Khơi dậy nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm

30/12/2013 17:15

(Baonghean) - Từ xa xưa, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương đã được biết đến với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay nghề này đang rơi vào giai đoạn khó khăn, “thoái trào”.

Theo lời các bậc cao niên trong xã kể lại, xưa kia khi qua phà Đô Lương, đi dọc Quốc lộ 7 hướng về Anh Sơn, dọc bãi ven sông Lam của xã Đặng Sơn bao giờ cũng xanh ngát một màu, bãi dâu tươi tốt đã tạo nên một phong cảnh đẹp hữu tình, nên thơ. Nhờ nguồn phù sa của dòng sông Lam, vùng đất bãi của Đặng Sơn luôn màu mỡ, tạo nên sức sống mãnh liệt của cây dâu. Chính bãi dâu đã làm cho cuộc sống người dân Đặng Sơn luôn sôi động, cái nghề “ăn cơm đứng” luôn hấp dẫn người dân Đặng Sơn, trở thành một nghề đem lại nguồn thu nhập chính của đa số người dân nơi đây.

Sản phẩm sợi tơ tằm ở làng nghề   Xuân Như (Đặng Sơn - Đô Lương)  Ảnh: Lương Mai
Sản phẩm sợi tơ tằm ở làng nghề Xuân Như (Đặng Sơn - Đô Lương) - Ảnh: Lương Mai

Những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi tiếp tục được người dân gìn giữ, phát triển. Sản phẩm tơ tằm của Đặng Sơn tiếp tục được tiêu thụ khắp các vùng miền của đất nước. Xưởng ươm tơ của xã bao giờ cũng tấp nập người vào ra, có gia đình mỗi tuần dù ươm thủ công cũng ươm được không dưới 10 kg tơ tằm. Tuy nhiên, trong xu thế mở cửa, hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế, khi mà các sản phẩm vải vóc, quần áo giá rẻ nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường thì nghề dệt vải trong nước gặp nhiều khó khăn, hệ luỵ là thị trường tơ tằm bất ổn, giá cả biến động thất thường, có khi tơ tằm sản xuất ra không tiêu thụ được.

Tình trạng này kéo dài đã làm cho người trồng dâu, nuôi tằm chán nản, nhiều hộ đã bỏ nghề để chuyển sang làm việc khác. Nhiều hộ dân dù vẫn trồng dâu, nuôi tằm nhưng không phải để ươm tơ, kéo sợi mà để… bán tằm làm thực phẩm. Nếu như trước đây, hầu hết các hộ dân ở Đặng Sơn đều trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ thì hiện tại toàn xã Đặng Sơn chỉ còn 95 hộ trồng dâu, nuôi tằm, trong số đó chỉ có 11 hộ ươm tơ, kéo sợi. Để vực dậy nghề truyền thống này, theo nguyện vọng của nhân dân, xã Đặng Sơn và huyện Đô Lương đã lập đề án và đã được UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định công nhận làng nghề ươm tơ, kéo sợi Xuân Như năm 2005.

Những tưởng khi được công nhận làng nghề, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi ở Đặng Sơn sẽ được khơi dậy, phát triển mạnh mẽ, nhưng trên thực tế, sự chuyển biến không như mong đợi. Khi được hỏi về nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi, ông Mai Văn Thái, Trưởng ban Nông nghiệp xã Đặng Sơn cho biết: “Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi của Đặng Sơn có từ xa xưa, từ năm 1990 về trước, đa số người dân Đặng Sơn đều trồng dâu, nuôi tằm. Khoảng 20 năm trở lại đây, nhất là từ khi xã chủ trương ngừng hoạt động xưởng ươm tơ của xã do làm ăn thua lỗ và thực hiện chia đất bãi cho dân theo Nghị định 64 thì nghề này bắt đầu phát triển cầm chừng, người dân không còn mấy mặn mà với nó”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi vẫn là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân mỗi vụ sản xuất trong 10 tháng, thu nhập từ nghề nuôi tằm, ươm tơ của mỗi hộ đạt từ 10 đến 30 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Ông Trần Văn Đông, công dân xóm 3, xã Đặng Sơn, một hộ nuôi tằm, ươm tơ lâu năm cho biết: “Vụ nuôi tằm, ươm tơ năm 2013, gia đình tôi nuôi 10 lứa tằm và thu mua kén để ươm tơ, sau khi đã trừ chi phí gia đình còn lãi gần 30 triệu đồng, trong đó ươm tơ lãi 20 triệu đồng. So với chăn nuôi lợn, chăn nuôi tằm lãi gấp 9-10 lần”.

Thiết nghĩ, việc mở rộng, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi ở Đặng Sơn là một việc làm cần thiết, nó vừa cho phép khai thác tối đa tiềm năng của vùng đất bãi ven sông Lam của xã, khai thác triệt để nguồn lao động nhàn rỗi, vừa tăng thu nhập cho nông dân. Về lâu dài, để làng nghề Xuân Như phát triển bền vững, có chỗ đứng ổn định trên thị trường, chính quyền các cấp cần thiết phải hỗ trợ để xây dựng thương hiệu “tơ tằm Xuân Như”. Hy vọng, trong một tương lai không xa, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi ở Đặng Sơn sẽ lại phồn thịnh như nó đã từng có, tạo sức lan toả, kích thích các xã ven sông Lam còn lại của huyện Đô Lương phát triển nghề này, góp phần thực hiện chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi hệ thống cây trồng trên địa bàn Đô Lương.

Trần Văn Long

(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đô Lương)

Mới nhất
x
Khơi dậy nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO