, lúc đó đoàn đang ở Thái Nguyên, hai người mới chỉ quen biết nhau, Mạnh Hà mới sang tuổi đôi mươi, còn cô gái Ngọc Xuyến lúc đó cũng mới 17 tuổi.

Sau Hiệp định Giơ ne vơ, lần đầu tiên tổ chức Đại hội diễn toàn quân, Tổng cục Chính trị đã quyết định thành lập 3 đoàn văn công: Một đoàn về các tỉnh đồng bằng phía Bắc, một đoàn vào Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón đồng bào tập kết, Mạnh Hà và Ngọc Xuyến thuộc đoàn Tổng cục về tiếp quản Hà Nội.

Ngay sau khi đại hội kết thúc, đoàn bắt đầu hành quân bộ về Hà Nội, khi tới Phùng thì dừng lại và ở đó suốt 2 tháng để làm các công tác chuẩn bị cả về vật chất lẫn tinh thần, chờ ngày vào tiếp quản Thủ đô. Vì là đoàn văn công nên phải chuẩn bị các tiết mục để biểu diễn chào mừng ngày giải phóng như múa sạp, múa nón, kéo pháo… với tinh thần mang văn hóa nghệ thuật cách mạng đến với nhân dân Thủ đô.

Đoàn văn công Tổng cục Chính trị vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp
Đoàn văn công Tổng cục Chính trị vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp

Khi nghe lệnh được về tiếp quản Thủ đô, không chỉ những người trẻ như Mạnh Hà, Ngọc Xuyến mà cả đoàn ai cũng háo hức vì rất nhiều trong số đó, chưa được đặt chân đến Hà Nội.

Hồi tưởng lại quá khứ với niềm hân hoan lộ rõ trên khuôn mặt, cả hai vợ chồng NSƯT Nguyễn Mạnh Hà vui vẻ chia sẻ những kỷ niệm vui ngày vào tiếp quản Hà Nội: Hồi đó, chúng tôi chưa ai biết cuộc sống ở thành thị ra sao, lại có cái ngây ngô của tuổi trẻ nên rất háo hức và có nhiều kỷ niệm vui. Lần đầu tiên được tới Thủ đô, tôi rất ấn tượng trước vẻ đẹp của các thiếu nữ trong bộ áo dài, cũng là lần đầu tiên được ăn kem nên thích lắm. Thấy mọi người thích thú và háo hức, mà công tác chuẩn bị vào tiếp quản lại rất quan trọng nên anh chỉ huy cứ dặn đi dặn lại chúng tôi: Khi vào nội thành “không được dán mũi vào cửa kính”, không được làm gì ảnh hưởng đến đời sống của dân, kể cả không ăn, uống ở nhà dân, cũng không được mua sắm bất cứ thứ gì trong suốt 6 tháng đầu để giữ hình ảnh đẹp cho quân đội.

Sau khi đã chuẩn bị tươm tất, sáng 9/10/1954, cả đoàn bắt đầu lên đường vào tiếp quản. Trước khi đi, mỗi người được phát một bộ quân phục mới, ai cũng ăn mặc chỉnh tề, đẹp đẽ. Cảm giác vô cùng sung sướng và tự hào khi đi đến đâu cũng đều gặp người dân cầm cờ ra đón. Đến 2 giờ chiều, đoàn vào đến chùa Hà và nghỉ ngơi ở đó. Khoảng 19 giờ, có mấy chiếc xe bọc kín đến để đón cả đoàn đưa vào trong phố.

Đi tới Cầu Giấy thì nghe thấy tiếng leng keng, Mạnh Hà giật mình vén rèm cửa ra xem, thì thấy hai khối đen to lù lù đang đi tới, hỏi ra mới biết đó là tàu điện, cũng là lần đầu tiên anh nhìn thấy tàu điện. Trước khi về đến Hà Nội, vì trời mưa nên Mạnh Hà rất lo lắng, sợ không có trăng, vì nghĩ không có trăng mà vào thành phố ban đêm thì làm sao thấy đường mà định hướng được. Thế nhưng khi vào nội thành, anh tròn mắt ngạc nhiên vì đang giữa đêm mà đường phố lại sáng choang, thì ra là Hà Nội có điện, có đèn chiếu sáng…

NSƯT Mạnh Hà nhớ lại: “Khi xe chở đoàn đi đến cổng thành phía Nam, có một chiếc xe con từ đằng trước đi lại, đó là xe chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thấy xe của đoàn văn công thì liền dừng lại. Mọi người vẫn nhớ, lúc đó Đại tướng xuống hỏi: “Có phải xe của đoàn văn công không?” anh em trả lời “Đúng ạ!”, lúc đó Đại tướng rất vui bảo: “Cứ tìm nhà nào đẹp nhất mà nghỉ”. Mọi người đều cười rộ lên vui vẻ. Sau đó, chúng tôi vào một ngôi nhà rất to đẹp trải chiếu, mắc màn để nghỉ qua đêm. Đó là đêm đầu tiên, được ngủ ở Hà Nội nên cả đoàn ai cũng trằn trọc không sao ngủ được.

Ngày 10/10, chúng tôi lại lên ô tô để đón đại quân vào tiếp quản Thủ đô trong rực rỡ các băng rôn, khẩu hiệu chào mừng. Khi đi qua một cái hồ rất đẹp, tôi quay sang hỏi nhạc sĩ Văn Chung: “Đây là hồ gì?”, nhạc sĩ Văn Chung cười bảo “Hồ Hoàn Kiếm đấy”. Lúc đó, tôi mới nhận ra đó là Hồ Gươm, ở giữa hồ là một tháp Rùa nhỏ hơn so với tưởng tượng của tôi”, NSƯT Mạnh Hà vui vẻ kể lại.

Sau khi đón đại quân, đoàn chúng tôi cùng tiến vào sân vận động Cột Cờ (lúc đó gọi là sân Măng Gianh). Đến 15 giờ, nghi lễ chào cờ được tiến hành, và chúng tôi cùng lắng nghe đọc thư của Bác Hồ.

Tiếp lời chồng, bà Xuyến kể, từ ngày 11/10/1954, đoàn văn công bắt đầu những buổi biểu diễn đầu tiên ở Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy điện Yên Phụ. Nhất là buổi diễn ở nhà Đấu Xảo, người dân đến xem rất đông, ai cũng quý, cũng thương bộ đội, không khí rất vui vẻ và đầm ấm. Đó cũng là lần đầu tiên biểu diễn xong được tặng hoa, lần đầu tiên biểu diễn trước những con người Hà Nội duyên dáng, xinh đẹp và lịch lãm. Khi ấy dân cư Hà Nội cũng không đông như bây giờ nên rất dễ lạc nếu không biết đường. Nhưng khi hỏi đường thì ai cũng chỉ dẫn rất tận tình, thậm chí còn đưa đến tận nơi. Không chỉ thương bộ đội, yêu cách mạng, người Hà Nội thời đó còn rất lịch sự và tốt bụng với nhiều phẩm chất đáng quý.

“Tôi đã sống ở Hà Nội 60 năm, chứng kiến mảnh đất này đổi mới từng ngày, đời tôi cũng có rất nhiều thứ đáng nhớ, nhưng kỷ niệm về Hà Nội những ngày đầu giải phóng luôn khiến trái tim tôi rung lên xúc động mỗi khi được nhắc tới, đó là những tháng ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi”, NSƯT Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Theo Tintuc

Mới nhất
x
Khoảnh khắc không quên về ngày tiếp quản Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO